Thực tế bẽ bàng ở những chương trình truyền hình thực tế
Khán giả thấy thích thú và hấp dẫn khi chứng kiến những thí sinh khóc lóc, đau khổ, thì những người trong cuộc lại phải chịu nhiều áp lực để chống chọi với những lời dèm pha tàn nhẫn.
Truyền hình thực tế nổi lên tại Việt Nam không lâu, nhưng ít nhiều đã thu hút được sự chú ý của người xem và dư luận. Được tô vẽ là một dạng chương trình “chân thực và hấp dẫn với những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện không hề sắp đặt trước trong kịch bản”, nhưng mãi đến khi sự việc nghệ sĩ Quyền Linh phải “chết đứng” khi bỗng dưng trở thành … kẻ tàng trữ hàng cấm trong một tình huống bất ngờ từ một chương trình, nhiều người mới bắt đầu nhận ra những mặt trái có thể gây chết người của những điều thực tế đến bẽ bàng này.
Quyền Linh sốc vì bất đắc dĩ trở thành… kẻ tàng trữ hàng cấm.
Truyền hình thực tế không chỉ toàn màu hồng
Từ nhiều năm trước, ngành công nghiệp truyền hình đã ủng hộ những kịch bản mà người xuất hiện trong những chương trình đó không hề biết họ được xuất hiện. Chương trình truyền hình thực tế đầu tiên áp dụng loại hình này là Candid Camera (1947) sản xuất tại Mỹ. Chương trình thường quay lén những người bình thường đối mặt với những tình huống sắp xếp sẵn với mục đích gây cười. Và ngay sau khi quay lén xong, nhóm làm chương trình sẽ đến gặp trực tiếp nạn nhân ngay tại hiện trường và hô khẩu hiệu: “Cười lên nào, bạn đang tham gia Candid Camera!”. Chương trình với kiểu quay lén này từng bị rất nhiều cá nhân hoặc tổ chức kiện do vi phạm đời sống cá nhân.
Rút kinh nghiệm từ điều trên, Just for laughs gag (ra mắt năm 1983, do Canada sản xuất) yêu cầu người chơi phải ký hợp đồng với nhà sản xuất chương trình, đồng ý không kiện tụng với bất kỳ các trường hợp có thể xảy ra trong quá trình tham gia cuộc chơi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không khỏi bất ngờ trước tình huống họ bị đẩy vào. Một số bị đặt vào tình thế cực kỳ hoảng loạn khi tham gia các chương trình truyền hình thực tế này.
Video đang HOT
Quỳnh Anh từng bị khủng hoảng tinh thần nặng nề với Vietnam”s Got Talent.
Ở Việt Nam, năm ngoái, câu chuyện về Vietnam’s Got Talent và Quỳnh Anh cũng đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí. Cáo buộc ban tổ chức chương trình đã dàn dựng và cắt xén phần thi của mình, thí sinh này và gia đình đã phải gửi đơn cầu cứu lên Quốc hội. Chưa biết ai đúng ai sai, nhưng với những áp lực cũng như sự đùa cợt mà nhiều người đè lên đôi vai của một cô bé 15 tuổi chắc chắn sẽ khiến cô không dễ dàng quên đi. Trước đó, Quỳnh Anh cũng chia sẻ, sự việc này khiến cho gia đình em bị khủng hoảng tinh thần, và bản thân em phải trải qua 240 giờ sống trong sợ hãi.
Để tăng cảm xúc cho người xem, các chương trình truyền hình cũng không ngần ngại chọn những người có tâm lý không ổn định, dễ xúc động để chọn phát sóng. Và khi khán giả cảm thấy thích thú và hấp dẫn khi chứng kiến những thí sinh khóc lóc, đau khổ, những người trong cuộc lại phải chịu nhiều áp lực để chống chọi với những lời dèm pha và xét nét của thiên hạ.
Ngay sau việc nha sĩ về hưu Alyn James vẫn được tham gia Britain”s Got Talent dù ông đã cảnh báo rằng mình có nguy cơ tự sát rất cao được phanh phui trên mặt báo, người đứng đầu Quỹ Sức khỏe Tâm thần, ông Andrew McCulloch, nói rằng chuyện của James đặt ra một vấn đề nghiêm trọng: “Mang những người dễ bị tổn thương ra để cười nhạo là không được. Điều đó vượt xa mọi ranh giới đạo đức. Và tôi sợ rằng điều tồi tệ nhất sẽ không thể tránh khỏi. Hiển nhiên, nếu một người phải chịu quá nhiều áp lực tinh thần, một ngày nào đó anh ta sẽ kết thúc cuộc sống của mình”.
Càng đau buồn hơn khi cứ qua mỗi năm, số lượng người có liên quan đến những áp lực mà các chương trình truyền hình thực tế gây ra tìm đến cái chết không hề thuyên giảm. Và rõ ràng, những điều này xảy ra hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên.
Không chỉ gây tổn thương đến những người trực tiếp tham gia, truyền hình thực tế còn ảnh hưởng đến những người thân của các thí sinh. Năm 2008, Extreme makeover của đài ABC đã bị lên án khi vô tình khiến em gái của một người chơi phải tự vẫn. Năm 2011, chồng của nữ diễn viên truyền hình thực tế Taylor Armstrong (The Real Housewives of Beverly Hills) cũng đã tìm đến cái chết do những cáo buộc về việc bạo hành gia đình được công khai trên truyền hình. Và điều này lại tiếp tục khiến mọi người phải đặt ra câu hỏi, liệu Taylor và đài The Bravo có trách nhiệm như thế nào về sự mất mát này?
Jerry Springer Show và The Moment of Truth.
Chưa dừng lại ở đó, các talkshow trên thế giới cũng đang dần nhắm đến việc khai thác những tình huống thực tế đến bẽ bàng trong cuộc sống của khách mời. Ra mắt từ năm 1992, đến nay, Jerry Springer Show đã phát sóng gần 4.000 tập, một con số ấn tượng mà bất cứ chương trình nào cũng phải mơ ước.
Được dẫn dắt bởi cựu chính trị gia Jerry Springer, Jerry Springer Show được xem là nơi mà các vấn đề rắc rối của gia đình được đem ra thảo luận để khán giả và chuyên gia có thể cùng nhau tìm hướng giải quyết. Nhưng trái ngược với những lời giới thiệu “mật ngọt”, Jerry Springer Show bị nhận xét là một trong những “Chương trình truyền hình tệ nhất trong lịch sử” do tờ TV Guide bình chọn.
Khai thác những câu chuyện gây tranh cãi như “Bạn trai tôi là phụ nữ”, “ Tôi đã ngoại tình”… Jerry Springer Show luôn kết thúc bằng những màn ẩu đả, cãi vả giữa các khách mời cùng những màn cổ vũ động viên của khán giả. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều khách mời của chương trình này đã phải tìm đến cái chết vì bị tổn thương trước những lời chế giễu của những người xung quanh
Không nằm ngoài cuộc, các gameshow cũng đang bắt đầu có mục tiêu tương tự. The Moment of Truthđược đài Fox của Mỹ sản xuất và phát sóng chưa đầy 2 năm, nhưng cũng không thoát khỏi những tai tiếng đáng xấu hổ. Luật chơi khá đơn giản, người tham gia phải trả lời “có” hay “không” lần lượt 21 câu hỏi về vấn đề cá nhân của mình, dưới sự chứng kiến của những người có liên quan đến những câu hỏi trên. Lauren Cleri, sau khi thừa nhận đã từng ăn cắp tiền ở công ty, thà cho đồ ăn cho chó hơn là một người lang thang, biết một bí mật về bố mà mẹ cô không bao giờ muốn biết, giả vờ mệt mỏi vì không muốn quan hệ với chồng và cả việc còn yêu bạn trai cũ… đã phải chấm dứt hôn nhân với người chồng khi anh này không thể chịu đựng được những bí mật mà Cleri đã giấu trong suốt thời gian qua.
Hồi chuông cảnh báo cho truyền hình thực tế Việt Nam
Xung quanh việc tìm cách hạn chế hàng loạt vụ tự sát liên quan đến truyền hình thực tế trên, một vấn đề cũng đã được đặt ra rằng những người chơi phải tự có trách nhiệm bảo vệ bản thân mình, như lời tiến sĩ Jeffrey Schwartz, tác giả của cuốn You Are Not Your Brain từng nói “Truyền hình thực tế có thể rất nguy hiểm. Nhưng đó không phải là lỗi của truyền thông, mà là việc thiếu hiểu biết hoặc không có sự hỗ trợ cần thiết của các thí sinh để đối mặt với những cảm giác xấu hổ khi trở thành trò cười trên các phương tiện đại chúng”.
Tương tự, với chương trình truyền hình mới xuất hiện tại Việt Nam Cuộc đua kỳ thú, sau khi được khán giả góp ý là đã đặt ra tình huống quá nguy hiểm với người chơi, nhà sản xuất Dustin Nguyễn cũng cho rằng người chơi nên biết tự bảo vệ mình, mọi sự hỗ trợ về mặt y tế chỉ làm việc của mình nếu có tình huống xấu xảy ra, chứ không thể can thiệp giúp thí sinh ngay từ đầu.
Thử thách đi xe xích lô giữa đường phố quá nguy hiểm ở Cuộc đua kỳ thú.
Nhưng nếu nói như vậy, thì trong những trường hợp khi người trực tiếp tham gia bỗng dưng trở thành “con mồi bất đắc dĩ” như Quyền Linh, họ sẽ tự bảo vệ mình bằng cách nào, ít nhất là trước khi lên cơn đau tim vì bỗng dưng trở thành tội phạm?
American Idol 2 mùa gần đây đã thẳng tay cắt bỏ những tiết mục làm trò, gây cười, vốn là yếu tố câu khách từng được đứa con cưng của Fox khai thác triệt để. Ngoài việc những giọng ca xứng đáng có nhiều đất hơn để thể hiện tài năng, nhà đài cũng hạn chế được những trường hợp các thí sinh bị đem ra để chọc cười người xem. Tuy nhiên, không phải chương trình nào cũng có được sự mạnh dạn này, bởi nếu thiếu những giây phút gây cười đến ngở ngẩn, truyền hình thực tế có thể sẽ không còn là chính mình.
Trở lại với sự việc của Quyền Linh, sau cú shock này anh cũng thẳng thắn góp ý rằng: “Để làm ra một chương trình truyền hình hấp dẫn cần có nhiều yếu tố. Nhưng nhà sản xuất chương trình chỉ nên tìm những tình huống nhè nhẹ thôi chứ không nên đặt người tham gia vào những tình huống quá căng thẳng và nghiêm trọng như vậy”.
TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM nói thêm: “Đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm. Rõ ràng, xét ở góc độ nào đó, người sản xuất chương trình thỏa mãn được ý đồ muốn nhìn thấy sự hoảng loạn thật sự của một người đang rơi vào tình cảnh oái ăm, thậm chí rất nghiêm trọng. Nhưng cách làm có thể dẫn tới những hậu quả rất khó lường”.
Với bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống, vấn đề được nhìn dưới góc độ nào, diễn đạt ra sao mới là điều quan trọng nhất. Nói về truyền hình thực tế, những tình huống gây cười, shock, bất ngờ là điều không thể bỏ qua. Nhưng không phải các chương trình ở nước ngoài shock thế nào, thì ta cũng phải shock thế đấy. Đã có quá nhiều dẫn chứng cho thấy sự tàn nhẫn của thể loại truyền hình này trên thế giới, còn với Việt Nam, nơi có lối sống và nền văn hóa Á Đông, nếu cứ tiếp tục không tìm ra được những góc nhìn phù hợp, thì những sự việc chấn động trên chắc chắn sẽ không còn quá xa vời. Và ai cũng biết rõ, khán giả Việt Nam không bao giờ là người quá dễ để có thể làm hài lòng, rồi chính họ cũng có thể sẽ đẩy ai đó vào con đường cùng.
Xét ở góc độ nào đó, câu chuyện của Quyền Linh và những ồn ào khác liên quan đến chương trình truyền hình thực tế trong thời gian qua như vụ Quỳnh Anh, Phương Thanh hay cả Cuộc đua kỳ thú xem ra lại là một điều nay mắn, ít nhất nó cũng là hồi chuông cảnh báo cho những người luôn xem truyền hình thực tế là một màu hồng, quá đỗi ngọt ngào và hấp dẫn!
Theo Infonet.vn