Thuốc tránh thai uống làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng
Nguy cơ ung thư buồng trứng giảm ở phụ nữ trẻ uống thuốc tránh thai kiểu mới chứa cả liều oestrogens và progestogens thấp hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The BMJ dựa trên bằng chứng trước đây cũng cho thấy các thuốc tránh thai kiểu cũ với những phối hợp estrogen và progestogen khác nhau làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.
Đây là tin tốt cho 100 triệu phụ nữ trên thế giới đang uống thuốc tránh thai nội tiết hàng ngày.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Aberdeen ở Scotland và Đại học Copenhagen ở Đan Mạch đã hợp tác trong nghiên cứu đánh giá dữ liệu từ đăng ký kê đơn quốc gia và đăng ký ung thư trên gần 1,9 triệu phụ nữ Đan Mạch trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi, từ năm 1995 đến 2014.
Nhóm nghiên cứu đã chia những người tham gia thành ba nhóm: những người đã từng sử dụng nhưng đã ngừng thuốc từ một năm trở lên; những người chưa bao uống thuốc tránh thai; và những người đang hoặc mới dùng, bao gồm cả những người đã ngừng thuốc trong chưa đến một năm trước khi số liệu được thu thập. 86% tổng số phụ nữ trong nghiên cứu có sử dụng một dạng thuốc tránh thai uống phối hợp.
Kết quả chung cho thấy việc sử dụng thuốc tránh thai nội tiết phối hợp đã ngăn ngừa được khoảng 21% số ca ung thư buồng trứng trong quần thể nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu nhận xét rằng có rất ít bằng chứng về sự khác biệt quan trọng giữa các sản phẩm có chứa các loại progestogen khác nhau.
Tuy nhiên, một số ít phụ nữ uống các thuốc chỉ chứa progestogen không có vẻ nhận được những lợi ích tương tự, mặc dù cỡ mẫu có thể đã làm sai lệch kết quả. Và vì đây là một nghiên cứu quan sát, nên không thể rút ra kết luận về quan hệ nhân quả.
TS Lisa Iversen thuộc Viện Khoa học Y tế Ứng dụng tại Đại học Aberdeen, tác giả của nghiên cứu này, nói: “Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng trở nên mạnh hơn khi thuốc tránh thai nội tiết được sử dụng trong thời gian dài hơn, và nguy cơ giảm vẫn duy trì nhiều năm sau khi ngừng thuốc”/
Mỗi năm, khoảng 22.240 phụ nữ có chẩn đoán ung thư buồng trứng. Bệnh có tỷ lệ sống thấp hơn các ung thư khác, sẽ giết chết khoảng 14.000 người, theo Hội Ung thư Mỹ.
“Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, phụ nữ sẽ yên tâm rằng các thuốc tránh thai đường uống phối hợp hiện đại vẫn liên quan đến giảm nguy cơ ung thư buồng trứng”, Iversen nói.
Cẩm Tú
Theo Newsweek
Video đang HOT
Cách tầm soát 6 loại ung thư thường gặp
Phụ nữ từ tuổi 40 nên tầm soát ung thư vú, từ 21 đến 29 tuổi thử Pap Smear mỗi 3 năm một lần...
Mục đích của tầm soát ung thư là phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc bệnh lý ung thư ở giai đoạn thật sớm, từ đó có thể can thiệp hiệu quả, thậm chí có thể ngăn ngừa tiến triển thành ung thư. Cần đánh giá điều kiện tuổi, yếu tố nguy cơ mắc loại ung thư nào, tuân thủ theo các hướng dẫn tầm soát, hiểu về giá trị xét nghiệm và nên có kiến thức cơ bản về những ung thư có thể tầm soát được.
Xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh: kevin
Hiệp hội ung thư Mỹ có hướng dẫn tầm soát 6 loại ung thư.
Ung thư vú
Phụ nữ có thể bắt đầu tầm soát ở tuổi 40. Tất cả phụ nữ có nguy cơ ung thư vú trung bình nên bắt đầu khám tầm soát hàng năm vào năm 45 tuổi.
Ở tuổi 55, phụ nữ có thể chọn tiếp tục chụp nhũ ảnh hàng năm. Nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ ung thư vú và bất kỳ thay đổi nào tại vú.
Ung thư cổ tử cung
Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi cần được thử Pap Smear mỗi 3 năm một lần. Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 65 phải có cả xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV cứ 5 năm một lần, hoặc chỉ thử nghiệm Pap 3 năm một lần.
Phụ nữ trên 65 tuổi đã được xét nghiệm tầm soát thường xuyên với kết quả bình thường sẽ không còn được kiểm tra ung thư cổ tử cung nữa. Những người có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung cần được kiểm tra thường xuyên hơn.
Ung thư đại trực tràng
Người lớn có nguy cơ trung bình nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng thường xuyên ở tuổi 45. Người có tiền sử gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ khác nên trao đổi với bác sĩ để tầm soát sớm hơn. Một số xét nghiệm có thể sử dụng để sàng lọc ung thư đại trực tràng, bao gồm nội soi đại trực tràng, xét nghiệm máu ẩn trong phân. Tất cả kết quả bất thường về xét nghiệm nên được kiểm tra bằng nội soi.
Có thể thực hiện một trong các phương pháp sau:
- Tìm hồng cầu ẩn trong phân một lần mỗi năm.
- Tìm DNA nhiều mục tiêu trong phân một lần mỗi 3 năm.
- Nội soi đại trực tràng một lần mỗi 10 năm.
- Nội soi ảo bằng chụp CT một lần mỗi 5 năm.
- Soi đại tràng sigma một lần mỗi 5 năm.
Phụ nữ và đàn ông 76-85 tuổi tùy thuộc ước muốn, tình trạng sức khỏe, thời gian sống dự kiến và các xét nghiệm tầm soát trước đó mà có thể tầm soát hoặc không.
Phụ nữ và đàn ông trên 85 tuổi được khuyến cáo ngừng tầm soát.
Ung thư phổi
Những người có nguy cơ ung thư phổi cao có thể thực hiện CT scan. Nguy cơ cao là những người hút thuốc hiện tại hoặc đã bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm qua; người có tiền sử hút thuốc từ 30 tuổi trở lên; từ 55 đến 74 tuổi.
Ung thư tuyến tiền liệt
Phương tiện chính để tầm soát ung thư tiền liệt tuyến là xét nghiệm đo nồng độ PSA trong máu. Nên thảo luận về những rủi ro và lợi ích có thể có của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt trước khi quyết định.
Tầm soát nên bắt đầu từ tuổi 50 cho những người đàn ông có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt trung bình và dự kiến sống ít nhất 10 năm nữa. Tầm soát ở tuổi 45 cho những người đàn ông có nguy cơ cao hơn, nam giới có cha hoặc anh trai được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Phần lớn bác sĩ khuyên nên dừng tầm soát sau 70 tuổi hoặc ở những bệnh nhân có sức khỏe kém.
Ung thư buồng trứng
Để tầm soát ung thư buồng trứng, bạn có thể thực hiện xét nghiệm máu để đo nồng độ chất chỉ dấu ung thư hoặc siêu âm bụng, hoặc kết hợp cả hai. Vấn đề là các xét nghiệm này không phải lúc nào cũng có thể phát hiện được ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm. Do đó tầm soát ung thư buồng trứng chỉ được khuyến cáo cho những bệnh nhân có tiền căn gia đình bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú. Ở những người này thì độ tuổi bắt đầu tầm soát là 30 -35 tuổi.
Cách giảm nguy cơ ung thư
- Tránh xa mọi loại thuốc lá.
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Vận động thường xuyên.
- Ăn uống khoa học với thật nhiều trái cây và rau xanh.
- Giảm bớt lượng bia rượu nếu có uống.
- Bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời.
- Biết được tiền sử bệnh của bản thân, gia đình và những yếu tố nguy cơ ung thư của mình.
- Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm tầm soát ung thư.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến
Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM
Theo Vnexpress
Người mẹ đánh bại bệnh ung thư 2 lần sau khi chỉ còn 27% cơ hội sống - bí quyết của cô tưởng khó mà hóa ra lại rất dễ Emilee chào đời với căn bệnh ung thư mô liên kết từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ. Sau đó vào tháng 1 năm 2015, cô mới được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 3C. Emilee Garfield, 42 tuổi, đến từ California (Mỹ) đã 2 lần khỏi ung thư: 1 lần khi còn nhỏ và 1 lần khi...