Thương bóng tre làng
Khắp làng quê mình, đâu đâu cũng thấy những bóng tre. Tựa như nếu thiếu những cây lá khẳng khiu này thì bức tranh quê chẳng thể nào trọn vẹn.
Trên con đường nhỏ, những gốc tre hai bên đường đan cành lá vào nhau như đôi bàn tay khắng khít, tạo nên một vòm trời mát mẻ màu xanh lá. Người làng, mỗi lần đi đâu, ngang qua đoạn có bóng tre tỏa mát cũng lãng đãng xui bước chân mình chậm rãi để nghe gió mát thổi rì rào, nghe tiếng lá lao xao và tiếng rôm rả của những chú chim chuyền cành. Từng ấy thanh âm thôi cũng thấy lòng chộn rộn yêu mến quê hương mình quá đỗi.
Cũng dưới tán tre làng xanh mát, nhiều bận có người đi đường mệt quá đột nhiên dừng xe, ngồi dưới bóng cây ngủ một giấc ngon lành rồi đi tiếp. Cây hiền từ đón bao đứa con xa quê trở về, kéo đống hành lý đứng thẫn thờ dưới bóng tre, lấy cái mũ ra quạt, ngẩng đầu ngắm lá tre như mắt cười.
Làng nhiều tre nhưng cây tre lớn nhất nằm ngay đầu làng. Cây tre đó chẳng biết đã có từ đời nào, chỉ biết rằng tán lá bây giờ đã xum xuê rộng rãi như một bàn tay khổng lồ che lớn một khoảng trời nắng chói. Hồi nội còn, nội hay dặn đám cháu gái đừng thả tóc dài khi đi ngang qua đó. Có bận, chơi trốn tìm, thằng Bi chui vào bụi tre nên bị rắn cắn. Từ bữa đó, đi đâu cũng nghe người lớn dọa gốc tre đó có ma, đám con nít sợ xanh mặt, chẳng dám lại gần.
Nội bảo, mấy gốc tre ấy sống mãnh liệt lắm, mưa bom bão đạn cày xới đất này mà cây vẫn đứng vững. Đi qua mùa bão, nhiều lần thắc thỏm vì cây bật gốc. Mấy chú trong làng lấy cuốc vun lại gốc, ít lâu lại thấy cây tha thiết bám rễ vào lòng đất, tiếp tục nhú mầm. Cứ như cái vùng quê nghèo này, đói khát cực khổ thế nào cũng bấm bụng động viên nhau đi lên.
Video đang HOT
Mình nhớ, dưới bóng tre làng ngày xưa có chú trâu khềnh khàng nằm trốn nắng. Đám con nít bọn mình thương nhất cây tre đầu làng. Mọi trò chơi đều bắt đầu từ đó. Lũ con gái thường lúi húi chụm đầu vào gốc tre để tìm những búp măng vừa nhú, rồi đợi từng ngày búp lớn để hái mang về cho mẹ. Măng được xắt nhỏ rồi xào ăn rất ngon. Nhà giàu thường xáo măng với gà, vịt, dân nghèo chỉ cần xào với vài lát thịt mỡ đã ngon bắt cơm.
Đám con trai chọn những thân tre non để bẻ rồi làm vũ khí chơi trò đánh trận. Lớn hơn, mỗi lần cắm trại, cả bọn lại đứng tần ngần bên gốc tre để chọn những cành cao, thẳng tắp kéo về làm trại cho lớp. Người làng thì lấy những nhánh tre rồi vót, đan lát thành những chiếc rổ, chiếc thúng đựng đồ, làm dây lạt gói bánh chưng.
Mùa gió Lào về, đêm nằm nghe lá tre cọ vào nhau xào xạc hồ như tiếng hát thầm thì của cây lá. Bắt gặp hình ảnh mệ già còng lưng đội nón tất tưởi đi dưới hàng tre, những em nhỏ bình thản cưỡi trâu ngang qua để lại những rộn rã vui cười. Bao nhiêu hình ảnh ấy gieo vào lòng mình một nỗi niềm khôn tả.
Nghe ba hay bảo, bởi mẹ chưa ra khỏi lũy tre làng nên nhìn cái gì cũng hạn hẹp đầy bao dung. Mới hay, những bóng tre rộng lớn, thanh bình và yên ả ấy đã che tất thảy những xô bồ tạp nham ngoài kia. Nên biết đâu là may mắn, may mắn khi tầm nhìn chưa vụt ra khỏi bóng tre để chẳng bao giờ hoài nghi với cuộc sống thênh thang này. Đôi khi, chỉ muốn loanh quanh trên con đường nhỏ rợp bóng tre để bước thật chậm, bỏ quên bao liêu xiêu mệt mỏi làm mình chùn chân.
Bây giờ, đường về làng chẳng còn khúc khuỷu, cũng chẳng còn chịu cảnh đất đỏ nhầy nhụa mỗi khi trời mưa. Những gốc tre dần dà được chặt bớt để làm đường, nay chỉ còn vài gốc nằm trơ trọi. Bước chân trên con đường ấy, bỗng dưng thấy lúng túng vụng về, lòng vụn vỡ bởi mất đi một khoảng trời thiêng liêng từ trong ký ức.
Lại thấy thảng thốt khi đứng từ xa, ngắm cây tre còn lại nghiêng mình về phía gió. Ví như, có đi đâu xa lắm cũng chẳng thể nào quên được hình ảnh thân thương này, chẳng thể nào đâu…
Theo VNE
Phận mỏng
Trưa nắng chang chang, anh vẫn quần cộc, cởi trần, cọc cạch chiếc xe đạp sườn ngang chở oằn bao khoai mì đi ngang nhà tôi. Một tiếng "bốp" khá to làm xe loạng choạng. Nổ ruột rồi. Anh ngần ngừ ghé vào tiệm sửa xe của tôi hỏi trổng:
- Có thay ruột xe đạp không?
Thằng em "chính chủ" của tiệm đã đi ăn trưa, chỉ còn mình tôi nửa thức nửa ngủ trên chiếc ghế xếp.
- Dà... không có thay ruột xe đạp... Anh... A... nh... Cường phải không? Sao trưa nắng mà đi làm chi cho cực vậy? Ngồi uống nước chút thằng em về vá cho.
- Ba lỗ rồi, vá gì nữa? Thay lẹ chở cho lò, lâu mì chạy chỉ hết!
- Thì cứ uống ly nước. Rồi lấy xe máy của em mà chở mì đi. Dễ sợ ông không, bạn bè nhà cùng xã mà mười mấy năm nay mới nói chuyện được với ông đó!
Tôi vồn vã vì gặp người quen cũ. Anh e dè chắc vì bộ "trang phục" trên người. Hỏi thăm vợ con, anh bảo: "Duyên phận tôi mỏng lắm! Chắc tại hồi đó mới "yêu mở hàng" mà em từ chối nên có vợ rồi, vợ cũng bỏ mấy cha con tôi đi...".
Chuyện vợ anh bỏ đi, hai đứa trẻ để lại cho chồng, tôi đã biết. Nhà chung xã mà! Tiêu chuẩn trợ cấp hàng tháng dành cho con em nhà nghèo học giỏi của hai con anh do một Mạnh Thường Quân tài trợ cũng là tôi giới thiệu, nhưng chắc anh không biết. Anh chầm chậm kể chuyện như độc thoại, rằng vợ anh bỏ đi vì chê anh nghèo, nghèo "truyền thống" không hy vọng gì khá lên được. Cô ấy thân gái 12 bến nước, mong bến trong chứ thời buổi này làm sao cam lòng nơi "bến đục". Vậy là đi biền biệt, bỏ luôn hai núm ruột. Bộ trang phục trên người anh mười mấy năm rồi vẫn vậy, có chăng là đen mốc hơn, nhăn nheo hơn. Suốt ngày anh dang mình dưới nắng, hết đồng đất này tới khu trảng nọ để mót mì, mót mía, mót nhãn... kiếm tiền nuôi con ăn học. Cơ cực vậy nên không khi nào anh được khoác đủ bộ quần áo trên người, thường chỉ độc chiếc quần đùi xoăn như lò xo. Thảng hoặc ba ngày Tết, anh tròng thêm cái áo rồi mươi phút cũng cởi ra vì "quen da" mất rồi.
Hai con trai anh, đứa lớp 11, đứa lớp 10 không học thêm nhưng học rất giỏi. Căn nhà nhỏ xíu, mái tôn thủng lỗ chỗ, tường gạch cũ xì xì nhưng dán đầy những giấy khen. Anh bảo, phận mình mỏng đường tình duyên, thôi ráng lo cho con, mai mốt già được con dìu đỡ cơm thuốc "tới nơi tới chốn". Là anh ước mong hai con, đứa học điều dưỡng, đứa học y dược đấy!
Anh chất bao mì lên xe máy, tấm lưng trần đen nhẻm đã hơi còng của người đàn ông 40 đập vào mắt tôi một nỗi niềm không thể gọi tên...
Theo VNE
Bị phát hiện đã có vợ, anh còn chửi tôi ngu "Các em dại thì các em chết, các em yêu mà không chịu tìm hiểu thì kêu ca gì. Đừng oán trách anh vì không phải anh thì em cũng dính bẫy kẻ khác mà thôi", anh thản nhiên nói. Tôi hỏi anh tại sao anh lại lừa dối tôi thì anh trả lời một cách thản nhiên: "Thằng đàn ông nào chả...