Thực tế phũ phàng về cuộc chiến chống Covid-19 từ ổ dịch ở Bắc Kinh
Sự bùng phát dịch bệnh ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là lời nhắc nhở phũ phàng nhưng thực tế với thế giới rằng: Covid-19 còn lâu mới trôi qua.
Cuộc sống bình thường từng quay trở lại ở nhiều nơi giống Bắc Kinh
Các nhà hàng mở cửa đón khách, người lao động quay lại làm việc, học sinh được phép đến trường. Đại dịch dường như là điều gì đó đang xảy ra với phần còn lại của thế giới chứ không phải Trung Quốc.
Một y tá xét nghiệm cho 1 người đàn ông ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 17/6. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, ngày 11/6, Bắc Kinh thông báo ca mắc Covid-19 nội địa đầu tiên sau 55 ngày không có ca mắc mới. Bệnh nhân là một người đàn ông 52 tuổi họ Tang. Ông Tang thông tin với các nhà chức trách rằng ông không rời thành phố trong hơn 2 tuần và không tiếp xúc với bất kỳ ai bên ngoài thành phố.
Ngay sau đó, các nhà chức trách phát hiện thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới, hầu hết đều có liên quan đến một khu chợ ở đông nam Bắc Kinh. Ngày 13/6, Bắc Kinh tái áp đặt các biện pháp “thời chiến” nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát, đồng thời gọi tình trạng hiện nay giống như là hiện tượng deja vu (đã từng xảy ra – ND).
“2 tháng nới lỏng hạn chế và cuộc sống có cảm giác đang quay trở lại bình thường thì đột nhiên chúng tôi quay lại tình trạng giống như hồi tháng 2″, Nelson Quan, một người sống tại quận Yuquan nhận định với Al Jazeera.
Mặc dù số ca mắc Covid-19 hiện nay ở Bắc Kinh vẫn ít so với thành phố 22 triệu dân nhưng các nhà chức trách đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất: 1.200 chuyến bay ra và vào 2 sân bay của Bắc Kinh bị hủy bỏ hôm 17/6; các trường học đóng cửa chỉ 1 tháng sau khi mở lại. Kể từ khi ca mắc Covid-19 của ông Tang được công bố, thành phố Bắc Kinh đã xét nghiệm cho hơn 3,5 triệu người.
Trong một vài tuần trước khi dịch bệnh ở Bắc Kinh bùng phát, các nhà chức trách Trung Quốc đã tự hào khẳng định về thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 và cho rằng nước này có thể là hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo. Tuy nhiên, các ca mắc mới cho thấy hình mẫu này dường như mong manh hơn nhiều so với những nhận định trên.
Các ca mắc mới ở Bắc Kinh cũng làm dấy lên một số câu hỏi đáng lo ngại, không chỉ về việc virus đã xuất hiện ở chợ Tân Phát Địa như thế nào mà còn là việc liệu các loài vật nuôi, thậm chí cá có mang virus hay không. Các nhà chức trách Trung Quốc nhận định, virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện ở khu chợ này từ tháng 4.
Rõ ràng một thực tế ảm đạm đang hiện rõ trước mắt chúng ta, đó là đại dịch còn lâu mới trôi qua.
Video đang HOT
Làn sóng thứ nhất chưa qua, làn sóng thứ hai đã tới
Bắc Kinh đang chiến đấu trước làn sóng Covid-19 lần thứ hai nhưng có những quốc gia thậm chí còn chưa vượt qua làn sóng dịch bệnh lần thứ nhất. Trong khi Trung Quốc đang áp dụng trở lại các biện pháp “thời chiến” để chống lại virus thì một số quốc gia lại đang dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để mở cửa trở lại. Đứng trước những điều không chắc chắn cùng với sự mệt mỏi và tổn thất về kinh tế, những quốc gia này đã lựa chọn đầu hàng thay vì hy sinh.
Tại Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence viết trong bài bình luận trên trang Wall Street Journal trong tuần này rằng truyền thông đã có các nhận định sai lầm bởi nước Mỹ không đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2 và quốc gia này đã “chiến thắng trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình”.
Rất nhiều chuyên gia, trong đó có Tiến sĩ Anthony S. Fauci – chuyên gia dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ có quan điểm trái ngược với nhận định trên.
“Tôi không muốn nói về làn sóng thứ 2 ngay lúc này bởi chúng ta vẫn chưa bước ra khỏi làn sóng dịch bệnh đầu tiên”.
Giữa bối cảnh các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ mở cửa trở lại, nhiều bang đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt, trong khi ở Bắc Kinh, mỗi ngày các nhà chức trách lại phát hiện thêm các trường hợp mới.
Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vẫn tăng lên từng ngày. Mỹ vẫn là điểm nóng số một và theo sau nước này là những nước lớn như Nga và Ấn Độ. Tại Brazil, quốc gia có số ca mắc trong ngày thường ở mức cao nhất thế giới từ cuối tháng 5, Tổng thống Jair Bolsonaro và các quan chức khác đã phớt lờ các cảnh báo phong tỏa.
Một số quốc gia ban đầu tự tin vì đã khống chế hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh cũng bắt đầu theo dõi liệu vận may có đến với họ hay không. Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi ca ngợi thành công của nước này trong cuộc chiến chống Covid-19 thì các bác sĩ đã cảnh báo rằng bất kỳ sự gia tăng các ca mắc nào đều có thể khiến hệ thống nước này bị quá tải.
“Thậm chí sức ép nhỏ nhất cũng có thể khiến hệ thống y tế Ai Cập sụp đổ”, một bác sĩ tại một trong những bệnh viện ở thủ đô Cairo nhận định.
Khi virus quay lại, cuộc sống không còn “bình thường”
Tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 cũng như những điều chúng ta chưa biết về chủng virus này đồng nghĩa với việc sự thận trọng luôn là ưu tiên.
Những dấu hiệu lo ngại đang ngày càng gia tăng ở một số quốc gia. Singapore và Hàn Quốc, cả hai đều từng xử lý tốt làn sóng dịch bệnh đầu tiên, đang ngày càng lo ngại sự bùng phát dịch Covid-19 có thể khiến các nước này phải tái áp đặt một số biện pháp phong tỏa.
New Zealand, quốc gia vừa công bố không còn ca mắc Covid-19 nào ngày 6/8 thì một vài ngày sau đó lại chứng kiến virus SARS-CoV-2 quay trở lại từ những người ở Anh trở về.
Một số nhà chức trách công khai thừa nhận rằng chúng ta sẽ chơi trò “mèo vờn chuột” với đại dịch Covid-19 trong một vài tháng, nếu không muốn nói là một vài năm.
“Cá nhân tôi tin rằng qua năm tới hoặc một vài năm nữa, virus này sẽ bám rễ vào xã hội của chúng ta”, Hitoshi Oshitani, một nhà virus học Nhật Bản và là cố vấn chính phủ cho biết, đồng thời nhận định rằng ông nghi ngờ về khả năng sẽ có một loại vaccine hiệu quả, cũng như chiến lược chờ đợi miễn dịch cộng đồng là hoàn toàn “vô nghĩa”.
Bất kỳ sự bùng phát mới nào, đặc biệt là sự bùng phát không xác định được nguồn lây nhiễm đều là điều đáng lo ngại ở Trung Quốc.
Trên thực tế, ca mắc Covid-19 tại chợ Tân Phát Địa được phát hiện không phải qua sự giám sát của chính phủ mà là sự thận trọng của người dân. Bệnh nhân Tang chỉ có các triệu chứng nhẹ nhưng ông đã chủ động tới một trung tâm xét nghiệm để xác định mình có mắc Covid-19 hay không. Ông dường như hiểu rằng vào thời điểm này, chúng ta chưa thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
Người Trung Quốc vung tiền mua sắm ngay sau dỡ bỏ phong tỏa
Nhu cầu du lịch, mỹ phẩm và các thiết bị dùng ngoài trời đã tăng trong những tuần gần đây khi Trung Quốc nới lỏng lệnh hạn chế.
Dịch vụ đặt phòng khách sạn tăng 60%, lượng vé các loại phương tiện giao thông tăng 50% trong ba ngày kể từ Tết Thanh minh đến 6/4, theo tập đoàn Trip.com Group. Các đơn đặt hàng bán lẻ trực tuyến cũng bùng nổ tương tự, theo trang web thương mại điện tử Pinduoduo.
Zhang Kailin - nhà phân tích của một công ty chứng khoán tại Bắc Kinh - cho biết thị trường tiêu dùng đang dần nóng lên khi số ca bệnh không tăng nữa. Sản xuất tại các công ty lớn bất ngờ tăng trưởng vào tháng trước sau khi cú sụt giảm lịch sử vào tháng 2.
Công nhân trong nhà kho của sàn thương mại điện tử TMall.com ở tỉnh Quảng Đông lấy hàng cho khách. Ảnh: EPA.
Covid-19 lây nhiễm ít nhất 82.000 người ở Trung Quốc đại lục và cướp đi hơn 3.300 sinh mạng, trong khi các ca nhiễm và tử vong mới tiếp tục gia tăng ở châu Âu và Mỹ. Những con số ở Trung Quốc giảm dần trong thời gian gần đây, nhấn mạnh sự lạc quan rằng đất nước có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng sớm và tái tạo lại nền kinh tế.
Wenli Zheng - nhà quản lý tài chính cho T. Rowe Price có trụ ở Hong Kong cho biết: "Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội trong các lĩnh vực mà virus làm gián đoạn ngắn hạn, nhưng không ảnh hưởng đến nhu cầu cơ bản trong trung hạn. Các lĩnh vực gồm công nghệ phần cứng, sửa chữa nhà cửa, ô tô và đồ thể thao. Chúng tôi cho rằng nhu cầu bị dồn nén này có thể giúp tăng tốc trong nhiều quý", ông nói.
Khi các nhu cầu bị dồn nén nhiều ngày vừa được tìm thấy "tự do", việc mua vé cho các điểm du lịch nội địa đã tăng hơn gấp đôi trong tuần qua, theo Trip.com - trang bán vé trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc. Truyền thông địa phương cũng đưa tin, một số điểm du lịch tràn ngập người trong dịp Tết Thanh minh.
Hàng mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử bán ra mạnh nhờ các chiến dịch giảm giá khủng và hình thức khuyến mãi diễn ra trực tuyến. Nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc da Lin Qingxuan tại Thượng Hải cho biết doanh thu đạt 147% trong ngày Quốc tế Phụ nữ vào đầu tháng 3.
Hai mẹ con mặc áo bảo hộ đợi ở sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán ngày 8/4 trước khi lên tàu rời Vũ Hán. Ảnh: Reuters.
Trang Pinduoduo ghi nhận hơn 50 triệu đơn hàng bán lẻ mỗi ngày kể từ giữa tháng 3, tăng 60% so với năm trước, cho thấy sự phục hồi của thị trường bán lẻ trong nước. Các loại mỹ phẩm như son môi, phấn mắt, chì kẻ lông mày đạt tăng trưởng khá.
Lượng tiêu thụ thực phẩm trên toàn quốc tăng thêm 24%, theo Fanli.com - trang web cung cấp ưu đãi giảm giá của sàn thương mại điện tử có trụ sở tại Thượng Hải. Ngoài các nhu yếu phẩm hàng ngày, quần áo và thiết bị ngoài trời là một trong những mặt hàng hot nhất.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất là liệu đà mua sắm này có kéo dài hay không. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM) cảnh báo về suy thoái kinh tế toàn cầu bởi các quốc gia như Nhật Bản và Singapore mới chỉ bắt đầu thắt chặt các biện pháp ngăn chặn đại dịch. Nền kinh tế Trung Quốc có thể đã giảm 5,1% trong quý trước, theo ước tính đồng thuận của các nhà phân tích trong một cuộc khảo sát của Bloomberg.
Chen Ke, nhà phân tích của công ty tư vấn Roland Berger China cho biết: "Người tiêu dùng sẽ cần thời gian để cảm thấy tự tin quay lại mua sắm trong trung và dài hạn. Nguyên nhân chủ yếu là sự không chắc chắn về tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế", ông nói.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm 20,5% trong hai tháng đầu năm nay, theo Cục Thống kê Quốc gia. Doanh số bán xe hơi giảm 79% trong tháng 2 mặc dù có các ưu đãi được đưa ra.
Li Ang - một nhà phân tích tại China Galaxy Securities cho biết - mức tăng tiêu dùng nội địa trong quý hai sẽ cho thấy sự tăng trưởng hạn chế. Nhu cầu tiêu dùng trong nước của cả năm vẫn còn chịu áp lực.
Huyền Anh
Philippines quan ngại vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) lên tiếng "quan ngại sâu sắc" trước thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông, gọi đây là hành động làm tổn hại quan hệ giữa ASEAN và Bắc Kinh. Bên ngoài tòa nhà của Bộ Ngoại giao Philippines . Ảnh Chụp từ Inquirer Trong tuyên bố hôm 8.4, DFA...