Thuê tảo mộ, chữ hiếu kia cũng có ba bảy đường
Tảo mộ là việc báo hiếu của con cháu, thể hiện tình cảm của người sống đối với người đã mất nhưng vì những lý do khác nhau nên hiện nay, nhiều gia đình đành gửi gắm cho người “đóng thế”. Còn nhiều ý kiến khác nhau bàn về vấn đề này, nhưng đây lại là xu hướng được không ít gia đình lựa chọn…
Việc hiếu cũng phải… thuê
Tảo mộ là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt, biểu hiện sự hiếu thuận đối với các bậc sinh thành, cũng là quan niệm nhân sinh “sống sao chết vậy”. Theo phong tục cổ truyền đến gần ngày Tết Nguyên đán, con cháu tụ tập lại sau một năm làm việc, cùng nhau đi tảo mộ. Đây cũng là dịp để mọi người trong gia tộc gặp gỡ ôn lại truyền thống về dòng họ, làm cho tình máu mủ ruột rà thêm mặn mà. Tảo mộ, con cháu thắp nén hương, thành tâm mời tổ tiên, ông bà về nhà ăn Tết.
Trong nhiều năm trở lại đây, cuộc sống hiện đại cuốn con người vào vòng quay mưu sinh, nhiều người bận rộn đến mức không còn có thời gian, họ đành thuê người tảo mộ cho tổ tiên của mình.
Ông Nguyễn Văn A, 86 tuổi, tộc trưởng dòng họ lớn nhất làng Thanh Bình, Kỳ Anh, Hà Tĩnh tâm sự: “Trước đây cứ vào sáng ba mươi Tết, con cháu trong họ tụ tập lại cùng đi tảo mộ. Tại nghĩa trang dòng họ, mỗi người một việc, người thắp hương, người đắp mộ, người phát cây, cười nói râm ran. Khi xong việc, tất cả kéo nhau về nhà tộc trưởng, làm cỗ tất niên cúng tổ tiên, ông bà. Nhưng bây giờ, cái không khí đó với nhiều gia đình đã là quá khứ”. Khuôn mặt ông A trầm tư, tiếc nuối như vừa đánh mất cái gì đó.
Ông A tâm sự: “Họ tộc của tôi có đến hơn 100 đinh (con trai) nhưng đành phải thuê người đi tảo mộ, nghe tưởng như vô lý nhưng lại… có lý. So với người trong làng, con cháu trong họ đều thành đạt, có học vị, đi làm việc xa. Đa số ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhiều người bên Đức, Anh, Hàn Quốc thậm chí tận Angola… Con cháu đông đúc là thế nhưng không mấy ai có điều kiện về quê tảo mộ. Người ở nhà đều là người già, trẻ nhất cũng đã gần 70 tuổi. Những ngôi mộ xây cất cầu kỳ, sơn sửa đòi hỏi tỷ mỷ nên không ai kham nổi, đành thuê người làm”.
Bà Ngô Thị M, 69 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội lại có hoàn cảnh khác. Bà xúc động cho biết: “Tôi và nhà tôi sống với nhau hơn ba mươi năm trời, nhưng không có con. Ông nhà tôi bỏ tôi về với tổ tiên được 7 năm rồi. Mấy năm trước, tôi còn khỏe, cứ độ Tết đến là bắt xe vào Quảng Bình sửa sang lại phần mộ. Giờ đây tôi không đủ sức khỏe để đi tàu xe nên đành gửi tiền về quê, nhờ thuê người sơn trang lại, nghĩ đến đây tôi thương nhà tôi lắm!”.
Anh Trần Đức Đ, 50 tuổi, một cán bộ làm ở Ngân hàng ngoại thương Việt Nam phân trần: “Năm nào cũng vậy, đến sát Tết tôi mới được nghỉ, như năm nay là ngày 26 âm lịch. Phần mộ của bố mẹ tôi đặt tận Nghệ An nên việc tảo mộ cho các cụồ đành thuê người ở quê làm. Nghĩ tới điều này cũng hơi buồn nhưng phải chịu, vì công việc đành có lỗi với các cụ vậy!”.
Tảo mộ, một nghĩa cử tâm linh
Video đang HOT
“Không thỏa mãn được về mặt tinh thần”
Cứ tưởng làm nghề “đóng thế” người khác báo hiếu là việc kén người làm nhưng thực ra không phải như thế. Dịch vụ tảo mộ thuê thu hút không ít người, thậm chí có cả những công ty hoạt động quy mô ở lĩnh vực này. Những người sống ở thành phố lớn chỉ một cú điện thoại là sẽ được mời chào và tư vấn nhiệt tình.
Tại Hà Nội, theo tư vấn giá lau chùi thắp hương một lần là 20.000 đồng, cả năm là khoảng 1, 5 triệu đồng. Nếu gia đình có nhu cầu khác như sơn sửa, hay xây mới tùy theo họp đồng tính tiền. Theo nhân viên của Công ty Vĩnh Hằng, Hà Nội thì nhiều năm trở lại đây dịch vụ thắp hương thuê, tảo mộ thuê đã trở nên phổ biến. Thân nhân của những người được chôn cất tại nghĩa trang Vĩnh Hằng rất an tâm vì sự tận tâm hết mình của công ty. Theo đại diện Công ty PVMT, Hải Phòng thì Công ty không chỉ đáp ứng nhu cầu tảo mộ dịp Tết, mà có cả dịch vụ trọn gói thắp hương cả năm.
Ngô Văn G.N, người làm việc lâu năm ở nghĩa trang Văn Điển cho rằng, việc thuê người thắp hương, cầu khấn tại đây là chuyện hết sức bình thường. Tảo mộ thuê cuối năm cũng nằm trong xu hướng đó. Là người nhiều năm đóng vai “thay người muốn nói”, anh tâm sự: “Có nhiều gia đình phó thác cho công nhân trong nghĩa trang thắp hương quanh năm, họ thường chỉ đến thắp vào sáng 30 Tết. Thậm chí có nhiều gia đình ký hợp đồng thắp hương tận ba năm trời, trong thời gian đó họ đến có đôi lần”.
Tại những vùng quê như Hà Tĩnh, Nghệ An hiện chưa có công ty nào hoạt động quy củ, nhưng xu hướng tảo mộ thuê không còn xa lạ. Theo ông Nguyễn Văn A: “Dòng họ của tôi thường thuê người trong làng để tảo mộ. Do sống với nhau lâu nên biết được tính cách của từng người chọn lựa cho phù hợp. Tìm người thường ngày sống hiền lành, chân chất, vô sự là được. Con cháu về Tết chỉ việc đến thắp hương cho tổ tiên ông bà là xong. Tôi nghĩ điều này phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, nhưng trong tương lai không xa khi lớp người như chúng tôi mất đi, con cháu ở xa về Tết ít đi, khi đó đến thắp hương cho tổ tiên ở phần mộ chắc cũng thuê luôn…”.
Theo tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (giám đốc trung tâm Dư luận xã hội thuộc Viện Xã hội học): “Chúng ta không nên có cái nhìn quá khắt khe về xu hướng này, bởi trong cuộc sống hiện tại do nhiều người vì quá bận rộn nên không có thời gian tự mình chăm lo được phần mộ của tổ tiên ông bà. Tuy nhiên, việc thuê người khác tảo mộ nó chỉ đáp ứng được về mặt vật chất mà không thỏa mãn được về mặt tinh thần. Đối với người phương Đông nói chung và người Việt Nam ta nói riêng thì việc thờ phụng ông bà tổ tiên là thể hiện tinh thần biết ơn đối với những người đã khuất, tảo mộ cũng là hoạt động thể hiện tình cảm đó”.
Dùng tưởng niệm online để chặn tệ đốt vàng mã!? Trong các nước có nét tương đồng thuộc văn hóa tâm linh á Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản thì Việt Nam chúng ta đi sau về khuynh hướng tảo mộ online. Tại Trung Quốc có nhiều trang Web cung cấp dịch vụ này, như Netor Memorial. Ở đây, người truy cập có thể chọn một trong 11.000 căn phòng tưởng niệm dành cho người đã mất, thắp nến và gửi những bó hoa ảo. Có nhiều người coi đây là một hành động không thành tâm đối với người đã khuất, họ cho rằng phải đến tận nơi mộ người mất thì mới thể hiện được tình cảm của mình, trong khi Chính phủ Trung Quốc ủng hộ xu hướng này. Các quan chức ngành văn hóa Trung Quốc cho rằng việc tảo mộ trên mạng tiết kiệm được một lượng tiền lớn đối với đất nước, bảo vệ được môi trường. Trước tình trạng đốt vàng mã tràn lan trong các dịp lễ Tết thì đây là xu hướng tích cực, cần phát huy.
Theo Nguoiduatin
Cậu bé 3 tuổi rưỡi chăm mẹ chết mòn
Trên chiếc giường ọp ẹp, ngày ngày cậu bé 3 tuổi rưỡi vừa bóp tay bóp chân, lúc lại lấy nước, pha sữa, bón cháo cho người mẹ nằm co quắp, teo tóp như một cái xác không hồn.
Gần 1 năm nay, người dân ấp 7 xã Phú Ngọc huyện Định Quán (Đồng Nai) rơi nước mắt chứng kiến cảnh cậu bé Nguyễn Gia Huy (3 tuổi rưỡi) chăm sóc người mẹ bị cắt cụt tay phải, tay trái teo lại như một khúc xương khô và phải ăn nằm một chỗ chờ chết vì gãy đốt sống sau tai nạn giao thông.
Sau buổi đến trường, bé Gia Huy trở về chăm sóc mẹ tàn phế. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Cuộc đời bất hạnh của chị Nguyễn Thị Thắm (25 tuổi) - mẹ của cháu Huy khiến người dân ở xã Phú Ngọc xót thương.
Là con đầu trong gia đình có 3 chị em, bố mẹ làm rẫy ở xã Phú Ngọc, từ nhỏ Nguyễn Thị Thắm đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Sau khi học xong lớp 9, Thắm phải nghỉ học để cùng với cha mẹ ra sức làm rẫy, lo cho 2 đứa em ăn học. Cũng như gia đình khác, những ngày tháng cuốc đất, đào rẫy ở Phú Ngọc không thể giúp được gia đình Thắm thoát nghèo.
Năm 2001, Thắm khăn gói lên TPHCM làm công nhân may mặc, mong cho cuộc sống đắp đổi qua ngày và có thêm đồng lương ít ỏi để phụ giúp cha mẹ lo cho hai đứa em đang tuổi ăn, tuổi học.
Những ngày tháng xa nhà, Thắm quen một người đàn ông hơn nhiều tuổi làm công nhân cùng xí nghiệp. Mặc dù vậy, bao nhiêu ước mơ về một tình yêu đầu đời của cô nhanh chóng bị dội một gáo nước lạnh khi gã đàn ông lộ diện là một tên họ "Sở". Ngay khi biết tin Thắm có thai, gã đánh bài chuồn bằng cách giả vờ về quê xin cưới rồi bặt vô âm tín.
Đau đớn, tủi nhục nhưng thương con, chị Thắm quyết tâm làm lụng và dành tiền nuôi bé. Sinh xong, vì không đủ tiền trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con, nên chị gửi con về quê Phú Ngọc cho bà ngoại trông nom, nuôi nấng. Số tiền lương công nhân ít ỏi hàng tháng, chị dành hết gửi về mua sữa nuôi bé, thi thoảng phóng xe máy về thăm con.
Tháng 9/2010, trong một lần chạy xe như thế, chị va quệt với một xe máy khác rồi ngã xuống đường, bị một xe tải dằn qua... Tai nạn đã khiến hai tay, hai chân chị cùng nhiều xương sườn bị gãy nhiều khúc. Đốt sống lưng cũng bị gãy không thể phục hồi.
Sau 4 tháng điều trị trong Bệnh viện Chợ Rẫy, trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, các bác sỹ chỉ giữ được mạng sống cho chị nhưng phải cắt cụt tay phải, tay trái bị teo cơ, hai chân liệt hoàn toàn,... từ một cô gái phơi phới sắc xuân, chị Thắm trở thành một người tàn phế, suốt ngày nằm bất động như một cái xác không hồn.
"4 tháng điều trị cho con đã khiến vợ chồng tôi vốn đã nghèo lại càng trở nên túng quẫn. Thương con nhưng không có cách nào khác hai vợ chồng đành phải đưa con về quê nằm chờ chết", trong ngôi nhà lụp xụp, bà Nguyễn Thị Minh Thành (60 tuổi), mẹ chị Thắm ôm mặt khóc rưng rức.
Từ ngày đó, chuyện đưa đón cháu Gia Huy đi nhà trẻ đến việc ra đồng làm rẫy rồi chăm sóc cho đứa con gái nằm một chỗ, hai vợ chồng nghèo cứ lần lượt thay nhau.
Thương mẹ, cháu Gia Huy rất chăm ngoan. Hằng ngày sau khi trở về từ lớp học mầm non, bé chỉ quanh quẩn bên mẹ. Trên chiếc giường ọp ẹp, ngày ngày cậu bé 3 tuổi rưỡi vừa bóp tay bóp chân, lúc lại lấy nước, pha sữa, bón cháo cho người mẹ nằm co quắp, teo tóp.
"Cháu còn nhỏ nhưng biết thương mẹ lắm, khi mẹ đau đớn, nó chạy ngược chạy xuôi lo lắng như người lớn, lúc lại òa khóc vì thương mẹ lúc lại chạy lại động viên dỗ dành cho mẹ đỡ đau", một người hàng xóm của gia đình bà Thành tâm sự.
Đã nhiều lúc thương cha mẹ già, thương con bé bỏng, chị Thắm đã muốn tìm đến cái chết nhưng khi được con trai động viên chị lại nuốt nước mắt sống tiếp. "Mẹ cháu không chết đâu, sau này con sẽ chăm ngoan, học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để chắp lại tay cho mẹ. Mẹ không được chết, mẹ phải sống với con", bé Gia Huy chạy lại ôm chầm lấy mẹ khi nghe người lớn nói đến chuyện chết chóc.
Sau 1 năm chăm con trên giường bệnh, gia đình bà Thành trở nên kiệt quệ. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Sau 1 năm chăm lo thuốc thang cho con gái nhưng bệnh tật vẫn chưa có gì tiến triển, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh Thành - ông Nguyễn Lưu Trợ đã kiệt quệ, những thứ có thể bán được đều đã bán để mua thuốc cho con gái.
Xót xa cho con, ông bà lại càng thương đứa cháu bé bỏng. "Vợ chồng tôi như lá vàng trên cây, chưa biết rụng xuống bất cứ lúc nào. Khi đó, chỉ lo cho đứa con gái đang chờ chết và cháu Gia Huy bé bỏng không có người chăm sóc mà thôi", bà Thành tâm sự.
Ủy ban nhân dân xã Phú Ngọc huyện Định Quán (Đồng Nai) xác nhận, từ khi bị nạn, gia đình hai mẹ con chị Thắm - cháu Huy được xếp vào diện hộ nghèo vì gia cảnh quá bi đát và rất cần sự hỗ trợ của những tấm lòng hảo tâm.
Độc giả hảo tâm xin liên hệ: Bà Nguyễn Thị Minh Thành (mẹ chị Thắm) - Số nhà 17/2, ấp 7, xã Phú Ngọc - huyện Định Quán - Đồng Nai. Số tài khoản: 5907205038027 - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Định Quán - Đồng Nai (chủ tài khoản: Nguyễn Thị Minh Thành). Điện thoại: 01657.448.863.
Theo VNExpress
Cậu học trò hiếu thảo sáng tạo mô hình "rô bốt giúp việc nhà" Mong muốn giúp bố mẹ đỡ vất vả hơn trong công việc, cậu học trò lớp 9 Trường THCS Gia Thanh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã sáng tạo mô hình rô bốt gắp, bốc, dỡ hàng hóa và giành giải nhất cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng. Với mô hình "Rô bốt gắp, bốc, dỡ hàng...