Thuê thợ cơ khí chế tạo súng quân dụng, chia nhỏ bộ phận “ship COD” bán kiếm lời
Ngày 4/2, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin về việc mở rộng chuyên án Lâm Văn Nam cùng đồng phạm “Chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, xảy ra năm 2023 tại tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố.
Vào hội nhóm mua bán súng trên mạng, nảy sinh ý định chế tạo súng đi bán
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số địa phương trên cả nước phát hiện nhiều đối tượng phạm tội chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, đã có nhiều đối tượng sử dụng vũ khí quân dụng thực hiện hành vi phạm tội hoặc chống lại cơ quan chức năng, gây hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh làm rõ.
Đối tượng Lâm Văn Nam cùng số súng đạn bị thu giữ.
Quá trình đấu tranh chuyên án, khoảng 17h ngày 16/7/2023, tổ công tác của Công an TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên phát hiện Lê Công Thành (SN 1960), trú tại tổ 5, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên đang vận chuyển trên xe máy 2 gói hàng đựng trong túi nilon có biểu hiện nghi vấn vi phạm phát luật tại khu vực tổ 14, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện, thu giữ 5 khẩu súng các loại và 8 viên đạn.
Cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định, 5 khẩu súng trên đều là vũ khí quân dụng, hiện vẫn còn sử dụng được, 8 viên đạn là đạn thể thao. Tài liệu điều tra xác định, số vũ khí trên của Lâm Văn Nam (SN 1991), trú tại xóm Xuân Quang, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Ngày 26/7/2023, Lâm Văn Nam đã đến Công an TP Thái Nguyên xin đầu thú.
Ngày 27/7/2023, Công an TP Thái Nguyên đã bàn giao hồ sơ, vật chứng và đối tượng Lâm Văn Nam cho Phòng ANĐT Công an tỉnh Thái Nguyên để điều tra theo thẩm quyền. Ngày 28/7/2023, Cơ quan ANĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lâm Văn Nam về hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 304.
Tiếp nhận vụ việc, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng ANĐT đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp Cục ANĐT, Bộ Công an và Công an các địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Bến Tre… mở rộng điều tra vụ án để xác minh, truy xét các đối tượng.
Cơ quan ANĐT làm việc với đối tượng Trương Đức Hoàng, một trong những đối tượng rao bán súng, linh kiện trong chuyên án.
Tại Cơ quan điều tra, Nam khai nhận, từ đầu năm 2023 đến tháng 7/2023, qua việc tìm hiểu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook), Nam tham gia vào hội nhóm những người mua, bán súng trên mạng xã hội, có ý định mua bán súng để kiếm lời. Nam đã liên hệ với một số tài khoản Zalo, Facebook để mua các loại súng khác nhau như: súng tự chế bắn đạn ghém, súng colt, súng rulo… Trong đó có một số khẩu súng tự chế bắn đạn ghém hỏng một số bộ phận như lẫy, cò, búa… Nam mua với giá rẻ sau đó thuê Nguyễn Văn Quang (SN 1991), trú tại Vô Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên chế tạo các bộ phận hỏng để thay thế, sửa chữa để khẩu súng sử dụng được trước khi mang bán kiếm lời, lãi cao.
Video đang HOT
Ngoài ra, Nam còn mua các loại linh kiện để thuê Lưu Trọng Nghĩa (SN 1996), trú tại Đông Anh, Hà Nội vẽ bản vẽ thiết kế thân súng, ổ quay chứa đạn để Hà Công Nhật (SN 2001), trú tại Hương Khê, Hà Tĩnh gia công, chế tạo cho Nam lắp ráp, hoàn thành thành khẩu súng quân dụng có hình dạng đèn pin.
Bằng cách thức đó, Nam và đồng phạm đã chế tạo được gần 20 khẩu súng quân dụng có hình dạng đèn pin, Nam đã mang bán được 8 khẩu cho các đối tượng ở nhiều địa phương như: Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cần Thơ, Khánh Hòa… Ngoài ra còn có súng thể thao, súng săn.
Trong số các khẩu súng Nam đã mang bán, Cơ quan điều tra thu được 30 khẩu súng các loại cùng 1.400 viên đạn, 300 linh kiện các loại. Đến nay, Phòng ANĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã làm rõ 17 đối tượng phạm tội trong đó có 5 đối tượng thực hiện hành vi chế tạo, 12 đối tượng thực hiện hành vi mua bán, tàng trữ; đã khởi tố, bắt giữ 14 bị can, số còn lại đang củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Gửi bộ phận rời của súng kèm video hướng dẫn cách lắp ráp
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Diệp Văn Vinh, Trưởng Phòng ANĐT Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, quá trình điều tra gặp không ít khó khăn khi các đối tượng phạm tội che giấu thân phận (sử dụng địa chỉ giả, sim điện thoại không chính chủ…), thường xuyên di động ở nhiều địa phương, sử dụng thủ đoạn phạm tội rất tinh vi như: Lên mạng xã hội để tìm hiểu việc chế tạo súng, sau đó mua vật tư, lôi kéo đối tượng có bằng kỹ sư cơ khí để thiết kế các bộ phận của súng và dùng các máy móc hiện đại để chế tạo các bộ phận của vũ khí rồi lắp ráp thành khẩu súng.
Cơ quan điều tra lấy lời khai đối tượng Quan Quốc Dương.
Sau đó, các đối tượng rao bán vũ khí trên các hội, nhóm kín của Zalo, Facebook, khi có đối tượng hỏi mua các đối tượng tháo các bộ phận của khẩu súng chia thành các gói nhỏ, thông qua các Công ty chuyển phát nhanh “ ship COD” (giao hàng – nhận tiền) để chuyển đến các đối tượng mua súng.
Các đối tượng sau khi nhận được các gói chứa bộ phận của súng sẽ lắp ráp thành khẩu súng hoàn chỉnh theo video hướng dẫn mà đối tượng bán súng gửi, sau đó cất giấu ở vị trí kín đáo.
Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chế tạo được trên 30 khẩu súng các loại, bán cho hàng chục đối tượng trong cả nước thu lời trên 100 triệu đồng. Đối với các đối tượng mua súng khai nhận mua vũ khí để sử dụng khi xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau hoặc đem bán kiếm lời cho đối tượng khác. Nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, là đối tượng cộm cán của các địa phương…
Trong số 17 đối tượng, ngoài Lâm Văn Nam cầm đầu đường dây thì Nguyễn Văn Quang (bạn thân của Nam) và Lưu Trọng Nghĩa đều là kỹ sư cơ khí; Hà Công Nhật là công nhân tay nghề cao ở xưởng cơ khí; còn Trương Đức Hoàng (SN 1988), trú Tổ 5, phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên có nhiệm vụ bán súng, linh kiện cho Nam. Các đối tượng mua súng gồm: Đinh Nguyên Tài (1986), ở Nha Trang, Khánh Hoà; Phan Văn Danh (2003) ở Hà Tĩnh; Quan Quốc Dương (1999) ở Vũng Tàu; Trương Minh Tú (1982), ở Bình Dương, từng có tiền án về tội trộm cắp tài sản; Đỗ Nam Tiến (1974) ở Hà Nội; Đoàn Minh Kiên (SN 2002) ở Cần Thơ; Tần Văn Thắng (SN 1980) ở An Giang.
Trung tá Trương Phương Hoa, Đội trưởng Phòng ANĐT cho biết, vụ án được điều tra khám phá trong nhiều tháng trời, các đối tượng ở nhiều địa phương khác nhau nên cũng ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển, giám định vũ khí và di lý các đối tượng. Với quyết tâm đấu tranh với tội phạm đến cùng, hiện đơn vị đang tiếp tục điều tra, truy bắt các đối tượng có liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật…
Ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép hoạt động phạm pháp (Bài 1)
Năm 2023, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo hướng tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử (Evisa) để phục vụ phát triển đất nước.
Bên cạnh số người nước ngoài chấp hành các quy định của pháp luật, vẫn còn nhiều trường hợp lợi dụng chính sách Evisa để nhập cảnh, hoạt động trái phép dài ngày ở Việt Nam hoặc mượn đường để nhập cảnh trái phép vào nước thứ 3...
Từ tình hình thực tiễn, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã kịp thời dự báo tình hình; tham mưu với lãnh đạo các cấp ban hành các văn bản để đơn vị, cũng như Công an các địa phương tăng cường công tác quản lý cư trú của người nước ngoài.
Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội chìm trong cái lạnh tái tê nhưng các trinh sát Phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài (Phòng 4), Cục Quản lý xuất nhập cảnh vẫn khắc phục khó khăn, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương nắm tình hình. Nhóm đối tượng nghi vấn là người mang quốc tịch một nước Nam Á, khai đến Việt Nam để đi du lịch nhưng sau khi nhập cảnh vào Việt Nam thì chỉ thuê trọ, sinh sống tại khu vực gần Sân bay Nội Bài.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra địa điểm nhóm người Trung Quốc thuê, để tuyển phụ nữ Việt Nam nhảy, múa trực tuyến.
Chủ động nắm tình hình
Ngày thì thực hiện việc hậu kiểm số người nước ngoài được cấp Evisa, kiểm tra người nước ngoài cư trú, hoạt động trên thực địa; đêm đến, các trinh sát lại thay phiên nhau rà soát các dữ liệu trên hệ thống. Dưới ánh sáng xanh ngắt, hắt ra từ những chiếc màn hình máy tính, các trinh sát Phòng 4 căng mắt rà trên hệ thống.
"Nhóm đối tượng người nước ngoài có nhiều dấu hiệu nghi vấn, các đối tượng đã ở lại Việt Nam quá thời hạn...", Thiếu tá Hoàng Giang, cán bộ Phòng 4 chia sẻ với đồng nghiệp. Ngay sau đó, các trinh sát Phòng 4 đã trao đổi thông tin với Công an tỉnh Thái Nguyên.
Từ thông tin trao đổi của Phòng 4, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành rà soát, phát hiện 15 người nước ngoài sử dụng thị thực du lịch và Evisa nhập cảnh vào Việt Nam, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, quá thời hạn tạm trú. Sau đó, theo chỉ đạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thái Nguyên xử lý nghiêm số đối tượng vi phạm; đồng thời trao đổi với sở ngoại vụ để phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài xử lý.
Được biết, đây chỉ là moat trong những vụ việc vi phạm được Phòng 4 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phát hiện trong thời gian qua. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng phòng 4 cho biết: Trước đây, theo quy định người nước ngoài vào Việt Nam phải có cơ quan, đơn vị bảo lãnh. Đến thời điểm này, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực đã giúp giảm thủ tục hành chính đề nghị cấp giấy miễn thị thực có thời hạn tạm trú đến 90 ngày. Bên cạnh đó, thời hạn thị thực điện tử nâng từ 30 ngày lên không quá 90 ngày, lượng khách quốc tế vào Việt Nam ngày một gia tăng... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp vào Việt Nam nhưng chưa hiểu rõ quy định của pháp luật, phong tục tập quán của người dân Việt Nam; lại không có cơ quan, tổ chức, cá nhân hướng dẫn, hỗ trợ, quản lý đã dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
Phát hiện các hành vi vi phạm
Từ việc chủ động nắm tình hình, thời gian qua, các trinh sát Phòng 4 đã phối hợp với Công an các địa phương phát hiện nhiều vụ việc vi phạm của người nước ngoài sau khi nhập cảnh vào Việt Nam. Mới đây (tháng 12/2023), Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát hiện một số đối tượng Trung Quốc xây dựng và vận hành các tài khoản mạng xã hội Trung Quốc đặt tại Việt Nam nhằm tránh sự quản lý của Nhà nước Trung Quốc. Căn cứ vào hành vi vi phạm, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã đề nghị Công an TP Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu xuất cảnh vì có hoạt động trái mục đích nhập cảnh đối với 3 đối tượng.
Trước đó, qua công tác trinh sát, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát hiện một nhóm người nước ngoài và người Việt Nam tại khu Tên Lửa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh có nhiều dấu hiệu phức tạp về trật tự. Từ đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát và kiểm tra địa điểm nhóm người này thuê. Qua đó, hai đơn vị nghiệp vụ phối hợp đã phát hiện 3 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc, 15 phụ nữ là công dân Việt Nam cùng với rất nhiều thiết bị gồm máy tính, thiết bị ghi hình, màn hình, đèn chiếu, loa...
Xác minh ban đầu xác định, 3 đối tượng gồm: Tang Lin, Yu Yilong, Mei Xiang, quốc tịch Trung Quốc đã xin nhập cảnh Việt Nam mục đích du lịch; sau đó thành lập 3 công ty làm "bình phong" để tuyển phụ nữ Việt Nam nhảy múa trực tuyến theo yêu cầu của người xem trên các nền tảng ứng dụng "Douyin", "Kuai Shou" của Trung Quốc nhằm thu lợi từ người xem Trung Quốc. Việc tổ chức cho phụ nữ Việt Nam nhảy múa livestream trên các nền tảng mạng xã hội để câu view và thu lợi người xem ở Trung Quốc gây ảnh hưởng xấu tới thuần phong mỹ tục Việt Nam, việc tụ tập đông người cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT khu vực và tổ chức thực hiện tại Việt Nam nhằm tránh sự quản lý của nhà nước Trung Quốc.
Ba đối tượng người Trung Quốc trên đã bị đề nghị xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu xuất cảnh vì có hoạt động trái mục đích nhập cảnh. Từ vụ việc này, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cũng khuyến cáo người dân kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng về các hoạt động nghi vấn của những nhóm người nước ngoài ở khu vực mình sinh sống.
Tiếp đó, qua thông tin trao đổi của Phòng 4, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, ngày 13/12/2023, Công an tỉnh Thái Bình kiểm tra nhà nghỉ Nhật Huy, xã Minh Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình phát hiện 5 người Ghana và 6 Nigieria sử dụng Evisa quá hạn tạm trú, mục đích của số này là liên hệ xin dạy tiếng Anh tại các trung tâm Anh ngữ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Vào tháng 12/2023, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Hà Nội phát hiện 2 người Nigieria (Aragua David Osadebamwen và Erewa Jeffery Abdukazeem) quá hạn tạm trú có liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Hà Nội do Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang xử lý.
Cùng vào tháng 12/2023, từ chỉ đạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện 2 người Nigieria (Omoarebu Yusuf và Enahoro John Ehiabhi) sử dụng Evisa quá hạn tạm trú, 2 người này khai nhập cảnh với mục đích du lịch, không có tiền nộp phạt, mua vé máy bay.
Không dừng lại ở đó, đơn vị đã rà soát, phát hiện hàng trăm người Hàn Quốc lợi dụng chính sách Evisa để hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép (trong bối cảnh dư luận đang phản ứng đối với việc người Hàn Quốc hướng dẫn du lịch trái phép tại Lâm Đồng), đã trao đổi Công an địa phương để phối hợp xử lý. Trong nội địa là vậy, tại các cửa khẩu, các trinh sát Phòng 4 phối hợp với Công an các cửa khẩu đã phát hiện nhiều vi phạm.
Cụ thể, vào tháng 10/2023, Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Công an Cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện nhiều trường hợp công dân các nước Nam Á sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam sau đó tiếp tục đi El Sanvador (miễn thị thực cho công dân các nước này). Nhận thấy dấu hiệu của phương thức tổ chức xuất nhập cảnh trái phép, mượn đường qua Việt Nam để nhập cảnh vào các nước Châu Mỹ, sau đó, tiếp tục nhập cảnh trái phép vào nước thứ 3, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng trên.
Trên không gian mạng, các trinh sát Phòng 4 đã phát hiện một số trang web được các đối tượng lập nên để làm dịch vụ cấp thị thực điện tử có tên gần giống với trang web chính thức dễ gây hiểu lầm cho người nước ngoài là web chính thức về cấp thị thực điện tử của Bộ Công an để tư vấn, cấp thị thực điện tử với mức phí cao hơn nhiều so với phí Nhà nước quy định. Bên cạnh đó, việc thực hiện rà soát, hậu kiểm số người nước ngoài được cấp thị thực điện tử, bước đầu đã phát hiện nhiều đối tượng lợi dụng chính sách Evisa để nhập cảnh, hoạt động trái phép dài ngày ở Việt Nam hoặc lợi dụng chính sách Evisa để mượn đường Việt Nam đi nước thứ 3. Trong năm 2023, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 16 nghìn trường hợp người nước ngoài vi phạm về xuất nhập cảnh.
Số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện Evisa ngày càng nhiều là phù hợp với đường lối ngoại giao và chủ trương mở cửa, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa của Chính phủ; chứng minh tính đúng đắn, hiệu quả của các chính sách về xuất nhập cảnh của Việt Nam. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã nhập cảnh vào Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật, tổ chức nhập cảnh trái phép vào nước thứ ba... Từ đó, đặt ra những vấn đề trong công tác quản lý để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn.
'Ổ' tín dụng đen trá hình hiệu cầm đồ 'Hải Tín Phát' Nhóm 4 đối tượng giao dịch cho vay nặng lãi trên 14 tỷ đồng bị Công an tỉnh Thái Nguyên triệt phá, trá hình dưới vỏ học hiệu cầm đồ Hải Tín Phát. Sau thời gian xác lập kế hoạch đấu tranh, ngày 7/1, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ 4 đối tượng có hoạt động...