Thượng Hải ‘lao đao’ do chính sách zero COVID
Làn sóng hạn chế đi lại liên quan đến dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu người, gần gấp ba lần dân số tại thành phố New York, phải ở nhà và tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng tại thành phố Thượng Hải.
Chốt chặn được dựng trên một tuyến đường ở Thượng Hải, Trung Quốc khi lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 được siết chặt, ngày 28/3/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đã bắt đầu đạt đỉnh vào cuối tháng 2/2022, Thượng Hải đã cố gắng kiểm soát tình hình bằng các chốt chặn có mục tiêu. Tuy nhiên, thành phố Thượng Hải – trung tâm vận tải, sản xuất, tài chính và thương mại toàn cầu – đã quyết định thực hiện phong tỏa hai giai đoạn vào cuối tháng 3/2022 và sẽ sớm áp đặt cho tất cả các quận, buộc mọi người phải ở yên trong nhà.
Hầu hết người nước ngoài đều biết rằng Thượng Hải rất lớn, nhưng không rõ về quy mô kinh tế cụ thể. Sau đây là một vài số liệu được tổng hợp để cho thấy “cái giá phải trả” của biện pháp phong tỏa được áp đặt tại trung tâm kinh tế, tài chính này của Trung Quốc.
Quy mô dân số
Tính đến năm 2020, có khoảng 24,9 triệu người sinh sống và làm việc tại Thượng Hải. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), con số này thấp hơn một chút so với dân số của Australia là 25,7 triệu người, nhưng đó chỉ tương đương 1,8% dân số của Trung Quốc.
Xét về các bang của Mỹ, quy mô dân số của Thượng Hải bằng trung bình dân số của bang Florida (21,8 triệu người) và bang Texas (29,5 triệu người). Tính theo thành phố, dân số Thượng Hải nhiều gấp ba lần thành phố New York (8,3 triệu dân), thành phố lớn nhất Mỹ. Điều này có nghĩa là con số 280.120 ca mắc COVID-19 tại Thương Hải, tính đến ngày 14/4, chỉ chiếm 1,1% dân số thành phố này.
GDP
GDP của Thượng Hải đã tăng 8,1% trong năm 2021 lên 4.320 tỷ NDT (680,31 tỷ USD). Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức GDP này cao hơn một chút so với GDP của Thụy Điển (660,92 tỷ USD) và ít hơn GDP của Ba Lan (720,35 tỷ USD). Tuy nhiên, GDP của Thượng Hải chỉ bằng 3,8% GDP quốc gia của Trung Quốc ở mức 114.370 tỷ NDT trong năm 2021.
Video đang HOT
Trung tâm thương mại toàn cầu
Thượng Hải nằm ở cửa sông Dương Tử, một trong hai con sông chính ở Trung Quốc. Theo Bernstein, Thượng Hải là nơi có cảng bận rộn nhất thế giới, tiếp theo là Singapore.
Sân bay Pudong của Thượng Hải là sân bay vận chuyển hàng hóa bận rộn thứ ba trên thế giới, sau Memphis, Tennessee và Khu hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc). Theo Ngân hàng Citi, nhìn chung, Thượng Hải chiếm 7,3% xuất khẩu của Trung Quốc và 14,4% nhập khẩu vào năm 2021.
Trung tâm sản xuất và doanh nghiệp
Theo Citi, Thượng Hải là trung tâm sản xuất chất bán dẫn quan trọng nhất của Trung Quốc, là “nhà” của các tập đoàn SMIC, Hua Hong và Universal Scientific Industrial và các nhà sản xuất ô tô như SAIC Motor, các công ty liên doanh của SAIC với Volkswagen và GM, Nio, Tesla và Ford.
Thượng Hải cũng là trụ sở chính của các tập đoàn đa quốc gia tại Trung Quốc như Apple, L’Oreal, Samsung Electronics, P&G, L’Oreal, LVMH, Nike, Panasonic, Philips, Johnson & Johnson và General Electric, cùng nhiều công ty khác. Đây đồng thời cũng là cơ sở cho các nhà sản xuất tàu như công ty đóng tàu Jiangnan, Zhonghua và Waigaoqiao.
Trung tâm tài chính
Sở chứng khoán Thượng Hải là sàn giao dịch lớn thứ ba thế giới tính theo vốn hóa thị trường, sau Sở giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq tính đến cuối năm 2020. Trong năm 2020, quỹ đầu tư Vanguard của Mỹ đã thông báo kế hoạch chuyển trụ sở chính ở châu Á từ Hong Kong sang Thượng Hải. Tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ Fidelity và Bridgewater của tỷ phú người Mỹ Ray Dalio cũng có trụ sở tại Thượng Hải.
Trung tâm tiêu dùng
Số liệu chính thức năm 2021 cho thấy thu nhập khả dụng trung bình của người dân tại Thượng Hải ở mức 78.027 NDT (12.288 USD), nhiều hơn gấp hai lần so với mức trung bình 35.128 NDT (5.531 USD) trên toàn quốc. Mức chi tiêu trung bình là 48.879 NDT, cũng cao hơn gấp hai lần so với mức trung bình 24.100 NDT của cả nước.
Chuỗi cửa hàng bán lẻ Costo của Mỹ đã chọn Thượng Hải là nơi để đặt cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc đại lục trong năm 2019. Và tính đến năm 2021, Thượng Hải là nơi có nhiều cửa hàng cà phê nhất cả nước, với gần 3 cửa hàng trên 10.000 dân, so với tỷ lệ khoảng 2 cửa hàng ở Quảng Châu, Thâm Quyến và Bắc Kinh.
Theo báo cáo của News and World Report Mỹ, Thượng Hải cũng là “nhà” của ba trong số 20 trường đại học hàng đầu tại Trung Quốc.
Theo cuộc điều tra dân số chính thức, số người nước ngoài sống tại thành phố Thượng Hải này đã giảm xuống 163.954 người trong năm 2020, giảm khoảng 21% so với thập niên trước đó.
Tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc hiện là địa phương của Trung Quốc có nhiều người nước ngoài nhất sinh sống nhất, với trên 400.000 người. Tổng số người nước ngoài tại nước này đã tăng 40% lên 1,4 triệu người trong 10 năm, tương đương khoảng 0,1% dân số Trung Quốc.
Phong tỏa Thượng Hải gây tác động mạnh đến thương mại toàn cầu
Lệnh hạn chế áp đặt trên nhiều thành phố tại Trung Quốc đã gây ra những ách tắc về logistics, đe dọa gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế.
Hãng Maersk cảnh báo lệnh phong tỏa tại Thượng Hải sẽ khiến hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường bộ ra vào thành phố này suy giảm 30%. Ảnh: Bloomberg
Lệnh phong tỏa tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác tại Trung Quốc đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động vận tải, logistics trên khắp cả nước, làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực về kinh tế trong bối cảnh Bắc Kinh kiên định chính sách "không Covid" (zero-Covid) khi số ca nhiễm mới liên tục xác lập những mốc kỉ lục.
Tác động đứt gãy đặc biệt nổi rõ trong ngành vận tải, lĩnh vực đóng vai trò thiết yếu trong lưu thông, phân phối hàng hóa giữa các thành phố, kết nối với các cảng biển lớn nhất thế giới. Nguyên nhân là do ngành này phải chịu những quy định hạn chế nghiêm ngặt về hoạt động di chuyển của lái xe, giao hàng tại những điểm có ca nhiễm COVID-19.
"Vận tải là điểm nghẽn chính mà chúng tôi gặp phải", Mads Ravn - Phó Chủ tịch điều hành DSV, một trong những công ty cung cấp dịch vụ vận tải lớn nhất thế giới, cho biết. Theo ông, việc đặt chỗ dịch vụ vận tải đường bộ gần như không thể thực hiện được, các chuyến bay vận chuyển hàng hóa đến sân bay Phố Đông tại Thượng Hải hiện chỉ bằng 3% so với tháng trước, do hàng vận chuyển chỉ giới hạn trong phạm vi đồ thiết yếu, như thuốc y tế.
Trung Quốc đang căng mình chống đỡ đợt dịch bùng phát mạnh nhất kể từ khi COVID-19 khởi phát tại Vũ Hán, Hồ Bắc hơn 2 năm trước. Trong ngày 6/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận 20.614 ca nhiễm mới, mức cao nhất tính theo ngày.
Cuối tháng ba vừa qua, hãng vận tải tàu biển Maersk (Đan Mạch) cảnh báo các biện pháp phong tỏa ở Thượng Hải có thể khiến lượng hàng hóa ra, vào thành phố này suy giảm 30%. Nhưng kể từ đó đến nay, quy định hạn chế ngày một siết chặt hơn, với lệnh phong tỏa, buộc cư dân ở nhà khi không có công việc thực sự cần thiết, đã được áp đặt trên toàn thành phố và chưa biết đến thời điểm nào nhà chức trách mới ra quyết định nới lỏng.
Còn trên phạm vi cả nước, tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) ước tính có khoảng 23 thành phố tại đại lục với tổng dân số gần 200 triệu người đang thuộc diện phong tỏa toàn bộ hoặc từng phần. "Những con số này có thể còn chưa phản ánh rõ tác động toàn diện, do nhiều thành phố đã triển khai xét nghiệm theo phạm vi từng quận. Hoạt động đi lại bị giới hạn quy mô lớn ở nhiều khu vực", Ting Lu - chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, cho biết.
Theo Bo Zhuang, chuyên gia phân tích và là nhà quản lý tài sản tại quỹ Loomis Sayles có trụ sở tại Singapore, nhiều điểm ra vào thành phố tại các tuyến cao tốc kết nối các tỉnh đã bị đóng. Chính quyền các địa phương cũng không có hoạt động điều phối hiệu quả để xoa dịu căng thẳng chuỗi cung ứng hàng hóa.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 6/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Các công ty chuyển phát nhanh tại tỉnh An Huy và Giang Tô ở miền đông và giáp với Thượng Hải cho biết hiện không thể gửi các lô hàng tới bất kỳ địa điểm nào ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng, trong đó có Thượng Hải. Việc giao đơn hàng đặt mua trên sàn giao dịch điện tử Taobao, một chợ trực tuyến rất phổ biến với người tiêu dùng Trung Quốc, cũng bị chậm nhiều ngày do các biện pháp phong tỏa.
Bên cạnh đứt gãy cung ứng nội địa, giới phân tích cũng cảnh báo những nút nghẽn cổ chai về vận tải, logistics cuối cùng cũng sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn vận tải đường biển, do ùn ứ hàng hóa và đơn đặt hàng. Điều này làm tăng chi phí khi các biện pháp phong tỏa, hạn chế được nới lỏng. "Một khi Thượng Hải mở cửa trở lại, chúng ta sẽ lại thấy câu chuyện đã được lặp đi lặp lại nhiều lần. Sẽ có sự bùng nổ về lượng hàng hóa vận chuyển, tạo sức ép lớn đối với giá cước giao ngay" - ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành hãng tư vấn vận tải biển Vespucci Maritime, nói.
Dữ liệu cập nhật công bố ngày 6/4 cho thấy chỉ số hoạt động kinh doanh dịch vụ chung (PMI dịch vụ) của Trung Quốc theo chuẩn Caixin đã giảm mạnh, xuống 42 điểm vào tháng 3 từ mức 50,2 điểm trong tháng 2. Đây là mức suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 - thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu ở Trung Quốc.
Hiện chưa có bằng chứng về ùn ứ tàu hàng bất thường tại cảng Thượng Hải, một trong những cảng biển lớn nhất thế giới. Nhà chức trách cho biết cảng vẫn vận hành theo mô hình "bong bóng khép kín", mọi nhân viên không được phép rời khỏi địa điểm làm việc trong toàn bộ ca trực, ngày trực. Tuy nhiên, theo FourKites - công ty chuyên cung cấp dữ liệu về chuỗi cung, khối lượng háng hóa thông quan tại cảng Thượng Hải đã giảm 1/3 tính từ ngày 12/3, khi các nhà xuất nhập khẩu buộc phải thay đổi cung đường vận chuyển.
Tờ China Daily nhận định hàng hóa thời gian qua được vận chuyển tới Thượng Hải chủ yếu bằng đường biển, khi nhiều thành phố lân cận đã cấm tài xế xe tải ra vào thành phố. Hãng Maersk hồi tuần trước khẳng định có thể cung cấp dịch vụ vận tải bằng các hình thức thay thế như đường sắt đối với các tuyến hàng lang kết nối Thượng Hải với các đô thị lân cận.
Nhưng theo ông Bo, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi khi virus lây lan tới các tỉnh, thành phố khác, những kênh vận tải thay thế đó rồi cũng sẽ chịu quy định về phong tỏa, hạn chế.
Trung Quốc tăng gấp đôi nỗ lực 'không COVID' trong đợt bùng dịch ở Thượng Hải Thượng Hải, thành phố từng là hình mẫu về khả năng kiểm soát COVID-19 linh hoạt, hiệu quả ở Trung Quốc, đang phải đối mặt với đợt phong tỏa nghiêm ngặt do biến thể Omicron bùng phát. Trung Quốc đã cử hơn 10.000 nhân viên y tế từ khắp cả nước đến Thượng Hải hỗ trợ chống dịch. Ảnh: AFP Tăng gấp đôi...