Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ 2: Kỳ vọng có đột phá
Nhiều chuyên gia kỳ vọng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ 2 sẽ đạt được thỏa thuận chung. Điều này mang ý nghĩa rất lớn đối với hòa bình thế giới.
“Chắc chắn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên tại Việt Nam sẽ có tiến triển hơn lần 1 tại Singapore bởi nhiều động thái cho thấy điều đó” – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình khẳng định hôm 26-2.
Sẽ đi đến kết luận (!)
Ông Nguyễn Phú Bình phân tích Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, mở ra một chương mới trong quan hệ Mỹ – Triều Tiên. Từ đó, quan hệ Mỹ – Triều Tiên đã khác và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên được củng cố một bước.
Triều Tiên đã cử phái viên sang Mỹ và Mỹ cũng đã cử ngoại trưởng, các phái viên khác đến Triều Tiên rất nhiều lần. Bên cạnh đó, tuyên bố từ phía Triều Tiên cho thấy mong muốn có đột phá, còn phía Mỹ hy vọng sẽ có một cú hích quan trọng.
Sức ép của Mỹ cũng “giảm nhiệt”. Trước đây, Mỹ tuyên bố sẽ chỉ bỏ cấm vận và lệnh trừng phạt khi nào Triều Tiên giải giáp, phá hủy hoàn toàn hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump gần đây tỏ rõ thân thiện, không muốn ép phải làm ngay. Hai bên sẽ luôn luôn đáp lại nhau, mỗi bên tiến một bước.
Tại hội nghị lần 2, hai bên sẽ bàn về mong muốn của Triều Tiên là bình thường hóa quan hệ bằng một hiệp ước hòa bình. Mặc dù nhận định phía Mỹ và Triều Tiên có thể chưa đạt được nhanh chóng một hiệp ước hòa bình nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao dự báo sẽ có một tuyên bố dưới hình thức nào đó thể hiện chiến tranh đã qua như việc trao đổi cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên tại Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông thế giới Ảnh: HOÀNG TRIỀU
“Khi hai bên nhận thấy chắc chắn sẽ đạt được một thỏa thuận thì mới đồng ý tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 2, nếu không sẽ tiếp tục gặp ở cấp chuyên viên. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên tại Việt Nam chắc chắn đạt được thỏa thuận dù để tiến tới hiệp định hòa bình sẽ còn phải trải qua một số cuộc gặp nữa” – ông Nguyễn Phú Bình nói.
Cùng vấn đề này, GS Hà Tôn Vinh (một Việt kiều ở Mỹ 50 năm, từng tham gia cuộc vận động tranh cử của Đảng Cộng hòa) cho rằng hội nghị lần đầu là hai bên bắt đầu ngồi lại với nhau thảo luận về các vấn đề còn vướng mắc trong quan hệ song phương. Còn hội nghị lần 2 này rất quan trọng vì phải đi đến kết luận. Kết luận đó liên quan trực tiếp đến các nước như Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc… Hy vọng đã đến lúc các bên liên quan tuyên bố chấm dứt hoàn toàn chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên, mặc dù hiệp định đình chiến đã ký kết từ năm 1953.
Từ “biểu tượng” tới “thực chất”
GS Hà Tôn Vinh tin tưởng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên tại Việt Nam chắc chắn sẽ thành công và đạt được thỏa thuận chung. Thỏa thuận này cũng có ý nghĩa, biểu tượng rất lớn đối với hòa bình thế giới.
Theo ông Vinh, từ hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên đến không có chiến tranh là bước tiến lớn. Đó là đi kèm với việc không có vũ khí hạt nhân, không có vũ khí có thể đe dọa đến Hàn Quốc, Nhật Bản, cùng với đó là bỏ cấm vận Triều Tiên. Đặc biệt, Hàn Quốc có nguồn lực tài chính, công nghệ, nền sản xuất hiện đại và họ cần một nguồn lực lao động lớn, tài nguyên phong phú, đa dạng, trữ lượng lớn từ Triều Tiên.
PGS-TS Võ Đại Lược dự báo Mỹ và Triều Tiên sẽ đưa ra một khuôn khổ chung. Theo đó, Washington yêu cầu Bình Nhưỡng thực hiện các biện pháp tiến tới phi hạt nhân hóa, chẳng hạn như cung cấp danh sách mọi lò phản ứng hạt nhân và tên lửa. Ngược lại, Bình Nhưỡng yêu cầu Washington ký hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh nhằm bảo bảm hòa bình và ổn định cũng như gỡ bỏ lệnh trừng phạt để phát triển kinh tế.
TS Võ Trí Thành khẳng định Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 sẽ đạt được một kết quả nhưng hy vọng toàn diện như mong muốn thì còn cần thêm thời gian. Nguyên đại sứ Việt Nam tại Iran, ông Nguyễn Hồng Thạch, nhận định Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần này sẽ đạt được “một kết quả mang tính biểu tượng, có ý nghĩa với nền hòa bình thế giới”.
Video đang HOT
TS Lê Đình Tĩnh (Học viện Ngoại giao) nhìn nhận thế giới và Việt Nam cùng mong đàm phán Mỹ – Triều Tiên thành công. Các nhà quan sát cho rằng nếu như cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore chủ yếu mang tính biểu tượng thì cuộc gặp lần này tại Hà Nội, yếu tố thực chất được đề cao hơn.
Tuy nhiên, ông Tĩnh cũng cho rằng việc giải trừ quân bị, phi hạt nhân hóa, bảo đảm hòa bình, an ninh, nới lỏng hay dỡ bỏ cấm vận, tuyên bố kết thúc chiến tranh – những chủ đề hai bên có thể thảo luận – đều là những vấn đề không đơn giản. Nhiều nội dung trong đó chắc chắn đòi hỏi thời gian, niềm tin và cả những quy trình kỹ thuật như thanh sát, kiểm chứng, mở cơ chế văn phòng liên lạc, trao đổi thông tin và đàm phán.
“Hy vọng là với thịnh tình, lòng hiếu khách và yêu chuộng hòa bình của Việt Nam, lần này Mỹ và Triều Tiên có thể có những đột phá, ghi dấu ấn lịch sử, đem đến những điều tốt đẹp hơn cho mỗi nước và thế giới” – ông Lê Đình Tĩnh bày tỏ.
Mong mỏi 2 miền Triều Tiên sớm thống nhất
Trả lời trên New York Times, ông Jiro Oshima, một giáo viên đã về hưu thuộc cộng đồng người Triều Tiên ở Nhật, hy vọng quan hệ Mỹ – Triều Tiên ấm lên có thể giúp Triều Tiên thoát khỏi sự cô lập lâu nay. Cộng đồng người Triều Tiên ở Nhật Bản luôn mong mỏi được chứng kiến 2 miền Triều Tiên sớm thống nhất.
Ông Choi Jae-kwan (người Hàn Quốc) chỉ mới 12 tuổi khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950. Những ký ức về cuộc chiến tương tàn đó vẫn ám ảnh trong tâm trí ông. “Nếu nó xảy ra lần nữa, cả miền Bắc và miền Nam sẽ chìm trong biển lửa… Việc đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh không chỉ là vấn đề của 2 miền Triều Tiên mà còn cần sự hợp tác của các quốc gia khác gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga” – ông Choi Jae-kwan chia sẻ trên Saudi Gazette.
Trong khi đó, anh Choi Ji-seung, sinh viên Hàn Quốc, 29 tuổi, khẳng định một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đối với nền kinh tế Hàn Quốc như thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vốn còn do dự đầu tư vào Hàn Quốc vì e ngại căng thẳng từ Triều Tiên. “Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt vời nếu Hàn Quốc cùng với Triều Tiên và Mỹ có thể thúc đẩy quan hệ” – Choi Ji-seung nói.
X.Mai
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Gác lại chiến tranh
Tôi đã đến Triều Tiên vào năm 2006 để nghiên cứu các vấn đề xã hội, chăm sóc sức khỏe, y tế, xã hội. Triều Tiên là đất nước rất xinh đẹp, giàu tiềm năng và ấn tượng nhất là người dân rất tôn trọng pháp luật, tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng.
Hai nguyên thủ quốc gia chọn Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 là sự chọn lựa có tính toán, có cân nhắc kỹ lưỡng bởi vì mục đích của 2 nguyên thủ là mong muốn hòa bình, mong muốn sự đối đầu 70 năm qua được gác lại. Việt Nam được chọn vì là một đất nước từng bị chiến tranh triền miên và bây giờ là đất nước hòa bình, là bạn của các quốc gia trên thế giới.
Trí tuệ của con người chế tạo ra hạt nhân để phục vụ đời sống con người thay vì phục vụ cho chiến tranh, hủy diệt loài người. Đó là mong muốn và là nguyện vọng của tôi trước sự kiện trọng đại này.
Chị Thanh Thảo (tiểu bang Missouri – Mỹ):
Hy vọng Triều Tiên mở cửa thông thương
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên, nếu Triều Tiên mở cửa thông thương với các nước và các nước mở cửa thông thương với Triều Tiên sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhiều cơ hội phát triển kinh tế cũng như hòa bình trên thế giới.
Việc Mỹ và Triều Tiên đã tin tưởng chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh là cơ hội ngàn năm có một để chúng ta tiếp tục giới thiệu với bạn bè quốc tế và nhằm phát triển du lịch trong nước. Tôi tin chắc rằng sau cuộc gặp này, hình ảnh của Việt Nam sẽ được các phóng viên quốc tế chuyển tải đến công chúng toàn cầu, nhờ đó lượng du khách sẽ tăng đột biến.
Cô Ngô Thị Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt – Triều (Hà Nội):
Chuẩn bị đón lãnh đạo Triều Tiên thăm trường
Tôi đã được sang thăm Triều Tiên và rất ấn tượng về người Triều Tiên thân thiện, mến khách và có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Chúng tôi cũng đã kết nghĩa với Trường Mẫu giáo Kiêng Sang, một trường dạy năng khiếu của nước bạn.
Nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Kim Jong-un đến Việt Nam, chúng tôi rất mong muốn sẽ được đón các đoàn đại biểu Triều Tiên đến thăm nhà trường, đặc biệt là Chủ tịch Kim Jong-un. Tôi kỳ vọng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên sẽ có kết quả tốt đẹp và góp phần tạo môi trường hòa bình cho nhân dân Triều Tiên.
P.Dũng – Y.Anh ghi
Theo Nguoilaodong
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Kỳ vọng về những cái bắt tay lịch sử
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có những cái bắt tay lịch sử đầu tiên tại Singapore trên con đường tiến tới chấm dứt thời kỳ quan hệ đối địch.
Lạc quan và hy vọng về tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thể hiện sau cuộc gặp lịch sử lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 27-28/2, tại Hà Nội - Việt Nam. (Ảnh Internet)
Trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ giữa 2 bên trở nên căng thẳng bởi tiến trình phi hạt nhân và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên. Năm 1994, Mỹ và Triều Tiên từng đạt được một thỏa thuận. Theo đó, Triều Tiên đóng băng và từ bỏ chương trình hạt nhân, để đổi lại viện trợ năng lượng. Nhưng không lâu sau đó, Mỹ cáo buộc Triều Tiên triển khai chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Thỏa thuận năm 1994 sụp đổ.
Chính vì vậy, trước khi cuộc gặp lần thứ nhất diễn ra, những thông điệp chính của phía Mỹ rằng: Đây là cuộc gặp lịch sử, là cơ hội để đảo ngược tình thế và Mỹ kiên định mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên.
Sau cuộc gặp lịch sử lần thứ nhất tại Singapore Chủ tịch Kim Jong-un tái khẳng định cam kết của mình đối với "tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn" của bán đảo Triều Tiên. Đổi lại, Washington sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, ngừng tập trận chung với Seoul trong giai đoạn đối thoại thiện chí giữa Mỹ và Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo đã cam kết vượt qua những căng thẳng và thù địch trong nhiều thập kỷ qua giữa hai nước để mở ra một tương lai mới, xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Trump đã giơ cao bản tuyên bố chung, đánh dấu thời khắc lịch sử - một chiến thắng ngoại giao quan trọng của cả ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Trump đã khẳng định một lần nữa tầm quan trọng thỏa thuận lịch sử mà ông đã ký với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ông đã cảm ơn các nước làm nên thành công của cuộc gặp thượng đỉnh này, trong đó có những cường quốc khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông khẳng định rằng, văn kiện này sẽ mở ra tương lai tươi sáng của khu vực nhưng không phải hòa bình thực sự giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ đến trong ngày một ngày hai.
Tổng thống Trump thừa nhận những điểm còn chưa được đề cập chi tiết trong tuyên bố chung. Đó là đi đến giải giáp hoàn toàn chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ mất nhiều thời gian. Ông khẳng định, Mỹ sẽ duy trì cấm vận Triều Tiên cho tới khi chương trình hạt nhân được giải giáp hoàn toàn và Mỹ kiểm chứng được hành động của Triều Tiên.
Tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng rằng hai bên sẽ bắt đầu quá trình giải giáp hạt nhân của Triều Tiên sớm, ngay khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trở về Bình Nhưỡng là sẽ bắt đầu thực thi cam kết. Tổng thống Trump còn đưa ra tuyên bố không rút quân khỏi Hàn Quốc nhưng sẽ ngừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc - một vấn đề mà sau đó gây ra rất nhiều phản ứng khác nhau trong nội bộ Mỹ.
Một sự thay đổi lớn lao là những cảm nhận đầu tiên sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã làm nên lịch sử khi tổ chức cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên.
Những cử chỉ thân thiện, những lời nhận xét tốt về nhau giữa hai lãnh đạo của hai quốc gia, mới ít tháng thôi vẫn trong trạng thái thù địch, đã được phát đi khắp thế giới... như những bằng chứng mạnh mẽ về mong muốn bỏ lại sau lưng quá khứ thăng trầm của hai nước. Một kết quả làm hài lòng cả hai bên, chính quyền của Tổng thống Trump lẫn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Nhưng đây mới chỉ là một bước đi đầu tiên trên con đường thiết lập nền hòa bình và một thời kỳ mới giữa họ.
Lạc quan và hy vọng là những gì mà giới nghiên cứu và những người theo dõi tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thể hiện sau khi chứng kiến cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6 vừa qua tại Singapore.
Sau cuộc gặp lần đầu tiên giữa ông Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2018, Triều Tiên đã dừng thử vũ khí nhưng hai nước không đạt được tiến bộ đáng kể trong đàm phán phi hạt nhân hóa do bất đồng trong cách hiểu về khái niệm này. Đó cũng chính là lý do Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai vào ngày 27 - 28/2, tại Hà Nội, Việt Nam.
Mặc dù còn chưa diễn ra, nhưng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều Tiên lần thứ 2 được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Dư luận quốc tế rất hy vọng sẽ có kết quả cụ thể tại hội nghị.
Các hãng tin Yonhap, Bloomberg, AP dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha: Hội nghị thượng đỉnh lần 1 tạo một khuôn khổ rất lớn với các mục tiêu chung. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giờ phải tạo ra thỏa thuận cụ thể hướng tới những mục tiêu này. Mỹ sẽ đại diện cho cộng động toàn cầu đàm phán, Seoul ủng hộ một hiệp ước toàn diện, trong đó có tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Theo báo Nhật Kyodo News, người dân Bình Nhưỡng ngày càng hy vọng về một bước đột phá kinh tế trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng nền kinh tế Triều Tiên sẽ được hồi sinh, nhờ sự cải thiện mối quan hệ với Mỹ. Trong khi, Mỹ vẫn khá chần chừ trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên do chưa đạt được sự đồng thuận về các bước chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa.
Tại Bình Nhưỡng, những khẩu hiệu thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như phản đối "chủ nghĩa đế quốc Mỹ" từng thịnh hành giờ đây không còn phổ biến.
Gần đây, các biểu ngữ và bảng hiệu nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng kinh tế được đưa ra, nhấn mạnh sự nghiêm túc của Triều Tiên về việc thúc đẩy nền kinh tế quốc gia thay vì tăng cường khả năng vũ khí.
Đánh giá về sự kiện lịch sử này này, ông Nguyễn Vinh Quang - Chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế nhận định dù phía trước cả hai quốc gia còn phải đối mặt với nhiều chông gai nhưng rõ ràng, không khí trong quan hệ giữa hai bên đã thay đổi.
Gần 70 năm căng thẳng, đối đầu giữa hai quốc gia, nhất là trong 30 năm gần đây khi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên như một ngòi nổ có thể dẫn đến chiến tranh bất kỳ lúc nào, trong bối cảnh đó hai nguyên thủ lại có thể gặp nhau thì đó là sự kiện lịch sử trong quan hệ quốc tế. Cách đây vài tháng, chúng ta cũng không thể ngờ có thể diễn ra sự kiện này - ông Nguyễn Vinh Quang chia sẻ.
Đắc Nguyên
Theo
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Hàn Quốc hy vọng đạt tiến triển Ngày 26/2, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ kỳ vọng vào những tiến triển có thể đạt được trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom. (Ảnh: Yonhap/TTXVN) Ngày 26/2, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc...