Thương lái thuê côn đồ đe dọa, ép giá nông dân
Chưa kịp vui mừng khi đến lúc thu hoạch dưa hấu, chủ dưa đã bị một số thương lái thuê côn đồ ép bán giá rẻ, đồng thời uy hiếp và “làm luật” với thương lái khác đến mua dưa hấu tại bãi bồi giữa lòng sông Trà Khúc.
Nông dân “đắng lòng”
Vào những ngày giữa tháng 3, dòng sông Trà khô hạn vì nắng gắt kéo dài. Đây cũng là thời điểm hơn 100ha trồng dưa hấu đến lúc thu hoạch. Thế nhưng, có 2 thương lái “máu mặt” đến vựa dưa để “xí chỗ”, kèm theo đó có sự xuất hiện của nhóm côn đồ canh lối vào bãi dưa hàng ngày.
Vị trí nhóm côn đồ ngồi gác cổng (dấu tròn màu đỏ) và một số tên khác đi nắm tình hình bên trong
Nhận thông tin về vụ việc, PV Dân trí tìm đến giữa vựa dưa hấu ở thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh. Ngay từ con dốc đổ xuống ruộng dưa, có sự hiện diện của nhóm thanh niên tụ tập ăn nhậu, đánh bài từ lúc 6h00 đến 17h00 hàng ngày với nhiệm vụ “cấm cửa” những thương lái đến mua dưa hấu.
Khi đối mặt với PV, nhóm thanh niên chặng đường hỏi: “Đi đâu đó?”. Sau vài giây quan sát nhóm thanh niên cởi trần khoe hình xăm đầy “ma lực”, PV đáp: “Đi vào gặp người quen cho dưa về ăn, có chuyện gì không?”, nhóm thanh niên nói: “Vào thì được, chứ mua dưa thì bị chém chết, biến vô đi”. PV im lặng và chạy vào nơi người dân đang bức xúc.
Nông dân Nguyễn M.Đ cho biết: “Bọn chúng vác mã tấu vào đến tận chòi canh dưa của chúng tôi, nói rất nhỏ nhẹ là “không được bán dưa cho ai, có ai hỏi thì phải được tao cho phép, nếu không thì cánh tay hoặc cái chân lìa khỏi người…”, rồi bọn chúng lấy mã tấu chém nát một trái dưa. Kể từ đó, bọn chúng ngồi đầu ngõ canh và không cho ai vào mua.”
Theo ghi nhận, nhóm thanh niên trên có mặt ở bãi dưa từ ngày 14/3 đến thời điểm PV tiếp xúc với người dân vào ngày 16/3. Giá dưa ban đầu dao động từ 8.500-9.000 đồng/kg, trong chiều 16/3, nhóm thanh niên đã “ép” 2 hộ dân bán với giá 8.300 đồng/kg.
Cánh đồng dưa vắng người vì nhóm côn đồ
Trước sự việc bất bình này, PV Dân trí liên lạc ngay với lãnh đạo UBND và Công an huyện Sơn Tịnh bố trí lực lượng hỗ trợ người dân. Đồng thời, PV cùng một số nhà báo khác chạy đến vị trí nhóm thanh niên hỏi mua dưa. Sau đó, có hai thanh niên đến vị trí PV và người dân, lấy số điện thoại để hẹn gặp ở một quán cà phê và ra giá bán dưa, giá bảo kê.
Khoảng 16h30 cùng ngày 16/3, nhóm thanh niên gặp chúng tôi ở một quán cà phê thuộc khu vực Thị trấn Sơn Tịnh (huyện Sơn Tịnh), chúng ra giá bán dưa là 8.500 đồng/kg, giá bảo kê với 5 triệu đồng/container (gọi tắc là “công”). Chúng tôi thống nhất “chung chi” 3 công giá 15 triệu đồng và giá mua dưa thông qua một người cầm đầu tên Dũng.
Phóng viên vào vai thương lái
Đến đầu giờ chiều, PV liên lạc với tên Dũng hẹn “chung chi” 15 triệu và thống nhất thời gian hái dưa. Tên Dũng đồng ý hẹn gặp ở bãi dưa. Qua sự phối hợp với cơ quan điều tra, Công an huyện Sơn Tịnh cung cấp cho PV 15 triệu để tiến hành giao dịch, đồng thời bố trí lực lượng bao vây vựa dưa nhằm tóm gọn đối tượng cùng đồng bọn.
Dưa chín héo trên đồng nhưng nông dân vẫn chưa bán được
Khi đã có mặt tại điểm hẹn vào khoảng 16h00, PV gọi điện cho tên Dũng nhưng đối tượng đã tắt máy. Qua trinh sát, nhóm thanh niên trên huy động khoảng 30 người đến đe dọa nông dân vào buổi sáng. Điều bất thường xảy ra, bọn chúng đi khỏi địa bàn từ lúc 15h00 (sớm hơn 2 giờ so với những ngày trước). Vào thời điểm này, nông dân ở đây chỉ bán được với giá 7.200 đồng/kg.
Video đang HOT
Cho đến khoảng 10h00 ngày 18/3, PV đã liên lạc được với tên Dũng, đối tượng hẹn PV đến ở một quán cà phê nào đó, rồi tên Dũng gọi Tiến ra gặp. Khi PV cùng lực lượng công an đã sẵn sàng và gọi lại tên Dũng, lúc này tên Dũng nói: “Anh liên lạc với anh Tiến đi, chứ tôi không dám qua mặt đại ca”, sau đó tên Dũng nhắn số điện thoại của đối tượng Tiến. Khi liên lạc thì tên Tiến không nhận tên mình, đồng thời không nghe máy những cuộc gọi sau.
Vụ việc dần bế tắt khi các đối tượng liên tục không xuất hiện, theo cảm nhận của PV và cơ quan điều tra thì kế hoạch đã bị động. Song song đó, Công an huyện Sơn Tịnh bố trí trinh sát xác định nhóm thanh niên có hành vi côn đồ và các đối tượng liên quan.
Ông Lý Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Tịnh An – cho biết: “Đây là lần đầu tiên xuất hiện nhóm côn đồ với hành vi đoe dọa nông dân. Nhiều người dân “mất ăn mất ngủ” vì giá quá thấp trong khi nhiều trái dưa bị nứt”.
Bãi bồi tìm lại sự bình yên
Trao đổi với PV Dân trí vào chiều ngày 22/3, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm và ma túy – Công an huyện Sơn Tịnh – cho biết: “Hôm nay chúng tôi đã triệu tập tên Tiến, để tiếp tục đấu tranh và xác định hành vi vụ việc. Trong mấy ngày trước, chúng tôi đã triệu tập 7 đối tượng liên quan trong nhóm của tên Tiến. Hiện nay, người dân có thể bán dưa bình thường, không có đối tượng nào đến uy hiếp nữa.”
Nhóm côn đồ của tên Tiến ra giá tại quán cà phê
Theo điều tra của công an, đối tượng tên Tiến (ngụ ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) bỏ ra vài trăm triệu đồng để mua toàn bộ số dưa ở bãi bồi (thôn Ngọc Thạch), để thu lại lợi nhuận, tên Tiến thuê nhóm côn đồ thuộc TP.Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa đến ngăn cản các thương lái khác, đồng thời ép nông dân bán lại với giá rẻ. Bên cạnh đó, có một thương lái khác tên Nghiêm (ngụ huyện Bình Sơn) cũng đã “xí phần” nhiều ruộng dưa, đặc biệt có ruộng dưa ông Trung (ruộng dưa có năng suất cao – PV).
Nhằm thâu tóm số dưa của thương lái Nghiêm, nhóm côn đồ của Tiến “cấm” bất kể ai đến mua, hòng để người dân và thương lái Nghiêm bán với giá rẻ. Đồng thời, nhóm của Tiến kiếm thêm tiền từ hành vi bao kê, mỗi container chở dưa với giá 5 triệu đồng.
Lợi dụng nhóm côn đồ của tên Tiến, hộ dân Phạm Văn Trung bị ép giá bán còn 7.200 đồng/kg. Đến ngày 22/3, tên Nghiêm tiến hành chở dưa và tiếp tục ép giá hộ ông Trung xuống còn 6.000 đồng/kg.
“Hôm nay trời trở gió, tôi sợ tối nay mưa thì dưa bị hư hết nên đành chấp nhận bán với giá 6.000 đồng/kg. Mặc dù không còn nhóm côn đồ đoe dọa nhưng dưa không đợi lâu hơn nữa, với giá bán này, tôi còn lãi khoảng 70 triệu đồng. Theo giá thị trường tính đến ngày 21/3, mỗi kg dưa bán ra tại ruộng là 7.500 đồng/kg”, nông dân Phạm Văn Trung cho biết.
Sự bình yên đã trở lại với nông dân bãi bồi Tịnh An, một số ruộng dưa chín muộn bán có giá hơn. Như giá dưa năm 2012, người trồng dưa “trắng tay” khi giá bán từ 800-1.000 đồng/kg. Năm nay giá dưa tăng từ 6 – 8 lần, hầu hết người trồng dưa đều có lãi.
Ông Phan Văn Nhẫn – Trưởng Công an huyện Sơn Tịnh – cho biết: “Đây là nhóm tội phạm mới, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự khu dân cư, đồng thời làm người dân bị thiệt hại kinh tế, có hành vi côn đồ và các tội danh liên quan. Chúng tôi tiếp tục điều tra làm rõ hành vi, tiến hành xử lý và giáo dục nhóm tội phạm này.”
Theo Dantri
Ngắm cây Dã hương cổ thụ hơn 500 năm tuổi
Theo ngọc phả của làng Dương Phạm, vào năm 1471, Nhị cung phi tần mất, vua Lê Thánh Tông đã đưa bà về an táng tại quê nhà. Bên cạnh mộ của bà trồng một cây Mộc Hương. Từ đó đến nay cây Mộc Hương vẫn sừng sững tồn tại cùng thời gian.
Cây Mộc Hương mà vua Lê Thánh Tông mang trồng bên cạnh mộ của Nhị cung phi tần vào năm 1471 chính là cây Dã hương, một loài cây quý hiếm đã được ghi trong Sách Đỏ thế giới hiện nay.
Câu chuyện về Nhị cung phi tần xinh đẹp
Theo tương truyền, vào đời vua Lê Thánh Tông, ở làng Dương Phạm (nay thuộc xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), có một gia đình nghèo sống bằng nghề mò cua bắt ốc. Một hôm người vợ mơ thấy có ánh hào quang sáng rực ở đầu giường. Sau 18 tháng mang thai, vào năm 1449, bà mới sinh ra một người con gái khỏe mạnh, trắng trẻo và lớn lên có nhan sắc tuyệt trần. Hai vợ chồng đã đặt tên người con gái là Ngô Thị Nữ Hoằng.
Nhà vốn nghèo khó nên người con gái họ Ngô sáng tối ra đồng mò cua bắt ốc phụ giúp gia đình. Không những tính siêng năng, cô gái họ Ngô còn được trời phú cho bản tính thông minh, thêu thùa và ca hát rất giỏi.
Đến năm 1468, lúc người con gái họ Ngô tròn 19 tuổi. Vào một ngày đi cắt cỏ bên cửa sông Đại An, trong lúc cô ca hát cùng các cô gái khác, trên sông xuất hiện một chiếc thuyền rồng. Khi chiếc thuyền rồng đi qua thì có một anh lính trên thuyền cất lời trêu rằng:
Hỡi cô cắt cỏ bên sông
Có ngại thuyền rồng anh đón đi chơi
Trong khi các cô gái khác chưa hiểu chuyện gì thì thiếu nữ họ Ngô đã cất lời:
Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Lòng em cũng muốn mở mang cơ đồ
Đang ngự trong thuyền, nghe lời đối của cô gái, vua Lê Thánh Tông lấy làm ngạc nhiên, nên vén tấm rèm nhìn về phía cô gái. Vua khẽ thốt lên khi thấy vẻ đẹp tuyệt trần của cô. Đặc biệt, trên đầu của cô luôn có đám mây đi theo để che nắng. Biết cô là người tài nên mấy ngày sau, vua đã cử người về đón cô gái vào cung và phong làm "Nhị cung phi tần".
Cây Dã hương trồng ngay bên cạnh ngôi mộ của Nhị cung phi tần.
Khi vào cung, Nhị cung phi tần được mọi người vô cùng quý mến và sùng ái. Nhưng ba năm sau, do bị bệnh nặng nên Nhị cung phi tần mất. Trước khi mất, Nhị cung phi tần có nguyện vọng là sẽ được an táng tại quê nhà. Thể theo nguyện vọng của bà, nhà vua đã làm 9 chiếc quan tài đồng giống hệt nhau, nhưng chỉ duy nhất một chiếc là có thi hài của bà.
Nhà vua đã đưa linh cữu của bà về làng Dương Phạm an táng, nhưng khi đến quê nhà của bà thì trời tự nhiên nổi dông tố, trời đổ mưa như trút nước, nhà vua phải sai quân lính dựng tạm một cái lán để che chắn. Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh. Lúc nhà vua đến nơi đặt linh cữu Nhị cung phi tần, đất đùn to như một đống mối, che gần kín quan tài.
Vợ chồng ông Nguyễn Trung Kiên đang kể lại gốc tích của cây Dã hương.
Gốc cây Dã hương hơn chục người ôm mới vừa.
Vua biết đây là nơi Nhị cung phi tần chọn để "ngự" thuộc khu đất hình đầu rồng nên quyết định cho quân lính mang đá ngũ sắc xây mộ an táng bà tại đây. Sau đó dựng một ngôi đền thờ lấy tên là Đền Hoàng Cô. Cả ngôi mộ và ngôi đền lúc đấy đều hướng về phía Bắc.
Bên cạnh ngôi mộ của Nhị cung phi tần vua cho trồng một loại cây có lá xanh mướt, tỏa mùi hương thơm ngát. Lúc bấy giờ thì vua gọi cây này tên là Mộc hương.
Cây Dã hương cổ thụ sừng sững cùng thời gian
Sau khi trồng cây Mộc hương, do dân làng không biết nên gọi cây mà nhà vua trồng bên cạnh mộ của Nhị cung phi tần là cây Xoan dã. Cây Xoan dã và khu vực thờ Nhị cung phi tần được dân làng vô cùng sùng bái. Hơn 500 năm qua, trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử cũng như thời tiết nhưng cây Xoan dã vẫn sừng sững cùng thời gian.
Năm 2007, ông Nguyễn Trung Kiên (76 tuổi) làm trưởng ban trông coi của Đền Hoàng Cô. Vốn là người đam mê cây cảnh, lại hay xem sách báo nên tình cờ ông đọc được bài báo viết về cây Dã hương ở Bắc Giang. Nhìn ảnh của cây Dã hương ông thấy có nét tương đồng với cây Xoan dã bên cạnh ngôi mộ của Nhị cung phi tần. Càng xem ông càng thấy tò mò nên ông quyết định lên Bắc Giang một lần để đối chứng.
Cây xanh cộng sinh bám vào cành cây Dã hương đã gần 200 năm.
Ông Kiên cho biết: "Lúc đọc được bài báo nói về cây Dã hương ở Bắc Giang, tôi thấy nó giống hệt cây Xoan dã, nên tôi mang lá, hoa, và cả một đoạn gỗ cây bị bão đánh ngã đem đi so sánh. Khi lên đến Bắc Giang, ngồi ở quán nước một số người còn bảo tôi mới ở chỗ cây Dã hương về à? Lúc đó tôi mừng lắm! Sau đấy tôi đi cùng con trai và một anh công an Bắc Giang là bạn của con trai tôi đến nơi đối chứng thì thấy cả hoa, lá và gỗ đều giống hệt nhau. Lúc đó tôi mới tin thật sự là làng chúng tôi đang có một cây Dã hương quý hiếm."
Về đến nhà, ông Kiên lập tức đi báo lên chính quyền xã, hội sinh vật cảnh Nam Định về cây Dã hương ở Đền Hoàng Cô. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ cho một đơn vị trực thuộc có chức năng nghiên cứu về cây. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định, cây Xoan dã ở Đền Hoàng Cô là cây Dã hương, một loài cây thuộc họ long não đã được ghi trong Sách Đỏ thế giới.
Nhìn từ xa, cây Dã hương bao trùm cả một vùng rộng lớn, tỏa rợp cả một vùng trời. Cây ôm choàng lấy ngôi Đền Hoàng Cô. Gốc cây có bộ rễ nổi, đua lên như những càng cua. Trên thân cây có cây xanh sống cộng sinh (theo ông Kiên thì cây xanh đã có hơn 200 tuổi). Cây xanh bám lấy một cành của cây Dã hương, do cây sanh phát triển quá nhanh và rậm rạp nên vào năm 2009 người dân đã chặt gần một tấn củi tươi để cho cây Dã hương phát triển. Trên tất cả các cành của cây Dã hương là những cây tầm gửi bám chi chít khiến thân cây có màu xanh ngắt.
Một bên gốc cây Dã hương bị mối xâm hại.
Bà Đinh Thị Lân (70 tuổi) vợ của ông Kiên, cũng là người trông coi khu Đền Hoàng Cô, cho biết: "Cây Dã hương cao hơn 28m, chu vi thân cây gần 16m2. Năm 2012, do cơn bão Sơn Tinh quá mạnh nên đã làm gãy một cành của cây Dã hương. Trước đó nữa thì cây bị mối mọt, rệp bám đầy lá xâm hại nghiêm trọng. Nhưng sau một thời gian chăm sóc đến nay cây đã phát triển bình thường."
Dân làng nơi đây xem Đền Hoàng Cô là nơi cấm địa linh thiêng nên thường lui tới khấn bà Thứ phi để xin lá cây Dã hương về chữa bệnh. Hàng năm, người dân địa phương lấy ngày 9/6 âm lịch làm ngày giỗ Nhị cung phi tần. Làng tổ chức lễ tế trong ba ngày, từ ngày 7 đến ngày 10/6.
Cây Dã hương nhìn từ xa.
Những cây tầm gửi bám xanh những cành cây Dã hương.
Cây Dã hương bao phủ cả một vùng rộng lớn.
Theo Dantri
Vụ nữ sinh cắt cổ tay: Giữ cô giáo ở lại trường cũ vì bệnh nặng Sau khi ra quyết định điều chuyển cô giáo Nguyễn Thị Em rời trường THPT Trần Kỳ Phong (huyện Bình Sơn), Sở GD&ĐT Quảng Ngãi lại thu hồi quyết định trên, giữ cô giáo Nguyễn Thị Em ở lại trường với lý do cô bị bệnh nặng. Quyết định của Sở GD&ĐT giữ cô giáo Em ở lại trường cũ Trước đó, Sở...