Thương lái Trung Quốc “giết” nông sản Việt bằng cách nào?
Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua những thứ dị biệt đã không còn là chuyện hiếm, đã nhiều lần người dân phải “ngậm đắng nuốt cay” bởi cách thu mua này. Thế nhưng, tình trạng thu mua kiểu lạ đời của thương lái Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Thương lái Trung Quốc “giết” nông sản Việt bằng cách nào?
Không mấy ngày, trên các phương tiện truyền thông đại chúng không có tin thương lái Trung Quốc mua nông sản Việt Nam bằng những cách rất dị biệt: Từ đỉa đến hồ tiêu, nụ hoa thanh long, lá mãng cầu, cau non…
Và hiện nay đang là cam non thái lát phơi khô. Không ai biết họ mua những thứ đó để làm gì? Người đoán nọ, người đoán kia: Như mua hoa thanh long về làm thuốc, mua cau non về cũng là để làm thuốc… cường dương.
Nhiều người ham lợi đã bỏ ra số tiền cực lớn để thu mua, gom vào một số hàng rất lớn. Nhưng rồi thương lái Trung Quốc nhanh chóng biến mất, để lại cho những người mua gom những “trái đắng” khổng lồ. Qua nhiều thương vụ như vậy, mới đây, nhiều nhà kinh tế đã tổng kết thành quy luật về hành trình thu mua nông sản của những thương lái Trung Quốc trên.
Thương lái Trung Quốc thu mua chuối lùn (không non, không già) tính cân theo từng buồng.
Nguyên tắc chung của các “tay buôn” Trung Quốc chính là: Tung tin đồn, đẩy giá cao và mua số lượng lớn; mua không cần chú ý đến chất lượng, nhiều khi còn yêu cầu nông dân “pha tạp” sản phẩm. Hậu quả để lại là một bộ phận thương lái trung gian Việt Nam mất trắng tiền do sau khi gom đủ hàng thì thương lái Trung Quốc “biến mất”, còn người nông dân thẫn thờ khi “bờ xôi ruộng mật” của họ nay xơ xác vì bị tận thu. Thậm chí, người dân và thương lái nước ta lại mua hàng chính mình đã bán ra trước đó giống như vụ thu mua đỉa đã từng xảy ra. Về phía người nông dân, hầu như tất cả các “thương vụ” mua bán, người nông dân đều không quan tâm đến và cũng không biết thương lái nước ngoài thu mua để làm gì. Chỉ biết rằng, do “giá hời” nên người nông dân vẫn bất chấp.
Nông dân ồ ạt vặ cau non bán cho thương lái Trung Quốc.
Lấy hồ tiêu làm ví dụ chẳng hạn.
Giai đoạn 1: Những thương lái trên sẽ tung tin đồn cần mua một lượng hồ tiêu rất lớn, với mức giá ban đầu đưa ra khá cao, khiến nhiều người ham lợi đi thu gom. Tiếp theo, họ mua một lô hàng khoảng một vài trăm tấn, với giá 175-180 ngàn đồng/kg. Sau đó đặt mua thêm một ít với giá 185 ngàn/kg, đặt cọc một ít tiền với yêu cầu “mua nhanh, lấy ngay”.
Từ đó, tiếng đồn lan ra, nhiều người ham lợi sẽ tung ra một lượng tiền rất lớn để đi gom loại hàng này, vì giá 185 ngàn/kg do thương lái Trung Quốc đặt mua cao hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Giai đoạn 2: Những thương lái trên sẽ thổi giá đặt mua hồ tiêu lên mức… trên trời, nhưng lại không mua ngay. Vì hám lợi, nhiều người càng đổ tiền để gom hồ tiêu, chất đống lại chờ thương lái Trung Quốc.
Video đang HOT
Giai đoạn 3: Đây chính là giai đoạn thương lái Trung Quốc mang số hồ tiêu mà họ đã mua ở giai đoạn 1 ra bán lại cho chính… những người Việt đang đi mua gom hồ tiêu, với cái giá xấp xỉ giá mà họ đã thổi lên đó. Kết quả là họ kiếm được một món chênh lệch không nhỏ. Họ ôm khoản chênh lệch đó và… biến mất.
Hậu quả là hàng trăm người ngồi nhìn đống hồ tiêu chất ngất trong nhà mà không biết giải quyết cách nào. Đã trót thu gom với giá cao rồi, giờ bán lại cho thị trường thì lỗ nặng, mà cũng không bán được. Tiền mua gom hồ tiêu phần lớn là tiền vay ngân hàng. Để ngày nào chịu lãi ngày nấy. Hồ tiêu còn có hy vọng bán được, dù chịu lỗ, nhưng còn những nông sản khác như nụ hoa thanh long, lá mãng cầu, hay cam non thái lát phơi khô… thì đành đổ đi chứ bán cho ai.
Hầu như tất cả các “thương vụ” mua bán dị biệt, người nông dân đều không quan tâm đến và cũng không biết thương lái nước ngoài thu mua để làm gì. Chỉ biết rằng, do “giá hời” nên người nông dân vẫn bất chấp.
Nghe có vẻ không liên quan nhưng những trò bịp của thương lái Trung Quốc không khác nhiều so với “bài toán làm giá chứng khoán” mà chính thị trường Trung Quốc từng “té ngửa” vào năm 2007. Theo thông tin từ Đài truyền hình Việt Nam cho thấy, một công ty có tên Zhong Hen Xin đã thành thạo trong việc “làm giá chứng khoán” khi công ty này tranh thủ giai đoạn thị trường chứng khoán đang nóng để “bơm tiền mua chứng khoán, bơm thông tin ảo” để đánh lừa các nhà đầu tư kéo nhau đi mua rồi đột ngột tung ra bán với giá cao kiếm lời trong khi thị trường “tuột dốc không phanh”.
Như vậy, động cơ này được thương lái “tái sử dụng” tại thị trường nông sản Việt Nam. Một mặt, các thương lái tung tin mua nông sản giá cao để thu hút sự chú ý của nông dân và các thương lái trung gian. Từng bước một, thương lái Trung Quốc đẩy giá lên cao để việc thu mua nông sản của các thương lái trung gian trở nên mạnh hơn. Mặt khác, các thương lái đi “cửa sau” để bán chính sản phẩm mình đã mua để kiếm lời từ chênh lệch giá, rồi sau đó “thoát hiểm” dễ dàng.
Hiện nay, cam non thái lát phơi khô ở đồng bằng sông Cửu Long đang bị thổi giá lên rất cao, khả năng những người thu gom sẽ gặp cảnh đó là rất lớn. Mục đích của những thương lái Trung Quốc kia không có gì khác là làm nhiễu loạn thị trường nông sản Việt Nam, và kiếm lợi trên sự nhiễu loạn đó.
Ngoài ra, mục đích phá hoại nền nông nghiệp Việt Nam cũng khá rõ: Thanh long bị bứt nụ, cam bị vặt non… sẽ khiến cho hàng trăm hàng ngàn ha thanh long, cam mất mùa. Điều đáng ngạc nhiên là, khi được báo chí hỏi, thì nhiều cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chức năng ở những địa phương đó thường mới “chỉ nghe nói” và hứa “sẽ kiểm tra”….
Ở một khía cạnh khác, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho đội ngũ thương lái nước ngoài bởi vẫn có những thương lái vào Việt Nam đầu tư với mục đích tốt, làm ăn giao thương chân chính và có đăng ký hợp pháp, mua bán nông sản theo hợp đồng cụ thể. Chính sự hám lợi trước mắt của đội ngũ thương lái trong nước đã “tiếp tay” cho ý đồ “thao túng” thị trường của thương lái nước ngoài. Lợi trước mắt nhưng hậu quả lâu dài thì người nông dân, thương lái trong nước lãnh đủ, sâu xa hơn là ảnh hưởng nghiêm trọng quy hoạch của ngành. Bài học về khoai lang tím đối với người dân tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nguyên giá trị.
Đến tận bây giờ nhiều người dân Việt Nam sẽ không quên được bài học về ốc bươu vàng khi chúng ta nhập khẩu loại động vật thân mềm này vào nước ta từ Trung Quốc với hy vọng đây sẽ là một giống vật nuôi có thể giúp người dân nhanh chóng nâng cao hiệu quả kinh tế thu lợi lớn. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, con vật này đã trở thành kẻ thù số một của nghề nông Việt Nam.
Những tưởng sau những cú lừa trên cơ quan chức năng sẽ tỉnh táo hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động mua bán có tính chất phá hoại từ phía thương nhân Trung Quốc, nhưng những vụ việc mua bán mang tính chất phá hoại như mua sừng, móng của trâu bò (để phá hoại sức kéo), mua rễ cây chè cổ thụ ở Hà Giang (mục đích người dân chặt phá loại chè tuyết hàng trăm năm tuổi, một đặc sản của vùng đất này), rồi chưa kể những vụ việc như mua lá điều khô hay mua đỉa…
Thương lái Trung Quốc thu mua chuối lùn (không non, không già) tính cân theo từng buồng.
Thị trường bị lũng đoạn vì thương lái Trung Quốc
Có thể nói trong những năm gần đây, người Trung Quốc sang nước ta mua khá nhiều mặt hàng với mục đích và động cơ không rõ ràng. Từ 10 năm trước, thứ mà thương lái Trung Quốc thường mua là móng trâu, móng bò, vài năm gần đây là đỉa, lá điều khô, lá vải khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi, mấy tháng qua họ chuyển sang mua nhiều nhất là lá khoai mì, lá khoai lang với số lượng lớn và được thu mua với giá rất cao, sau khi nông dân ồ ạt trồng, ồ ạt bán thì thương lái lại không mua nữa.
Cho đến thời điểm này các mặt hàng mà thương lái Trung Quốc thu mua chưa chứng minh được lợi ích về mặt ý nghĩa kinh tế, chúng ta không hiểu họ mua những sản phẩm đó để làm gì.
Tuy nhiên với kiểu làm ăn buôn bán như thế đã gây ra những tác hại không hề nhỏ đối với nền kinh tế nông nghiệp nước ta.
Thông tin trên báo Dân Việt, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng việc thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua các mặt hàng nông sản theo kiểu quái lạ cùng rất nhiều mánh khóe, chiêu trò là “hành động phá hoại nền kinh tế nước nhà”.
Tôi nghĩ phản ứng của các bộ ngành trước những chiêu trò kỳ quái của thương lái Trung Quốc là rất chậm và chưa quyết liệt. Chính vì vậy thương lái Trung Quốc mới có cơ hội diễn đi diễn lại những chiêu trò cũ và người nông dân vẫn bị lừa như thường.
Điều đó cho thấy đang có lỗ hổng lớn trong công tác quản lý điều hành tổ chức thị trường của các bộ ngành liên quan, sự kiểm soát thiếu chặt chẽ của các địa phương. Chúng ta cần phải có báo cáo chi tiết hàng năm về những hoạt động bất thường của thương lái Trung Quốc.
Cần phải giám sát chặt chẽ việc người Trung Quốc vào lãnh thổ nước ta đi theo hình thức nào, có giấy phép, có phải thương nhân hay không, có quyền được thực hiện các giao dịch mua bán trực tiếp với người dân hay không và thông qua hình thức hợp đồng như thế nào?..”.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Ưu tiên dự báo thị trường nông sản
ĐBQH đề nghị Chính phủ cần ưu tiên hiện đại hóa nông nghiệp, trước mắt ưu tiên dự báo thị trường để người nông dân yên tâm sản xuất đảm bảo sản phẩm hàng hóa làm ra có nơi tiêu thụ.
Tránh tình trạng đầu tư tràn lan
Đặt vấn đề về vai trò định hướng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương với việc sản xuất nông sản, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi: Trách nhiệm, vai trò của chính quyền, của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu mà để lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm? "Bây giờ người ta đang nói nhiều về cây mắc ca, nhiều nơi đang trồng ồ ạt. Liệu có lặp lại tình trạng làm nhiều nhưng không có đầu ra? Liệu mắc ca có rơi vào tình trạng như khoai lang, hành tím nữa không?" - ĐB Đương đặt câu hỏi.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi về vai trò của cơ quan nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng nông sản ế ẩm. Ảnh: Như Ý
Cùng chung đánh giá, ĐB Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) thẳng thắn, đầu ra cho nông sản không phải là vấn đề mới. Giải pháp cũng đã có nhưng vẫn không thoát được điệp khúc được mùa mất giá. "Cần có dự báo và cập nhật nhu cầu thị trường cả nội thương và xuất khẩu để làm căn cứ, định hướng quy hoạch, hướng dẫn sản xuất. Bên cạnh đó, việc kiểm tra thực hiện quy hoạch phải có hiệu quả, việc quản lý điều hành sản xuất phải được thực hiện tốt hơn, tránh đầu tư tràn lan nhưng không gắn với thị trường" - ĐB Bình kiến nghị.
Cùng chủ đề này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Năm nào chúng ta cũng được nghe điệp khúc "được mùa rớt giá". Điều này gây bức xúc cho người nông dân. Từ đó, ông Vinh đưa ra nhận định: Mặc dù đã có đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng việc thực hiện vẫn còn lúng túng trong tổ chức sản xuất, việc hình thành các mô hình, chuỗi liên kết còn hạn chế. "Chính phủ cần ưu tiên hiện đại hóa nông nghiệp, trước mắt ưu tiên dự báo thị trường để người nông dân yên tâm sản xuất đảm bảo sản phẩm hàng hóa làm ra có nơi tiêu thụ"- ĐB Vinh đề nghị.
Sự khôn ngoan của người nông dân đã đủ?
Nhiều ĐB đã tỏ ra nóng ruột với tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, sau khi chỉ ra những bất cập, hạn chế của đề án này. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, việc thực hiện đề án này vẫn còn trong tình trạng loay hoay, chưa xoay xở được gì nên người nông dân vẫn phải chịu cảnh trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải lo đến giá cả và nơi tiêu thụ. "Các nhà chuyên môn có khuyến cáo là người nông dân phải khôn ngoan hơn trong quyết định chọn lựa vật nuôi, cây trồng, đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Nhưng họ không được tham gia quyết định giá cả của sản phẩm mà họ làm ra, như vậy, sự khôn ngoan của người nông dân đã đủ lực để giải quyết vấn đề này hay chưa?" - ĐB Bé bày tỏ.
ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá Chính phủ đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ tín dụng nhằm hỗ trợ nhân dân mua máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. "Tuy nhiên, quá trình thực thi còn những hạn chế. Nguyên nhân chính do một số quy định về vay vốn không phù hợp. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp sản xuất áp dụng công nghệ cao"- ĐB Công phân tích.
Góp ý vào giải pháp để tạo ra đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) khẳng định cần hoàn thiện văn bản về ứng dụng nâng cao phát triển công nghệ cao để nâng giá trị ngành nông nghiệp. Theo ĐB Vở, đến nay đã qua 4 kỳ họp, tức 2 năm trôi qua nhưng vẫn chưa ban hành được cơ chế chính sách để thúc đẩy vấn đề này. "Theo tôi, để giải quyết tiêu thụ nông sản, chúng ta phải giải quyết việc xây dựng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời Bộ NNPTNT cần phối hợp các bộ, ngành khác hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, như thế mới đạt hiệu quả"- ông Vở nhấn mạnh.
Trước một số vấn đề còn tồn tại, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giải đáp: Đối với vấn đề hỗ trợ ngư dân, Chính phủ đã triển khai các chính sách theo Nghị định 67. Chính sách hướng đến 2 mục tiêu chính: Đó là khuyến khích ngư dân bám biển và tổ chức sản xuất nghề cá trên biển. Theo Phó Thủ tướng, khi thiết kế chính sách 67, Chính phủ đã định hình nhiều nội dung khá đồng bộ, toàn diện như: Đầu tư hạ tầng với định hướng đồng bộ, kể cả các cảng cá, khu tránh trú neo đậu tàu thuyền; khuyến khích tổ chức sản xuất, hậu cần nghề cá; miễn giảm thuế, lệ phí trước bạ, hỗ trợ duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ chi phí cho vay lãi suất, vận hành tàu dịch vụ nghề cá, hỗ trợ tàu nâng cấp, đóng mới... "Có thể nói các chính sách này đã đi đúng hướng"- ông Ninh khẳng định
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân- Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: 4 yếu điểm của ngành nông nghiệp
Phát biểu tại nghị trường, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (Bắc Giang) cho rằng: Hơn 20 năm qua, năng suất cây, con đã tăng lên, sản lượng gạo, tiêu, điều, cao su tăng lên. Tuy nhiên, hiện có tới 4 bất cập tồn tại trong ngành nông nghiệp, đó là: Được mùa rớt giá; thiếu vốn; thu nhập nông dân thấp vì 47% lao động mà chỉ đóng góp 19% giá trị GDP, tức bằng 1/3 lao động trong công nghiệp; xuất khẩu không ổn định.
Theo ông Nhân, hiện có sự không tương thích giữa quan hệ sản xuất và lao động trong nông nghiệp, bởi đa số doanh nghiệp trong nông nghiệp có quy mô nhỏ. Cụ thể, nước ta có hơn 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có tới 80% số hộ có diện tích canh tác dưới 1ha. Cả nước có 4 triệu hộ nuôi lợn thì có 70% số hộ nuôi dưới 5 con, 7 triệu hộ nuôi gà thì có 60% nuôi dưới 49 con. Lực lượng chủ đạo của 10 triệu hộ với 2 lao động/hộ, hầu hết không qua đào tạo nghề. "Để liên kết các hộ, chúng ta đã hình thành các hợp tác xã, nhưng do chưa nhận thức đầy đủ nên hợp tác kinh tế chưa đầy đủ, cả nước có 10.000 HTX, nhưng chỉ có 10% hoạt động có hiệu quả. Chính vì thế, phần lớn các hộ xã viên bán sản phẩm không biết bán cho ai, bán để làm gì"- ông Nhân đánh giá. Ông Nhân cho rằng, các hộ đơn lẻ, cá thể không thể nghiên cứu, dự báo thị trường, chúng ta đòi hỏi nông dân phải sản xuất theo thị trường nhưng nông dân không thể biết đó là bao nhiêu, mà chỉ có HTX và doanh nghiệp mới thực hiện được; cho nên chỉ có liên kết thành HTX mới giải quyết được. Với 10 triệu hộ nông dân, chúng ta cần hình thành 30.000-33.000 HTX.
ĐBQH Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ KHĐT : Đừng phê phán FDI
"Chúng ta không nên phê phán quá nhiều đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thực tế rất nhiều nước cũng muốn thu hút FDI. Chúng ta thử hình dung, nếu không cho FDI vào, kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như Samsung, chỉ một dự án họ đã giải ngân 11,3 tỷ USD và thu hút tới 400.000 lao động. Họ xuất khẩu sản phẩm chiếm tới 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đầu tư phát triển doanh nghiệp trong nước,. Bản thân tôi làm việc với các doanh nghiệp FDI, họ cũng rất muốn các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp các thiết bị phụ trợ, bởi như Samsung nếu họ thấy đầu tư vào Việt Nam mà không có các doanh nghiệp như vậy, họ cũng thấy không có hiệu quả. Vì đầu tư vào Việt Nam nhưng vẫn phải nhập các sản phẩm phụ trợ từ Hàn Quốc, thì họ đầu tư làm gì".
Ngọc Lê (ghi)
Theo_Dân việt
Rau an toàn vẫn "bí" đầu ra Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, hiện diện tích trồng rau an toàn (RAT) của TP Hà Nội đã đạt hơn năm nghìn ha và sản lượng đáp ứng gần 100% nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Nhưng có một nghịch lý mà theo người nông dân Hà Nội cho biết thì RAT do chính họ làm...