Thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN: Thúc đẩy thương mại tự do, thịnh vượng chung
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Hàn Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dự kiến diễn ra từ ngày 25-26/11 tới tại thành phố miền Nam Busan nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại song phương.
Ông Joo Hyung-chul, cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Korea Times)
Ông Joo Hyung-chul, cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 18/8 cho biết, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa nước này và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dự kiến diễn ra từ ngày 25-26/11 tới tại thành phố miền Nam Busan nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại song phương, sẽ tập trung thúc đẩy thương mại tự do và sự thịnh vượng chung của khu vực.
Nhận định của ông Joo đã làm gia tăng khả năng hội nghị thượng đỉnh này sẽ là một điểm gặp gỡ để Hàn Quốc tăng cường hoạt động ngoại giao chống lại những hạn chế xuất khẩu gần đây mà Nhật Bản áp đặt với nước này.
Phát biểu trong cuộc họp báo nhanh, ông Joo nêu rõ: “Tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt này, Hàn Quốc và các nước ASEAN sẽ củng cố quyết tâm mở cửa các thị trường, mở rộng thương mại, tăng cường trật tự thương mại tự do và tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy thịnh vượng chung thông qua hợp tác với nhau để đối phó với tình hình quốc tế gần đây, trong bối cảnh các cuộc xung đột thương mại và những khuynh hướng bảo hộ đang ngày càng trầm trọng”.
Video đang HOT
Khi được hỏi liệu hội nghị có đề cập tới những hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản áp đặt với Hàn Quốc hay không, quan chức này cho hay: “Khó để nói (căng thẳng Hàn-Nhật) sẽ tiến triển ra sao trong 100 ngày tới, nhưng điều quan trọng là phải duy trì hệ thống thương mại mở và tự do, dĩ nhiên là sẽ có các cuộc thảo luận về vấn đề này”.
Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được mời tham dự hội nghị ở Busan hay không, ông Joo cho biết vấn đề này tùy thuộc vào sự tiến triển trong quan hệ Bình Nhưỡng và Washington.
Theo TG&VN
Asean - mái nhà chung vì người dân
Ngày 8-8, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức lễ kỷ niệm 52 năm ngày thành lập ASEAN (8-8-1967 - 8-8-2019) và khánh thành tòa nhà trụ sở mới Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia.
Đại biểu các nước trong khu vực tại Lễ kỷ niệm 52 năm Ngày thành lập ASEAN. Ảnh: TTXVN
Câu chuyện thành công
Thành công quan trọng nhất của ASEAN trong suốt hơn 5 thập niên qua là đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia thành viên xây dựng được mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp. Những khác biệt giữa các thành viên, những bất đồng hay tranh chấp nhất định đều được ngăn chặn và hóa giải trên cơ sở lợi ích chung. Với nguyên tắc đề cao an ninh tập thể, việc ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, quản lý thiên tai, ma túy, dịch bệnh, các vấn đề môi trường... đã được nâng lên tầm hợp tác khu vực.
Khu vực ASEAN là câu chuyện thành công về kinh tế ở các nước đang phát triển, hầu như tất cả quốc gia thành viên ASEAN đều đạt mức vượt trội so với tăng trưởng toàn cầu trong một thời gian dài. ASEAN cũng được đánh giá là hội nhập khu vực thành công nhất ở các nước đang phát triển và là một mô hình của chủ nghĩa khu vực mở, đây cũng là điểm đến lớn thứ hai (chỉ đứng sau Trung Quốc) về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong một thập niên vừa qua.
Thế giới cũng chứng kiến ASEAN nhanh chóng trở thành khu vực kinh tế năng động, có quy mô lớn thứ sáu trên toàn cầu với GDP năm 2018 đạt gần 3.000 tỷ USD, tăng gấp 100 lần so mức khiêm tốn chưa đầy 30 tỷ USD ban đầu. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn khối sẽ đạt 4,9%-5,2% trong năm 2019. Với đà phát triển năng động và tiềm năng lớn, dự kiến ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050.
Thách thức trong tương lai
Trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang trải qua sự thay đổi lớn về kinh tế và địa chính trị, những thách thức mà ASEAN phải đối mặt trong tương lai sẽ khác nhiều so với 5 thập niên qua. Thay đổi trong quan hệ giữa các cường quốc tại châu Á - Thái Bình Dương là nguyên nhân dẫn đến nhiều bất ổn địa chính trị, các hình thức tranh chấp lãnh thổ ngày càng phức tạp, cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt, trong đó Đông Nam Á là vòng trung tâm,... làm cho môi trường an ninh khu vực đứng trước nhiều nguy cơ bất ổn, tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến ASEAN.
ASEAN luôn đặt ra mục tiêu hàng đầu về duy trì sự ổn định, an ninh khu vực, đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên cơ sở tính đến lợi ích chung lớn nhất. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, chỉ có thúc đẩy hơn nữa đoàn kết, thống nhất, phát huy tính tự lực, tự cường ASEAN mới có thể giữ vững được vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực mở, qua đó đảm bảo được an ninh bền vững tại khu vực để có thể cùng nhau phát triển.
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA), trong 2 thập niên tới, ASEAN cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt vì hạn chế về năng lực công nghệ, nhân lực lành nghề và tài năng khoa học, kỹ thuật so với Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản và các nền kinh tế tiên tiến của Đông Bắc Á. Sự bền vững của tăng trưởng ASEAN cũng sẽ chịu áp lực ngày càng tăng; các vấn đề như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng trong phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý thiên tai... cũng gây ra nhiều tác động.
Đối mặt với những thách thức này, ASEAN có thể hướng tới một phương thức hoạt động chủ động hơn nữa với các chiến lược rõ ràng để dự báo các lợi ích cốt lõi trên cơ sở các cấu trúc mới, qua đó hình thành các chiến lược phát triển tương ứng.
Lễ kỷ niệm 52 năm ngày thành lập ASEAN diễn ra là sự kiện lớn đầu tiên được tổ chức tại tòa nhà trụ sở mới của Ban Thư ký ASEAN. Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nhấn mạnh, đây là dịp các thành viên nhìn lại những thành tựu đã đạt được và chung sức thực hiện mục tiêu tương lai chung: "Hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm".
HẠNH CHI tổng hợp
Theo SGGP
Hàn Quốc và các nước ASEAN xúc tiến ký kết các thỏa thuận hải quan Cục Hải quan Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc gặp song phương riêng rẽ với giới chức Indonesia, Philippines và Việt Nam bên lề một hội nghị thường niên giữa Hàn Quốc và ASEAN tại Lào. (Nguồn: thcasean.org) Hàn Quốc đang xúc tiến mạnh mẽ việc ký kết các thỏa thuận hải quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại song phương...