Thương bé 4 tuổi nằm một chỗ, không biết nói cười
Cụ bà gầy yếu, dáng người khắc khổ, tay ôm riết lấy đứa cháu nhỏ tội nghiệp, miệng không ngớt lời xin: “Hôm nay cho tôi “khất” tiền xe cô nhé, mai mốt ba nó về có tiền tôi mang trả sau. Hai bà cháu đi viện về, giờ không còn một đồng xu nữa”.
Trên chuyến xe đò ngược lên huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình), tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh cụ bà trạc tuổi lục tuần, dáng người khắc khổ, mái đầu nhuốm màu bạc, làn da đầy nếp nhăn, trên tay bế đứa cháu nhỏ, yếu ớt, trông rất tội nghiệp. Thấy chị lơ xe lại thu tiền, bà không ngớt lời xin: “Hôm nay cho tôi “khất” tiền xe bữa cô nhé, mai mốt ba nó về có tiền, tôi mang trả sau. Hai bà cháu đi viện về, giờ trong túi không còn một đồng nữa”.
Bà là Võ Thị Lan (61 tuổi) và cháu là Trần Hà Vy (4 tuổi). Bé Hà Vy là con vợ chồng anh Trần Văn Hoài và chị Phan Thị Bến Hải, ở thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bà Lan cho biết, Hà Vy năm nay 4 tuổi nhưng bé chỉ nằm một chỗ, không biết nói dù đó là một lời gọi mẹ.
Chứng kiến hình ảnh người bà khắc khổ, tay ôm riết lấy đứa cháu nhỏ đau ốm tội nghiệp trên chuyến xe đò hôm ấy chắc hẳn rằng không ai không động lòng thương cảm
Câu chuyện giữa chúng tôi đang còn dang dỡ, bỗng ngắt quãng khi chiếc xe dừng lại, bác tài xế quay mặt lại bảo: “Hết tiền rồi bà cháu ơi!”. Cụ bà luống cuống một tay xách lấy túi đồ, tay kia bế đứa cháu thơ dại lụ khụ bước xuống xe. Chứng kiến cảnh tượng ấy, ai ai cũng mũi lòng thương cảm, và không ít người vội móc ví, dúi dăm ba chục ngàn cho bà mua sữa cho cháu.
Trong giây phút chia ly ngắn ngủi ấy, tôi quay sang nhìn em, đứa bé vẫn nằm ngoan trên bờ vai người bà kham khổ, bé giương đôi mắt to, tròn xoe lên nhìn, đôi môi nhợt nhạt của bé cứ mấp mé như muốn nói điều gì. “Hoàn cảnh hai bà cháu này đáng thương lắm! Bà xin như rứa nhưng có khi mô tui lấy tiền mô (đâu), mình đã không có cho thì thôi, tiền đâu đây bà ấy mà lấy. Tháng nào bà chẳng đưa cháu đi viện trên xe tui”, chị lơ xe nói với theo.
Nghe xong câu chuyện, tôi quyết định hủy chuyến công tác như đã định để tìm hiểu về hoàn cảnh đáng thương này. Dưới cái nắng ngột ngạt buổi trưa đầu hè, chúng tôi men theo con đường đất nhỏ, uốn lượn qua những đám ruộng bậc thang, thi thoảng lại băng qua những con khe nhỏ đang vào mùa khô hạn nên lộ lên những khối đá nằm chỏng chơ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà của bé Hà Vi ở xóm nghèo Thuận Hoan nằm men bên triền núi.
Trong căn nhà gỗ trống hoác, không có vật dụng gì đáng giá, chị Hải đang dỗ dành đứa con 4 tháng tuổi bằng cái giọng khàn đặc sau những đêm dài mất ngủ, đôi mắt quầng thâm, chị nói với tôi: “Cháu nó (Hà Vy – PV) bị bệnh viêm màng não vi rút anh ạ, bệnh viện trả về nhưng vợ chồng tôi vẫn tin một ngày con mình sẽ khỏi nên đang cố gắng tìm cách chữa bệnh cho con”.
Ôm đứa con thơ 4 tháng tuổi trên tay, chị Hải nước mắt ngắn dài khi kể về bệnh tình của bé Hà Vy (con gái thứ hai của vợ chồng chị – PV)
Chị Hải cho biết, năm 2009, bé Hà Vy sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, tuy nhiên đến năm gần 1 tuổi bé có nhiều biểu hiện bất thường. Chị Hải và chồng đưa con đi khám thì được các bác sĩ cho biết bé mắc phải căn bệnh hiểm nghèo – bệnh viêm màng não vi rút.
Từ ngày mang con đi viện chữa bệnh, mọi tài sản trong nhà anh chị cũng đều đem ra bán hết. Sau bao năm mang con đi chữa bệnh tứ phương, bệnh tình của con thì không mấy thuyên giảm còn sổ nợ ngân hàng và người thân đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Khó khăn là thế, bất lực là thế, nhưng vì quá thương con nên anh Hoài cũng đành bấm bụng, lặn lội vào tận Tây Nguyên cưa gỗ thuê kiếm ngày vài trăm ngàn gửi về lo thuốc thang cho con. Ở nhà, chị Hải cũng luôn sống trong cảnh sợ hãi con sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Căn nhà gỗ ba gian đáng giá vài chục triệu đồng của đôi vợ chồng nghèo cũng luôn trong tình trạng rao bán để có tiền chữa bệnh cho con.
Video đang HOT
Bao nhiêu năm mang con đi chữa trị bệnh tứ phương khiến số nợ ngân hàng và người thân của vợ chồng anh Hoài đã lên đến hơn 100 triệu đồng, trong khi đó bệnh tình của con cũng không mấy thuyên giảm
Hiện tại bé Hà Vy nằm bất động một chỗ, liệt nửa người, ăn uống ít, những lúc thời tiết thay đổi thất thường là bé lại lên cơn co giật. Đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, hai vợ chồng đều nhận được các lắc đầu vô vọng của các bác sĩ về bệnh tình của con. Các bác sĩ cho biết, hiện não của bé Hà Vy không còn khả năng chữa trị, bởi não của bé không còn phát triển, một bên sục thành nước, một bên co thắt lại.
Đưa ánh mắt ứa lệ nhìn đứa con thơ tội nghiệp, chị Hải lại bật khóc: “Còn nước thì còn tát các anh ạ! Nghe ai bảo ở đâu chữa được bệnh cho cháu là hai vợ chồng lại tìm cách vay mượn tiền khắp nơi để mang con đi chữa trị. Các anh về dưới xuôi mà biết nơi mô có thể chữa được bệnh cho cháu thì báo ngay cho tôi với nhé! Nếu có phải bán nhà, ra ở ngoài đường mà chữa được bệnh cho con thì vợ chồng tôi cũng cam lòng”.
Đứt ruột vì con thơ bạo bệnh nên chị Hải mới nói vậy, nhưng chị cũng hiểu rằng, nếu bệnh tình của con có thể chữa trị thì vợ chồng chị cũng biết lấy đâu ra tiền, bởi bây giờ tiền lãi và thuốc thang hàng tháng cũng đã hết gần cả chục triệu đồng nói chi đến chuyện cả trăm triệu đồng chữa trị bệnh tật cho con. Căn nhà gỗ 3 gian may lắm cũng bán được vài chục triệu, nhưng nếu có bán thì cũng không ai mua, bởi căn nhà đó là do bà con xóm giềng thương cho hoàn cảnh đôi vợ chồng nghèo nuôi con bệnh tật nên mới quyên góp để cất lên làm nơi trú ngụ cho cả gia đình.
Bỏ lại nỗi trăn trở của người mẹ nghèo tội nghiệp một lòng vì con, tôi quay sang nhìn đứa bé, trong ánh mắt hồn nhiên, trong trẻo của bé Hà Vy tôi cảm nhận trong sâu thẳm ánh mắt ấy như đang muốn thốt lên một lời cầu cứu đến tội nghiệp!
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 1086: Anh Trần Văn Hoài: Thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Điện thoại liên hệ: anh Hoài: 0916.985.611
2. Quỹ Nhân ái – Báo Khuyến học & Dân trí – Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thành Công – Hà Nội. * Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàn Kiếm * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359 Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh – Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002 Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK – MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Theo Dantri
Nỗi niềm bên dòng sông Gianh
chục năm qua, gần 200 trăm hộ dân thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) sống trong điều kiện hết sức khó khăn: giao thông đi lại cách trở, đất đai bị thu hẹp, cuộc sống thiếu thốn... khiến cái đói, cái nghèo cứ bủa vây.
"Thót tim" đi qua cầu phao
Giữa trưa nắng gắt của tiết trời miền Trung, chúng tôi tìm về thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa, nằm bên kia sông Gianh. Sau một hồi "đánh vật" trên chiếc cầu phao nhỏ hẹp, có những giây phút "thót tim", chúng tôi mới đến được nơi này.
Ông Hoàng Văn Nhất, Trưởng thôn Đồng Phú cho biết, thôn có 194 hộ dân, với 894 nhân khẩu, người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ làm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc canh tác của người dân cũng hết sức bấp bênh, vì còn trông chờ vào thời tiết nên năng suất không cao. Hơn 85 % dân cư đều thuộc diện hộ nghèo.
Nói về những nỗi khổ trong việc đi lại của người dân địa phương, ông Nhất lắc đầu ngán ngẩm: "Trước đây, người dân thôn Đồng Phú muốn lên trung tâm xã phải đi đò. Thế nhưng, cảnh "đò giang cách trở", lại không có cầu nên người dân gặp không ít trở ngại mỗi khi có việc cần phải sang bên kia sông, hoặc giao lưu, buôn bán hàng hóa với bên ngoài. Tội nhất là các em học sinh mỗi khi đi học phải dậy từ rất sớm rồi ra bến đợi đò. Nhiều lúc đò gặp bất trắc, hư hỏng thì các em phải nghỉ học vì không còn con đường nào khác". Niềm khát khao bao đời của người dân là có được cây cầu nối liền bờ sông để việc đi lại thuận tiện hơn.
Về mùa mưa lũ, các em học sinh này phải nghỉ học vì cầu bị ngập
Năm 2001, ông Nguyễn Hồng Khanh - một người dân địa phương đã đứng ra xây dựng cây cầu phao với kinh phí gần 100 triệu đồng. Mặt cầu được làm bằng ván, bên dưới là hệ thống phao nổi có thể tháo dỡ được khi gặp mưa lũ. Có thể nói, cây cầu đã giải quyết được một phần nhu cầu đi lại cho gần 1.000 người dân thôn Đồng Phú. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn không hề giảm bớt bởi cầu được thiết kế quá hẹp chỉ đủ cho một lối đi, mặt khác do mặt cầu và lan can quá thấp nên chỉ một trận mưa nhỏ là bị ngập trong nước và người dân cũng phải đi đò mới qua được sông.
Việc đi lại của người dân không phải lúc nào cũng thuận tiện. Anh Phan Thanh Dũng nhớ lại: "Mới mùa lũ năm trước, do nước sông chảy xiết nên cây cầu bị cuốn trôi và bị hư hỏng nặng. Sau đó, được cấp trên hỗ trợ một phần kinh phí, ông Khanh đã cho sửa lại những phần hư hỏng. Do không đảm bảo an toàn nên chỉ cần sơ sẩy một chút là người dân có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào. Đã có rất nhiều trường hợp cả người lẫn xe bị rơi xuống sông, còn chuyện học sinh đi học bị ngã sông, uống nước thì xảy ra như cơm bữa".
Lại nói đến chuyện đi đò, người dân và học sinh thôn này cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào chủ đò vì chỉ những lúc đông người họ mới chở. Chính vì vậy, nhiều học sinh bị trễ học do không qua được sông để đến trường, rồi những khi người dân đau ốm cần ra viện điều trị, cần giải quyết việc gấp...nhưng không có phương tiện qua sông.
"Về mùa mưa, mỗi lần qua sông chủ đò thu mỗi người 5.000 đồng, cả đi lẫn về mất 10.000 đồng. Nhưng không phải khi nào chủ đò cũng trực suốt ngày đêm để mình cần việc là họ chạy thuyền qua chở. Người dân thôn Đồng Phú bây giờ chỉ mơ ước được nhà nước quan tâm đầu tư một cây cầu treo thay thế cho chiếc cầu phao nói trên để có thể thuận tiện đi lại về mùa mưa" - một người dân than thở.
Làng "khát" bên bờ sông
Thôn Đồng Phú là địa bàn thuộc diện khó khăn nhất của xã Đồng Hóa, dân cư lại rất đông, trong khi đó diện tích đất sản xuất cứ ngày càng thu hẹp qua hàng năm vì dòng sông bị sạt lở nghiêm trọng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do "cát tặc" hoạt động ngang nhiên không được kiểm soát. Về mùa mưa lũ, hàng chục héc ta đất sản xuất của người dân bị cuốn trôi tuột xuống sông gây thiệt hại nặng nề.
Dẫn chúng tôi đi khảo sát đời sống người dân, ông Nhất trăn trở: "Thật khó để diễn tả hết nỗi khổ của người dân thôn Đồng Phú, mặt sau thì bị núi bao bọc, đất đai cằn cỗi, mặt trước sông thì bị sạt lở đe dọa, đất đai ngày càng bị thu hẹp. Sản xuất nông nghiệp lại phụ thuộc vào thời tiết do hệ thống kênh mương thủy lợi không có. Mặc dù sống gần sông nhưng người dân trong thôn bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Thêm vào đó, đường sá đi lại hết sức khó khăn, về mùa mưa nước sông dâng cao là hầu như thôn này bị cô lập".
Nhiều người dân thôn Đồng Phú phải sử dụng nguồn nước khe, nơi trâu bò thường qua lại vì không có nước sạch
Nói đoạn ông Nhất dẫn chúng tôi đến đoạn khe gần khu dân cư và cho biết đó là nguồn nước được bà con sử dụng để sinh hoạt trong mùa hạn hán như thế này. Thật không tin nổi, khe nước này thường có rất nhiều trâu, bò ngụp lặn nhưng cũng là nguồn nước duy nhất để người dân sử dụng vì giếng bị cạn khô và bị nhiễm sắt không thể dùng được.
Chị Mai Thị Thê cho biết, do giếng bị cạn từ lâu nên phải ra đây gánh nước về uống và nấu ăn. Dù biết nguồn nước này là nơi trâu, bò tắm nhưng không dùng thì không có nguồn nước nào khác. Đã không ít lần người dân nơi đây gọi thợ về khoan giếng mong tìm thấy nguồn nước nhưng không hiệu quả. Nhiều hộ dân trong thôn như: Mai Thị Thanh, Hoàng Văn Hòa, Nguyễn Xuân Trung...cũng đều sử dụng nguồn nước khe.
Dù mới học lớp 1 nhưng hai cháu Mai Thị Phương và Mai Thị Hiền đã biết giúp mẹ đi lấy nước khe về sinh hoạt. Cháu Phương nói: Mỗi ngày hai chị em cháu phải ra khe gánh nước về dùng bởi giếng nhà cháu đã bị khô.
Mỗi ngày hai chị em Phương phải thay mẹ ra khe lấy nước về sinh hoạt
"Không riêng gì những hộ nói trên mà hàng chục người dân thôn 1, thôn 2 Đồng Phú đều sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Trên núi có một hồ nước nhưng cách khu dân cư gần 3 km nên cũng không ai đến lấy. Nếu được cấp trên quan tâm đầu từ xây dựng hệ thống dẫn nước tự chảy thì người dân nơi đây sẽ bớt khổ hơn" - ông Nhất nói.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Xuân Bình, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Hóa cho biết, thôn Đồng Phú là địa bàn khó khăn nhất của xã Đồng Hóa; địa hình cách trở bởi sông Gianh nên về mùa mưa, lũ là nơi này bị cô lập hoàn toàn. Chính vì vậy, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều trở ngại. Mặc dù đã có cầu phao bắc qua sông nhưng hễ mưa đến là bị chìm, người dân buộc phải đi đò mới qua được sông, các em học sinh cũng không thể đến trường. Đây là địa bàn tập trung đông dân cư nhưng đất đai lại bị thu hẹp nên đời sống của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Về mùa khô người dân bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
"Việc xây dựng cầu treo và hệ thống nước sạch cho người dân thôn Đồng Phú là vấn đề cấp bách và rất cần thiết. Chính quyền cũng đã nhiều lần đề nghị cấp trên quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách còn hạn chế nên vẫn chưa thể triển khai"- ông Bình nói.
Đăng Đức
Theo Dantri
Xe mô tô "kẹp 3" đâm cụ ông chết thảm Khoảng 14 giờ 15 phút, chiều ngày 17/5, tại Km 44 850, QL 12A đoạn đi qua địa phận thôn Kim Sơn, xã Sơn Hóa đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khiến một cụ ông chết trên đường đi cấp cứu. Thông tin trên được lực lượng CSGT huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) xác nhận với PV Dân trí vào...