Thượng đỉnh Nga-Thổ-Iran: Vấn đề Idlib đặt lên hàng đầu
Ba nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ ưu tiên thảo luận tình hình Idlib tại Syria – vấn đề còn nhiều mâu thuẫn.
Ngày 16/9, ba nhà lãnh đạo Nga – Thổ Nhĩ Kỳ – Iran đang có cuộc họp thượng đỉnh tại Thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani có cuộc gặp cấp thượng đỉnh tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Aljazeera, ba nhà lãnh đạo có cuộc gặp riêng trước khi ngồi vào cuộc họp cấp thượng đỉnh. Sau cuộc họp này, họ sẽ cùng tiến hành cuộc họp báo về tuyên bố chung của cuộc họp.
Hurriyet Daily News bình luận, chương trình nghị sự cuộc họp thượng đỉnh sẽ tập trung vào tình hình tỉnh Idlib, Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình mới nhất ở Syria cũng như “đảm bảo các điều kiện cần thiết cho sự trở lại tự nguyện của người tị nạn và thảo luận về bước đi chung trong giai đoạn trước với mục đích đạt được một giải pháp chính trị lâu dài”.
Tổng thống Erdogan cho biết, nước này có kế hoạch tái định cư một triệu người tị nạn Syria ở đông bắc Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang hợp tác để tạo thành một “vùng an toàn”.
Ông Erdogan trước đây cũng đã cảnh báo rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở lại tuyến đường cho người tị nạn và người di cư vào châu Âu nếu không nhận được sự hỗ trợ quốc tế đầy đủ, cho phép nước này đối phó với hàng triệu người tị nạn đến Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đồng ý về tình trạng phi quân sự hóa của khu vực này vào cuối năm 2018, chấp thuận thiết lập các trạm quan sát theo dõi lệnh ngừng bắn và sự rút lui của các tổ chức thánh chiến. Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 12 trạm quan sát ở Idlib để thực thi thỏa thuận vùng đệm có được với Nga tại Sochi, cho phép ngăn chặn cuộc tấn công toàn diện của Syria vào Idlib.
Nhưng một phần vùng đệm đã bị Syria chiếm được hồi tháng trước sau khi Ankara không thực hiện các cam kết kiểm soát các tổ chức thánh chiến và chúng đã thường xuyên tiến hành hoạt động mở rộng vùng lãnh thổ. Các nhóm thánh chiến sử dụng các vùng lãnh thổ này để tiến hành các cuộc tấn công vào các căn cứ gần đó của Nga và lực lượng của Syria, buộc Damascus hành động.
Video đang HOT
Tháng trước, quân đội Syria đã bao vây phiến quân và một vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ, trong một động thái mà Ankara cho biết đã đe dọa an ninh quốc gia của nước này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Chính phủ Syria vào các vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ nhận được trả đũa từ lực lượng vũ trang của nước này.
Ngay sau đó, Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin đã tổ chức cuộc họp, đồng ý “bình thường hóa” tình hình tại Idlib.
Vấn đề thứ hai trong chương trình Thượng đỉnh tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là tình hình ở miền đông Syria nơi nước này và Mỹ đã đồng ý thiết lập một khu vực an toàn dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria.
Tổng thống Erdogan dự kiến sẽ thông báo cho Tổng thống Putin và Tổng thống Rouhani về những diễn biến thỏa thuận với Mỹ về khu vực này và đảm bảo với họ rằng mục tiêu duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là tạo ra một hành lang hòa bình dọc theo dải biên giới, củng cố cho an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và đưa người Syria trở về nhà của họ.
Vào tháng 8, Tổng thống Putin đã ủng hộ ý định của Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một vùng an toàn dọc biên giới.
Vấn đề thứ ba sẽ được thảo luận là việc thành lập một ủy ban hiến pháp để giám sát giai đoạn tiếp theo của dàn xếp chính trị ở Syria. Đây là mong muốn của Tổng thống Nga, khẳng định vai trò không thể bỏ qua của nước này tại Trung Đông, bỏ qua sự có mặt của Mỹ trong khu vực.
Ankara có thể sẽ rất nhiệt tình ủng hộ nỗ lực thành lập một Ủy ban hiến pháp với sự có mặt của 150 người, theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Tuy nhiên, ông Dareen Khalifa, nhà phân tích cấp cao của Syria tại International Crisis Group cho rằng, việc thành lập một Ủy ban hiến pháp về vấn đề Syria được kỳ vọng ở mức thấp.
Hải Lâm
Theo baodatviet
Mỹ bị 'cho ra rìa' ở Syria?
Trong những cuộc họp mang tính chất quyết định - xây dựng hòa bình và định hướng cho tương lai ở Syria lại không có sự xuất hiện của Mỹ.
Ngày 13/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với kênh truyền hình NTV rằng, ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh về Syria ở Ankara vào thứ Hai tuần tới.
"Idlib sẽ là vấn đề trọng tâm được đem ra bàn bạc tại cuộc họp ba bên ở Ankara. Ý kiến của các bên sẽ được trao đổi dựa trên những thông tin mà Thổ Nhĩ Kỳ thu được thông qua các trạm quan sát", ông Erdogan nhấn mạnh.
Theo Tass, Hội nghị thượng đỉnh ba bên về Syria sẽ được tổ chức tại Ankara vào ngày 16/9. Hội nghị ba bên gần đây nhất được tổ chức tại Khu liên hợp của Tổng thống ở quận Bestepe.
Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống tuyên bố rằng, lần này Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo sẽ diễn ra tại lâu đài Cankaya lịch sử, nơi từng là nơi ở của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Tổng thống nước này cho đến năm 2014.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran về Syria diễn ra lần đầu tiên tại Sochi vào tháng 11/2017. Sau cuộc gặp, các nguyên thủ quốc gia tuyên bố thành lập 4 khu vực giảm leo thang ở Syria, nhằm đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Sau đó, các cuộc Hội đàm tiếp theo của các nhà lãnh đạo về Syria đã được tổ chức ở Ankara (tháng 4/2018), Tehran (tháng 9/2018) và Sochi (tháng 2/2019).
Các cuộc họp bàn về vấn đề Syria thời gian gần đây đều vắng bóng Mỹ.
Trước đó vài giờ, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc gặp gỡ tại thành phố Sochi, Nga.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Moscow đã thông báo cho Tel Aviv về những hoạt động đang thực hiện để hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, lực lượng vẫn hiện diện ở khu vực Idlib.
Ngoài ra, Nga cũng cung cấp viện trợ nhân đạo và thúc đẩy tiến trình chính trị trong bối cảnh hình thành một cơ quan hiến pháp ở Syria.
"Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho Cộng hòa Ả Rập Syria, không chỉ bằng lời nói mà là hành động thực tế và Israel hoàn toàn đồng ý với chúng tôi. Trong bối cảnh đó, Nga đặt trọng tâm vào hỗ trợ chính quyền và người dân Syria để họ nhanh chóng trở lại cuộc sống hòa bình", ông Lavrov nói với phóng viên.
Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh, các lệnh cấm vận của Mỹ và các quốc gia châu Âu đối với chính phủ Syria là một yếu tố gây cản trở. "Theo ý kiến của tôi, chúng tôi đã tìm được sự thấu hiểu từ các đồng nghiệp Israel về vấn đề này", ông Lavrov nói.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, việc liên hệ trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin đã ngăn chặn cuộc đụng độ với Nga ở Syria.
"Đụng độ đã là nguy cơ hiện hữu gần như không thể tránh khỏi vì mâu thuẫn giữa nhiệm vụ của Không quân Nga và hoạt động chiến sự của chúng tôi trong thời gian chiến dịch trong cuộc đại chiến Syria", ông Netanyahu nói.
Thủ tướng Israel đánh giá, các liên hệ với ông Putin là đáng giá nhất đối với ông và góp phần phát triển quan hệ kinh tế cùng có lợi giữa hai nước.
"Sự phối hợp này chỉ có thể bởi tôi và Tổng thống Putin tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi nói chuyện một cách bình đẳng, cởi mở, không có ý tiêu cực. Chúng tôi trao đổi thẳng thắn, gọi sự vật bằng đúng tên của nó chứ không vòng vèo tránh né", ông Netanyahu kết luận.
Có một điểm khá thú vị đó là, trong những cuộc họp mang tính chất quyết định - xây dựng hòa bình và định hướng cho tương lai ở Syria lại không có sự xuất hiện của Mỹ.
Ban đầu là cuộc hội đàm giữa Israel và Nga về vấn đề trao đổi thông tin liên lạc trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Syria và sắp tới đây là Hội nghị thượng đỉnh về Idlib, tất cả đều không có bóng dáng Mỹ.
Điều này khiến giới quan sát đặt câu hỏi, phải chăng Mỹ đã bị cho "ra rìa"? Có lẽ đó là sự thật, Mỹ chỉ có thể ôm bờ đông Euphrates, bảo vệ người Kurd để hút dầu bán và quy ra vàng ròng giống như cách làm của IS. Về cơ bản, Mỹ không có vai trò gì trong việc quyết định tương lai của Syria, đặc biệt là ở các điểm nóng như Idlib và bắc Syria.
Thành Chung
Theo baodatviet
Hé lộ điều kiện đàm phán của Iran với Mỹ sau sự kiện cố vấn an ninh quốc gia từ chức Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nói với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron rằng Iran sẽ chỉ chấp nhận đàm phán khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Getty Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron vào hôm qua (11/9), ông Rouhani nói: "Chúng tôi sẵn sàng trở lại thực hiện...