“Thùng thuốc súng” Libya có nguy cơ thành “Syria thứ hai’?
Sự can thiệp của quá nhiều quốc gia với những mục tiêu khác nhau khiến cuộc khủng hoảng Libya ngày càng phức tạp.
Ngay sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi cảnh báo nước này có quyền hợp pháp can thiệp vào Libya, hôm qua (22/6), các quốc gia ủng hộ phe phái khác nhau tại quốc gia Bắc Phi này đã có những phản ứng trái chiều. Điều này đang khiến Libya trở thành một “thùng thuốc súng” tiềm ẩn những nguy cơ khó lường ở khu vực.
Hôm qua, trong cuộc hội đàm ở Rome, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio và người đồng cấp Đức Heiko Maas bày tỏ phản đối sự can thiệp quân sự tại Libya đồng thời cho rằng, 1 lệnh ngừng bắn khẩn cấp là rất cần thiết cho Libya trong bối cảnh hiện nay.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói: “Có mối đe dọa rằng cuộc xung đột này sẽ leo thang hơn nữa, nhất là sau khi Tổng thống Ai Cập tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Libya. Điều này càng khiến một lệnh ngừng bắn trở nên cấp bách hơn. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi kêu gọi các bên không làm tình hình tại Libya leo thang hơn nữa”.
Cũng trong ngày hôm qua (22/6), Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ kêu gọi các bên tại Libya không nên trì hoãn tiến trình đàm phán và khẳng định sự phản đối của Mỹ đối với bất kỳ sự leo thang quân sự nào tại Libya.
Trong khi đó, nhận định về cảnh báo can thiệp quân sự của Ai Cập vào Libya, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, Ai Cập có lý do để hành động như vậy, khi biên giới của họ trở nên không an toàn.
“Tôi đã có cơ hội nói rất rõ ràng với Tổng thống Tayyip Erdogan rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi một trò chơi nguy hiểm ở Libya. Hành động này đi ngược lại mọi cam kết của nước này tại Hội nghị Quốc tế về Libya tại Berlin, Đức hồi đầu năm”.
Ông Macron cũng cảnh báo Pháp sẽ không “tha thứ” cho những gì Thổ Nhĩ Kỳ đã làm.
Ngoài Pháp, Saudi Arabia cũng lên tiếng ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Ai Cập Al-Sissi khi cho rằng, Ai Cập có toàn quyền sử dụng quân đội của mình để bảo vệ biên giới khỏi mối nguy cơ từ các phần tử thánh chiến. Đây là những chiến binh đã được Thổ Nhĩ Kỳ gửi đến Libya từ tỉnh Idlib của Syria.
Như vậy, những diễn biến hiện nay cho thấy một cuộc chiến ủy nhiệm đang diễn ra tại Libya với sự can dự rõ nét của Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Hiện Pháp được cho là quốc gia ủng hộ về mặt chính trị đối với chính quyền miền Đông Libya của Tướng Haftar, vốn đang được Nga, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất ủng hộ. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại hậu thuẫn mạnh chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) tại thủ đô Tripoli, được Liên Hợp Quốc công nhận.
Sự can thiệp của quá nhiều quốc gia với những mục tiêu khác nhau khiến cuộc khủng hoảng Libya ngày càng phức tạp. Thậm chí có ý kiến còn lo ngại Libya sẽ trở thành chiến địa mới của các nước lớn hoặc một Syria thứ hai. Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy song khó có thể đi tới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực khi các bên đều có những toan tính riêng trên bàn cờ Libya.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà phân tích cho rằng, điều cần thiết nhất là các bên đối địch ở Libya phải xây dựng được lòng tin lẫn nhau để có thể ngồi vào bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột, đưa quốc gia này trở lại quỹ đạo hòa bình./
Ai Cập sẵn sàng can thiệp quân sự vào Libya hợp pháp
Tổng thống Ai Cập cho biết bất kỳ sự can thiệp quân sự trực tiếp nào của nước này vào Libya sẽ có tính hợp pháp quốc tế vào thời điểm này.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã đưa ra tuyên bố trong chuyên thăm khu quân sự phía Tây nước này ngày 20/6. Ông El-Sisi giải thích rằng bất kỳ sự can thiệp nào vào Libya của lực lượng Ai Cập sẽ được lãnh đạo các bộ lạc Libya chấp thuận và vì sự ổn định ở Libya. Ông nhấn mạnh rằng Ai Cập không có tham vọng ở Libya mà chỉ mong muốn khôi phục an ninh và ổn định ở nước này.
Quân đội Ai Cập sẵn sàng can thiệp chống khủng bố ở Libya. Ảnh: Social media
Ai Cập tuyên bố sẵn sàng can thiệp chống khủng bố ở Libya và sẵn sàng đào tạo các bộ lạc Libya chống khủng bố. Tổng thống El-Sisi nói thêm rằng thành phố Sirte và Al-Jufra của Libya được coi là ranh giới đỏ cho an ninh quốc gia Ai Cập, đồng thời kêu gọi một giải pháp toàn diện ở Libya liên quan đến việc loại bỏ các tay súng khủng bố và hỗ trợ các nỗ lực giải quyết khủng hoảng.
Một số quốc gia Arab và quốc tế cho biết ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Ai Cập liên quan đến Libya. Saudi Arabia khẳng định an ninh của Ai Cập là một phần không thể thiếu trong an ninh của nước này và bày tỏ ủng hộ đối với quyền bảo vệ biên giới phía tây của Ai Cập khỏi khủng bố. UAE cũng đã thể hiện sự đoàn kết và sát cánh với Ai Cập trong tất cả các biện pháp bảo vệ an ninh và ổn định của mình khỏi những hậu quả của những diễn biến đáng lo ngại ở Libya. Bahrain khẳng định sự đoàn kết với Ai Cập và quyền hợp pháp của họ để bảo vệ an ninh quốc gia.
Tổng thống Ai Cập cảnh báo âm mưu 'kiểm soát Libya' Tổng thống Ai Cập Fattah al-Sisi cảnh báo các ý định "kiểm soát" nước láng giềng Libya, trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ sẵn sàng đưa quân vào Libya nếu được chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) đề nghị. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi phát biểu tại một diễn đàn ở Aswan, Ai Cập...