Thượng đỉnh Mỹ – Triều: Thắng lợi của ông Kim Jong-un
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore ngày 12/6 đã trao cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un những lợi thế nhất định và giúp nâng cao vị thế của ông trên trường quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều ký tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh (Ảnh: Reuters)
Giới phân tích cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra tại Singapore ngày 12/6 rõ ràng đã giúp ông Kim Jong-un thay đổi hình ảnh trong mắt cộng đồng quốc tế, từ một nhà lãnh đạo “bất thường” thành một nhà lãnh đạo “bình thường”. Ngoài ra, tuyên bố chung do hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều ký sau những cái bắt tay lịch sử cũng giúp ông Kim Jong-un không còn bị coi là “người tên lửa” như cách gọi của Tổng thống Donald Trump, mà trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu – người đang nỗ lực đấu tranh cho hòa bình và phi hạt nhân hóa.
Chỉ một năm trước đây, Tổng thống Trump vẫn dùng những lời lẽ tiêu cực để nói về nhà lãnh đạo Triều Tiên sau khi nước này tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa khiến Mỹ “ nóng mặt”. Tuy nhiên, trong hơn 5 giờ diễn ra hội nghị thượng đỉnh hôm qua, ông Trump đã thể hiện thái độ nhã nhặn và dành sự tôn trọng cho ông Kim Jong-un khi hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế. Hai nhà lãnh đạo thậm chí còn ăn trưa và đi bộ cùng nhau trong khuôn viên khách sạn Capella trên đảo Sentosa, Singapore.
Nhà báo Rupert Wingfield-Hayes của BBC nhận định hội nghị thượng đỉnh lần này là một thắng lợi lớn cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Những gì diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh là những điều “tuyệt vời” đối với một người đàn ông mà không lâu trước đó còn vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế vì chương trình vũ khí gây tranh cãi.
Theo Giáo sư quan hệ quốc tế Park Won-gon tại Đại học Toàn cầu Handong, sự gần gũi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều được cho là điều không tưởng trong suy nghĩ của nhiều người cách đây vài tháng. Nhưng nay, những hình ảnh đó đã tạo ấn tượng rằng Tổng thống Trump đang đối xử với nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngang bằng với các nguyên thủ quốc gia khác.
“Ông Kim Jong-un muốn trở thành một nhà lãnh đạo bình thường và hội nghị thượng đỉnh lần này chắc chắn đã giúp ông ấy đạt được mục tiêu đó”, Giáo sư Park nhận định.
Giáo sư Park cũng đề cập tới “mối liên kết đặc biệt” mà Tổng thống Trump nhắc tới khi nói về mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên nhiều lần và ông “hoàn toàn” sẵn lòng mời ông Kim Jong-un tới Nhà Trắng.
Video đang HOT
Trong tuyên bố chung được công bố sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump cũng cam kết “bảo đảm an ninh” cho Triều Tiên. Đây cũng là điều ông Kim Jong-un rất cần khi quyết định thay đổi chiến lược điều hành đất nước từ tập trung phát triển vũ khí hạt nhân sang tái thiết nền kinh tế.
Michael Kovrig, cố vấn cấp cao tại Crisp Group, một tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở tại Bỉ với sứ mệnh ngăn ngừa chiến tranh, hội nghị thượng đỉnh lần này là “thắng lợi vĩ đại” cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un vì ông đã giành được “uy tín” cũng như lợi thế về mặt “tuyên truyền” khi tổ chức thành công cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ, trong khi vẫn nắm trong tay năng lực răn đe hạt nhân.
Một số nguồn tin ngoại giao cũng đồng tình với quan điểm trên. Họ cho rằng những ngôn từ nồng ấm và hình ảnh tích cực thể hiện trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo khác hoàn toàn với những lời đe dọa “trút hỏa lực và thịnh nộ” vào Triều Tiên của nhà Tổng thống Trump, cũng như cách ông Kim Jong-un gọi ông chủ Nhà Trắng là “ông già lẩm cẩm” như trước đây.
Mở đường cho Triều Tiên
Ông Trump và ông Kim Jong-un đi dạo trong khuôn viên khách sạn Capella tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Giới phân tích cho rằng thỏa thuận mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đạt được với Tổng thống Trump sẽ mở đường để nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể tiến hành các cuộc đối thoại tiếp theo với các nhà lãnh đạo khác như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay Tổng thống Nga Vladimir Putin. Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2011 đến nay, ông Kim Jong-un mới chỉ gặp lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ. Tất cả các cuộc gặp này đều diễn ra trong năm nay.
Các nguồn tin dự đoán thỏa thuận Trump – Kim đặc biệt có lợi cho Triều Tiên trong việc đàm phán với các đồng minh của Mỹ. Ông Kim Jong-un đã khẳng định “cam kết không thay đổi trong việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” và đây có thể là “tấm vé” giúp ông thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây.
Theo cây bút Michael A. Cohen của Boston Globe, hình ảnh Tổng thống Trump bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un với quốc kỳ Mỹ và Triều Tiên sau lưng họ đã đem đến cho ông Kim Jong-un “thắng lợi về mặt tuyên truyền” mà ông nội, cha và chính bản thân ông vẫn luôn chờ đợi. Trong suốt nhiều năm, Triều Tiên vẫn muốn nhận được sự tôn trọng để có thể đứng ngang hàng với Mỹ. Và Tổng thống Trump đã cho Bình Nhưỡng đúng cái họ cần.
Trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, ông Trump cũng không tiếc những lời “có cánh” dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên. Theo mô tả của Tổng thống Trump, ông Kim Jong-un là “người đàn ông tài năng”, một nhà lãnh đạo “yêu nước” và là “một nhà đàm phán rất cứng rắn, thông minh và đáng được tôn trọng”. Khi hai nhà lãnh đạo đi dạo tại khách sạn, ông chủ Nhà Trắng còn “khoe” siêu xe chống đạn mang tên “Quái thú” với ông Kim Jong-un. Ông Trump khẳng định hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều đã diễn ra “tốt hơn mọi sự mong đợi”.
Trước báo giới, Tổng thống Trump cũng đồng ý dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, thậm chí mô tả các cuộc tập trận này là đắt đỏ và mang tính “khiêu khích”. Tuyên bố này có thể khiến Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại vì hai nước đồng minh từ trước đến nay vẫn luôn trông cậy vào sự hậu thuẫn của Washington trong việc bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, tuyên bố này đã làm hài lòng Triều Tiên – quốc gia lâu nay vẫn coi các cuộc tập trận là động thái nhằm chuẩn bị cho kịch bản xâm lược Bình Nhưỡng.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tổng thống Trump: Chỉ người dũng cảm nhất mới có thể kiến tạo hòa bình
Tổng thống Donald Trump đã chia sẻ những dòng trạng thái đầu tiên lên mạng xã hội sau khi kết thúc cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hôm 12/6.
Tổng thống Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Sau khi rời Singapore về nước, Tổng thống Donald Trump ngày 13/6 đã chia sẻ những dòng trạng thái về cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên mạng xã hội Twitter.
"Từ Singapore trở về nhà sau một chuyến đi thực sự tuyệt vời. Những tiến triển lớn đã đạt được trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Các con tin đã được thả về, hài cốt của các anh hùng vĩ đại sẽ được đưa về nhà với gia đình của họ, không còn phóng tên lửa nữa, không còn chương trình nghiên cứu nào nữa, các bãi thử cũng đã đóng cửa", Tổng thống Trump viết.
Bình luận trên của ông Trump đã đề cập tới một loạt cam kết và động thái thể hiện thiện chí của Triều Tiên. Triều Tiên trước đó đã đồng ý thả 3 công dân Mỹ sau nhiều tháng giam giữ, phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri duy nhất và cam kết không tiến hành các vụ phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân.
"Hòa hợp với ông Kim Jong-un - người muốn được chứng kiến những điều tuyệt vời cho đất nước ông ấy. Như tôi nói trước đó: Bất kỳ ai cũng có thể gây ra chiến tranh, nhưng chỉ có người dũng cảm nhất mới có thể kiến tạo hòa bình", Tổng thống Trump viết tiếp.
Truyền thông Triều Tiên đưa tin
Sau khi cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un kết thúc, truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm nay 13/6 mới đăng tải các thông tin liên quan tới sự kiện lịch sử này. Đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) cho biết Tổng thống Trump đã bày tỏ ý định dừng tất cả các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ trong khi tiến hành các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.
"Ông Kim Jong-un đã thể hiện rõ lập trường rằng, nếu phía Mỹ có những động thái chân thành trong việc xây dựng lòng tin nhằm cải thiện quan hệ Mỹ - Triều, phía Triều Tiên cũng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thiện chí tương xứng với họ", KCNA đưa tin.
"Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump cùng nhất trí rằng, điều quan trọng là hai bên cần tuân thủ nguyên tắc hành động đồng thời, từng bước một để đạt được mục tiêu hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", KCNA cho biết thêm.
Theo hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã mời ông Trump tới thủ đô Bình Nhưỡng vào thời điểm phù hợp và ông chủ Nhà Trắng cũng mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Mỹ.
"Hai nhà lãnh đạo đã vui vẻ chấp nhận lời mời của nhau và tin tưởng tích cực rằng đây sẽ là sự kiện quan trọng để cải thiện quan hệ Mỹ - Triều", KCNA nhấn mạnh.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra trên đảo Sentosa, Singapore kết thúc vào chiều 12/6 bằng tuyên bố 4 điểm do Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký kết. Hai bên nhất trí thiết lập quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng, nỗ lực cùng nhau xây dựng một cơ chế hòa bình bền vững, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, tái khẳng định cam kết trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 27/4 và thúc đẩy công tác tìm kiếm hài cốt POW/MIA (tù nhân chiến tranh/những người mất tích khi làm nhiệm vụ), bao gồm việc hồi hương ngay lập tức những hài cốt đã được xác định.
Thành Đạt
Theo Dantri
Thủ tướng Singapore khen ông Kim Jong-un "táo bạo và đáng ngưỡng mộ" Nụ cười tươi cùng cái bắt tay chặt khởi đầu cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Thủ tướng Lý Hiển Long và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi Singapore chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều Tiên. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tiếp ông Kim Jong-un. Ảnh: ST. Bộ Ngoại giao Singapore cho biết, hai...