Thương lái giành mua lúa vừa gieo sạ để xuất sang Trung Quốc?
Mới gieo sạ được vài ngày, nhà nông ở đồng bằng sông Cửu Long bất ngờ được cánh thương lái tìm đến năn nỉ đặt cọc mua lúa non. Tình trạng vơ vét lúa non đang xảy ra ở nhiều địa phương, khiến bà con nông dân vừa mừng, vừa lo. Nhiều thương lái chấp nhận vay “ nóng” để gom hàng.
Mới lên cây mạ đã được đặt mua
Ngày 30.3, lão nông Nguyễn Văn Tám, ngụ ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết: Vụ lúa hè thu năm nay có điều vô cùng kỳ lạ chưa từng xảy ra ở địa phương là các thương lái đã đến đặt cọc mua lúa khi người dân vừa mới giống xuống được vài ngày.
Ông Nguyễn Văn Tám ngụ ở huyện Vị Thủy đã nhận tiền cọc của thương lái khi mới xuống giống được 10 ngày. ảnh:HUỲNH XÂY
“Thông thường, các thương lái chỉ đặt cọc khi lúa đã chín, cách ngày thu thu hoạch khoảng 1 tuần. Ai ngờ, vụ lúa hè thu này, khi tôi mới xuống giống được 10 ngày, các thương lái đã ùn ùn đến đòi đặt cọc mua trước với số tiền 300.000 đồng/công (1.000m2)” – ông Tám nói.
Theo GS Bùi Chí Bửu, để giải quyết khó khăn về tiêu thụ lúa, người dân phải hợp tác với nhau thành hợp tác xã kiểu mới. Theo đó, có người đại diện làm việc với doanh nghiệp, thoả thuận về mọi mặt cả trong sản xuất và tiêu thụ. Tiền thu được sau khi trừ mọi chi phí sẽ chia cho nông dân như một cổ đông chứ không phải mạnh ai nấy bán, mạnh ai nấy làm đơn độc, nhỏ lẻ như hiện nay.
Cũng theo ông Tám, các thương lái đến đặt cọc trước nói mua lúa với giá 4.250 đồng/kg trong khi đó giá lúa hè thu các vụ trước đây khoảng 4.000 đồng/kg nên ông và nhiều người dân trong ấp đã đồng ý. Tuy nhiên, hiện giá lúa đã lên đến 4.700 đồng/kg và có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo. “Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, tôi đã lỗ gần 500 đồng/kg lúa rồi còn gì” – ông Tám than thở.
Cũng như ông Tám, ông Trần Văn Điền – ngụ cùng xã Vị Bình cho biết, ông vừa nhận được tiền đặt cọc 5 công lúa hè thu vì thấy nhiều người trong xã đã nhận tiền của thương lái. “Tôi có 5 công lúa sạ giống IR 50404 và đã nhận của thương lái 1,5 triệu đồng tiền cọc. Không riêng gì gia đình tôi, cả cánh đồng khoảng 90 công lúa này cũng đã được các thương lái đặt cọc mua từ khi cây lúa mới được gieo sạ”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều hộ dân khác có sản xuất lúa hè thu ở xã Vị Bình (huyện Vị Thủy), xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp) tỉnh Hậu Giang và nhiều địa phương thuộc TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu…cũng đã “trót lỡ” nhận tiền của thương lái.
Video đang HOT
Những hộ dân nào không đồng ý nhận tiền đặt cọc thì các thương lái nhiều lần tìm đến năn nỉ. “Tôi có 1,2ha diện tích trồng lúa AB 2010 và IR 50404. Từ lúc mới gieo sạ cho đến nay (cây lúa đã 21 ngày), thương lái đến năn nỉ đòi đặt cọc mua nhưng tôi không chịu. Sợ bị lỗ (khi thu hoạch, giá bán ngoài thị trường cao hơn giá nhận tiền cọc) nên tôi quyết không lấy cọc” – ông Nguyễn Văn Luận ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, cho hay.
Tích trữ lúa xuất sang Trung Quốc?
Theo phóng viên tìm hiểu, các thương lái đặt cọc mua khi cây lúa còn non vì cho rằng do ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, sản lượng lúa ra thị trường không nhiều, nhiều nơi không gieo sạ được lúa hè thu hoặc gieo sạ chậm nên giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo đó, người nào có nhiều lúa sẽ có lãi nhiều. Hiện các thương lái chỉ chọn mua những giống có phẩm cấp thấp.
Ông Lê Văn Hai – một thương lái thu mua lúa ở tỉnh Hậu Giang cho biết đã đặt cọc mua được trên 100ha lúa hè thu của người dân và đang dự định mua thêm. Khi đến cuối tháng 4 thu hoạch, sẽ đưa lượng lúa mua được bán cho các thương lái lớn hơn đem đi tiêu thụ ở Trung Quốc. “Do giá lúa có chiều hướng tăng nên tôi mạnh dạn đặt cọc mua lúa khi nó còn ở giai đoạn mạ. Không riêng gì tôi, nhiều thương lái ở các địa phương khác, kể cả các “cò lúa” cũng vay tiền ngân hàng, đầu tư đặt cọc tiền để “xí phần” trước. Không làm vậy, đến lúc thu hoạch, giá cao mình sẽ không cạnh tranh lại các thương lái khác, không có lúa bán”- ông Hai nói.
Khi được hỏi về việc người dân nhận tiền đặt cọc của thương lái khi lúa còn non, bà Trần Hồng Tim – Trưởng phòng NNPTNT huyện Vị Thủy cho biết, chưa nhận được thông tin trên. Bà Tim cũng cho rằng, nếu có, cũng là do thoả thuận 2 bên, chính quyền địa phương rất khó can thiệp. Bà Tim thông tin: “Lâu nay, tôi chỉ nghe khi gần thu hoạch lúa, các thương lái đến đặt cọc, chưa hay việc đặt cọc mua lúa khi người dân chỉ vừa mới xuống giống như vậy. Việc này khó can thiệp, người dân đã nhận tiền thì phải bán cho thương lái theo giá đã thống nhất trước đó”.
Liên quan đến việc các thương lái tranh mua lúa của người dân khi giá lúa tăng, GS Bùi Chí Bửu – nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định: “Đây là cơ hội để các thương lái, doanh nghiệp làm ăn, kiếm lời và người dân – người trực tiếp canh tác cây lúa vẫn luôn chịu nhiều rủi ro trước thiên tai, thụ động về đầu ra, nhất là giá bán”.
Theo Danviet
GS Võ Tòng Xuân: "Không nên thấy Trung Quốc mua gì cũng sợ"
Việc người dân vùng Bảy Núi - An Giang đào cây thốt nốt bán cho thương lái Trung Quốc đã xảy ra vài năm nay và nhiều lần dư luận cảnh báo nhưng tình hình vẫn tiếp diễn. Theo nhiều chuyên gia, việc chặt cây thốt nốt bán đi hại nhiều hơn lợi. Tuy nhiên, không phải thấy Trung Quốc mua gì cũng sợ, nhưng cần cảnh giác.
Đào cây đem bán
Cây thốt nốt được xem như đặc sản truyền thống của địa phương vùng Bảy Núi (An Giang). Đây là loại cây có giá trị cao về kinh tế cũng như văn hóa. Quả thốt nốt thơm ngon, bổ dưỡng. Nước thốt nốt có thể dùng làm đường, lá dùng lợp nhà, mầm dùng như món rau bổ dưỡng. Ngoài ra, gỗ thốt nốt già có thể dùng làm cột nhà, thủ công mĩ nghệ và nhiều ứng dụng khác.
Tuy nhiên, cây thốt nốt không phải loại cây nằm trong danh mục cấm khai thác nên gần đây, thương lái Trung Quốc ồ ạt đến mua nhưng chính quyền không thể mạnh tay xử lý, chỉ dùng biện pháp tuyên truyền cho dân.
Thương lái thu mua cây thốt nốt - ảnh Cửu Long
Cây thốt nốt trưởng thành mất hàng chục năm phát triển. Tuy nhiên, hàng chục cây thốt nốt có tuổi đời trên 20 năm ở các huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (tỉnh An Giang) gần đây bị nhóm thương lái tới thu mua ồ ạt. Vài năm trước, các địa phương này cũng đã từng bắt nhóm người thu mua cây thốt nốt.
Nhóm thương lái thu mua thốt nốt chủ yếu ở các xã Văn Giáo, An Cư, Tân Lợi và các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer của huyện Tịnh Biên rồi tập kết lên xe đang đậu ở tỉnh lộ 948 khu vực Dốc Bà Đắc, xã Thới Sơn.
Hiện nay, giá bán mỗi cây thốt nốt chỉ dao động trên dưới 500.000 đồng/cây, thêm chi phí đào, vận chuyển có thể lên tới vài triệu đồng. Kì lạ là, những cây thốt nốt non, có tuổi đời vài chục năm được thương lái Trung Quốc thu mua mạnh nhất. Trong khi, gỗ của thốt nốt phải già, có tuổi đời cả trăm năm mới ứng dụng được nhiều trong đời sống.
Mỗi cây thốt nốt có tuổi đời rất lâu nên giá trị khai thác rất lớn. Nếu chặt bán đi không chỉ thiệt thòi về mặt kinh tế, mặt cảnh quan mà còn thiệt hại về văn hóa bởi đây là loài cây được xem như "linh hồn" của địa phương. Mặc dù đào bán nhưng người dân địa phương cũng không hiểu rõ thương lái thu mua cây thốt nốt nhằm mục đích gì.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Theo GS Võ Tòng Xuân, người dân bán thốt nốt chưa nhiều nhưng nếu cứ tiếp tục thì chỉ được cái lợi trước mắt, để lại cái hại lâu dài. Trước mắt thì người dân có được món tiền lớn, người đào có được tiền công cao nên người dân bán đi là dễ hiểu.
Tuy nhiên, GS Xuân cũng cho hay, cây thốt nốt Trung Quốc mua cả bầu cây đem về có thể để trồng. Số lượng họ mua cũng chưa đáng kể.
"Người dân mình cứ thấy Trung Quốc mua gì là sợ nấy thì cũng không nên. Tuy nhiên, việc cảnh báo và tuyên truyền cho người dân biết rõ mục đích của thương lái là điều hết sức cần thiết. Điều này chính quyền địa phương cần tích cực sát sao tuyên truyền" - GS Võ Tòng Xuân cho hay.
Ông cũng nói thêm, cây thốt nốt họ mua cả bầu nên cũng có nhiều ứng dụng. Nếu mua những thứ không biết để làm gì như cau non, cam non, hồ tiêu vụn... thì mới đáng lo, đáng lên án. Còn nếu họ mua cây thốt nốt về làm cảnh hoặc mua về trồng với mục đích nào đó thì cũng là chuyện không quá lạ.
GS Võ Tòng Xuân cũng cho biết, cây thốt nốt còn là nguyên liệu cho các làng nghề truyền thống, là cây có tác dụng giữ nước rất tốt. Giả sử nếu chặt hết cây thì các làng nghề sẽ khó khăn hơn trong vấn đề nguyên liệu, các trận lũ đổ về gây thiệt hại nhiều hơn.
Còn theo ông Đỗ Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, chính quyền địa phương rất chú trọng bảo vệ loại cây đặc sản của địa phương. Cách đây một tháng huyện đã bắt được một xe tải chở hàng chục cây thốt nốt tuổi đời trên 15 năm tuổi và đã giao cho công an xử lý.
Ông Trí cho rằng, phải bảo tồn giống cây thốt nốt vì nó là đặc sản tạo nên thương hiệu vùng Bảy Núi. Tuy nhiên khó khăn là hiện nay cây này nằm ngoài danh mục cấm nên huyện đã kiến nghị về tỉnh để cấm mua bán và có biện pháp xử lý mạnh tay hơn. Song song với đó, chính quyền cũng thường xuyên gặp gỡ người dân để tuyên truyền, bảo vệ loài cây này.
Theo Hoàng Long
Một thế giới
Những tỷ phú ở làng buôn cau số 1 Việt Nam Mỗi nghề mỗi nghiệp, những người buôn bán ở đất cau (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) gặp dịp trở thành đại gia kiếm tiền tỷ sau mỗi vụ cau. Những thăng trầm và cơ duyên với quả cau đã khiến họ đổi đời. Mỗi vụ cau kéo dài từ tháng 8 âm lịch cho đến tháng 4 âm lịch năm sau, dường như...