Thực tập sinh Việt Nam kiện công ty Nhật, tố bị lừa đi khử phóng xạ
Đơn kiện của ba thực tập sinh Việt Nam cho biết công ty xây dựng Nhật Bản đã ép họ làm công việc khử phóng xạ ở Fukushima sau thảm họa hạt nhân 2011 mà không giải thích rõ nguy cơ.
Theo Kyodo, đơn kiện của ba thực tập sinh Việt Nam được ghi ngày 3/9 và gửi đến một văn phòng của Tòa án quận Fukushima. Phía nguyên đơn yêu cầu công ty Hiwada, có trụ sở tại thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima, phía đông bắc Nhật Bản, bồi thường tổng cộng 12,3 triệu yen (hơn 115.800 USD).
NHK cho biết ba nguyên đơn tuổi từ 25-36. Họ đến Nhật Bản làm việc từ tháng 7/2015.
Các nguyên đơn cáo buộc công ty Hiwada ép họ làm công việc khử phóng xạ, liên quan đến thảm họa hạt nhân ở tỉnh Fukushima vào tháng 3/2011, mà không giải thích rõ từ trước.
Công nhân Nhật Bản tham gia dự án xây tường ngầm ngăn rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của tập đoàn điện lực Tokyo (Tepco) tháng 7/2014. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
Theo Liên đoàn Lao động Zentouitsu, một tổ chức bảo vệ thực tập sinh nước ngoài có trụ sở ở Tokyo, công ty xây dựng Hiwada đưa các thực tập sinh Việt Nam đến làm việc tại một dự án khử phóng xạ ở các thành phố Koriyama và Motomiya, thuộc tỉnh Fukushima. Các công việc diễn ra từ năm 2016 – 2018.
Thực tập sinh Việt Nam còn được yêu cầu sửa chữa đường ống tại thị trấn Namie trong giai đoạn lệnh sơ tán vẫn còn hiệu lực. Điều này nằm ngoài hợp đồng mà phía nguyên đơn đã ký, vốn quy định họ chỉ làm các công việc như đặt cốt thép và đặt ván khuôn bê tông, theo Tân Hoa xã.
Công ty Nhật Bản cũng không cung cấp cho các thực tập sinh Việt Nam đủ thông tin cần thiết về môi trường làm việc, không giải thích trước về công việc khử phóng xạ và không tổ chức tập huấn đầy đủ.
“Chúng tôi không được thông báo đây là một công việc nguy hiểm. Tôi đang vô cùng lo lắng cho sức khỏe của bản thân trong tương lai”, một trong 3 thực tập sinh viết trong đơn kiện.
Theo NHK, các thực tập sinh Việt Nam cũng không nhận được khoản thù lao theo đúng tính chất công việc khử phóng xạ. Họ phải chịu nhiều áp lực về tinh thần do lo sợ phơi nhiễm phóng xạ mà không có sự chuẩn bị thích hợp.
Các công nhân tưởng niệm những nạn nhân của thảm họa động đất – sóng thần năm 2011 trước khi bắt đầu khắc phục thiệt hại tại Fukushima. Ảnh: Reuters.
Bộ Tư pháp Nhật Bản cùng Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi đều khẳng định công việc khử phóng xạ không phù hợp với mục tiêu của chương trình thực tập sinh nước ngoài.
Các luật sư của phía nguyên đơn và đại diện liên đoàn lao động đã tổ chức họp báo ở Tokyo vào ngày 4/9. Một luật sư cho biết đây là lần đầu tiên có thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài khởi kiện đòi bồi thường vì bị ép làm công việc khử phóng xạ.
Chương trình Thực tập sinh Kỹ thuật của chính phủ Nhật Bản đang đối diện nhiều chỉ trích tạo lỗ hổng để các công ty tìm kiếm lao động giá rẻ. Đã có nhiều trường hợp thực tập sinh nước ngoài thông báo họ bị ép làm việc sai hợp đồng, liên quan đến khử phóng xạ ở Fukushima. Một thực tập sinh Việt Nam, được thuê bởi công ty xây dựng ở Morioka, tỉnh Iwate, tháng 3/2018 cho biết anh cũng rơi vào tình huống tương tự.
Theo Zing.vn
Nhật Bản chưa có quyết định cụ thể về xử lý nước nhiễm xạ
Nhật Bản đã thông báo với Hàn Quốc rằng chưa đưa ra quyết định cụ thể về cách xử lý nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại sau thảm họa kép động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Greenpeace USA)
Các quan chức Hàn Quốc cho biết Nhật Bản ngày 27/8 đã thông báo với Hàn Quốc rằng Tokyo chưa đưa ra quyết định cụ thể về cách xử lý nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại sau thảm họa kép động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011.
Theo nguồn tin trên, Tham tán kinh tế của Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul, ông Tomofumi Nishinaga đã gửi công hàm ngoại giao để phản hồi đề nghị của Hàn Quốc hôm 19/8, trong đó yêu cầu làm rõ các kế hoạch xử lý nước nhiễm xạ và xác minh đồn đoán cho rằng Tokyo có thể xả nước nhiễm xạ vào Thái Bình Dương.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: "Phía Nhật Bản giải thích rằng tại thời điểm này, không có bất kỳ kết luận cụ thể nào về cách xử lý nước nhiễm xạ, trong khi nhấn mạnh rằng Tokyo đang thực hiện các bước dựa trên cơ sở khoa học gắn liền với trách nhiệm."
Hàn Quốc nhiều lần cho rằng vấn đề nước nhiễm xạ nên được giải quyết theo cách không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân của cả hai nước cũng như môi trường biển tại những vùng lân cận nhà máy hạt nhân Fukushima. Seoul cũng kêu gọi Tokyo tiếp tục đưa ra những lời giải thích "minh bạch và cụ thể" về cách thức giải quyết nước nhiễm xạ.
Nhật Bản được cho là đang cân nhắc nhiều sự lựa chọn để xử lý nước nhiễm xạ của nhà máy Fukushima, trong đó có biện pháp làm nước nhiễm xạ bay hơi hoặc chôn sâu trong lòng đất. Tuy nhiên, thải nước nhiễm xạ ra Thái Bình Dương được coi là biện pháp xử lý nước thải rẻ và nhanh nhất. /.
Theo (TTXVN/Vietnam )
Hàn Quốc phản đối kế hoạch của Nhật Bản xả nước nhiễm xạ ra biển Hàn Quốc đã triệu tập một nhà ngoại giao Nhật Bản để phản đối kế hoạch xả nước nhiễm xạ vào Thái Bình Dương. Hàn Quốc ngày 19/8 đã triệu tập một nhà ngoại giao Nhật Bản để yêu cầu Tokyo giải quyết mối lo ngại ngày càng gia tăng trong công chúng về kế hoạch xả nước nhiễm xạ từ nhà máy...