‘Thuốc’ trị nạn chống đối cảnh sát giao thông
Bên cạnh gợi ý tăng mức phạt, khép hành vi chống đối vào tội “giết người”, một số tướng công an cho rằng nên tập trung tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật trong dân song cũng cần chấn chỉnh thái độ cán bộ khi làm việc.
Khi tuần tra ở thành phố Bắc Ninh, phát hiện một xe tải có dấu hiệu nghi vấn, cảnh sát ra lệnh dừng kiểm tra nhưng lái xe Nguyễn Văn Thủy (28 tuổi) phớt lờ.
Thượng sĩ Trần Đăng Vĩ (27 tuổi) cùng thượng sĩ Nguyễn Khắc Anh lái xe máy vượt lên tiếp tục ra hiệu dừng liền bị chiếc xe tải lao vào. Cú tông mạnh trong rạng sáng 17/7 hôm đó đã làm hai anh bị ngã xuống đường. Thượng sĩ Vĩ tử vong.
Lái xe Phùng Hồng Phương chống đối cảnh sát làm nhiệm vụ hồi trung tuần tháng 4. Ảnh: Minh Trang.
Video đang HOT
Trước đó, một cảnh sát giao thông đã hút chết trước hành vi chống đối của tài xế xe khách 39 chỗ. Chiều 9/4, bị trung úy cảnh sát Nguyễn Mạnh Phan (Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Ba Vì, Hà Nội) làm nhiệm vụ phân luồng giao thông trước cổng Bệnh viện huyện Ba Vì ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế Phùng Hồng Phương vờ chấp hành. Anh ta xuống xe song không xuất trình giấy tờ. Trong lúc cảnh sát lập biên bản, tài xế bất ngờ lao lên xe phóng bỏ chạy.
Trung úy Phan đuổi theo, đu bám vào cần gạt nước. Trước cảnh ngàn cân treo sợi tóc nguy hiểm đến tính mạng của cảnh sát, tài xế không dừng lại, vẫn cho xe chạy với tốc độ cao dù lúc này đường khá đông. Sau khi bỏ chạy hơn một cây số, Phùng Hồng Phương mới dừng lại khi cảnh sát huy động lực lượng cùng người dân tham gia truy đuổi.
Hiện Phùng Hồng Phương – tài xế gây tai nạn chết người tại Đồng Nai từng thụ án gần 4 năm tù – đã bị khởi tố và tạm giam về tội Chống người thi hành công vụ.
Trước nghi vấn cảnh sát gây ức chế khiến tài xế Phương có hành vi chống đối, lãnh đạo Công an huyện Ba Vì khẳng định với VnExpress, trung úy Phan thực hiện đúng thao tác nghiệp vụ, có lời lẽ chuẩn mực.
Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho hay tình trạng chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng. 6 tháng qua, cả nước xảy ra hơn 450 vụ khiến một cán bộ hy sinh, 4 người bị thương. Con số của năm 2011 là gần 700 vụ, 10 cán bộ hy sinh, hơn 100 người bị thương.
Trung tá Chung bị anh Hoàng đi xe PCX tông bất tỉnh. Ảnh: Q.H.
Số người có hành vi chống đối cũng đa dạng thành phần. Từ cánh tài xế, dân “anh chị” cho tới cả nhân viên văn phòng. Điển hình là Vũ Lê Hoàng (29 tuổi, nhân viên hợp đồng của Bộ Ngoại giao).
Chiều 7/3, khi bị tổ công tác 141 của Công an Hà Nội ra hiệu dừng xe máy vì không đội mũ bảo hiểm, anh Hoàng đã bỏ chạy. Trung tá Nguyễn Đức Chung đứng dưới lòng đường tuýt còi, song người này bất tuân lệnh. Anh Hoàng được cho là đã tăng ga tông thẳng vào vị trung tá khiến ông ngã bất tỉnh. Thanh niên 29 tuổi này sau đó bị Công an quận Thanh Xuân điều tra hành vi chống người thi hành công vụ.
Trước tình trạng trên, cuối tháng 7, tại buổi làm việc giữa UBND Hà Nội với đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, thiếu tướng Trần Thùy (Phó giám đốc Công an thành phố) cho rằng mức phạt 4 triệu đồng với hành vi chống người thi hành công vụ; phạt 1,4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày đối với hành vi không tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là quá thấp.
Đây được cho là một trong những lý do khiến người dân “nhờn” luật, số vụ chống người thi hành công vụ không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên. Tướng Thùy đề xuất đưa hành vi này vào tội Giết người hoặc nâng mức phạt để tăng tính răn đe.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an) cũng đồng tình cần tăng mức phạt với tội Chống người thi hành công vụ.
Đưa ra các giải pháp, tướng Vĩnh cho rằng cần tập trung vận động nhân dân chấp hành pháp luật; kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật nhằm xử nghiêm khắc hơn hành vi chống người thi hành công vụ…. Ngoài ra, việc làm không thể thiếu là chấn chỉnh lễ tiết, tác phong, quy trình công tác, thái độ ứng xử của cán bộ, chiến sĩ công an trong thi hành công vụ.
Thiếu tướng Đồng Đại Lộc (Phó tổng cục trưởng Tổng cụcCảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội) cho hay Tổng cục đang nghiên cứu, soạn thảo thông tư quy định các giải pháp cho thực trạng này. Cụ thể, đơn vị sẽ rà soát, tìm hiểu thái độ ứng xử của cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ có gây bức xúc cho người vi phạm luật hay không, khi làm nhiệm vụ họ có được trang bị công cụ đảm bảo an toàn tính mạng…
“Nếu thông tư được ban hành sẽ phòng ngừa và hạn chế việc chống người thi hành công vụ”, vị Phó Tổng cục trưởng nói.
Theo ông Lộc, cảnh sát khi làm nhiệm vụ đều được bồi dưỡng nghiệp vụ, võ thuật. Song công an lấy phương châm giáo dục là chính nên đã xảy ra những bất cập.
Theo VNExpress