Thượng đỉnh APEC 2012 khai mạc tại Nga trong tiếng gọi đoàn kết
Chiều ngày 8/9, tại thành phố cảng Vladivostok hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2012 đã chính thức khai mạc trọng thể, với chủ đề “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng”.
Tổng thống Nga Putin (giữa) cùng các nhà lãnh đạo APEC tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 8/9 ở Vladivostok.
Tổng thống Liên bang Nga Putin đã chủ trì lễ đón các Nguyên thủ và Lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn APEC. Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn dầu đã tham dự Hội nghị.
Trong bài phát biểu chào mừng, Tổng thống Liên bang Nga Putin nhấn mạnh Hội nghị năm nay với chủ đề “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng” có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để các nhà Lãnh đạo APEC cùng trao đổi về những biện pháp tăng cường hợp tác trong bối cảnh kinh tế thế giới và ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương phục hồi chậm lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tổng thống V. Putin khẳng định đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, và sáng tạo là động lực của tăng trưởng bền vững, cân bằng, góp phần duy trì vai trò đầu tàu của châu Á – Thái Bình Dương trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Các nhà Lãnh đạo APEC coi Hội nghị là một dấu mốc ghi nhận sự lớn mạnh và gắn kết ngày càng chặt chẽ của APEC sau đúng 20 năm kể từ khi các nhà Lãnh đạo Cấp cao gặp gỡ lần đầu tiên. Hội nghị hoan nghênh Liên bang Nga vừa chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, khẳng định vị thế quốc tế ngày càng nâng cao của nước Nga.
Tại phiên họp thứ nhất về liên kết kinh tế khu vực, các nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm cùng nỗ lực tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Bô-go, Chiến lược tăng trưởng mới của APEC, đồng thời ủng hộ các quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vừa diễn ra tại Lốt Ca-bốt, nhằm phục hồi kinh tế mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.
Để thúc đẩy tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại, đầu tư và hợp tác trong các vấn đề thương mại và đầu tư “thế hệ mới”, các nhà Lãnh đạo đã thông qua nhiều biện pháp cụ thể, đáng chú ý là danh mục chung của APEC về hàng hóa môi trường giảm thuế xuống dưới 5% vào năm 2015, cải thiện 10% chất lượng chuỗi cung ứng khu vực vào năm 2015, và chương mẫu APEC về minh bạch hóa trong các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực (FTA/RTA). Hội nghị khẳng định lại sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương, chống chủ nghĩa bảo hộ và kết thúc thành công Vòng đàm phán Đô-ha.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh tính cấp thiết của nhu cầu gia tăng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, coi đó là “chìa khóa” để duy trì đà tăng trưởng của từng thành viên và sự năng động kinh tế của khu vực. Trong bối cảnh trao đổi thương mại giữa các nền kinh tế thành viên APEC không ngừng mở rộng và gia tăng mạnh mẽ, Chủ tịch nước đề xuất APEC ưu tiên hơn nữa việc thiết lập các chuỗi cung ứng đáng tin cậy, bảo đảm nguồn cung ứng bền vững về năng lượng, nguồn nhiên liệu và lương thực. Trong đó, APEC cần chú trọng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phối hợp triển khai chính sách, tạo thuận lợi cho các nền kinh tế đang phát triển tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường hợp tác và kết nối với các chương trình, dự án liên kết và kết nối khu vực và tiểu vùng. Các thành viên APEC cũng cần nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, vì đây chính là nhân tố then chốt đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.
Video đang HOT
Ngay sau phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng các nhà Lãnh đạo APEC tham dự Cuộc đối thoại với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (APEC Business Advisory Council – ABAC), là hoạt động quan trọng được tổ chức thường niên trong các dịp Hội nghị Cấp cao. Các doanh nghiệp đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ những nội dung hợp tác mà Chính phủ các thành viên APEC đang tập trung thúc đẩy về liên kết kinh tế khu vực, chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và tăng trưởng sáng tạo. Các doanh nghiệp cũng nêu nhiều kiến nghị về đẩy mạnh liên kết thị trường tài chính khu vực, mở rộng hợp tác về dịch vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng, an ninh năng lượng và phát triển các đô thị bền vững. Các nhà Lãnh đạo hoan nghênh các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định triển vọng liên kết kinh tế khu vực và nhấn mạnh vai trò thiết yếu của quan hệ đối tác giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 20 sẽ tiếp tục diễn ra sáng ngày 9/9 và chính thức bế mạc vào chiều cùng ngày.
Trong ngày 8/ 9, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 20, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Thủ tướng các nước Nhật Bản, Singapore, Australia và Trưởng đoàn Hoa Kỳ. Trong các cuộc tiếp xúc, các vị Lãnh đạo các nước đều đánh giá cao nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Chủ tịch nước và Lãnh đạo các nước đã thảo luận về các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ đối tác hợp tác song phương, trong đó có việc thiết thực tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, Singapore, Australia trong năm 2013. Các vị Lãnh đạo cũng đã nhất trí cao về sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, củng cố đoàn kết và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Các nước đều bày tỏ đánh giá cao và ủng hộ nguyện vọng của Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2017.
Theo Dantri
Tổng thống Nga 'hướng đông'
Vladivostok, một thành phố nhỏ bé thuộc vùng Viễn Đông của Nga, đã bỗng chốc thu hút sự quan tâm của toàn thế giới khi trở thành nơi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC 2012.
Bằng sự lựa chọn không thể sáng suốt hơn này, Tổng thống Vladimir Putin đã chứng minh được sức mạnh kinh tế đáng nể của nước Nga, đồng thời góp phần tăng cường quan hệ với các quốc gia nằm gần khu vực Viễn Đông, thông qua hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức cuối tuần này.
Liên bang Nga, quốc gia rất giàu tài nguyên gas và khí đốt, sở hữu một vị trí vô cùng thuận lợi để tận dụng thị trường châu Á - Thái Bình Dương như một hàng rào bảo vệ, nhằm chống lại mọi đe dọa từ thị trường phương Tây, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế.
Quyết định chuyển hướng đầu tư vào miền Viễn Đông, đặc biệt là thành phố Vladivostok, của ông Putin, phần nào bị ảnh hưởng bởi lợi ích chính trị, khi ông muốn thông qua khu vực này để thắt chặt các mối quan hệ, đặc biệt là với Bắc Kinh. Một ví dụ điển hình, đó là việc Nga và Trung Quốc sử dụng sức mạnh đồng minh tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để loại bỏ đề nghị can thiệp vào tình hình Syria do các bên còn lại, trong đó có Mỹ, đề xuất.
Tổng thống Nga Putin chờ đợi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước hội đàm song phương bên lề APEC. Ảnh: AFP
"Hiện tại, quan hệ Nga - Trung đang đạt mức cao chưa từng có. Chúng tôi có rất nhiều niềm tin chung về cả chính trị và kinh tế", Tổng thống Putin nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Russia Today. Chương trình này được phát sóng hôm thứ 5, thời điểm ông đã có mặt tại thành phố Vladivostok để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh APEC.
Đây là lần đầu tiên diễn đàn kinh tế thường niên APEC được tổ chức tại Nga, và thay vì những trung tâm kinh tế và chính trị lớn khác, chính phủ nước này đã quyết định chọn Vladivostok, một thành phố chỉ có vỏn vẹn 600.000 dân. Kremlin đã chi hơn 20 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng của thành phố, bao gồm việc xây dựng một sân bay, hàng trăm dặm đường bộ và ba cây cầu mới.
Một hợp đồng "bom tấn" để xuất khẩu khí hóa lỏng sang Nhật Bản, bao gồm việc xây dựng một hệ thống vận chuyển trị giá 13 tỷ USD ở Vladivostok, sẽ là một phần trong khuôn khổ các cuộc thảo luận của Tổng thống Putin với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda.
Trước đây, việc cung cấp khí hóa lỏng từ Nga sang Nhật Bản được thực hiện thông qua Sakhalin, một hòn đảo lớn ở bắc Thái Bình Dương, do Gazprom, Shell và hai doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản, Mitsui và Mitsubishi, quản lý.
Các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản sẽ diễn ra trong bối cảnh những người đứng đầu Liên minh châu Âu vừa tuyên bố về một cuộc điều tra chống độc quyền liên quan tới Gazprom, doanh nghiệp khí đốt quốc doanh của Nga, nơi cung cấp khoảng 1/4 nguồn cung khí tự nhiên cho lục địa và bị buộc tội ấn định giá.
Với sự gia tăng nhu cầu năng lượng toàn cầu, Điện Kremlin đã quyết định thay đổi chiến lược bằng cách chuyển hướng kinh doanh khí gas tới các quốc gia châu Á. Hiện tại, Nga sắp hoàn thành giai đoạn hai của đường ống vận chuyển dầu mỏ Siberia, hệ thống gần như chạm tới biên giới Trung Quốc và sẽ sớm được nối tới cảng Kozmino, gần Nhật Bản, nhằm tăng cường năng lực vận chuyển dầu mỏ tới các khách hàng châu Á.
"2/3 lãnh thổ Nga nằm trên châu Á, nhưng hơn một nửa hoạt động thương mại nước ngoài của chúng tôi lại đến từ châu Âu, trong khi châu Á chỉ chiếm 24%", ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn với Russia Today.
Mặc dù năng lượng là thế mạnh của Nga, đó không phải cơ hội thúc đẩy thương mại duy nhất của nước này với châu Á. Với tư cách chủ nhà của hội nghị APEC, Tổng thống Putin đã chọn an ninh lương thực là vấn đề hàng đầu trong các chương trình nghị sự. Ngoài ra, đột biến giá cả và bất ổn xã hội cũng là các vấn đề được sẽ được nhắc tới.
Việc xuất khẩu lương thực được dự đoán cũng sẽ mang tới một cơ hội tiềm ẩn và mối quan hệ gần gũi hơn với châu Á. "Nông nghiệp Nga là cơ hội của thế kỷ", Charles Robertson, chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Renaissance Capital, một ngân hàng đầu tư, cho hay.
Về phía Mỹ, do đang tập trung cho chiến dịch tái ứng cử và Hội nghị Toàn quốc của đảng Dân chủ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định sẽ không tham gia hội nghị APEC năm nay. Những mục tiêu của Mỹ trong kỳ hội nghị lần này cũng được giới hạn hơn, tập trung chủ yếu vào những tiến bộ có được từ hội nghị năm ngoái tổ chức ở Hawaii.
Cảng Vladivostok ở Viễn Đông của Nga. Ảnh: NYT
Các quan chức và người dân của thành phố Vladivostok nhỏ bé đang rất vui mừng khi nhận được sự chú ý từ Moscow, bao gồm cả việc thành lập một cơ quan liên bang mới tập trung vào vùng Viễn Đông, cũng như dòng tiền nóng từ liên bang đổ về.
Một nhà máy xử lý nước thải và khuôn viên cho trường Đại học Liên bang Viễn Đông trên đảo Russky, nơi diễn ra hội nghị APEC, đã được xây dựng. Hệ thống đường sá và cầu cống cũng được xây mới.
"Nó đồng nghĩa với một cuộc sống mới cho thành phố", Roman V. Karmanov, phó Thị trưởng Vladivostok, nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, vẫn có không ít những rắc rối khiến giới chức của thành phố phải phiền lòng. Hai khách sạn hạng sang và một nhà hát vẫn chưa được hoàn thành để kịp với ngày khai mạc hội nghị. Ngoài ra, một phần của con đường dẫn tới một trong ba cây cầu mới đã bị phá hỏng vì thiên tai và đang trong quá trình xây dựng lại.
Tuy nhiên, những bước tiến mới đã chứng tỏ rằng, hình ảnh của miền Viễn Đông cũng như mối quan hệ của chính phủ với khu vực này đã bắt đầu nở hoa, nhờ vào dòng tiền nóng từ chính phủ và tư nhân. Sergei Sidirov, phó Thống đốc khu vực Primorsky Krai, khẳng định, Moscow đang có một cam kết rất rõ ràng.
"Bạn hoàn toàn có thể nhận thấy rằng, chính quyền liên bang đã và đang sẵn sàng quan tâm hơn tới những gì đang diễn ra ở vùng Viễn Đông", ông nói.
Theo VNE
Thúc đẩy hội nhập sâu rộng Hôm nay, Hội nghị cấp cao thường niên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 20 chính thức khai mạc tại thành phố Vladivostok (Nga). Diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-9, Hội nghị quy tụ 21 nhà lãnh đạo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các đại biểu tham dự...