Thuốc chữa Covid-19 chợ đen bất ngờ giảm giá “sốc”, thật giả lẫn lộn
Cách đây nửa tháng, việc mua thuốc chữa Covid-19 tại Hà Nội và TPHCM đều vô cùng khó khăn. Ở TPHCM có lúc một hộp thuốc có giá lên tới hàng chục triệu đồng. Song hiện tại, giá đã giảm xuống 4-5 lần.
Giá thuốc giảm bất ngờ
Trong vai người có nhu cầu tìm mua thuốc chữa Covid-19, PV đã tìm hiểu nhiều cửa hàng, chợ thuốc tại Hà Nội để hỏi mua. Tuy nhiên, các cửa hàng đều từ chối cung cấp.
Các loại thuốc chữa Coivd-19 dân buôn đang bán (Ảnh: NVCC).
Dò hỏi qua nhiều nguồn thông tin, PV mới thâm nhập vào được một hội nhóm chuyên bán thuốc chữa Covid-19 trên mạng. Dù bán online nhưng rất khó để tìm kiếm được các hội nhóm này trên mạng xã hội.
Trong hội nhóm này, đa phần dân buôn đều ở phía Nam bởi nhu cầu tại thị trường này thời gian trước rất lớn. Thế nhưng, sau khi số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng nhanh, mặt hàng này đã được chuyển ngược ra Bắc để phục vụ nhu cầu của người bệnh.
Thừa nhận bán sai luật, nhưng một người buôn thuốc chữa Covid-19 tại Phú Đô (Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy hàng này họ săn ác luôn. Thật ra, nếu bọn tôi bán là sai luật, nhưng nhu cầu cao quá”.
Cũng theo người này, hiện nay có rất nhiều nguồn hàng. Trong đó, hàng xách tay từ nước ngoài, hàng tuồn hoặc hàng lậu là phổ biến nhất. Loại thuốc được săn mua nhiều nhất là Molaz và thuốc chống đông máu của Nga.
Video đang HOT
Thuốc Molnupiravir Capsules 200mg Molaz (Ảnh: NVCC)
Loại thuốc Molnupiravir Capsules 200mg Molaz được dân buôn quảng cáo là hàng Ấn Độ sản xuất theo tiêu chuẩn của Mỹ. Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể biết rõ được đâu là hàng thật và đâu là hàng giả. Bởi ngay cả dân buôn cũng thừa nhận, khách hàng uống vào mới biết thật hay giả.
Một số chủ buôn tinh vi hơn thì hướng dẫn người dùng rằng, hộp thuốc có nắp thiếc là hàng chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu được cầm hộp thuốc trên tay thì người dùng cũng khó lòng phân biệt được đâu là nắp thiếc.
Nắp thiếc trên hộp thuốc là dấu hiệu mà dân buôn cho rằng là thuốc thật (Ảnh: NVCC).
Do nhiều nguồn hàng, nên giá bán các loại thuốc này cũng không có mức cố định. Giá trên thị trường thời điểm này vào khoảng 2.700.000 – 3.200.000 triệu đồng/hộp Molaz. Nếu lấy số lượng từ 5 hộp trở lên, người mua sẽ được giảm còn 2.100.000 triệu đồng/hộp, giảm thêm 50.000 đồng nếu lấy trên 10 hộp.
Mức giá này rẻ hơn 4-5 lần so với cách đây nửa tháng. Thời điểm đó, tại TPHCM, một hộp thuốc Molaz có giá lên tới 10.000.000 đồng, trong khi Hà Nội chưa thể mua được hàng.
Có giá rẻ như vậy vì theo lời một dân buôn, thuốc lậu tuồn từ Campuchia về Việt Nam nhiều.
Uống Molnupiravir là “êm”?
Hiểm họa từ việc tự mua thuốc chữa Covid-19 trên mạng là vô cùng lớn. Bởi người mua được thuốc đúng chất lượng cũng chưa chắc đã biết cách dùng đúng để tốt cho sức khỏe. Chưa kể, nếu mua phải thuốc giả sẽ vô cùng nguy hiểm tới tính mạng.
Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân đang mắc Covid-19 hoặc có nguy cơ mắc bệnh, các đối tượng buôn thuốc đã “rót mật” vào tai nhằm móc túi khách hàng. Một dân buôn tại Quận 10 (TPHCM) thản nhiên tư vấn cho khách rằng, thuốc uống sáng 4 viên, tối 4 viên liên tục trong 5 ngày. Nếu khách có sốt thì uống hạ sốt, ho thì uống thêm thuốc ho.
“Nhưng thường uống Molnupiravir là “êm”, ít ho sốt. Khách bị nặng uống Molnupiravir càng tốt, uống vào nhẹ người luôn. Molnupiravir có tác dụng khi vào cơ thể sẽ khóa virus và tiêu diệt virus. F0 được uống Molnupiravir có thể tiếp xúc được với người nhà mà không bị nhiễm chéo vì virus đã bị khóa”, một người bán “lăng xê” thuốc.
Giá thuốc đã giảm 4-5 lần so với 2 tuần trước (Ảnh: NVCC).
Các đối tượng buôn thuốc Covid-19 cũng hoạt động rất kín kẽ. Thuốc sẽ được giao tới tận nhà, khách mua lấy hàng sẽ thanh toán tại chỗ cho người vận chuyển. Dù ở tỉnh nào, dân buôn cũng thuê vận chuyển hỏa tốc để giao hàng tận nơi.
Hiện nay, trên mạng tình trạng thuốc thật, thuốc giả lẫn lộn. Để tránh tiền mất tật mang, người dân nên tới bệnh viện và khai báo cơ quan chức năng khi có dấu hiệu mắc Covid-19.
Nguy cơ khó tiếp cận thuốc điều trị COVID-19 ở những nước thu nhập trung bình cao
Các loại thuốc viên điều trị bệnh COVID-19 có thể sẽ sớm được sản xuất trên toàn thế giới và được giới chuyên gia y tế kỳ vọng là công cụ quan trọng, giúp làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới.
Thuốc PAXLOVID điều trị COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer được sản xuất tại Freiburg, Đức ngày 16/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuần trước, Mỹ đã cấp phép sử dụng đối với hai loại thuốc viên điều trị COVID-19 là Paxlovid của hãng dược phẩm Pfizer và Molnupiravir của công ty Merck, mở đường cho các nước khác cũng cấp phép sử dụng hai loại thuốc này. Số nhà sản xuất các loại thuốc điều trị COVID-19 được cho là sẽ nhiều hơn các nhà bào chế vaccine bởi quy trình sản xuất vaccine phức tạp hơn rất nhiều so với sản xuất thuốc. Tuy nhiên, trong khi việc này có thể làm cho nguồn cung thuốc điều trị COVID-19 trở nên dễ có sẵn hơn ở những nước nghèo, thì những nước có thu nhập trung bình cao sẽ không được như vậy. Bên cạnh đó, sự thành công của các phương pháp điều trị này sẽ phụ thuộc vào việc liệu những nước này có thể chẩn đoán nhanh để điều trị cho bệnh nhân trong vòng 5 ngày sau khi có triệu chứng nhiễm bệnh.
Khác với vaccine ngừa COVID-19 thường do các hãng bào chế vaccine phối hợp với một số đối tác lựa chọn bào chế, thuốc điều trị COVID-19 sẽ được các nhà sản xuất thuốc generic sản xuất để bán cho những quốc gia nghèo hơn trên thế giới. Thuốc generic là bản sao của thuốc "gốc" với thành phần hoạt chất tương tự nhau.
Cả hãng Pfizer và Merck đã ký các thỏa thuận chia sẻ bản quyền thuốc của mình với Tổ chức Bằng sáng chế thuốc Medicines Patent Pool (MPP) do Liên hợp quốc bảo trợ.
Theo MPP, tổ chức này đến nay đã nhận được hơn 100 đơn xin sản xuất cho mỗi loại thuốc từ các nhà sản xuất thuốc generic. MPP sẽ cấp phép sản xuất cho các đối tác mà tổ chức này chọn trước cuối tháng 1/2022.
Cựu giám đốc điều hành MPP và hiện đang đứng đầu dự án Luật và Chính sách y tế, Ellen Hoen, cho biết các thỏa thuận này rất quan trọng, có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng, dẫn tới hoạt động sản xuất thuốc trên quy mô lớn với chi phí thấp. Việc này đồng nghĩa là sẽ gây bớt áp lực về giá thuốc, mang lại lợi ích cho các nước được hưởng lợi trực tiếp.
Khoảng 100 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ có thể tiếp cận với các thuốc generic này thông qua các thỏa thuận với MPP, trong đó có Ấn Độ, nước sản xuất thuốc generic lớn nhất thế giới. Điều đáng lưu ý là những nước không tham gia thỏa thuận này là những nước đông dân và có thu nhập trung bình cao như Brazil, Trung Quốc, Malaysia, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Những nước này dự kiến sẽ mua thuốc trực tiếp từ nhà sản xuất thuốc "gốc". Các nhà sản xuất thuốc thông báo sẽ đưa ra các mức giá thuốc khác nhau tại mỗi nước. Theo nhận định của các chuyên gia, việc này có thể dẫn tới việc tiếp cận thuốc bị hạn chế hơn ở những nước thu nhập trung bình cao, nếu chính phủ những nước này không linh hoạt trong quy định quyền sở hữu trí tuệ để sản xuất hoặc nhập khẩu thuốc generic.
Theo bà Leena Menghaney, cố vấn tư pháp của tổ chức Bác sĩ không biên giới, thuốc Paxlovid của hãng Pfizer sẽ có sẵn để phục vụ cho một số lượng lớn người mắc COVID-19 thể nhẹ và trung bình ở những nước có thu nhập cao, trong khi những nước có thu nhập trung bình cao sẽ không được như vậy. Hoạt động sản xuất thuốc generic sẽ giúp cho việc tiếp cận thuốc này trở nên dễ dàng hơn ở những nước thu nhập thấp hoặc trung bình nằm trong danh sách chỉ định của MPP.
Khai 86 hồ sơ giá thuốc không chính xác, một công ty bị phạt 100 triệu đồng Cục Quản lý Dược vừa xử phạt hành chính số tiền 100 triệu đồng với Công ty TNHH Allegens do vi phạm hành chính nhiều lần (có 86 hồ sơ kê khai giá thuốc có cùng hành vi vi phạm) không chính xác. Mới đây, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã ra quyết định xử phạt vi...