Thuê đất trồng cam sành, thu tiền tỷ
“Tôi mê làm nông từ nhỏ, lúc nào cũng muốn làm giàu từ nông nghiệp. Tôi cho rằng tất cả đều có thể vượt qua nếu mình có đam mê, nếu không đủ tiền mua đất sản xuất thì mình đi thuê để làm” – anh Nguyễn Hồng Bửu (thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ.
Khởi nghiệp bằng đam mê
Mới bước qua tuổi 40 nhưng anh Bửu đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong canh tác cây cam sành. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam trĩu quả của mình, anh kể: “Học xong THPT, tôi chính thức quản lý vườn cây ăn trái của gia đình. Trước đó có theo cha học hỏi và phụ giúp nên tôi cũng có một ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi trực tiếp làm mới thấy quả thật làm nông rất khó. Tôi bắt đầu mày mò, nghiên cứu trên sách báo, đi khắp nơi học hỏi”.
Anh Bửu bên vườn cam trĩu quả chuẩn bị cho cho thu hoạch. Ảnh: C.L
Từ năm 2002, anh Bửu đã chuyển hẳn diện tích vườn xoài đã thoái hóa của gia đình sang trồng cây có múi, mà chủ lực là cây cam sành. Quá trình này anh vừa làm vừa học hỏi, tích lũy vốn liếng để ấp ủ một ước mơ lớn hơn. Theo anh Bửu, nghiệp nông gia gắn chặt với anh tất cả vì tự nguyện và đam mê. Khi đã có chút kiến thức về cam sành, anh nghĩ ngay đến việc phải mở rộng canh tác. Tuy nhiên, lúc này anh không có đủ vốn để mua đất. Sau một thời gian tính toán, anh quyết định “làm liều” tìm đến vườn cam có sẵn để thuê.
Năm 2005, anh Bửu thuê lại vườn cam sành gần nhà có diện tích 6.000m2, (với giá 160 triệu đồng, trong thời gian 5 năm, trả thành 2 đợt). “Từ chuyến làm liều đó, tôi dồn sức tập trung vào canh tác, vận dụng tất cả những kiến thức mình học được. Chỉ sau hơn 8 tháng tôi đã bán được đợt cam đầu tiên với giá 16.000 đồng/kg, thu về gần 200 triệu đồng. Đó được xem là bước ngoặt đầu tiên cho nghiệp trồng cam của tôi” – anh Bửu nhớ lại.
Trong thời gian thuê đất canh tác, anh Bửu tích lũy được vốn liếng và thuê thêm được mảnh vườn có diện tích 3ha tại huyện Phụng Hiệp để tiếp tục trồng cam sành.
Video đang HOT
Thu lãi tiền tỷ
Chia sẻ với chúng tôi, anh Bửu tính toán: “Với vườn cam 3ha hiện tại, mỗi năm thu hoạch rải vụ được khoảng 120 tấn cam, tính trung bình giá bán khoảng 15.000 đồng/kg, tôi có thể thu về khoảng 1,8 tỷ đồng. Tính hết các khoản chi phí, do hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học nên cực thấp, chỉ khoảng 400 triệu đồng/3ha. Như vậy, mỗi năm, với diện tích này tôi có thể thu lãi khoảng 1,4 tỷ đồng”.
Sau hơn 20 năm theo nghề, anh Bửu cho rằng, ngoài kỹ thuật thì cây giống là yếu tố mấu chốt dẫn đến thành công. Tất cả những cây cam sành sau này của anh đều được anh trực tiếp theo dõi tạo giống.
“Muốn cây có sức sống tốt, tôi tìm đến cơ sở sản xuất cây giống có uy tín ở Chợ Lách (Bến Tre) để làm hợp đồng ghép giống cho mình. Tôi yêu cầu họ sử dụng gốc cam mật, sau đó sử dụng bo cam sành từ vườn nhà tôi đem qua để ghép vào. Cam mật có sức sống tốt, tuổi thọ cao và ít bệnh nên ghép vào cây cam sành sẽ rất tốt. Canh tác theo hướng hữu cơ là hướng đi bền vững mà nhiều người trẻ mong muốn làm giàu từ nông nghiệp có thể áp dụng” – anh Bửu chia sẻ.
Theo Danviet
Trồng cam mật độ dày, tiểm ẩn nhiều rủi ro
Sự phát triển nhanh diện tích cam sành ẩn chứa nhiều rủi ro và thiếu bền vững do nhà vườn áp dụng phương thức "đánh nhanh, rút lẹ": Trồng thật dày, thâm canh tối đa, thu lời nhanh...
Vườn cam sành ở Sóc Trăng
Cam sành là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn ở ĐBSCL. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh diện tích cam sành ẩn chứa nhiều rủi ro và thiếu bền vững do nhà vườn áp dụng phương thức "đánh nhanh, rút lẹ": Trồng thật dày, thâm canh tối đa, thu lời nhanh...
Trồng cấp tốc: Thực trạng và nguyên nhân
Hiện các vùng trồng cam sành có tiếng ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng... phần lớn vườn trồng mới đều trồng mật độ rất dày so với khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học. Mật độ trồng cam sành của nhà vườn phổ biến khoảng 4.000 cây/ha, gấp 8 lần so với khuyến cáo (500 cây/ha).
Tình trạng trồng dày "đặc nghẹt" dẫn đến hệ lụy là vườn cam xuất hiện nhiều sâu bệnh, phải phun thuốc BVTV hàng tuần, khiến môi trường sản xuất không an toàn cho nông dân và ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng; nhà vườn phải đầu tư thâm canh rất cao nhưng vườn cây suy kiệt rất nhanh. Vì sao nhà vườn lại áp dụng phương án "bạo phát, bạo tàn", "đánh nhanh, rút lẹ" trong việc trồng cam sành?
Trả lời câu hỏi này nhà vườn Lương Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) và Võ Thanh Tòng (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đều có chung một câu trả lời là do áp lực của bệnh vàng lá gân xanh cao nên cố gắng thâm canh tối đa, khai thác triệt để cây cam trong 2 - 3 năm rồi "hạ màn làm lại".
Theo nhà vườn Võ Hoàng Việt (huyện Vũng Liêm), với mật độ trồng rất dày, phun phân bón, thuốc BVTV 40 - 50 lần/vụ trái (bình quân 1 lần/tuần) để cây cho trái mùa nghịch, năng suất trung bình thu được khoảng 50 tấn/ha, giá bán 25 - 30 ngàn đồng/kg thì lợi nhuận đem lại lên đến trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Ông Việt cho rằng, chỉ cần thu hoạch cam được 2 - 3 năm rồi phá bỏ vẫn chấp nhận được! Chưa kể trồng dày không tốn công tạo tán và không cần chống đỡ khi cam mang trái. Do đó, chấp nhận "đánh nhanh, rút lẹ", không đi theo hướng thu hoạch lâu dài và bền vững mà ngành chuyên môn khuyến cáo!
Lý giải về thực trạng trồng cam theo phương án "bạo phát, bạo tàn" nhiều nông dân cho rằng, trong điều kiện mạnh ai nấy trồng với giống không bảo đảm chất lượng, phòng trừ bệnh không đồng loạt và triệt để thì bệnh vàng lá gân xanh thường xuyên hiện diện và lây lan.
Trong một khu vực chỉ cần vài vườn bỏ phế hoặc không loại bỏ cây bệnh triệt để thì những vườn trồng thưa (ngay cả trường hợp giống sạch bệnh) sẽ bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh và tỷ lệ cây bệnh cao hơn so với vườn trồng dày (mặc dù số lượng cây nhiễm bệnh ở vườn trồng thưa có thể thấp hơn vườn trồng dày), dẫn đến năng suất vườn trồng thưa thấp hơn vườn trồng dày. Tỷ lệ cây nhiễm bệnh ở vườn trồng thưa tiếp tục tăng theo tuổi cây nên năng suất không gia tăng như mong đợi.
Trồng cam với mật độ dày đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng thưa trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những hệ lụy lâu dài của việc trồng dày chưa được nhà vườn quan tâm thấu đáo. Đó là gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhà vườn; sản phẩm không an toàn nên sớm muộn người tiêu dùng cũng sẽ tẩy chay.
Theo ông Lê Văn Đậu (HTX Cam sành Ba Trinh, huyện Kế Sách), bệnh vàng lá, thối rễ là nguyên nhân thứ hai khiến nhà vườn không đi theo hướng trồng thưa ăn bền do mực thủy cấp trong vườn cao, cây càng lớn, bộ rễ ăn sâu thì rễ càng bị hư hại nhiều, bệnh vàng lá, thối rễ càng nghiêm trọng.
Giải pháp nào để "trồng thưa, ăn bền"?
Giải pháp quy hoạch trồng thành vùng tập trung, theo kiểu cánh đồng lớn khoảng vài chục héc - ta bằng cách liên kết các nhà vườn trong HTX hoặc trồng theo quy mô trang trại như ở miền Đông Nam bộ. Trồng mật độ thưa trồng ngay hàng thẳng lối, trồng trên mô cao 40 - 50cm để thoát nước và hạn chế bệnh xì mủ, tỉa cành bên trong để tán thông thoáng, bón phân hữu cơ nhiều hơn để hạn chế bệnh vàng lá thối rễ... tăng tuổi thọ cho cây, theo hướng an toàn bền vững. Kiểm soát bệnh vàng lá gân xanh đồng loạt và nghiêm ngặt bằng tổng hợp các biện pháp, trong đó cây giống sạch bệnh là yếu tố quan trọng.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với nhà vườn trong HTX như trợ giá cây giống sạch bệnh, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi hoặc hỗ trợ một phần lãi suất vay trong sản xuất cam sành.
Đối với doanh nghiệp hoặc trang trại, nhà nước khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách như tăng hạn điền, giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư trồng cam theo phương thức tiên tiến.
Bên cạnh việc tổ chức sản xuất theo quy mô lớn để có thể áp dụng các kỹ thuật tiên tiến; quản lý tốt bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ; tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và an toàn thì trong chuỗi giá trị của cây cam sành cần có sự tham gia của doanh nghiệp thu mua và tiêu thụ trái cam sành.
Khi mối liên kết "4 nhà" được thực hiện thực chất và bền chặt trong chuỗi giá trị, cây cam sành sẽ phát triển bền vững ở ĐBSCL.
Theo Vũ Bá Quan (Nông Nghiệp Việt Nam)
Đặc sản cam sành Bình Dương: Trồng cây có múi, túi đầy tiền Đến xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên, đi vào vùng đồi nằm mé tả ngạn sông Bé oai hùng hôm nay, từ xa nhiều người tưởng nhầm rằng mình đang lạc bước vào những rừng chè hay rẫy cao su bạt ngàn của Tây nguyên nhưng càng đến gần mới thấy đó là những vườn cây có múi trồng bằng kỹ thuật cao...