Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng gấp đôi, “tan mộng” xe nhập giá rẻ
Với mức thuế tiêu thụ đặc biệt “đặc biệt cao” tăng vọt từ 65% lên 130-150%, dòng xe có dung tích trên 3.000 cm3 chắc chắn sẽ ít có khả năng giảm giá trong tương lai ngay cả khi các hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực.
Dòng xe dung tích trên 3.000 cm3 dự kiến sẽ được áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt “đặc biệt cao”!
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức kết thúc đàm phán tại Atlanta vào tuần qua. Đánh giá về tác động của TPP tới thị trường hàng hoá, nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, khi thuế nhập khẩu giảm về 0%, người tiêu dùng trong nước sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều hàng hoá nhập ngoại như ô tô, điện thoại… từ các nước khác với mức giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, đó là về mặt nguyên tắc bởi khi áp dụng với trường hợp Việt Nam, mong ước của người tiêu dùng còn gặp phải “lực cản” lớn bởi câu chuyện thuế phí.
Riêng đối với mặt hàng ô tô, Chính phủ vừa có tờ trình lên Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật quản lý thuế. Trong đó, kiến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số dòng xe lên mức 150%.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt ở mức cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe 2.000 – 3.000 cm3 từ mức hiện hành 50% lên 60% từ ngày 1/7/2016-31/12/2017; 55% từ ngày 1/1/2018.
Video đang HOT
Dòng xe có dung tích trên 3.000 – 4.000 cm3 tăng từ mức hiện hành 60% lên 90% từ năm 2016; Loại có dung tích xi lanh từ 4.000 – 5.000 cm3 tăng từ mức hiện hành 60% lên 110%; dung tích 5.000 – 6.000 cm3 tăng từ 60% lên 130% và trên 6.000 cm3 sẽ áp dụng mức thuế tăng từ 60% lên 150%.
Tuy nhiên, với các dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích xi lanh thấp hơn, mức thuế tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh giảm từ 20 – 25% so với mức hiện hành đang áp dụng là 45%.
Hiện thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, EU về Việt Nam ở mức 70%. Trong tương lai, khi thuế nhập khẩu giảm từ 70% về 0% nhưng với mức thuế tiêu thụ đặc biệt “đặc biệt cao” tăng vọt từ 65% lên 130-150%, dòng xe có dung tích trên 3.000 cm3 chắc chắn sẽ ít có khả năng giảm giá trong tương lai ngay cả khi các hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực.
“Cùng với những biến động về giá cả, tỷ giá và tình hình thị trường, giá xe nhập không tăng đã là may lắm rồi”, đại diện một hãng xe nhập khẩu dự báo.
Trước đó, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, về nguyên tắc khi thuế nhập khẩu giảm về cam kết thuế nhập khẩu giảm giá hàng hoá sẽ rẻ đi nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
“CPI tăng nhưng thu nhập không tăng thì sức mua không tăng tương ứng. Bên cạnh đó, như TPP không đặt ra quy định về thuế phí nội địa, tuỳ theo ngân sách và miễn được Quốc hội phê duyệt. Do đó, không thể khẳng định giá hàng hoá sẽ rẻ”, Thứ trưởng nói.
Phương Dung
Theo Dantri
Giá xe Nhật tại Việt Nam có thể giảm trước khi TPP có hiệu lực
Ngay cả khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết thì với lộ trình 10 năm, chuyện tác động đến giá xe Nhật cũng còn rất xa vời. Thay vào đó, nếu các loại thuế khác không tăng lên, cơ hội giảm giá xe Nhật tại Việt Nam chính là năm 2018...
Sau 5 năm đàm phán với vô số bất đồng và trở ngại, cuối cùng, hôm 5/10 vừa qua, 12 nước, trong đó có những cường quốc về ô tô như Mỹ, Nhật và Mexico, đã hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều thoả thuận miễn và cắt giảm tối đa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô giữa các nước trong khối.
Theo đó, 4 nước sản xuất ô tô lớn nhất trong khối là Nhật Bản, Mỹ, Canada và Mexico đã đạt được thỏa thuận về ô tô, trong đó ô tô được miễn thuế nhập khẩu sẽ phải có ít nhất 45% linh kiện sản xuất nội khối TPP; còn các linh kiện nhỏ vẫn có thể được lấy từ bên ngoài.
Cũng theo thoả thuận TPP, Việt Nam sẵn sàng cắt giảm dần thuế nhập khẩu đối với ô tô Nhật Bản có động cơ dung tích từ 3.0L trở lên về 0% trong vòng 10 năm. Hiện thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, EU về Việt Nam đang ở mức 70%.
Điểm đáng lưu ý trong thoả thuận này chính là điều kiện áp dụng với xe sử dụng động cơ dung tích từ 3.0L. Thực tế tại Việt Nam, các dòng xe như vậy không phổ biến, đặc biệt là xe Nhật.
Không có nhiều xe Nhật sử dụng động cơ trên 3.0L
Thêm vào đó, trong tương lai, các loại xe động cơ lớn cũng không còn nhiều trên thế giới nói chung. Xu hướng của ngành công nghiệp ô tô là ứng dụng công nghệ mới để động cơ nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu vẫn đảm bảo hiệu suất cao.
Ngoài ra, tại Việt Nam hiện nay, xe ô tô sử dụng động cơ trên 3.0L đang bị áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt và nhiều loại thuế phí khác cao hơn nhiều so với các xe sử dụng động cơ dung tích nhỏ hơn, đặc biệt là xe dưới 2.0L Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung mới của Bộ Tài chính và đề xuất của Bộ Công thương, mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp với xe có dung tích động cơ trên 3.0L còn có nguy cơ tăng từ mức 60% hiện nay lên 90-150% tuỳ loại từ năm 2016.
Như vậy, có thể thấy sự tác động của TPP đến giá xe Nhật tại Việt Nam là không lớn và còn xa; trong khi ngay năm 2018 tới đây, thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN sẽ về 0% theo cam kết ký hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhật Bản không thuộc ASEAN, nhưng hầu hết các hãng xe Nhật hiện đều đã có một vài nhà máy đặt trong trong khu vực này tập trung tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Do đó, đến năm 2018, chỉ cần đáp ứng điều kiện tỷ lệ sản xuất nội khối từ 40% là xe Nhật lắp ráp tại ASEAN có thể vào Việt Nam mà không phải chịu thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, tương lai giá xe tại Việt Nam vẫn sẽ không thể rẻ nếu các loại thuế khác tăng lên; đơn cử như thuế tiêu thụ đặc biệt theo dự thảo sửa đổi, bổ sung của Bộ Tài chính.
Nhật Minh
Theo Dantri
Gia nhập TPP: Người Việt có cơ hội mua ô tô giá rẻ? Theo cam kết tại TPP, nhiều khả năng mức thuế nhập khẩu giữa các nước trong khối sẽ giảm về 0%. Hiện thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, EU về Việt Nam ở mức 70%. TPP được cho là "cú hích" cho nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả...