“Thuốc” phòng chống tham nhũng có được “uống đủ liều”?
Hàng loạt các vụ án tham nhũng bị phanh phui, điều tra, xét xử, với những tổn thất nghiêm trọng về tài sản nhà nước và quan trọng là khiến giảm sút niềm tin của xã hội. Bởi thế, “dứt khoát phải chống tiêu cực, tham nhũng” là quyết tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định cùng với việc triển khai Nghị quyết TƯ 4 và 5.
Tham nhũng – vấn đề nóng của diễn đàn Quốc hội
Trên diễn đàn QH, vấn đề phòng chống tham nhũng (PCTN) luôn đẩy các cuộc thảo luận và chất vấn, trả lời chất vấn lên những “cao trào”. Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, các mối quan tâm của cử tri cả nước về tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước của các tập đoàn, TCty Nhà nước đã được các ĐBQH phản ánh, cho thấy một bức tranh đầy gam màu nóng và xám xịt bởi những bức xúc, lo ngại trước kiểu làm ăn “phiêu lưu”, bấp bênh của của những “đại gia” đang có nhiệm vụ “đầu tàu”, dẫn dắt nền kinh tế.
Hình minh họa
Video đang HOT
Tình trạng lãng phí, tham nhũng còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực làm phát sinh hệ quả tiêu cực như sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn lãng phí, nhất là trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ… – những lĩnh vực là nơi khu trú của tham nhũng, là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng nảy nở phát triển và lũng đoạn gây bức xúc trong xã hội là thách thức lớn đối với sự quản lý của Nhà nước.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm (từ 01/12/2011 đến 31/5/2012), Cơ quan chuyên trách chống tham nhũng (C48) Bộ Công an đã khởi tố điều tra 4 vụ/18 bị can, nâng tổng số án đang thụ lý điều tra lên 13 vụ/47 bị can đã kết luận điều tra 3 vụ/13 bị can, đình chỉ điều tra 1 vụ/1 bị can hiện đang tiến hành điều tra 9 vụ/43 bị can, điển hình là vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc TCty Hàng hải Việt Nam và các đơn vị có liên quan trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2011.
Các TCty, Tập đoàn nhà nước nắm trong tay vốn chủ sở hữu của nhà nước lên tới 700.000 tỷ, lớn hơn tổng số thu ngân sách hàng năm của quốc gia song hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng với đầu tư của nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân. Theo kết luận của cơ quan thanh tra và tố tụng, những vụ thất thoát, tham nhũng, sai phạm, khuyết điểm của một số tập đoàn, TCy đã làm thất thoát, lãng phí, nợ đọng hàng chục nghìn tỷ đồng của nhà nước.
“Có thuốc” nhưng phải sử dụng đúng liều
Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, 5 năm qua tham nhũng chưa bị đẩy lùi có biểu hiện trắng trợn và lan rộng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến nghiêm trọng với hàng ngàn vụ tiêu cực theo số liệu của kiểm toán song thực tế số vụ khởi tố điều tra rất ít.
Hầu hết những vụ tham nhũng lớn chủ yếu khởi tố điều tra về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, mà tội này hình phạt rất thấp, chỉ đến 20 năm tù, nhiều vụ không thấy tham ô đồng nào và việc thu hồi tài sản rất thấp cho thấy, một lượng lớn tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát đã không được thu hồi, bị chuyển ra nước ngoài để tẩu tán…
5 tháng đầu năm 2012, trên phạm vi toàn quốc, Cơ quan điều tra đã khởi tố 131 vụ/231 bị can về các tội danh tham nhũng, so với cùng kỳ năm 2011 tăng 33 vụ/136 bị can.
Trong đó, chủ yếu các tội danh là “Tham ô tài sản” (45 vụ/60 bị can), “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (25 vụ/47 bị can)…
VKSND đã truy tố 141 vụ/371 bị can, so với cùng kỳ năm 2011 tăng 33 vụ/136 bị can. Tòa án đã xét xử sơ thẩm 84 vụ/164 bị cáo, so với cùng kỳ năm 2011 giảm 9 vụ/82 bị cáo.
Các ĐBQH khẳng định, để tham nhũng có cơ hội “lớn mạnh”, “phồng mang trợn má” lấn lướt trong xã hội là vì đôi khi cơ chế quyền kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tham nhũng đã vô tình bị lãng quên.
Tham nhũng càng tinh vi phức tạp, những người được giao quyền rất dễ “xúc động” trước những nguồn lợi “béo bở” nhưng bộ máy PCTN vẫn cần được hoàn thiện để đạt độ tinh thông, tinh nhuệ, thiện chiến, chuyên nghiệp, để “nắm thóp” và tuyên chiến với tham nhũng.
Trước kỳ họp thứ 3, tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình (TP.Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, phòng chống tham nhũng lần này Trung ương quyết tâm cao, “biện pháp đủ rồi, cắt thuốc trúng rồi” song “liệu có chịu uống thuốc không và có uống đủ liều không” mới là mối băn khoăn chính của cuộc chiến PCTN hiện nay ở nước ta.
Luật PCTN đang được sửa đổi để tiệm cận hơn với những vấn đề của thời đại, với sự “biến hóa” của tham nhũng – một loại trọng bệnh cần “biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da” như quan điểm của ông Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH).
Theo các chuyên gia ngành Công an, pháp luật về PCTN và tố tụng hình sự cần cho phép cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết và được tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có những chứng cứ, có những dấu hiệu phạm tội tham nhũng để tránh những tình trạng có những đối tượng tìm cách bỏ trốn như đang được áp dụng đối với tội phạm ma túy và các tội phạm xâm hại đến quốc gia.
Đáng lưu ý cần thực tế hóa qui định kê khai tài sản, thu nhập, không để tình trạng “nhập nhèm” của công thành của tư, góp phần để quan chức – những người luôn có nguy cơ rơi vào cạm bẫy tham nhũng – “không muốn, không dám và không cần tham nhũng” như bài học của nhiều quốc gia, trong đó có Singapore, Nật Bản… đã áp dụng thành công.
PCTN là cuộc chiến lâu dài. Hoàn thiện pháp luật là một biện pháp quan trọng và cần thiết, song bên cạnh đó, cần có sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tạo thành làn sóng đấu tranh với tệ nạn tham nhũng đang từng ngày là sói mòn nhiều giá trị xã hội và gây dựng lại được lòng tin của người dân vào các cấp chính quyền, các “công bộc” của họ.
Theo PLXH