Thương cho roi cho vọt
Vài chục năm sau, dòng đời nhiều biến chuyển…
Hồi nhỏ, nó mải chơi lắm, đó là thời kì cấm vận. Khi ti vi là một món quà xa xỉ đối với rất nhiều người thì nhà nó cũng không phải là ngoại lệ. Nó mê những bộ phim truyền hình nhiều tập được phát sóng hàng đêm. Đặc biệt, trong tâm khảm nó không bao giờ quên được bộ phim “Người giàu cũng khóc”. Những bài đồng dao mà những đứa con nít đọc cứ in sâu vào tâm trí : “Ma-ri-a là nhà tạo mốt ; Hoang-các-lốp là người bỏ đi ; Bà Ma-ri là người dân tộc ; Con rắn độc là mụ Lo-ren ; ..”. Một lần bố nó có việc, nó lén đi xem tập phim bởi phim đang đến hồi gay cấn. Nó đi mà quên rằng bài tập bố nó giao cho vẫn chưa làm xong. Khi xem về nó mừng vì nữ diễn viên mà nó hằng ngưỡng mộ đã qua được cơn hoạn nạn. Thế nhưng, bố nó bỗng xuất hiện với cây roi tre lăm lăm trên tay. Hệ quả là nó bị ba roi. Nó van xin bố nó rối rít nhưng bố nó không tha. Ba roi tre hằn lên trong tâm khảm cả một thời ấu thơ. Nó hỏi bố : “Tại sao bố đánh con đau vậy ?”. Bố nó trả lời : “Thương cho roi cho vọt con ạ !”.
Nó mê chơi điện tử. Khác với những trò chơi điện tử đầy màu sắc như bây giờ. Hồi đó nó thường hay chơi trò chơi bắn xe tăng, xếp chữ, Rambo. Tuổi thơ dữ dội ! Bao nhiêu tiền mẹ cho nó ăn sáng nó nhịn không ăn. Cứ 500 đồng là được 30 phút, 1000 đồng là được 1 tiếng trò chơi điện tử. Nó đánh điện tử mà không dám đưa hết tiền. Lần đầu nó đưa cho chủ tiệm trò chơi 200 đồng để được đánh điện tử trong 10 phút. Nó liệu trong đầu sẽ đánh 200 đồng thôi còn 800 đồng nó sẽ mua được 4 cái bánh rán. Thật tuyệt ! Vừa được ăn vừa được thỏa niềm đam mê. Thế nhưng đánh điện tử xong 10 phút nó vẫn còn thòm thèm vì được chơi ít quá. Thế là, 400 đồng, 600 đồng, 800 đồng rồi đến đồng tiền cuối cùng đã nướng vào trò chơi. Nó mang cái bụng rỗng tếch đi học. Hàng ngày như thế, học lực của nó đi xuống. Thầy giáo gửi sổ liên lạc về cho gia đình. Bố nó biết được việc nó lén đi chơi điện tử. Thế là, bố nó lôi nó xềnh xệch lên giường. Vẫn ba roi của một thời ấu thơ. Nó hỏi bố : “Tại sao bố đánh con đau thế ?”. Bố nó trả lời : “Thương cho roi cho vọt con ạ !”
Video đang HOT
Quê nó tuy là thành phố. Nhưng thành phố thời đó có khác thôn quê là bao ? Đường qua nhà nó vẫn là đường đất. Nhà nó dưới rặng tre xanh. Những đêm rằm bóng trăng tỏa xuống dát vàng cả lối đi. Bao bọc quanh nhà là hàng rào rặng trâm bầu. Bọn con nít như nó có nhiều trò chơi thật thú vị. Nhất là chọi cù mà quê nó gọi là chọi gụ. Nó với những đứa nhỏ con thì không biết đẽo gụ lớn nên chỉ đẽo được những cái gụ be bé xinh xinh. Các anh lớn tuổi hơn thì đẽo được những cái gụ to bằng cái ấm trà. Gụ các anh nằm trong vòng tròn thì gụ nó chẳng làm gì được. Có chăng thì chỉ làm gụ các anh một vài vết đinh. Khi gụ của nó nằm trong vòng tròn, gụ các anh chỉ cần chọi một cái thì gụ nó bị toác làm đôi. Tức không thể chịu được ! Đành nhịn ăn sáng mua được cái gụ to hơn. Lúc này quy luật “Cá lớn nuốt cá bé” của các anh lớn không có hiệu quả nữa. Các anh lớn bèn ra các quy luật mới. Đó là nếu gụ bị chọi bay mất mà người khác tìm được thì gụ sẽ đương nhiên thuộc về người mới tìm được đó. Do đó mới có câu đồng dao “Làng tha, làng móc, làng chọc, làng khều – Làng khều, làng thấy, làng lấy, làng chơi”. Ngoài ra, còn có quy định là cấm không cho lấy gụ đang nằm trong vòng tròn bỏ về giữa chừng. Tức là “Chạy làng vứt gụ nhà xi (nhà vệ sinh)”. Trưa hôm đó, gụ nó đang nằm trong vòng tròn bỗng bố nó gọi nó về ăn cơm. Nó dạ nhưng chưa thể về vì nếu về nó sẽ bị mất gụ. Bố nó gọi lần hai, rồi lần ba. Đến lần thứ tư thì bố nó nỗi cơn tam bành. Nó bị lôi về nhà. Vẫn như vậy ! Vẫn ba roi hằn lên cả một thời ấu thơ. Nó hỏi bố “Sao bố đánh con đau vậy ?”. Bố nó trả lời “Thương cho roi cho vọt con ạ !”
Vài chục năm sau, dòng đời nhiều biến chuyển. Bố nó có người phụ nữ khác. Ngày li dị trước tòa với mẹ nó, bố nó không nhìn mặt nó. Bố nó nói gì với tòa mà trong tai nó nghe ù ù ! Bố nó nói với tòa là bố nó không hạnh phúc. Bố nó cần một cuộc sống mới. Tuổi trưởng thành thật dữ dội ! Nó đứng nghe nhiều lắm mà không nhớ được gì nhiều. Nó chợt nhớ những gì bố nó dạy nó thời ấu thơ. Đang mơ màng thì bố nó đi ngang qua. Nó theo quán tính ngước nhìn. Nó hỏi “Tại sao bố lại bỏ mẹ con con?” Nó mong chờ câu trả lời chính thức từ bố. Bố nó dửng dưng đi qua và ném một cái nhìn về nơi xa lắm. Nó chạy theo nhưng bóng bố nó khuất dần. Lần này không phải là ba roi của một thời ấu thơ mà chỉ là một roi của thời trưởng thành. Nó nắm chặt tay và tự hỏi”Bố ơi ! Có phải thương là cho roi cho vọt phải không bố?”
Theo Guu
Dành tặng Mẹ !
Mẹ, mẹ đã cho con cả kiếp sống mưu sinh này, cho con cả một thời xuân xanh của mẹ. Mẹ cho từng tí chút nhọc nhằn góp nhặt mấy chục năm trời, từ những ngày con bé tới những ngày con lớn về sau.
Gửi mẹ của con!
Tuổi thơ của con là sáng sáng trước khi đến trường, con ngồi nghiêm trước gương để mẹ chải đầu tết tóc. Mẹ nói thích con gái để tóc dài, buộc tóc đuôi gà nhong nhỏng cao, mặc đồng phục lớp áo trắng váy xanh là xinh đẹp nhất. Mẹ nói thích là người chải tóc cho con mỗi sớm ngày, để tranh thủ nựng nịu con nhiều thêm một chút.
Tuổi thơ của con là những gói xôi, hộp sữa dúi vội vào lòng bàn tay khi mẹ đỗ xe trước cổng trường nhắc con nhớ học hành chăm chỉ. Mẹ nói dù bận trăm công nghìn việc cũng thích là người đưa con đi học, muốn được chở con trên chiếc xe đạp cót két đến trường, để nghe con líu lo hát một vài câu không đầu không cuối.
Tuổi thơ của con là những ngày hè hít hà đầy căng lồng ngực mùi khói rạ đồng chiều. Màu ráng mỡ buổi hoàng hôn có thêm màu con diều xanh biếc, mẹ lụi cụi làm cho con để chơi với chúng bạn cho khỏi tủi thân. Mẹ nói con buộc ước mơ của mình thả vào cùng con diều vút gió, để diều chở ước mơ con bay cao, bay xa...
Tuổi thơ của con không đủ đầy như những bạn bè cùng trang lứa khác, nhưng lúc nào cũng ắp đầy tình yêu thương của mẹ. Một mình mẹ gánh vác trên vai nhọc nhằn giữa đời trôi nổi, gánh vác cả hai đứa con nheo nhóc không một tiếng thở than. Tuổi thơ con nhờ có mẹ mà đa màu đa sắc, cứ thế con lớn dần, theo năm tháng đã không còn thơ bé nữa.
Nhưng mẹ ơi! Con lớn rồi, vẫn muốn được ngồi hoài trước gương như ngày bé, để mẹ đưa tay vuốt tóc chải đầu rồi nựng nịu với con. Con lớn rồi, vẫn muốn được ùa vào lòng mẹ, rồi líu lo kể cho mẹ nghe những chuyện giữa đời sôi nổi bôn ba. Con lớn rồi, có thể tự mua quà tặng mẹ, mà mỗi lần mẹ nhận lại nói lời ái ngại với con: "Thôi chết, mẹ lại chẳng có gì cho con gái cả!".
Mẹ, mẹ đã cho con cả kiếp sống mưu sinh này, cho con cả một thời xuân xanh của mẹ. Mẹ cho từng tí chút nhọc nhằn góp nhặt mấy chục năm trời, từ những ngày con bé tới những ngày con lớn về sau. Mẹ cho bằng bạn bằng bè, cho con mái ấm, cho con tình yêu thương... Mẹ cho con nhiều lắm, chỉ là mẹ chẳng bao giờ kể được hết ra thôi!
Theo Guu
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ... Không ai lớn lên mà không có tuổi thơ, dù là ngọt ngào hay cay đắng thì nó vẫn là những kỉ niệm chẳng bao giờ có lại lần thứ hai trong cái vòng quay đầy ngắn ngủi của cuộc đời con người, chẳng bao giờ nữa. Nên ta hay thảng thốt khi đã đi qua, khi biết rằng mọi thứ đã là...