Thực trạng vắng khách “khó hiểu” của xe khách Hải Phòng – Hà Nội
Tình trạng xe khách nối đuôi nhau chạy trên đường mà xe nào cũng chỉ “lơ thơ” vài khách đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải nhìn thấy nguy cơ phá sản. Hiện số xe khách chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội đang vượt gấp đôi nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến đường này.
Dịp Tết vẫn “khát” khách
Thông thường, vào dịp Tết, xe từ Hà Nội đi các tỉnh đều kín khách, tình trạng nhồi nhét khách, “chặt chém” giá cả đã trở nên quen thuộc vì thời điểm này nhu cầu đi lại tăng rất cao, “khách cần xe chứ xe không cần khách”. Nhưng thực trạng đó lại hoàn toàn xa lạ với tuyến xe khách Hà Nội – Hải Phòng và Hải Phòng – Hà Nội. Ngay cả trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, các xe đều chỉ có khoảng 30 khách đổ lại, có xe lưa thưa vài khách nhưng vẫn phải chạy vì sợ mất tuyến.
Hiện có rất nhiều hãng xe tham gia kinh doanh vận tải tuyến Hải Phòng – Hà Nội như Đất Cảng, Hải Âu, Ô Hô, Thanh Long, Hoàng Long, Đoàn Xuân, Hoàng Ngân… Mỗi hãng cứ 15 phút lại có một chuyến xuất bến. Hiện Hải Phòng có 4 bến có tuyến đi Hà Nội là Cầu Rào, Tam Bạt, Niệm Nghĩa và Lạc Long; mỗi bến cách nhau chỉ độ vài km. Vì vậy nhiều khi xe của bến này xuất bến ra đường đã gối vào xe của bến xe kia tạo nên những đoàn xe nối đuôi nhau.
Đây là nguyên nhân dẫn đến thực trạng tranh giành, cướp khách lẫn nhau giữa các lái xe. Chuyện các lái xe, các nhóm cò mồi “dằn mặt” nhau trên đường không hiếm khi xảy ra, khiến các “thượng đế” nhiều phen hoảng loạn. Chỉ vì một người khách với giá vé dưới 100.000 đồng mà có thể dẫn đến ẩu đả thương tích. Cuộc chơi không lành mạnh ấy bắt nguồn từ thực trạng quá vắng khách trên tuyến này, đồng thời cũng là nguyên nhân gây nên sự vắng khách.
Ngay trong dịp cao điểm, xe khách tuyến Hải Phòng – Hạ Nội vẫn vắng vẻ lạ thường
Một phụ xe của tuyến vận tải Hải Phòng – Hà Nội cho biết, ở bến xe Tam Bạc, hãng xe của họ cứ 7 phút lại có một chuyến đi Hà Nội. Trong một ngày có hơn 300 chuyến xe chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng và ngược lại. Tuy nhiên xe ra khỏi bến chưa đi ngay mà chỉ đi với tốc độ rùa bò chậm hơn cả người đi bộ, tính từ bến xe Tam Bạt đến hết đường bờ sông. Mục đích là vớt khách, chờ khách và “không dám chạy nhanh sợ đi trước các xe của hãng của một “đại ca” trong làng vận tải thì rất dễ bị đánh đập. Mà người đi thì có hạn, vì thế đầy lần chúng tôi chạy xe không”, phụ xe này cho biết.
Xe khách trùng tuyến chạy sát nhau trên đường tạo thành đoàn gây nên tình trạng tranh cướp khách mất an toàn giao thông
Hệ luỵ của việc “cung” vượt quá “cầu” còn là cảnh tranh giành, chèo kéo khách, nhiều nhà xe đua tốc độ để kiếm khách và không ít trường hợp còn thuê cò mồi, côn đồ ép khách phải lên xe của hãng mình. Vì lợi nhuận, vì sự sinh tồn nên các nhà xe cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến mất an toàn giao thông, an ninh trật tự, khiến hành khách khiếp sợ.
Cung vượt gấp đôi cầu
Video đang HOT
Mới đây Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Hải Phòng đã có đánh giá sơ bộ về hoạt động vận tải hành khách tuyến Hà Nội – Hải Phòng và ngược lại cho thấy, mỗi ngày có 374 chuyến, vận chuyển khoảng 7.000 khách. Và hệ số sử dụng xe mới đạt khoảng 42%.
Cũng theo đánh giá trên, ở tuyến vận tải khách này còn có tình trạng một vài doanh nghiệp sử dụng đối tượng cò mồi, côn đồ chèo kéo khách, đe doạ đánh đập lái xe, phụ xe các doanh nghiệp khác; bắt chặn, dừng xe nhằm mục đích tranh giành khách trên đường, chèn giờ, dừng đỗ ngay trước cửa bến xe gây nên tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông.
Vì “khát ” khách nên các lái xe liên tục dừng đỗ sai quy định để bắt khách
Việc xe khách chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội và chiều ngược lại ế ẩm cả trong dịp Tết là hiện trạng đáng báo động. Nó cho thấy sự bất hợp lý trong điều hành giao thông của cơ quan quản lý liên quan. Việc nhiều doanh nghiệp cùng tham gia lĩnh vực này sẽ tạo ra sự cạnh tranh, từ đó chất lượng phục vụ được nâng cao hơn. Thế nhưng việc “cung” vượt gấp đôi “cầu” tại tuyến vận tải này cho thấy sự lãng phí, gây ra sự bất ổn trong an toàn giao thông và an ninh trật tự tại các tuyến đường, địa phương mà các hãng xe này khai thác.
Trao đổi với PV Dân trí về bất cập trên, một cán bộ Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông thành phố Hải Phòng cho biết, thực trạng cung vượt xa cầu trong lĩnh vực vận tải khách tuyến Hải Phòng – Hà Nội và ngược lại đang gây ra nhiều bất cập. Tình trạng lái xe các hãng đánh nhau vì cướp khách liên tục tái diễn. Kéo theo đó là phóng nhanh vượt ẩu, dừng đỗ sai quy định gây mất an toàn giao thông.
Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên tục trong thời gian gần đây liên quan đến xe khách tuyến này đang là câu trả lời cho việc xe đông mà khách ít. Khi PV đặt lịch làm việc về các biện pháp chấn chỉnh trong thời gian tới thì lãnh đạo Sở Giao thông Hải Phòng từ chối vì đang họp bàn, chưa có kết luận.
Sở Giao thông vận tải Hải Phòng, đơn vị quản lý, cấp tuyến cho các tuyến xe khách Hải Phòng đi Hà Nội và ngược lại.
Các công ty vận tải của các Hãng Đất Cảng, Anh Huy, Hoàng Long cũng đồng kiến nghị lên các cơ quan chức năng về tình trạng họ bị một số hãng khác trên tuyến chồng tuyến, cướp giờ, gây ẩu đả, hỗn chiến trên đường.
Được biết để “tăng nhiệt” cho tình trạng xe nhiều người đi ít như hiện nay, một vài hãng xe mới vẫn đang có ý định mở thêm lốt vận tải Hải Phòng – Hà Nội. Nếu thành phố Hải Phòng tiếp tục cấp mới phương tiện cho tuyến vận tải này, tình trạng căng thẳng nói trên không biết bao giờ mới được giải quyết?
Thu Hằng
Theo Dantri
Hàng chục nghìn xe taxi sắp bị ... "theo dõi"
- Theo Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (lần 3) do Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành, tới đây hàng chục nghìn xe taxi cũng sẽ bị "theo dõi", giám sát hoạt động bằng việc phải lắp đặt thiết bị hộp đen.
Như VnMedia đã đưa tin từ ngày 1/7/2011, nhóm đối tượng 1: gồm xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải gắn thiết bị giám sát hành trình.
Với nhóm đối tượng 2 gồm: xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng thì thời hạn gắn thiết bị giám sát hành trình phải kết thúc vào ngày 1/1/2012. Và đến ngày 1/7/2012 là thời hạn mà tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, xe khách du lịch, xe container... đều phải lắp đặt thiết bị giám sát trình của xe.
Sau gần 2 năm tích cực vận động các doanh nghiệp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hiện toàn quốc đã có gần 50.000 phương tiện trong diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị hộp đen và chính thức chịu sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.
Mới đây, để tiếp tục quản lý các phương tiện chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Bộ Giao thông vận tải đã soạn thảo Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đưa ra các quy định buộc các phương tiện chưa lắp thiết bị hành trình phải lắp thiết bị này trong thời gian tới.
Cụ thể, trong dự thảo mới lần này, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, tới đây, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công ten nơ, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen); thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Hàng chục nghìn xe taxi sắp phải gắn thiết bị hộp đen. Ảnh: Tùng Nguyễn
Về lộ trình gắn thiết bị giám sát hành trình, dự thảo đề xuất đến ngày 1/7/2015, trên xe taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe.
Đến ngày 1/1/2016, trên xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe.
Đến ngày 1/1/2017, trên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe.
Thiết bị giám sát hành trình của xe phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu như: Lưu giữ và truyền dẫn được các thông tin: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong 24 giờ của từng lái xe. Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải và quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải.
Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm
Theo dự thảo, ngoài việc từ 1/7/2015, trên xe taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình, dự thảo cũng quy định, từ ngày 1/7/2016, xe taxi phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách.
Bên cạnh đó, taxi phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe; hộp đèn phải được bật sáng khi xe không có khách và tắt khi trên xe có khách.
Về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, dự thảo nghị định quy định, xe taxi phải có sức chứa từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng không quá 8 năm.
Ngoài ra, tại dự thảo này, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Chính phủ giao Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển vận tải khách bằng xe taxi; quản lý hoạt động vận tải bằng taxi, xây dựng và quản lý điểm đỗ cho xe taxi trên địa bàn.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quy định về đăng ký màu sơn thống nhất cho xe taxi của từng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Đặc biệt, đến năm 2016, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khác quy định về đăng ký màu sơn thống nhất cho xe taxi của từng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có quy định màu sơn cho xe taxi thì đơn vị kinh doanh vận tải phải đăng ký màu sơn và thực hiện theo quy định của Uỷ ban Nhân dân thành phố.
Đặc biệt, nhằm loại bỏ và hạn chế bớt số lượng các đơn vị không đủ điều kiện để cấp phép kinh doanh taxi, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cần quy định số lượng xe taxi tối thiểu mà mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã phải có (không dưới 10 xe và không quá 100 xe) khi kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn.
Tùng Nguyễn
Theo_VnMedia
Kết luận thanh tra vệ sinh thực phẩm tại Tân Hiệp Phát chỉ sau... 1 ngày Sau 1 ngày làm việc, Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Bình Dương đã có kết luận đợt thanh tra đột xuất về vệ sinh thực phẩm tại Công ty Tân Hiệp Phát thay vì phải kéo dài 30 ngày như dự kiến trước đó. Kết luận đợt thanh tra đột xuất về vệ sinh thực phẩm tại Công ty Tân Hiệp Phát...