Thực tế có bao nhiêu người nhiễm virus corona ở tâm dịch Iran?
Các chuyên gia quốc tế bày tỏ sự hoài nghi về số liệu ca nhiễm virus corona mà chính quyền Iran công bố, khi mà số ca tử vong ở nước này chỉ đứng sau Trung Quốc.
Trong khi chính quyền Iran ghi nhận 54 trường hợp tử vong và 978 ca nhiễm virus corona trên toàn quốc, trong đó có cả một phó tổng thống và thứ trưởng bộ Y tế, những con số không chính thức được cho là cao hơn rất nhiều.
Đền thờ Fatima Masumeh ở thành phố Qom – tâm điểm bùng phát dịch Covid-19 ở Iran, được khử trùng để ngăn chặn virus lây lan. Ảnh: AP.
“Nước xuất khẩu các ca nhiễm Covid-19″
Đài BBC tiếng Farsi có trụ sở ở London tuyên bố số ca tử vong vì virus ở Iran đã lên tới 210 – số liệu mà họ nói là thu thập từ các bệnh viện. Bộ Y tế Iran sau đó ngay lập tức phủ nhận thông tin này.
6 nhà dịch tễ học ở Canada sử dụng mô hình toán học và dựa trên số các ca tử vong được công bố, ước tính có khoảng 18.000 ca nhiễm virus trên đất Iran với độ tin cậy khoảng 95%. Tính toán của họ vẫn chưa được bình duyệt nhưng bao gồm cả những ca nhiễm bắt nguồn từ Iran.
Nghiên cứu được thực hiện sau khi Canada phát hiện một trường hợp nhiễm virus ở nước này sau khi trở về từ Iran. Lebanon cũng ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở nước này là một phụ nữ trở về từ thành phố Qom – tâm dịch của Iran.
Các trường hợp tương tự cũng được phát hiện ở Iraq, Pakistan, Afghanistan, Bahrain, Kuwait, Oman và cả nhiều nước châu Âu.
Trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên của New Zealand cũng là người vừa mới trở về từ Iran. Thậm chí một nhà ngoại giao Áo cũng cho kết quả dương tính với virus corona sau khi tới thăm nước này.
“Khi một quốc gia xuất khẩu các ca nhiễm bệnh đến địa điểm khác, rất có thể việc lây nhiễm ở quốc gia đó đã diễn ra một cách đáng kể”, ông Issac Bogoch, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định.
Ông Kamiar Alaei, một chuyên gia chính sách y tế toàn cầu của Iran, người đồng sáng lập một phòng khám HIV ở Tehran, nhấn mạnh tính chất toán học phức tạp và vẫn đang phát triển của khả năng lây nhiễm virus corona.
“Tỷ lệ tử vong (vì Covid-19) ở những nơi khác là khoảng từ 1-2%, và 3% ở Trung Quốc. Vì vậy nếu tỷ lệ tử vong là 1% và chúng ta có các báo cáo về 54 người chết hoặc 100 hay thậm chí là 200 người chết, thì số ca nhiễm bệnh có thể từ 4.400 người hoặc 10.000 và thậm chí là 20.000 người”, ông Alaei nhận định.
Tuần này, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã chỉ trích Tehran về công tác xử lý dịch, cáo buộc chính phủ giấu thông tin về sự lây lan của virus.
“Chính quyền khẳng định tình hình nằm trong tầm kiểm soát… nhưng họ đã cản trở những phóng viên đưa tin về vụ việc”, nhóm cho biết trong một tuyên bố.
Hôm 29/2, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran, ông Kianoush Jahanpour đã đáp lại lời chỉ trích này bằng việc cáo buộc truyền thông nước ngoài cố tình lan truyền tin giả.
Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi lau mồ hôi trong cuộc họp báo hôm 24/2 về tình hình Covid-19, ông Harirchi sau đó được xác nhận đã nhiễm virus corona. Ảnh: AFP.
Ông Thierry Coville, nhà phân tích Iran tại Viện Chiến lược và Quốc tế của Pháp, nhận định: “Trong số những người bảo thủ của Iran, có một nỗi ám ảnh về việc không cung cấp đạn dược cho kẻ thù, và tránh tỏ ra yếu đuối”.
Dựa theo số liệu chính thức về Covid-19 của Iran, khoảng 7% người nhiễm virus corona ở nước này đã tử vong, tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc là vào khoảng hơn 3%, trong khi tỷ lệ chết vì virus corona ở Italy – đất nước cũng đang phải đối mặt với một đợt bùng phát – là 2%.
“Ở Iran, họ sẽ phát hiện bệnh nhân dựa trên cái chết. Vì vậy, nếu bạn tính toán tỷ lệ tử vong dựa theo cách đó, con số sẽ rất cao”, bà Cecile Viboud, nhà dịch tễ học tại Viện y tế Quốc gia Mỹ, nhận định.
Quan ngại cho những nước láng giềng
Dù độ tin cậy của các số liệu chính thức là gì, Iran chắc chắn là một trong những ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi đất nước đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng kinh tế, đến từ việc chính quyền của Tổng thống Trump áp đặt lại các lệnh trừng phạt kinh tế vào năm 2018 như một động thái đánh vào việc xuất khẩu dầu mỏ – nguồn ngoại tệ chủ yếu của kinh tế Iran, gây ra một đợt suy thoái lớn.
“Tại sao Iran không dừng các chuyến bay đến Trung Quốc? Có một lời giải thích hợp lý – Trung Quốc là một trong những quốc gia cuối cùng có thể mua dầu của họ. Họ cần duy trì mối liên kết kinh tế này”, ông Coville chuyên gia về Iran nhận định.
“Với các lệnh trừng phạt, chúng ta có thể nói rằng chính phủ đã mất đi ít nhất 30% nguồn thu ngân sách. Điều này chắc chắn đã có tác động đến hệ thống y tế của họ”, ông Coville nói thêm.
Nằm ở khu vực được coi là ngã tư địa lý của Trung Đông, bao quanh bởi các quốc gia có hạ tầng y tế yếu kém và điều kiện nhân đạo đầy thách thức, tình hình dịch bệnh tại Iran đang gây ra nhiều lo lắng.
Người dân thủ đô Tehran tuần này bắt đầu đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: AFP.
“Điều này là đáng quan ngại, cho cả sức khỏe cộng đồng ở Iran và khả năng lan truyền dịch bệnh ra các nước láng giếng – vốn ít có khả năng ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm hơn”, nghiên cứu của các nhà khoa học Canada kết luận.
Chính quyền Iran đã thực hiện một số biện pháp để chống lại sự lây lan của virus, bao gồm hủy bỏ các buổi cầu nguyện tập thể vào ngày thứ sáu ở một số thành phố, đóng cửa trường học và quốc hội cho đến khi có “thông báo thêm”, trong bối cảnh đã có ít nhất 2 nghị sĩ quốc hội được xác định nhiễm virus.
Việc hút shisha – nơi nhiều người cùng sử dụng chung một ống tẩu – cũng đã bị cấm ở Tehran và nhiều nơi trên đất nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Iran nhiễm virus corona
Ngày 24/2, khi phát ngôn viên chính phủ Iran tự tin khẳng định rằng họ “không có vấn đề gì” với dịch Covid-19, thứ trưởng y tế Iraj Harirchi đứng cạnh ông liên tục lau mồ hôi.
Theo news.zing.vn
10 ngày biến Iran thành 'ổ dịch' Covid-19, tỷ lệ người chết/ca nhiễm lớn nhất thế giới
Chỉ trong hơn 10 ngày, Iran nổi lên như một "ổ dịch" ở Trung Đông với tỷ lệ người chết trên số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới.
Khi khẳng định Iran đã gần như kiểm soát được dịch Covid-19 trong cuộc họp báo hồi đầu tuần, Thứ trưởng Bộ Y tế Margarj Harirchi ho, đưa tay lên lau mồ hôi liên tục.
Dù Harirchi cố kiềm chế cơn khó chịu, một phụ tá của ông vẫn phải chạy lên bục phát biểu để tiếp thêm khăn giấy. Đứng cạnh phát ngôn viên chính phủ Ali Rabiei, Thứ trưởng Bộ Y tế Iran bác bỏ tuyên bố một nghị sỹ nước này trước đó về trường hợp 50 người chết ở thành phố Qom.
Ngày hôm sau, ông Harirchi đăng tải một video xác nhận mình nhiễm Covid-19.
"Đây là một loại virus dân chủ. Nó không phân biệt giàu nghèo, mạnh, yếu. Nó có thể lây nhiễm cho tất cả mọi người. Tôi nói điều này từ tận đáy lòng. Hãy tự chăm sóc bản thân", ông nói.
Iran hiện là quốc gia có tỷ lệ người chết vì nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới. (Ảnh: NBC News)
Iran, đất nước 83 triệu người giờ là ổ dịch lớn nhất Trung Đông và là nước ghi nhận tỷ lệ người chết vì Covid-19 cao nhất thế giới. Trong 593 ca nhiễm Covid-19 tại Iran, 43 người thiệt mạng - tỷ lệ cao hơn gấp nhiều lần so với nơi bùng phát dịch là Trung Quốc.
Iran cũng là nước ghi nhận số quan chức cấp cao dương tính với chủng virus corona mới nhiều nhất với 8 trường hợp, 2 chính khách trong đó đã thiệt mạng.
Phó Thủ tướng Iran Masoumeh Ebtekar hôm 27/2 được xác nhận nhiễm bệnh chỉ 1 ngày sau khi bà tham gia cuộc họp nội các và chỉ ngồi cách Tổng thống Iran vài mét. Không ai trong cuộc họp đeo khẩu trang.
Tình hình ở Iran là những điều mà giới chức nước này không thể mường tượng nổi vào thời điểm họ công bố 2 ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Qom hôm 19/2.
Trong một tin tức đăng tải hôm 28/2, tờ BBC Ba Tư cho biết 210 người Iran thiệt mạng vì Covid-19, hầu hết trong số đó là các bệnh nhân ở Tehran và Qom.
BBC Ba Tư nói thông tin này do nguồn tin trong hệ thống y tế của Iran cung cấp.
Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải, người phát ngôn Bộ y tế Iran Kianush Jahanpur khẳng định các con số này là sai lệch và BBC Ba Tư đang gia nhập vào danh sách "kẻ thù của Iran" trong cuộc đua truyền bá sự dối trá về đất nước này.
"Sự minh bạch mẫu mực của Iran trong việc công bố các thông tin về dịch Covid-19 khiến nhiều người kinh ngạc", ông Kianush Jahanpur tuyên bố trên tài khoản Twitter.
Ổ dịch của Iran bắt đầu bùng phát từ Qom, điểm đến của những người hành hương dòng Shiite. Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại thành phố này cũng là người đầu tiên của Iran là một thương nhân thường xuyên qua lại giữa Qom và Vũ Hán. Không rõ ông này nhiễm bệnh từ khi nào nhưng nhiều người tin rằng bệnh nhân đã kịp truyền bệnh cho nhiều người trước khi được xét nghiệm.
Người dân đeo khẩu trang ở trung tâm thủ đô Tehran, Iran. (Ảnh: Reuters)
Nhiều chuyên gia y tế quốc tế đồng ý rằng không phải ngẫu nhiên mà tỷ lệ chết người vì Covid-19 ở Iran lại cao tới vậy. Nguyên nhân có thể là do số liệu về các trường hợp nhiễm bệnh tại quốc gia Tây Á này thấp hơn rất nhiều so với thực tế.
Họ đặt ra các giả thiết cho rằng Iran đã bỏ qua các ca nhiễm bệnh ít nghiêm trọng do cách thức sàng lọc, kiểm tra bệnh nhân hoặc do yếu kém của trang thiết bị y tế.
Theo Giao sư William Schaffner, chuyên gia vê y tế dự phòng và bệnh truyền nhiễm tại Trung Tâm Y Tế Đại Học Vanderbilt, mấu chốt nằm ở việc Tehran thiếu hụt khả năng phát hiện đầy đủ số ca nhiễm bệnh.
Ông Schaffner chỉ ra rằng để làm được điều đó, chính quyền phải cử người mạo hiểm tới các thị trấn, làng mạc thay vì chỉ ngồi chờ xét nghiệm từ những người đến các bệnh viện lớn với các triệu chứng nghiêm trọng.
"Tôi không biết họ có khả năng đó hay không. Nhưng nhiều quốc gia không làm như vậy vì họ không có truyền thống đó trong hệ thống y tế công cộng. Việc rà soát bệnh nhân ngặt nghèo như vậy là điều gì đó rất mới mẻ với họ", ông Schaffner cho biết.
Vị giáo sư này cũng đề cập tới khả năng các bệnh viện Iran thực sự thất bại trong cach chưa tri và cac bệnh nhân không được chăm sóc y tế đung cach. Tuy nhiên, chính ông Schaffner cũng cho rằng khả năng này là không cao vì hệ thống chăm sóc sức khỏe của Iran được đánh giá là tương đối tiên tiến và tay nghề của các bác sỹ cũng khá ổn.
Cũng có giả thiết nói Covid-19 có thể xuất hiện những dạng đột biến ở Iran. Nhưng Tiến sĩ John Torres, chuyên gia tư vấn y tế của NBC News cho rằng chưa hề có bằng chứng về các dạng biến thể của Covid-19, do đó tỷ lệ chết người cao ở Iran là do cách nước này kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước.
Sau tuyên bố về trường hợp 50 người chết ở Qom của nghị sỹ Iran, nhiều người bắt đầu hoài nghi việc có hay không chính quyền đang che giấu người dân về những gì đang thực sự diễn ra. Nghi ngờ này là điều dễ hiểu bởi trước đó Iran phải mất 3 ngày mới thừa nhận bắn nhầm chiếc Boeing chở khách của Ukraine.
Một điều đáng lo ngại khác là Iran đang trở thành trung tâm lan truyền virus ra khắp Trung Đông. Hàng loạt các quốc gia như Iraq, Pakistan, Lebanon, Kuwait, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đều đã ghi nhận các ca nhiễm mà hầu hết trong số đó đều trở về từ Iran. Đặc biệt, Bahrain cho biết tất cả 38 ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia này đều có liên quan tới Iran.
Kể từ đầu tuần, Iran phải áp đặt hàng loạt biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tehran hủy bỏ lễ cầu nguyện quan trọng chiều thứ 6 hàng tuần. Quốc hội Iran cũng phải hoãn họp từ 28/2 sau khi một số nghị sỹ cho kết quả dương tính với Covid-19. Chính phủ Iran tuyên bố đóng cửa tất cả trường học trong 3 ngày kể từ 29/2 vì lo ngại dịch bệnh lan rộng.
Ngóc ngách của các ga tàu điện ngầm được khử trùng, hàng loạt các cửa hàng đồ ăn nhẹ phải đóng cửa. Các sự kiện thu hút một lượng lớn khán giả như bóng đá, chiếu phim bị hoãn lại.
Bộ Y tế Iran kêu gọi người dân không bắt tay và tránh những nơi đông người.
Trong một phát biểu trấn an người dân, Tổng thống Rouhani kêu gọi mọi người chú ý tới các khuyến nghị về sức khỏe.
"Nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục công việc và các hoat động bởi một trong những âm mưu của kẻ thù là lan truyền sự sợ hãi và phong tỏa đất nước chúng ta", ông Rouhani nói.
Video: Thứ trưởng Bộ Y tế Iran ho, đổ mồ hôi khi họp báo
SONG HY (Nguồn: NBC News)
Theo vtc.vn
Thứ trưởng Bộ Y tế Iran dương tính với virus corona Thứ trưởng Bộ Y tế Iran Iraj Harirchi đã xét nghiệm dương tính với virus corona giữa lúc dịch bùng phát mạnh ở nước này. Thông tin này được người phát ngôn Bộ Y tế Iran xác nhận trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn ILNA của nước này. "Kết quả xét nghiệm virus corona của ông Harirchi, Thứ trưởng Y tế...