Thương hiệu nhà số 7
Có lẽ không có một địa chỉ nào mà mới chỉ nhắc đến số nhà là người ta đã biết ngôi nhà đó ở đâu? Nhưng ở Hà Nội, trên phố Thiền Quang có một ngôi nhà như thế. Không cần nhắc tên phố, tên phường, chỉ nhắc đến từ “số 7″ thì ai ai dù là người tỉnh ngoài hay ở Hà Nội đều biết đến thương hiệu này. Nơi đó là “Đại bản doanh” của Phòng Cảnh sát Hình sự CATP Hà Nội.
Từ ngôi nhà chung ấy
Đã từ lâu ngôi nhà số 7 là nỗi khiếp sợ của các đối tượng giang hồ có số có má khét tiếng Hà thành, khiếp sợ đến nỗi mà có đối tượng muốn đi qua hồ Thiền Quang, không dám đi qua ngôi nhà này mà phải đi vòng sang đường khác. Nhưng ngôi nhà “số 7″ ấy cũng là một địa tin cậy, một địa chỉ rất đỗi thân thương của người dân Hà Nội. Nó thân thuộc đến mức mà đã nhiều lần người ta đã định đánh lại số nhà trên con số này, nhưng rồi lại thôi; thân thuộc đến mức mà nếu có ai đó ở xa về Hà Nội hỏi đường: “cho tôi về số 7″ là có người dẫn tận nơi; nó thân thuộc đến nỗi mà người ta đã đặt tên cho ngôi nhà ấy là “thương hiệu của niềm tin”… Còn với những chiến sĩ Cảnh sát Hình sự, thì “số 7″ là ngôi nhà chung chứa đựng cả những chiến công, sự hy sinh thầm lặng và cả những kỷ niệm buồn vui, mà nếu ai đã phải đi xa ngôi nhà ấy, mỗi khi nhớ về nó đều không khỏi xao xuyến…
Một nhà văn đã nói: “Ở đâu có mặt cảnh sát hình sự “số 7″ ở đó không có đất cho tội phạm lộng hành”. Quả thật, câu nói này không ngoa chút nào và điều đó được chứng minh bởi những chiến công xuất sắc của lực lượng Cảnh sát Hình sự Thủ đô trong suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành. Lịch sử của ngôi nhà ấy là từ sau ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, Đại đội hình cảnh Bắc bộ lập bản doanh, là tiền đề hình thành nên lực lượng Cảnh sát Hình sự trong toàn ngành sau này. Đến nay đã hơn cả nửa thế kỷ, nhưng những chiến công vang dội trong đấu tranh trấn áp tội phạm đã được lớp lớp các thế hệ Cảnh sát Hình sự viết tiếp thành bề dày truyền thống.
Thực tế, trong quá trình hình thành, phát triển và trưởng thành của lực lượng CATP Hà Nội, các thế hệ lãnh đạo luôn hun đúc và tôi luyện lực lượng Cảnh sát hình sự trở thành “quả đấm thép” trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội. Ở một đơn vị nhiều lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã có quá nhiều những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng lực lượng, trong đó có nhiều chiến công mang “sự tích” anh hùng đậm dấu ấn của lính hình sự “số 7″ Thiền Quang.
Nhắc đến những vụ án nổi đình nổi đám, gây chấn động dư luận là nhắc đến chiến công của Phòng Cảnh sát Hình sự. Gần đây, có thể chỉ mặt điểm tên một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Thủ đô như vụ đối tượng Vũ Thị Kim Anh cứa cổ, giết người trên xe ôtô; vụ người mẹ kế Nguyễn Thị Chinh đã thuê nhóm “sát thủ” máu lạnh ra tay đầu độc con chồng bằng chất Cyanua tại xã Minh Phú, Sóc Sơn; tổ chức điều tra, khám phá, giải cứu thành công cháu bé 2 ngày tuổi bị bắt cóc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương; vụ bác sỹ thẩm mỹ Nguyễn Mạnh Tường phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng… Xưa hơn nữa, những vụ án điển hình thể hiện tinh thần mưu trí dũng cảm như vụ giải cứu thành công con tin vụ bắt cóc một cháu bé người Nhật Bản; phá vụ án cướp của giết người tại tiệm vàng Kim Sinh; khám phá chuyên án 675C bắt đối tượng gây ra 3 vụ giết người; bắt đối tượng truy nã đặc biệt Vũ Văn Huy; phá vụ cướp tài sản nghiêm trọng tại 474 Lạc Long Quân…
Góp chung vào thành tích chung của toàn đơn vị là những cá nhân xuất sắc, có người vẫn miệt mài công tác tại ngôi nhà xưa, không ít người đã luân chuyển công tác nhận nhiệm vụ mới, nhưng nếu có dịp gặp lại họ, trò chuyện thì đều có chung niềm tự hào rằng những năm tháng chiến đấu dưới mái nhà chung “số 7″ Thiền Quang là những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, được tôi luyện và trưởng thành, và dù có đi đến đâu, giữ cương vị công tác nào thì họ cũng không bao giờ quên được những vụ án nằm gai nếm mật, ngủ bờ ăn bụi để truy lùng tội phạm, không thể quên được những năm tháng gắn bó với ngôi nhà “số 7″.
Tiêu chuẩn đầu tiên của lính “số 7″ là phải biết hy sinh
Theo Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội nhiều năm qua, đơn vị đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của lãnh Bộ Công an, CATP Hà Nội và các ban ngành và đặc biệt là sự tin tưởng hỗ trợ của nhân dân. Với nhiều lần được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khiến cán bộ chiến sỹ đều thấu hiểu sự vinh danh ấy đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn.
Từng cán bộ chiến sỹ Cảnh sát Hình sự đều ý thức được rằng một tiêu chí “mềm” trong tiêu chuẩn đầu tiên để trở thành người lính của ngôi nhà số 7 Thiền Quang đó là phải biết hy sinh. Với những người lính hình sự thì việc đón Tết với gia đình là điều quá xa xỉ; chuyện xa nhà đi đánh an triền miên là chuyện rất đỗi bình thường. Có những vụ án xuyên qua Tết, có những vụ án là triền miên những đêm không ngủ, đã gánh vác nhiệm vụ trên vai thì không thể lùi bước trước bất kể khó khăn gì.
Tôi đã gặp Thượng tá Nguyễn Việt Cường – hiện là Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Hoàn Kiếm. Anh Cường đã có thế kỷ là lính hình sự, trong đó có 15 năm công tác tại Đội Trọng án. Là Đội trưởng Đội Trọng án nhiều năm liền, anh mới chuyển về CAQ Hoàn Kiếm vài tháng nay, nhưng cái “chất” hình sự trong anh thì vẫn còn thấy rõ. Anh bảo Giám đốc CATP quan tâm, nghĩ mình chinh chiến nhiều năm, bây giờ sức khỏe không cho phép đêm ngày theo án hình sự nên đã tạo điều kiện cho anh thay đổi môi trường làm việc mới, nhưng anh vẫn nhớ nghề lắm, nhớ ngôi nhà “số 7″ lắm. Thỉnh thoảng anh vẫn quay về nơi ấy để trò chuyện với anh em. Anh Cường còn có một bài thơ rất xúc động về ngôi nhà “số 7″ mà chúng tôi sẽ kể với bạn đọc ở phần sau.
Nhiều năm chinh chiến cùng với các đồng đội ở ngôi nhà “số 7″, khám phá không biết bao nhiêu các vụ án nhưng Thượng tá Nguyễn Việt Cường vẫn nhớ như in từng vụ án mà anh đã đi qua, anh vẫn thuộc hiện trường các vụ án từ cách đây vài chục năm như lòng bàn tay… Trò chuyện với anh thì mới thấy, lính hình sự mê và yêu công việc đến thế nào. Anh bảo một năm có mấy chục vụ án, có những ngày đến 3 vụ trọng án xảy ra, án chồng lên án, anh em phải chia nhau ra mà làm. Đã là công an thì lực lượng nào cũng phải chấp nhận vất vả, hy sinh, nhưng khác với việc điều tra các loại tội phạm khác, tội phạm hình sự chịu sức ép rất lớn. Đào tường, khoét gạch, trộm cắp, cướp của, giết người chềnh ềnh ra đấy không thể không lên đường.
Và với án hình sự thì sức ép về thời gian cũng không phải là nhỏ, không cho phép được chậm chễ. Nếu chậm, thời gian để soát xét nghi vấn càng ngày càng khó nhớ, mà tội phạm càng ngày càng đi xa, phải làm sao phá án một cách nhanh nhất có thể. Có những vụ án chỉ chậm một giờ, một phút, thậm chí một tích tắc là mọi chuyện sẽ khác, đối tượng cao chạy xa bay, việc truy bắt sẽ khó khăn và mất thời gian hơn rất nhiều. Có những vụ án mà suốt 4 đêm ròng, anh không ngủ, chỉ tranh thủ ngủ vờ ngủ vật trong lúc chạy xe, có những vụ án, anh em làm việc bị cuốn đi quên cả ăn, có những vụ án điều tra ròng rã đến vài tháng trời mà chưa ra thủ phạm, mà chừng nào còn chưa ra thủ phạm thì những người lính hình sự còn trăn trở, còn mất ăn mất ngủ. Thế nên cái chuyện vắng nhà cũng là chuyện đương nhiên. Tôi có cảm giác như với anh, thì tất cả người thân trong gia đình phải hiểu: phá án là nhiệm vụ cao nhất. Anh kể, cứ đi làm án thì nhiều khi chẳng cần báo gia đình cũng biết. Mẹ anh, cứ xem ti vi thấy có trọng án, là tự bà đã biết hôm đó con trai mình sẽ không về. Còn vợ anh thì anh nói nhẹ tênh, hiểu hết ấy mà. Anh còn kể, hồi chưa cưới nhau, có lần mải đi làm án, quên cả việc đến nhà người yêu, đến khi tới nơi, người yêu bảo: “Tưởng anh thôi rồi”. Anh cười xòa thế là xong.
Nếu nói về những vụ án, về những sự hy sinh của những người lính hình sự “số 7″ Thiền Quang thì không biết bao giờ mới hết. Mỗi vụ án là một sự hy sinh khác nhau, là một câu chuyện khác nhau. Còn nhớ đợt Tết Giáp Ngọ vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội, nhóm phóng viên An ninh Thủ đô chúng tôi cùng với tổ công tác của lực lượng Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm – Phòng Cảnh sát Hình sự và Phòng An ninh Xã hội CATP lên đường đi tỉnh ngoài để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Vì thực thi nhiệm vụ đặc biệt, nên nguyên tắc bí mật đến phút chót được Trung tá Lê Khắc Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm kiêm trưởng nhóm công tác thực hiện rất nghiêm túc. Vì nguyên tắc giữ bí mật, cho phép tôi không kể chi tiết nhiệm vụ được giao lúc đó. Nhưng chính vì được đi cùng các chiến sĩ Cảnh sát Hình sự mà tôi có cơ hội hiểu thêm được công việc của các anh, hiểu thêm về những sự hy sinh mà đôi khi không phải ai cũng nhận ra điều đó. Thứ nhất: Yếu tố giữ bí mật luôn được lực lượng Cảnh sát Hình sự đặt lên hàng đầu; Thứ hai: Triển khai công việc rất mau lẹ, chính xác, đạt hiệu quả cao; Thứ ba: Không gây phiền hà cho bất cứ ai trong khi thực thi nhiệm vụ và yếu tố cuối cùng là để đạt được hiệu quả tối đa của công tác, các chiến sĩ hình sự phải để lại sau lưng, gia đình và người thân, dù cho đó chỉ là một cuộc điện thoại gọi về gia đình nhưng nhiều khi các anh cũng không thực hiện được.
Tôi còn nhớ hôm đó là mùng 4 Tết, trong chuyến đi tôi đã chứng kiến một chiến sỹ Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm phải dằn lòng từ chối không nghe 14 cuộc gọi. Sau này, tôi mới biết, các cuộc gọi nhỡ đó là của cậu con trai mới lên 5 tuổi của anh, cu cậu đòi bố về cho đi chơi Tết. Từ hôm 30 Tết, vì nhiệm vụ công tác đặc biệt nên hai bố con vẫn chưa được gặp mặt nhau. Tôi biết vì nhiệm vụ anh phải làm như thế, tôi cũng biết tất cả những người lính hình sự đều trải qua cái cái cảm giác ấy. Nhưng tôi bỗng thấy thương đứa trẻ lên 5 ấy quá!
Video đang HOT
“Cuộc chiến vì sự bình yên của nhân dân Thủ đô!” – ngắn gọn chỉ có vậy thôi, nhưng với những người lính hình sự đã từng, hoặc đang gắn cuộc đời binh nghiệp ở ngôi nhà “số 7″ Thiền Quang này ít nhiều đều đã trải qua những trận chiến khốc liệt, có những khi phải đổ máu, ngay giữa thời bình nhưng với bản lĩnh và tình yêu công việc, các anh sẵn sàng hy sinh tính mạng trong cuộc chiến bảo vệ sự bình yên của Thủ đô.
Đối với các chiến sỹ Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm, thước đo thành công của họ trong công tác là: Nhanh, chính xác và sẵn sàng xả thân để truy bắt tội phạm, dù cho có nguy hiểm cho bản thân mình. Nhất là càng ngày, các đối tượng hình sự phạm tội càng tinh vi và manh động, luôn sử dụng vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ thì sự nguy hiểm trong các cuộc truy bắt càng trở nên khốc liệt. Điển hình như vụ truy bắt đối tượng giết người, cướp tài sản Nguyễn Quốc Trung (Trung “thộn”) -một tên cướp hết sức táo tợn. Trung “thộn” xông vào nhà một người dân ở số 27 Trần Khánh Dư, Hà Nội cướp xe máy, trước khi tẩu thoát, tên cướp đã ném lựu đạn khiến cháu bé 4 tuổi chết tại chỗ. 3 ngày sau tại Bồ Đề, Gia Lâm, tên cướp này lại tiếp tục dùng súng và lựu đạn cướp một xe máy của người đi đường. Sau này, khi truy bắt Trung “thộn”, các chiến sĩ Cảnh sát Hình sự đã phải đấu súng với hắn trong vòng 1 tiếng. Khi các trinh sát kêu gọi Trung ra đầu hàng, Trung “thộn” đã chống trả quyết liệt bằng 4 quả lựu đạn và loạt đạn K54. Đây được coi là vụ đấu súng kinh điển của Phòng Cảnh sát Hình sự sau 18 ngày lần theo dấu vết hung thủ, cuối cùng tên cướp đã bị tiêu diệt. Hay như vụ đuổi bắt 3 đối tượng trong băng cướp nguy hiểm gây ra rất nhiều những vụ cướp táo tợn trên các địa bàn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn. Khi biết các trinh sát hình sự bám sát nút, 1 đối tượng đã dùng súng, một tên rút lựu đạn, quyết sống chết với các trinh sát hình sự. Trong cuộc đọ súng ấy, các trinh sát đã buộc phải tiêu diệt tên cầm súng là Nguyễn Quốc Hùng, bắt 2 tên còn lại, thu 1 khẩu súng colt, 8 viên đạn và 1 quả lựu đạn…
Thành tích và chiến công không ít, nhưng khi đề nghị khen thưởng, các chiến sỹ Cảnh sát Hình sự lại “đùn đẩy” cho nhau, không ai chịu nhận phần vinh dự về mình. “Có những chuyên án mới kết thúc, tạo được tiếng vang trong nhân dân, chúng tôi muốn đề xuất một vài nhân tố điển hình để cấp trên biểu dương khen thưởng, nhưng… khó quá!” – Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSHS – CATP Hà Nội tâm sự và cho biết nguyên nhân thật đơn giản, bởi những người lính trực tiếp chiến đấu, lập thành tích chẳng ai chịu nhận mình đáng được khen ngợi. Ai cũng bảo đấy là thành tích chung. Anh Giáp còn bảo: đấy cũng là một phong cách của lính hình sự. Thế nên, cứ mỗi đợt khen thưởng, chỉ huy đơn vị phải chỉ định và vì “quân lệnh như sơn”, họ mới chấp hành!
Bài thơ về ngôi nhà “số 7″
Quay trở lại với một người lính hình sự đã có thế kỷ chinh chiến trong các cuộc truy lùng tội phạm. 25 năm gắn bó với Phòng Cảnh sát Hình sự, gắn bó với ngôi nhà “số 7″ thân thương, Thượng tá Nguyễn Việt Cường bảo rằng, gần hết cuộc đời công tác của tôi ở ngôi nhà “số 7″ đấy nên tất nhiên là tôi có nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm.
Có một lần anh đưa một người bạn cùng quân ngũ ra Bến xe Giáp Bát về quê. Bạn anh vừa đưa bố xuống Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Đang đi ở bến xe, thì anh thấy một cô cậu thanh niên còn trẻ măng có vẻ như người ngoại tỉnh về Hà Nội, hỏi một bác trung niên: “Bác ơi cho cháu hỏi thăm đường về số 7″. Thế rồi, anh thấy ba bác cháu cùng đi với nhau trên sân ga và cùng chuyện trò rôm rả lắm. Anh còn nghe thấy bác ấy nói về ngôi nhà “số 7″ một cách rất đỗi tự nhiên với những lời tốt đẹp. Là một người lính hình sự của ngôi nhà “số 7″, anh đã “đọc” được suy nghĩ đó. Đưa bạn trở về nhà, anh Cường vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh của ba bác cháu mà anh mới gặp, anh nghĩ ngợi và đã làm một bài thơ về ngôi nhà “số 7″ nói về công việc thường ngày của những người lính hình sự, lấy cảm xúc từ câu chuyện trên sân ga. Bài thơ có tên “Ấn tượng về ngôi nhà số 7″.
Anh Cường nói rằng, anh làm bài thơ này đã lâu, nhưng cứ cất giữ cho riêng mình. Rồi đến một ngày, Phòng Cảnh sát Hình sự tổ chức cuộc gặp mặt các cựu sĩ quan hình sự nhân dịp Tết, anh đã đọc bài thơ ấy tặng cho những người lính hình sự năm xưa. Nghe xong nhiều người rất cảm động vì anh đã nói đúng tâm trạng và công việc của người lính hình sự. Bài thơ này cũng đã định tặng Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc CATP Hà Nội như một món quà tặng một người đồng đội, một người chỉ huy đã từng cùng với anh phá nhiều vụ án hóc búa, một người đã từng là thủ lĩnh của ngôi nhà “số 7″ trước khi đồng chí Nguyễn Đức Chung nhận nhiệm vụ công tác mới ở CATP Hà Nội. Nếu có tổ chức liên hoan chia tay đồng chí Nguyễn Đức Chung thì anh sẽ đọc tặng đồng chí bài thơ ấy, nhưng rồi không có buổi liên hoan nên anh vẫn giữ bài thơ trong lòng mình như một kỷ niệm về ngôi nhà “số 7″. Anh Cường chưa bao giờ viết bài thơ ra giấy, nhưng đó là những lời gan ruột của anh nên mỗi khi đọc nó, anh lại tràn đầy cảm xúc.
Tôi tình cờ được nghe đọc bài thơ của anh – bài thơ của một nhà thơ không chuyên nghiệp, bài thơ của một người lính hình sự – một nghề mà người ta vẫn cứ nghĩ rằng chỉ có bắt bớ, chỉ có mệnh lệnh, chỉ có tội phạm và hình phạt, một nghề mà có lẽ chẳng biết đến thơ. Dẫu cho bài thơ đấy có những chỗ lạc vần, dẫu cho bài thơ ấy không phải của một nhà thơ, nhưng nó đã khiến người nghe cảm động vì đó cảm xúc chân thành nhất, giản dị nhất. Bài thơ như một câu chuyện kể chứa chan tình cảm của người chiến sĩ Công an với những người dân, mà tôi tin một người lạnh lùng không thể viết ra những điều như thế. Nghe bài thơ ấy để hiểu thêm về những người lính hình sự, họ không chỉ có bắt bớ, không chỉ có mệnh lệnh mà đằng sau cái công việc tưởng như lạnh lùng ấy là tâm hồn của một người chiến sĩ hình sự. Họ cũng rất thơ và cũng rất đời. Tôi xin giới thiệu bài thơ ấy:
Ấn tượng nhà số 7
Nguyễn Việt Cường
Thưa bác cho cháu hỏi, đến số 7 đường nào
Cháu là người tỉnh xa, có việc cần qua đó
Địa chỉ nhà số 7, để tôi nhớ xem nào
Hình như trên phố nhỏ, rất gần hồ Thiền Quang
Đúng, tôi nhớ ra rồi, tôi đã từng đến đó
Duy nhất chỉ một lần nhưng để đời ấn tượng
Cái ngày tôi đến đó là đêm rét mùa đông
Tưởng là không hy vọng nhưng kết quả lạ thường
Tôi ngập ngừng trước cổng, gặp Trung úy trực ban
Thưa bác, có việc gì, trình bày cho tôi biết
Được ân cần đón tiếp, tôi như cởi tấm lòng
Thưa anh, tôi trình báo vừa bị cướp ngoài kia
Anh Trung úy sẻ chia, động viên tôi bình tĩnh
Kể lại tất mọi điều khi xảy ra vụ việc
Nghe xong anh nhấc máy, báo lực lượng triển khai
Liền quay sang tôi bảo: “Thưa bác, có thể về”
Tôi chần chừ do dự, không biết ở hay về
Các anh làm sao đây để tìm ra thủ phạm
Tôi quyết định ra về gửi niềm tin nơi ấy
Một ngày kia hy vọng họ mang đến niềm vui.
Sáng hôm sau thức giấc, tôi chưa kịp vươn vai
Đã có tiếng chuông dài, tôi liền ra mở cửa
Thật bàng hoàng bỡ ngỡ, gặp Thiếu úy trẻ măng
Thưa bác, việc xong rồi, trao lại tôi tài sản
Nắm bàn tay lạnh ngắt của người Thiếu úy kia
Tôi chợt nhận ra rằng họ cả đêm thức trắng
Tôi nghĩ mình may mắn khi được họ quan tâm
Song tôi nhận ra rằng với ai họ cũng thế
Thiết nghĩ họ là ai, thật thông minh đức độ
Giỏi diệt ác trừ gian, giữ bình yên cuộc sống.
Thưa bác cháu hỏi lại, đến số 7 đường nào
Đường còn xa lắm không, cháu nóng lòng muốn tới
Tôi nói cô cậu biết, đường đến đó còn xa
Nhưng ký ức lại gần, tôi tự mình đưa đến.
Tôi hỏi khí không phải, cô cậu có việc gì
Chắc là việc hệ trọng, mới không ngại đường xa
Thưa bác việc xong rồi, tương tự việc bác thôi
Nhưng cháu còn day dứt, chưa đến đó lần nào
Hôm nay hạ quyết tâm phải đến cho bằng được
Để tận mắt chứng kiến, viết một bài ngợi ca…
Nguyên Tuấn Quân
Theo ANTD