Thương chồng thì nghĩ đến mụ gia
Nhiều người nghĩ mẹ chỉ có một, không thể thay đổi. Vợ như cái áo, có thể cởi bỏ bất cứ lúc nào, là họ chưa tìm được người vợ đáng để chung sống và già đi bên nhau mà thôi.
Đi làm về, nghe con gái khoe “tối nay nhà mình ăn nui xào thịt bò bố ạ”, tôi cười với con mà nghe bực bội trong người. Nhìn vợ con một cái, tôi vào phòng đóng cửa và nằm ườn ra giường, tự dưng muốn khóc thật to cho vơi bực tức.
Đó giờ, tôi hay nghe mấy chị em trong văn phòng kể khổ vì nhà chồng. Tôi cho là các chị làm quá lên do ác cảm, do ích kỷ không chịu hiểu, không chịu hòa nhập, đâu nghĩ một ngày chính tôi lại rơi vào hoàn cảnh không biết nên khóc hay cười.
Tôi biết rõ, tối nay vợ làm nui không phải vì chúng tôi thích ăn món này, mà vì nồi cơm điện đã bị mẹ tôi “nẫng” mất. Chắc chắn, ngoài cái nồi, mẹ tôi còn tiện tay lấy không ít thứ. Mỗi lần mẹ tôi lên chơi rồi về, trong nhà sẽ thiếu đi một số món cả mới, cả đang dùng. Chỉ cần mẹ tôi thích là bà cứ mồm nói xin, tay đã thu dọn. Vợ tôi không dám một câu phản kháng.
Ảnh minh họa.
Từ ngày con gái được hai tuổi, chúng tôi xây được căn nhà nhỏ, chấm dứt kiếp nhà trọ, mẹ tôi cũng hay lên chơi thăm con cháu. Mỗi lần lên, bà thường dẫn theo một đứa cháu họ nào đó, nói vợ tôi kiếm việc làm cho. Vợ tôi làm trưởng phòng hành chính – nhân sự của công ty lớn nên thu xếp một công việc lao động phổ thông không khó.
Video đang HOT
Chỉ bực là đám em kia vào công ty không biết lớn nhỏ, ỷ có chị là sếp nên không coi ai ra gì, làm thì lười còn thích gây sự. Tháng trước, thằng em con ông chú đã bị công ty đuổi việc vì tội đánh nhau. Thay vì biết lỗi, nó còn oang oang nói không làm chỗ này thì làm chỗ khác, chị dâu búng tay là đầy việc cho làm. Vợ tôi ở công ty cũng bị sếp nhắc nhở nhưng vợ không nói câu nào, chỉ khi mấy người em họ nói chuyện, tôi mới biết. Tôi gọi điện cho mẹ, nói từ giờ thôi không giới thiệu việc cho ai nữa. Đám em cháu tôi ở quê toàn con vàng con bạc, chỉ giỏi lang thang, lêu lổng và xài tiền.
Vợ tôi con một, mẹ mất sớm, hai bố con thui thủi. Khi tôi đưa vợ về thăm nhà, mẹ tôi đã phản đối nói vợ không xứng. Kiên trì lắm, chúng tôi mới đến được với nhau. Mẹ tôi luôn cho rằng vợ tôi là “đỉa đeo chân hạc” nên bà nói gì vợ cũng phải nghe. Hồi vợ tôi chuyển công tác, mẹ tôi đã chỉ thẳng mặt vợ mắng “chị chuyển chỗ làm thì các em, các cháu chị tính sao”. Vợ tôi nói chỉ cần họ làm việc chăm chỉ là được. Mẹ tôi bực mình: “Được là được làm sao, có người đỡ đầu vẫn tốt hơn chứ. Chẳng nhẽ chị làm lãnh đạo mà các em nó không được ưu tiên gì à?”. Vợ tôi nói không, người ta nhìn hiệu quả công việc để đánh giá chứ không vì quen biết. Mẹ tôi bĩu môi “tưởng chị làm to cho các em nó nhờ!”.
Tôi đã nhỏ to khuyên nhủ, thậm chí nói nặng lời rằng, từ giờ mẹ có đến thăm con cháu thì đừng tiện tay mang thứ này thứ nọ về nữa. Mẹ không xài, bỏ xó đấy nhưng bọn con phải bỏ tiền ra mua cái khác. Mẹ tôi gào lên nói mẹ đã vất vả nuôi tôi khôn lớn, nhịn cho tôi ăn, thế mà tôi chưa báo hiếu ngày nào, nay có cái máy xay sinh tố thôi mà tôi nặng lời với mẹ.
Vợ lại là người khuyên tôi bình tĩnh, hiểu cho mẹ. Cả đời mẹ khổ nhiều, nay thấy thứ gì cũng thích là thường, lấy về bỏ đó, mai kia mình về xin lại là được. Bà như đứa trẻ, thấy cái mới chỉ muốn lấy mang về cho thỏa thích, nhất là lấy ở nơi bà có quyền, tiếng nói bà có trọng lượng. Tôi ngạc nhiên, vợ không oán giận mẹ chồng. Vợ cười: “Gia tài em có mỗi một bà mẹ, em đâu phân biệt mẹ ruột hay mẹ chồng. Thương chồng thì nghĩ đến mụ gia mà!”.
Nghe vợ nói mà tôi bật khóc. Tôi nghĩ mình kém cỏi, còn nhiều thiếu sót, không nghĩ lại gặp được người vợ biết nghĩ, chấp nhận và thông cảm với những quá quắt của mẹ chồng. Tôi biết, nhiều người nghĩ mẹ chỉ có một, không thể thay đổi. Vợ như cái áo, có thể cởi bỏ bất cứ lúc nào, là họ chưa tìm được người vợ đáng để chung sống và già đi bên nhau mà thôi.
Thái Phan
Theo phunuonline.com.vn
Để chồng được làm chồng
Đàn bà muôn đời nên 'yếu mềm' như nước - có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách với sức mạnh vô song được ẩn giấu kỹ lưỡng. Sức mạnh ấy hoàn toàn không phải kiểu luôn gồng mình lên...
Hà Nội trời trở lạnh. Ngồi bên chén trà nóng và đĩa hạt hướng dương đầy vun, Lan thở dài: "Cả tháng nay, mẹ chồng em đang dỗi em. Chả là vì em đã dám cãi tay đôi với bà chị chồng. Đúng là dù đúng hay sai, người ta cũng chỉ biết đến con ruột của mình thôi".
Vẫn bằng cái giọng đầy uất ức ấy, Lan kể tôi nghe chuyện chị chồng của cô vô lý, tráo trở thế nào, khiến việc kinh doanh của chồng cô thất bại ra sao. Rồi Lan phân trần, vì cô tức cho chồng nên mới đứng ra đôi co với chị chồng như thế. Lan bảo, bố mẹ chồng cô cũng sai khi giận cô, bởi con gái ông bà mới là người sai. Chẳng ai chịu ai, không khí gia đình bức bối, chưa có cách giải quyết.
Không biết có bao nhiêu phụ nữ đang ngày ngày thể hiện "máu anh hùng" trước chồng giống như Lan. Họ sẵn sàng đứng ra bảo vệ, bất đắc dĩ ép chồng phải nép sau lưng mình.
Ảnh minh họa
Ngọc vốn là một người vợ được gắn mác "ba đảm đang" nhờ giỏi vun vén mọi việc trong gia đình - từ chuyện nội trợ, tài chính, nếu cần thì thay đèn nhà tắm, sửa ống nước đều được. Chồng cô khiến nhiều đàn ông phải ghen tị, vì lúc nào cũng được Ngọc chăm bẵm từng bữa ăn, giấc ngủ. Anh thậm chí không cần phải biết công tắc nóng lạnh nằm ở vị trí nào, bởi khi anh về nhà, nước ấm đã luôn sẵn sàng để dùng. Nhưng bỗng một ngày, Lan và Ngọc gặp nhau ở văn phòng... luật sư tư vấn ly hôn.
Đó là khi họ cảm thấy quá mỏi mệt, muốn buông xuôi tất cả. Chồng Lan, giữa vòng vây của vợ và bố mẹ đẻ, chị gái ruột, đã chọn nghiêng về phía máu mủ của mình. Anh bảo vợ cần xin lỗi vì đã "hỗn hào". Còn Lan vẫn nhất mực khẳng định mình không sai, mà còn vì yêu chồng, thương chồng nên mới phải đứng lên hứng chịu thị phi. Mâu thuẫn nhỏ thành to, bởi cái tôi của mỗi người đều quá lớn.
Còn bế tắc của Ngọc do cô nhún nhường quá nhiều. Mọi buồn lo, áp lực, cô đều giữ cho riêng mình, tự mình tìm cách giải quyết để xứng với danh xưng tài giỏi, độc lập, có thể làm hết mọi việc mà không phiền đến chồng. Dần dà, chồng cô như người dưng trong nhà. Khi Ngọc ốm đến mức phải xin nghỉ làm, cô vẫn phải gượng dậy lo cơm nước cho cả nhà, tắm giặt cho con. Tối, vì quá mệt, cô nhờ chồng đi mua hộ đồ ăn, chồng cô vẫn cầm điện thoại lướt mạng, dửng dưng: "Vẫn đi được đó thôi, đã liệt giường đâu". Câu nói như gáo nước lạnh dội xuống, khiến Ngọc tỉnh hẳn.
Nhưng dường như cả khi Lan và Ngọc đã quyết tâm buông tay, họ vẫn chưa hiểu một phần lỗi nằm ở phía mình. Trong nhiều năm hôn nhân, họ chưa bao giờ trao cho chồng cơ hội được làm người chồng đúng nghĩa. Mối quan hệ vợ chồng không ở đúng thứ tự âm - dương như lẽ tự nhiên. Lẽ ra, người chồng nên được đẩy cái tính "dương" trong bản năng lên, để làm chỗ dựa, làm khiên chắn che chở cho vợ con chứ không phải ngược lại. Sự bao bọc, gồng mình choàng gánh của người vợ, lâu dài sẽ vô tình làm thui chột khả năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề của người chồng. Dần dà, cả đôi bên đều sẽ mệt mỏi và chán chường.
Nếu như Ngọc, trong mâu thuẫn với gia đình chồng, có thể ngồi lại chuyện trò, tâm sự với chồng, để biết suy nghĩ của anh và cùng tìm hướng giải quyết, chứ đừng nhảy chồm lên hòng "giải cứu thế giới" thay chồng như thế thì bi kịch đã không xảy ra. Vợ chồng nên luôn đứng cùng một phía và vợ nên ở sau lưng chồng, để nhắc nhở và yểm trợ. Cho là Ngọc không thể chịu đựng được "cục tức", cô hoàn toàn có thể nói với chồng về cảm xúc của mình. Những cảm xúc tiêu cực không hẳn xấu, nhưng ta có thể khiến nó tiêu tan theo cách dễ chịu, nhẹ nhàng hơn so với việc cãi tay đôi, khơi mào cuộc chiến giữa những người thân.
Đàn bà muôn đời nên "yếu mềm" như nước - có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách với sức mạnh vô song được ẩn giấu kỹ lưỡng. Sức mạnh ấy hoàn toàn không phải kiểu luôn gồng mình lên như cách Lan hay Ngọc đã làm. Ngay từ đầu, Ngọc đã không cho phép mình được khóc, được buồn, được cần một vòng tay chở che khi bước vào hôn nhân. Để rồi đến ngày cảm thấy tất cả những hy sinh của mình là vô nghĩa thì tất nhiên cô sẽ bế tắc, tuyệt vọng. Cô đâu biết, chồng không phải là mầm cây nhỏ để chăm bẵm mỗi ngày, mà ngược lại nên là một cây cổ thụ để người vợ có thể dựa vào.
Việc của người vợ là trao cho chồng và cho chính mình cơ hội được sống đúng với bản năng và quy luật của tự nhiên. Đơn giản là muốn khóc hãy khóc, mỏi mệt hãy nói ra, muốn làm điều gì hãy gợi mở, để những cảm xúc nữ tính được lên tiếng. Chỉ cần thả lỏng được như thế, bất kỳ phụ nữ nào cũng sẽ tìm được bình yên cho mình.
Cát Tường
Theo phunuonline.com.vn
Chồng hở một tí là nhõng nhẽo mẹ như một "thằng cu" to xác Mỗi lần vợ chồng cãi nhau về chuyện chồng ỷ lại, lười biếng thì anh lại bảo "mẹ anh làm chứ em có làm đâu mà em la" khiến tôi không biết nói sao. Nhà chồng tôi có hai chị em, chị gái đã lấy chồng. Vợ chồng tôi sống với ba mẹ và đã có hai đứa con trai. Cuộc sống ở...