Thuốc không kê đơn có phải là thuốc không có độc tính?
Nhiều người khi nghe nói thuốc không cần kê đơn là vội nghĩ ngay những loại thuốc này không có độc tính, dùng sao cũng được, bởi nếu độc thì bác sĩ đã phải lưu ý kê đơn rồi.
Nhiều người khi nghe nói thuốc không cần kê đơn là vội nghĩ ngay những loại thuốc này không có độc tính, dùng sao cũng được, bởi nếu độc thì bác sĩ đã phải lưu ý kê đơn rồi. Chính suy nghĩ này đã gián tiếp gây ra nhiều vụ ngộ độc thuốc giảm đau, các loại men vi sinh, men tiêu hoá… vừa qua.
Có hai loại thuốc hiện được bán tại các nhà thuốc, đó là thuốc bán theo đơn thuốc của bác sĩ, gọi là thuốc kê đơn (thuốc kê toa) và thuốc bán không cần đơn thuốc, gọi là thuốc không kê đơn. Cả hai loại này đều đòi hỏi phải sử dụng đúng mới đạt hiệu quả và an toàn.
Thuốc nào cũng có độc tính
Thuốc kê đơn là thuốc nếu không dùng đúng chỉ định của bác sĩ kê trong đơn thuốc có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ người dùng thuốc. Còn thuốc không kê đơn, còn gọi là thuốc OTC (viết tắt của Over The Counter, có nghĩa thuốc bán ở quầy không cần đơn thuốc) là thuốc có độc tính thấp, không có những tác dụng phụ có hại nghiêm trọng.
Thuốc OTC cũng là thuốc dùng trong điều trị các bệnh thông thường và người bệnh có thể tự điều trị, không nhất thiết có thăm khám, chỉ định thuốc hoặc theo dõi của bác sĩ. Từ ngày 1.7.2009, bộ Y tế Việt Nam đã ban hành danh mục thuốc không kê đơn và hướng dẫn thực hiện danh mục này. Theo đó, có hai loại: danh mục thuốc hoá dược và danh mục thuốc có nguồn gốc từ dược liệu.
Nhìn vào danh mục thuốc hoá dược (thuốc tây) không kê đơn, ta sẽ thấy bao gồm những thuốc mà người bệnh có thể mua để tự điều trị các bệnh nhẹ, như thuốc giảm đau hạ nhiệt trị cảm sốt, thuốc trị ho, trị tiêu chảy, trị táo bón, hay thuốc bổ sung vitamin, chất khoáng,…
Đơn cử là thuốc giảm đau hạ nhiệt paracetamol. Không chỉ có paracetamol không thôi mà còn có paracetamol phối hợp với các thuốc khác, đặc biệt có cả paracetamol phối hợp với thuốc gây nghiện codein.
Trước đây, paracetamol phối hợp với codein thuộc loại kê đơn, bởi liên quan đến tính chất gây nghiện và không an toàn nếu dùng sai (dùng tuỳ tiện dài ngày sẽ đưa đến nghiện như nghiện ma tuý).
Video đang HOT
Nay, thuốc phối hợp này thuộc loại không kê đơn nhưng được chú thích: “dạng thuốc chia liều không được chứa 30mg codein/đơn vị dạng thuốc” và đặc biệt: “thành phẩm chứa paracetamol và codein được bán không cần đơn với số lượng tối đa cho mười ngày sử dụng”.
Như vậy, trong danh mục thuốc không kê đơn vẫn có thuốc có “những điều kiện bắt buộc có sự tuân thủ của người phân phối và người sử dụng thuốc” chứ không phải sử dụng dễ dàng vô điều kiện.
Sở dĩ trong danh mục có loại thuốc đặc biệt này là vì paracetamol và codein cần được mua dễ dàng hơn để đáp ứng thuận lợi việc chăm sóc điều trị đau theo phác đồ “ba bước thang giảm đau” của tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo phác đồ đó, khi mới đau, tức đau nhẹ chỉ cần dùng thuốc giảm đau thông thường là paracetamol; đau mức cao hơn là đau trung bình nên dùng thuốc kết hợp như paracetamol và codein; còn đau nặng như đau ung thư phải dùng thuốc gây nghiện mạnh như morphin.
Hiện nay ở ta, bệnh nhân đau loại trung bình cũng khá nhiều nên thuốc paracetamol và codein được xếp vào loại không kê đơn để người bệnh dễ tiếp cận với thuốc điều trị hiệu quả là hợp lý.
Phải thận trọng hơn cả thuốc kê đơn
“Vì dùng bất kể liều lượng mà trong thời gian qua, đã có nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol, đa số là trẻ con”.
Khi nghe nói đến thuốc không kê đơn, người dùng thuốc thường có sự hiểu lầm thuốc loại này dùng sao cũng được. Vì vậy, có người cứ mua các loại thuốc hoặc chế phẩm như thuốc bổ sung vitamin, chất khoáng, các axit amin, các loại men vi sinh, men tiêu hoá, chất bổ dưỡng như nhân sâm… dùng bừa bãi, bất kể liều lượng.
Đúng là các loại thuốc ấy mua không cần đơn (men vi sinh, nhân sâm được kể là “thực phẩm chức năng” không phải thuốc nên cũng thuộc loại mua không cần đơn) nhưng người dùng phải có sự hiểu biết nhất định về các thuốc không kê đơn, để sử dụng đạt hiệu quả và an toàn, đặc biệt là liều lượng và cách dùng.
Để có thông tin, người dùng thuốc có thể hỏi dược sĩ tại nhà thuốc. Nước ta đang hướng đến các nhà thuốc phải đạt chuẩn thực hành nhà thuốc tốt – GPP chính là để đạt đến dược sĩ tư vấn dùng thuốc trong mọi trường hợp.
Trong tình hình hiện nay, cách tốt nhất để có thông tin về thuốc, đặc biệt thuốc không kê đơn, là xem tờ hướng dẫn dùng thuốc. Nếu mua thuốc viên rời, không mua nguyên lọ thuốc, ta vẫn có quyền đòi hỏi nhà thuốc cho xem tờ này.
Trong tờ hướng dẫn dùng thuốc, ta cần đọc: thành phần – công thức (để biết đó đúng là dược chất sử dụng), chỉ định (những trường hợp dùng thuốc này), chống chỉ định (những trường hợp không được dùng thuốc này), cách dùng – liều lượng, tương tác thuốc…
Tóm lại, cả hai loại thuốc kê đơn và không kê đơn đều đòi hỏi sử dụng đúng cách, thận trọng. Riêng thuốc không kê đơn vì mua dễ dàng nên đòi hỏi càng phải thận trọng hơn đối với người dùng thuốc.
Ngộ độc Paracetamol do dùng bất kể liều lượng
Khi dùng thuốc paracetamol, ít nhất phải biết thông tin về liều dùng của paracetamol như sau: liều thông thường hạ sốt cho trẻ là 10mg/kg cân nặng, ngày uống 3 – 4 lần; liều tối đa cho trẻ là không quá 60mg/kg/ngày.
Còn đối với người lớn, mỗi lần uống 500mg, ngày uống 3 – 4 lần, không nên quá 4g trong ngày. Riêng với người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan kém. Chính vì dùng bất kể liều lượng mà trong thời gian qua, đã có nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol, đa số là trẻ con.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
Theo SGTT
Sử dụng quá liều: Thuốc hạ sốt thành... thuốc độc
Không chỉ thuốc ngủ, thuốc diệt cỏ (paraquat), thuốc trừ sâu hay thuốc chuột mới gây ngộ độc, ngay cả thuốc hạ sốt cũng gây ra những nguy hiểm chết người nếu sử dụng quá liều...
Hạ sốt nhanh, bệnh nhi phải vào cấp cứu
Bị sốt 2 ngày liên tiếp không bớt, em Ph.T.B.Ng 6 tuổi, ngụ tại phường 8, quận 4, TP.HCM được người nhà ra nhà thuốc Tây tự mua thuốc uống, trong đó có gói thuốc hạ sốt Paracetamol (Acetaminophen) 250mg. Muốn con hạ sốt nhanh nên mẹ cho Ng. uống liên tục 4 gói chỉ trong vòng nửa ngày, nhưng vẫn không hạ nhiệt. Tại một bệnh viện (BV), em được tiếp tục cho hạ sốt với 2 viên Efferalgan (Acetaminophen) 150mg nhét hậu môn và còn được chích 260mg Perfangan (cũng là Acetaminophen). Sau đó em có triệu chứng ói ra máu và lơ mơ nên được chuyển đến BV. Nhi Đồng 2.
Tại đây, các bác sĩ (BS) ghi nhận em Ng. đang ở trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên, lơ mơ và liên tục co gồng. Một bệnh nhi khác cũng nhập viện cùng thời điểm là em Đ.Ng 10 tháng, ngụ tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình phước, có bệnh 3 ngày sốt cao liên tục, ói và tiêu chảy nhiều lần. Theo lời khai của người nhà, em được cho uống lên tục 5 liều thuốc hạ sốt, mỗi lần với Paracetamol 325mg. Sau đó em có triệu chứng co gồng và được người nhà cho nhập viện BV. Nhi Đồng 2 với tình trạng môi tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, có tình trạng suy chức năng gan, thận, rối loạn đông máu.
Sau khi nhập viện, cả 2 em đều được các BS của khoa Cấp cứu và Hồi sức của BV. Nhi Đồng 2 tích cực điều trị. Xét nghiệm và đo nồng độ Acetaminophen trong máu cho thấy P.T.B.Ng. có nồng độ Acetaminophen trong máu rất cao là 199,18/mL> 12giờ (vượt qua ngưỡng ngộ độc là 50/mL giờ thứ 12). Riêng Đ.Ng., dù nồng độ Acetaminophen trong máu không quá cao, không vượt qua ngưỡng ngộ độc Acetaminophen, nhưng do tình trạng nhiễm trùng huyết nặng đồng thời do sử dụng quá liều thuốc hạ nhiệt Acetaminophen, nên tình trạng suy tế bào gan càng trầm trọng, rối loạn đông máu càng nặng hơn. Cả hai đều có triệu chứng tổn thương tế bào gan do ngộ độc vì uống thuốc quá liều.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Khoa cấp cứu BV này cũng tiếp nhận cùng một lúc 2 em Yến V. (12 tuổi) và Phương T. (9 tuổi) là học sinh nội trú của một trường tiểu học dân lập Quốc tế TP.HCM với chẩn đoán là ngộ độc thuốc. Yến V. đã uống 20 viên Panadol và Phương T. uống 18 viên. Trong vài tháng đầu năm nay, đã có hàng chục ca nhập BV. Nhi Đồng 2 vì ngộ độc thuốc như thế.
Đưa trẻ nhập viện khi thấy dấu hiệu ngộ độc thuốc
Theo BS. Trịnh Hữu Tùng, BV. Nhi Đồng 2, ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol khi dùng quá liều, dùng trên 150mg/kg cân nặng/liều đơn độc ở trẻ em hay trên 7g cho một người lớn trung bình trong 24 giờ. Tất cả các bệnh nhân (BN) dùng liều trên 350mg/kg sẽ gây độc cho gan nặng. Khi ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol, BN sẽ có những triệu chứng: buồn nôn hay nôn mửa, vã mồ hôi, tái nhợt, thẫn thờ, lo âu. Từ 24 - 72 giờ sau uống, BN sẽ có triệu chứng của tổn thương gan rõ như: đau hạ sườn phải, gan lớn, tăng các men gan như AST và ALT, tiểu ít và suy giảm chức năng thận.
Một nghiên cứu của Trung tâm chống độc, BV. Bạch Mai, Hà Nội cách đây vài năm đã cho thấy tình hình ngộ độc thuốc Paracetamol có xu hướng gia tăng, vì thuốc này được coi là thuốc an toàn và BN có thể tự ý mua và tự điều trị mà ít cần đơn của BS. Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ ngộ độc Paracetamol đã đứng hàng thứ hai (sau ngộ độc thuốc ngủ và thuốc an thần) trong số các BN ngộ độc thuốc phải điều trị.
Sau 3 ngày, BN có biểu hiện vàng da, lơ mơ, lú lẫn do bệnh cảnh não do gan, và có xuất huyết nội tạng, hạ đường huyết và suy thận cấp do hoại tử ống thận cấp. Tử vong xảy ra trong giai đoạn này thường do suy chức năng đa cơ quan. Từ 4 ngày đến 2 tuần, nếu BN còn sống sẽ bước vào giai đoạn hồi phục, thường bắt đầu ngày thứ 4 và hoàn toàn 7 ngày sau quá liều. Hồi phục có thể chậm hơn ở BN nặng, những triệu chứng và và xét nghiệm có thể không bình thường trong vài tuần.
BS. Tùng khuyến cáo, khi thấy trẻ có triệu chứng hay nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol, các bậc phụ huynh cần cho trẻ vào ngay BV để các BS xử trí cấp cứu. Để cấp cứu ngộ độc có hiệu quả, điều hết sức quan trọng là nhận biết kịp thời chất độc hoặc thuốc mà BN đã dùng. Qua những trường hợp trên, các bậc phụ huynh nên lưu ý không được "nóng vội" cho trẻ uống quá liều thuốc hạ sốt Paracetamol (Acetaminophen). Tuân thủ liều điều trị thông thường là 40 - 60mg/kg/ngày chia 3 - 4 lần hay 10 - 15mg/kg cân nặng/lần. Nếu trẻ dùng liều hạ sốt như trên mà vẫn không giảm được nhiệt độ, các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến của BS, chứ không nên tự tiện dùng tiếp thuốc hạ sốt thêm sẽ dẫn đến quá liều và ngộ độc thuốc.
Theo Sức khỏe đời sống
10 lợi ích sức khỏe bất ngờ của sữa chua Sữa chua không chỉ giúp tái tạo protein, canxi cho xương mà còn giúp giảm cân và tránh được cảm lạnh. Vì thế, các chị em nên ăn sữa chua nhiều nhất có thể nhé! 1. Giúp bạn giảm kích thước vòng eo Ăn sữa chua đều đặn hàng ngày có thể giúp bạn giảm kích thước quần vòng eo để mặc thoải...