Thuốc trúng thầu: Rẻ mà… lo
Cùng một loại thuốc với đầy đủ hàm lượng, hoạt chất như nhau song được sản xuất ở các nước khác nhau có thể có chất lượng hoàn toàn khác nhau, mức giá cũng chênh lệch đến hàng chục lần. Vì thế, giá thuốc trúng thầu vào các nhà thuốc BV trong năm qua dù giảm mạnh nhưng chưa chắc người bệnh đã được hưởng lợi
Một buổi đấu thầu thuốc công khai tại BV Việt Đức
Bệnh viện không phải nhà buôn
Theo quy định mới về đấu thầu thuốc vào BV (Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC), mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định nhưng có giá thấp nhất. Do đó, khi áp dụng quy định này từ giữa năm 2012 đến nay, giá thuốc trúng thầu vào các BV đã giảm đến 30-40%, một số Sở Y tế đã giảm chi hàng chục tỷ đồng so với kế hoạch xây dựng trên cơ sở giá thuốc trúng thầu năm trước. Thế nhưng giá rẻ thường khó đi kèm với chất lượng.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, thuốc trúng thầu vào BV phải là thuốc tốt chứ không thể đặt chuyện giá cả lên hàng đầu, bởi nếu thuốc rẻ mà chất lượng kém sẽ không có tác dụng điều trị. Cụ thể như BV Việt Đức, nếu ưu tiên chấm thầu cho các loại thuốc rẻ tiền nhưng vẫn có đủ các tiêu chí, đạt đủ điểm kỹ thuật được phép dự thầu thì dự toán giá nhập thuốc theo kế hoạch trong cả năm 2014 chỉ khoảng 150 tỷ đồng. Song vẫn các mặt hàng thuốc đó nhưng nếu lựa chọn các loại thuốc có chất lượng tốt, đúng, để có tác dụng chữa bệnh thì phải mất đến 300 tỷ đồng. “Nếu là doanh nghiệp thì việc ưu tiên mặt hàng giá rẻ là đương nhiên vì nó đem lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên BV không phải nhà buôn, BV phải chịu trách nhiệm trước tính mạng của người bệnh thì không thể làm như vậy được. Nếu áp dụng cứng nhắc theo Thông tư 01 về đấu thầu thuốc thì chẳng khác nào BV tự bắn vào chân mình” – ông Quyết phân tích.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết còn dẫn ra ví dụ cụ thể về trường hợp một đồng nghiệp của ông ở một BV khác có gửi cho ông 2 lọ thuốc. Cả 2 cùng là kháng sinh dùng để tiêm tĩnh mạch, cùng một hoạt chất, cùng có hàm lượng 200mg/100ml nhưng loại của châu Âu sản xuất có giá 80.000 đồng/lọ, trong khi lọ thuốc còn lại chỉ có giá… 8.000 đồng/lọ. Về mặt pháp lý, cả 2 loại thuốc này đều đã được cấp phép vào Việt Nam, cùng được chấm thang điểm kỹ thuật trên 70, nghĩa là đủ điểm dự thầu vào BV nên theo Thông tư 01, đương nhiên loại thuốc giá rẻ hơn được chấm trúng thầu. Tuy vậy, sau khi nhập thuốc, vì thấy hiệu quả điều trị của loại thuốc giá rẻ này quá kém nên BV buộc phải ngừng sử dụng.
Video đang HOT
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết dẫn chứng 2 lọ thuốc giống nhau nhưng giá chênh nhau 10 lần
Cần điều chỉnh tiêu chí chấm thầu
Không phủ nhận hoàn toàn hiệu quả mà Thông tư 01 về đấu thầu thuốc BV đem lại, đặc biệt là việc đưa giá thuốc tại các BV về đúng giá gốc, hợp lý hơn, giảm chi phí điều trị cho người bệnh, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cũng cho rằng, thuốc là một hàng hóa đặc biệt nên phải có tiêu chí đấu thầu riêng. Theo ông Quyết, tiêu chí chấm thầu thuốc của BV Việt Đức là phải lựa chọn được các loại thuốc tốt, giá hợp lý, chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có một Hội đồng đấu thầu giỏi, gồm các chuyên gia ở đủ các lĩnh vực chuyên môn và phải công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu thuốc, nếu không sẽ dẫn đến độc quyền, bắt tay giữa BV với các doanh nghiệp cung ứng thuốc.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyên Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, Thông tư 01 tạo ra môi trường cạnh tranh quyết liệt về giá cả nên nhiều doanh nghiệp cung ứng thuốc đã tìm kiếm các thuốc có nguồn gốc từ các hãng dược kém uy tín, giá thấp để cạnh tranh. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Thảo, cơ quan bảo hiểm và y tế sẽ tiếp tục điều chỉnh các tiêu chí để đảm bảo thuốc điều trị có chất lượng tốt và giá hợp lý hơn.
Theo Bộ Y tế, khảo sát sơ bộ thuốc trúng thầu vào BV ở 9 tỉnh, thành trong tháng 6 vừa qua cho thấy, các thị trường cung ứng thuốc giá rẻ nhưng chất lượng thấp như Ấn Độ, Pakistan đang dẫn đầu về thuốc ngoại trúng thầu, còn Trung Quốc cũng lần đầu tiên lọt vào “top 5″.
Duy Tiến
Theo ANTD
Thúc quả chín bằng hóa chất ngoài luồng
Thực trạng thu hoạch quả lúc còn non rồi dùng hóa chất để thúc chín đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm cách quản lý. Trong khi đó, Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, tất cả các loại thuốc thúc chín đang được người dân sử dụng là ngoài luồng.
Chuối là loại quả đứng đầu được làm chín bằng thúc chín tố(Ảnh minh họa)
Không cần lén lút
Tình trạng sử dụng các loại thuốc thúc quả chín (làm chín nhanh) hiện tràn lan khắp nơi. Từ năm 2008, báo An ninh Thủ đô đã có bài viết phản ánh về tình trạng người dân ở khu vực Hoài Đức, Đan Phượng dùng một loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để thúc chín chuối, đu đủ. Thời điểm ấy, tình trạng mua bán loại thuốc thúc chín quả cũng khó khăn, người bán thậm thụt, người mua lén lút. Người lạ mặt vào làng, ngụy trang khéo lắm mới dò hỏi mua được loại thuốc này. Nhưng đến nay, tình trạng này diễn ra gần như công khai.... Theo ghi nhận, tại khu vực Đan Phượng, Hoài Đức hiện nay nông dân vẫn sử dụng một loại thuốc có tên Ethrel để dấm chín chuối và đu đủ. Đây chính là vựa chuối và đu đủ cung cấp một lượng lớn cho thị trường Hà Nội.
Thực trạng này diễn ra phổ biến khiến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã phải lên tiếng. "Tôi được nghe nhiều chuyện về việc, nông dân sử dụng một loại thuốc để thúc chín ép các loại trái cây như sầu riêng, mít, hồng xiêm... Thương lái thu mua cả vườn, gồm cả quả chín và non. Sau đó, họ dùng hóa chất để thúc chín đồng loạt nên rất đẹp mã. Điều này rất nguy hiểm, không những làm giảm chất lượng nông sản Việt Nam mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP vì không biết họ sử dụng hóa chất gì, lưu lượng ra sao".
Vì có sẵn các loại thuốc thúc chín tố nên các thương lái hiện đều thu mua trái cây còn non, mua cả vườn, cả cây. Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng cục Trồng trọt lý giải, thu hái lúc trái còn non (đầu vụ) sẽ được lời cao hơn. "Thu mua lúc quả còn non thì rõ ràng phải dùng thuốc để thúc chín. Hậu quả là trái cây bên ngoài chín vàng, đẹp mắt, nhưng ăn thì lại nhạt nhẽo".
Bỏ lửng quản lý
Về thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV nhìn nhận, tại những vùng chuyên canh, trồng trái cây với quy mô lớn rất khó để thu hoạch theo hình thức chờ trái chín đồng loạt. "Hoa quả không chín đồng loạt, hơn nữa, khi trái chín cây cũng rất khó bảo quản, vận chuyển đi xa. Vì vậy, bà con thường thu hái cả vườn, gồm cả quả to, quả nhỏ rồi ủ chín".
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, trước kia, bà con thường làm chín bằng cách ủ hương hoặc đất đèn. Còn hiện nay, bà con lại sử dụng thúc chín tố. Các loại thuốc thúc chín thuộc nhóm "điều hòa sinh trưởng", gốc Ethephon, có tên gọi thương mại là Ethrel. "Chúng tôi đã thử phân tích thúc chín tố thì đây là Ethephon 28%, khi hòa dung dịch thì sinh ra Etylen, giống như một hormone thực vật làm trái cây chín và có mùi thơm", ông Nguyễn Xuân Hồng cho hay. Hiện nay, hầu hết các nước xuất khẩu nông sản lớn đều không xuất hoa quả chín cây, mà được thu mua dưới dạng quả xanh, sau đó dùng hóa chất để xử lý chín.
Tại Việt Nam, trong danh mục các thuốc BVTV được phép sử dụng cũng có nhóm thuốc điều hòa sinh trưởng (kích thích, thúc chín tố) nhưng đến nay, chưa có doanh nghiệp nào đăng ký nhập khẩu. Vì vậy, tất cả các hóa chất điều hòa sinh trưởng mà người dân đang sử dụng là thuốc ngoài luồng, phần lớn được nhập từ Trung Quốc có tên "kích thích tố", chín trái cây.
Tại sao người dân sử dụng đã nhiều năm nay loại thuốc ngoài luồng này mà cơ quan quản lý, đứng đầu là Cục BVTV vẫn chưa có câu trả lời cho người tiêu dùng về độ an toàn cũng như khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe? Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, vì chưa có doanh nghiệp nào đăng ký nhập khẩu, nên cơ quan chức năng cũng chưa tổ chức khảo nghiệm, đánh giá. Không nhập khẩu chính thức, nhưng thị trường lại tràn lan loại thuốc ngoài luồng, vẫn được người dân sử dụng để làm chín hoa quả!
Trong khi đó, theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, hoạt chất Ethrel trong "thúc chín tố" cũng có trong đất đèn song nếu dùng ở dạng lỏng để bôi hoặc ngâm tẩm hoa quả thì rất độc hại. Ethrel bà con hay gọi "thúc chín tố"- một hợp chất hữu cơ do nhiều xí nghiệp khác nhau ở Trung Quốc sản xuất. Loại mà người dân ở nước ta đang sử dụng là nhập lậu, được đóng trong lọ 5ml và không được phép sử dụng. Đây là một chất có tính acid và dễ bị ôxy hóa khi để ngoài không khí.
Tuyết Nhung
Theo ANTD
Trần tình của bác sĩ chẩn đoán bé gái bị "phù nề bao quy đầu" Chiều 15/7, Tiến sỹ - Bác sỹ Đặng Tự, người đã khám và kê đơn thuốc cho bé gái 7 tháng tuổi Nguyễn Nhật A. với chẩn đoán "phù nề bao quy đầu" kèm sốt vi rút đã có buổi trần tình với PV Dân trí về sai sót nói trên. Tại buổi làm việc, bác sỹ Đặng Tự, Trưởng khoa Chỉ đạo...