Thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un: Không phải “ván bài giải trí”
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng chấp nhận đề nghị của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về một cuộc gặp thượng đỉnh mà không đôi co điều kiện tiên quyết, khiến giới quan sát không khỏi bất ngờ. Có gì được mất, khi mỗi bên tự nhún mình một chút để tiến bước dài hơn?
Tổng thống Donald Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters
Thông báo về cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ – Triều Tiên là bước đột phá tích cực nhất trong một chuỗi các diễn tiến ngoại giao làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng đồng ý tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongChang hồi tháng Hai.
Nhưng không ít các chuyên gia phân tích hoài nghi cho rằng chấp nhận nguyên tắc một cuộc gặp thượng đỉnh trong khi chưa đàm phán ngoại giao gì trong hậu trường, tức là Mỹ đã cho không Triều Tiên những gì mà họ đang tìm kiếm.
Ông Jeffrey Lewis, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Middlebury nhận định: “Triều Tiên từ 20 năm qua đã cố gắng có được một cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ. Đó chính xác là mục tiêu ưu tiên của chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng”.
Video đang HOT
Theo chuyên gia Lewis thì ông Kim Jong-un không mời ông Donald Trump gặp để giao nộp vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, mà là nhằm “chứng minh rằng đầu tư vào khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã buộc Mỹ đối xử với Triều Tiên bình đẳng”.
Chuyên gia Antoine Bondaz, giảng viên trường Khoa học Chính trị Pháp thì cho rằng, một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy có lợi cho cả hai bên. Trả lời phỏng vấn RFI, chuyên gia Bondaz phân tích:
“Triều Tiên và ông Kim Jong-un đã đạt được mục tiêu chính trị của mình. Ngay từ tháng 11.2016, ông Kim Jong-un đã tuyên bố hoàn thiện sức mạnh quân sự và hạt nhân. Giờ đây ông ta triển khai sáng kiến ngoại giao. Còn ông Donald Trump cho thấy cũng là người thắng. Bởi vì sau ông là cộng đồng quốc tế gây áp lực tối đa với Triều Tiên, vì ông không phải là người đầu tiên nhượng bộ, Triều Tiên đã thông báo ngừng tạm thời các cuộc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo”.
Lời mời của ông Kim Jong-un được ông Donald Trump đón nhận nhanh chóng không theo các thể thức ngoại giao thông thường để chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh. Vì thế mà dư luận vẫn rất thận trọng, nhất là khi tính tới những khả năng nhượng bộ.
“Mỹ sẽ không có nhượng bộ về các trừng phạt quốc tế chừng nào chưa có các biện pháp cụ thể hướng tới giải trừ hạt nhân. Vì thế vẫn phải tôn trọng trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Vấn đề đặt ra giờ đây không còn là chuyện có đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng nữa mà là các nhượng bộ mà Mỹ và Triều Tiên sẵn sàng chấp nhận” – chuyên gia Bondaz khẳng định.
Vẫn còn quá sớm để nói đến nội dung hay kết quả được đặt lên bàn cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un. Có điều chắc chắn là cuộc đối thoại, nếu diễn ra, sẽ không hề dễ dàng chút nào, như Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo, đó sẽ không phải là “ván bài giải trí”.
Theo Laodong
Tổng thống Trump tiết lộ thỏa thuận với Triều Tiên
Tổng thống Donald Trump cho rằng thỏa thuận với Triều Tiên nếu được thiết lập sẽ tốt cho cả thế giới sau khi ông nhận lời mời gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)
"Thỏa thuận với Triều Tiên đang trong quá trình thiết lập và nếu hoàn tất, đây sẽ là một thỏa thuận rất tốt cho thế giới. Thời gian và địa điểm sẽ được ấn định", Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter ngày 9/3.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã chấp thuận tiến hành một cuộc hội đàm với ông Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào tháng 5, sau khi phái đoàn quan chức cấp cao Hàn Quốc chuyển lời mời của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới ông Trump nhân chuyến đi tới Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ cũng đặt ra những điều kiện nhất định cho Triều Tiên trước khi hai nước đạt được bất kỳ thỏa thuận nào hoặc nhất trí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Theo đó, Nhà Trắng yêu cầu Bình Nhưỡng có những "bước đi cụ thể và xác thực" nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
"Cuộc gặp sẽ không diễn ra nếu không có các hành động cụ thể phù hợp với những cam kết do Triều Tiên đưa ra", phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết.
Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong, quan chức dẫn đầu phái đoàn cấp cao Hàn Quốc sang Triều Tiên gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cho biết Bình Nhưỡng đã "cam kết phi hạt nhân hóa" và kiềm chế các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân cho tới khi các cuộc đối thoại với Mỹ diễn ra.
"Mỹ sẽ không nhượng bộ, nhưng Triều Tiên đã đưa ra một số cam kết. Tôi nghĩ Tổng thống đang nhận được đúng những gì ông muốn. Ông đang có cơ hội phi hạt nhân hóa Triều Tiên thực sự", bà Sanders nói thêm.
Trước khi Triều Tiên phát tín hiệu đối thoại gần đây, chính quyền Trump đã triển khai các biện pháp nhằm "gây sức ép tối đa" lên Bình Nhưỡng. Ngoài các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có do Washington áp đặt lên Bình Nhưỡng, Mỹ cũng liên tục tăng cường sức ép quân sự, bao gồm việc đưa các khí tài quân sự tới bán đảo Triều Tiên. Chính quyền Mỹ cũng tuyên bố nếu chính sách ngoại giao thất bại, Washington sẵn sàng sử dụng phương án quân sự để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Thành Đạt
Theo Dantri
Vì sao truyền thông Triều Tiên "im bặt" về cuộc gặp giữa ông Trump - Kim Jong-un? Truyền thông Triều Tiên dành nhiều sự ưu ái khi đưa tin về chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng trong tuần này, nhưng không hề đề cập đến cuộc hội đàm lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào tháng 5. Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và...