Thực ra câu chuyện gia đình mới là điều khiến khán giả tâm đắc và rơi nước mắt ở ‘Em gái mưa’!
Là bộ phim lãng mạn, thanh xuân vườn trường điển hình, thế nhưng, điều mà “ Em gái mưa” khiến người xem rơi nước mắt lại nằm ở tình cảm gia đình.
Em gái mưa là phim điện ảnh lấy cảm hứng từ MV Em gái mưa từng “làm mưa làm gió” năm 2017 của nữ ca sĩ Hương Tràm. Từ clip dài hơn 9 phút, câu chuyện giữa thầy giáo Mai Tài Phến và cô học trò nhỏ được đạo diễn trẻ Kawaii Tuấn Anh biến hóa thành bộ phim dài hơn 90 phút. Phim gây chú ý khi quy tụ những gương mặt đáng kì vọng như Mai Tài Phến, Phương Anh Đào, Tiến Vũ, Lê Thùy Linh, Trang Hý, Việt Hương…
Phim điện ảnh Em gái mưa không chỉ xoay quanh tình cảm đơn phương nữ học trò Hà Vy ( Lê Thùy Linh) dành cho thầy Minh Vũ ( Mai Tài Phến), mà còn là những tam giác tình yêu chồng chéo giữa cặp đôi nhân vật chính, Thảo Ly ( Phương Anh Đào) và Thái Bảo ( Tiến Vũ). Là bộ phim lãng mạn, thanh xuân vườn trường điển hình, thế nhưng, điều mà Em gái mưa khiến người xem rơi nước mắt lại nằm ở tình cảm gia đình.
Khi Việt Hương lần đầu diễn bi, không diễn hài
Đặt nhân vật trong bối cảnh học đường những năm 2000, rào cản tình yêu giữa thầy giáo mưa Minh Vũ và Hà Vy là định kiến xã hội, chuẩn mực làm thầy, sức ép nhà trường và sự cấm cản từ phía phụ huynh. Lúc này, việc nuôi dạy, lo lắng của bà Kim Châu ( nghệ sĩ Việt Hương) dành cho con gái vô tình trở thành “nhân vật phản diện” đối với chuyện tình thầy giáo – học sinh.
Suốt nửa đầu phim Em gái mưa, bà Kim Châu hiện lên với hình ảnh người mẹ nghiêm khắc, khá cứng nhắc. Bà phản ứng dữ dội trước lời trêu đùa, gán ghép mà thầy Thái Bảo dành cho cặp học trò, hay khi thấy thầy Minh Vũ xuất hiện trong phòng con gái. Thậm chí, mẹ Hà Vy lén đọc trộm nhật ký của nữ chính và gay gắt với nhà trường vì Hà Vy một mình theo thầy Minh Vũ bắt xe về nhà thầy.
Mâu thuẫn giữa Hà Vy và mẹ được đẩy lên cao trào vào đêm nữ chính trở về sau khi theo thầy Vũ về quê. Nói trong nước mắt, bà Kim Châu tiết lộ sự thật lý do vì sao bà không muốn con gái yêu sớm, đó là bởi nỗi sợ Hà Vy sẽ trượt trên vết xe đổ của mình. Trước kia, cũng chính vì tình yêu, mẹ Hà Vy phải từ bỏ con đường tương lai phía trước, cuộc đời rẽ ngang, bà một thân một mình sinh con, nuôi con lớn lên bằng chiếc xe hủ tiếu. Thậm chí, ngay cả đồ chơi khinh khí cầu dành cho Hà Vy cũng là bà tự gói, tự gửi…
Là gương mặt quen thuộc trên màn ảnh, thế nhưng, đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Việt Hương diễn bi mà không diễn hài. Tuy nhiên, chính lối diễn dạn dày kinh nghiệm, biết tiết chế của nữ diễn viên đã đẩy cảm xúc nhân vật lên cao nhất. Thậm chí còn nâng đỡ, dìu dắt cho bạn diễn trẻ tuổi, non nớt là Lê Thùy Linh. Phân cảnh đã lấy không ít nước mắt người xem, đồng thời tháo gỡ nút thắt cũ, đưa câu chuyện sang diễn biến mới.
Hình ảnh khinh khí cầu là chi tiết xuyên suốt bộ phim, được gắn với kí ức duy nhất về cha của Hà Vy. Thế nhưng, cuối cùng, nữ chính vỡ lẽ rằng đây là món quà mà mẹ tự gói, tự gửi, lấp đầy nỗi trống vắng người cha và dựng nên bến bờ vô hình để con gái gửi gắm tình yêu, sự kính trọng. Thực ra, người mẹ tần tảo, giàu đức hi sinh ấy đã vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa dịu dàng săn sóc, vừa hà khắc, cứng nhắc nuôi dạy con nên người. Chính vì thế, tình mẫu tử ở Em gái mưa qua diễn xuất của Việt Hương và Lê Thùy Linh đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả.
Mai Tài Phến: Có thể không là một “thầy giáo mưa” tốt, nhưng chắc chắn là anh trai tốt!
Nếu như tình gia đình của mẹ con Kim Châu – Hà Vy hiện lên qua chính sự nghiêm khắc mà bà dành cho con gái, thì tình thương của thầy Minh Vũ được thể hiện bằng nỗi nhớ. Các phân cảnh nam chính thẫn thờ, day dứt khi mơ hồ nhìn thấy ở Hà Vy hình ảnh em gái đã khuất có sức ám ảnh cao. Không những thế, bằng cách chuyển cảnh có chủ ý, phim Em gái mưa đan xen khéo léo giữa Hà Vy hiện tại, bóng hình em gái Minh Vũ ở quá khứ, rồi lại ngược về khuôn mặt bất lực, khắc khoải của nam chính trong căn phòng tối.
Cái chết của em gái đã để lại cho thầy Minh Vũ sự day dứt, dằn vặt không thể nguôi ngoai. Thậm chí, anh từ bỏ giấc mơ du học vì lời hứa với ba và em, quyết tâm trở thành một thầy giáo. Đây cũng là ngọn nguồn bi kịch giữa anh, em gái mưa Hà Vy và cô giáo Thảo Ly. Bởi lẽ, một người buông xuôi ước mơ để thực hiện lời hứa cho người đã khuất, một người gác lại tương lai để sống trong giấc mơ của người không dành tình cảm cho mình…
Tình cảm Minh Vũ dành cho em gái là ngọn nguồn của sự chú ý, quan tâm anh dành cho nữ chính, đồng thời, đưa hai nhân vật đến gần nhau hơn vào chính ngày giỗ em gái anh. Mặt khác, điều này cũng đẩy Hà Vy đến nỗi băn khoăn rằng: “Liệu sự quan tâm đặc biệt mà thầy Minh Vũ dành cho mình có chỉ là vì người em đã khuất?”. Không được Minh Vũ giải thích rõ ràng, chi tiết ấy tuy đẹp và cảm xúc, nhưng xét trên khía cạnh tình cảm, đây là sự bất công đối với nữ chính.
Dù là một bộ phim tình cảm, thế nhưng, những chi tiết về gia đình lại là điểm sáng trong Em gái mưa. Khán giả thấy một Việt Hương không diễn hài, mà vẫn đầy cảm xúc; thấy diễn viên trẻ Lê Thùy Linh diễn như không diễn trong vòng tay “người mẹ” Việt Hương. Đặc biệt, nếu ở tình cảm đôi lứa, thầy giáo Minh Vũ không rõ ràng, dứt khoát, thì đối với em gái, nhân vật đã thể hiện trọn vẹn nỗi nhớ khắc khoải, sự day dứt đến buông bỏ ước mơ, tương lai vì lời hứa cùng người đã khuất.
Theo Saostar
'Thầy ơi, em lỡ cảm nắng thầy mất rồi' - Một bầu trời ký ức ùa về trong 'Em gái mưa'
Nhẹ nhàng và trong trẻo như một cơn mưa rào mùa hạ, đó là những gì đọng lại trong rất nhiều khán giả đến rạp để thưởng thức bộ phim "Em gái mưa".
Kể từ ngày tác phẩm điện ảnh Em gái mưa ra mắt đến nay đã có rất nhiều bài review từ cộng đồng mạng. Có lời khen có cả những góp ý chân thành, tất cả đều được đọc hết với tấm lòng trân trọng. Bởi lẽ điều đáng sợ nhất của một dự án điện ảnh không phải là những lời chê, mà chính là việc chả có một kí ức nào đọng lại trong tâm trí người xem để họ viết lại cảm nhận của riêng mình.
Nhìn chung, Em gái mưa đi theo motif mà các fan của dòng truyện ngôn tình gọi là thanh xuân vườn trường, ám chỉ những câu chuyện tình "gà bông", "ngốc xít" nơi lớp học của những cô cậu học sinh, sinh viên ở tuổi "sớm nắng chiều mưa". Và nếu tiếp cận Em gái mưa ở góc nhìn hài hòa, trong sáng thì ta dễ dàng thấu cảm với câu chuyện hơn là nhìn nhận tác phẩm với con mắt của một nhà phê bình nghệ thuật khắt khe. Cũng chả phải đem bộ phim lên bàn cân mổ xẻ, cân đo đong đếm, chi li phân tích để làm gì khi nội dung bộ phim của đạo diễn Kawaii Tuấn Anh đơn giản, dễ đoán, nhiều chi tiết vô lí đến mức đáng yêu.
Có hàng trăm bộ phim ca ngợi tình thầy cô sâu nặng, cảm động, có vô số dự án khắc hoạ tình bạn tuyệt vời - chất liệu làm nên thanh xuân của mỗi con người. Nhưng liệu có mấy dự án nói về tình cảm gắn bó giữa thầy cô giáo sinh với những cô cậu học sinh mình đứng lớp? Có lẽ đếm chưa hết một bàn tay. Dù còn nhiều mặt hạn chế đến từ nhiều lí do chủ quan lẫn khách quan, nhưng Em gái mưa thực sự mang đến một bầu trời kí ức tuổi hoa mộng. Đặc biệt, bộ phim là một trong những dự án điện ảnh hiếm hoi tập trung khai thác về một chủ đề tuy quen mà rất lạ: mối tình giữa thầy giáo với học sinh.
Giáo viên thực tập - những người đã rời xa ghế đá sân trường mà đến với giảng đường, đặt một bàn chân khỏi ngưỡng cửa trường đại học, sẵn sàng vẫy vùng trong biển lớn với nghiệp trồng người. Tất cả họ đều đang ở độ tuổi rất đẹp: tầm hăm hai, hăm ba - quãng thời gian tuyệt đẹp của tuổi trẻ. Nói họ còn là những cô cậu học sinh, sinh viên nghịch ngợm, "nhất quỷ nhì ma" thì oan cho họ quá; nhưng gắn cái mác một "thầy giáo", "cô giáo" đạo mạo vào mỗi người trong họ thì vẫn còn quá sớm. Thế nên, cái tuổi "giáo sinh" vừa tươi trẻ, đáng yêu như thuở còn đi học, lại vừa có nét trưởng thành như một người lớn nhưng không quá nghiêm trang. Một giai đoạn chuyển tiếp trọng đại từ một sinh viên Sư Phạm trở thành một nhà giáo, cái nghề đầy cao quý mà ai cũng trân trọng, tin tưởng.
Một ngày đẹp trời nào đó, một sáng chào cờ đầu tuần, các bạn học sinh bỗng dưng thấy khu vực thường ngày của các thầy cô giáo sao bỗng dưng xôn xao và sặc sỡ màu sắc đến lạ, hơn hẳn các buổi thứ hai bình thường. À đúng rồi, đó là đoàn sinh viên thực tập đến từ trường Đại học Sư phạm. Ngộ quá, sao cũng là "thầy giáo", "cô giáo" mà các "anh chị" đó trông lại lúng túng y hệt như bọn học sinh chúng mình ngày đầu đến trường vậy? Không biết có làm nên "cơm cháo" gì không mà đòi dạy dỗ tụi mình chứ? Bao suy nghĩ ngây ngô và đáng yêu cứ cuốn qua đầu đám học sinh...
Thế còn trong tâm trí các bậc nhà giáo tương lai ấy đang nghĩ gì? Một chút xốn xang khi nghĩ về mái trường mà mình vừa rời đi chưa lâu lắm? Những kỉ niệm tuổi học sinh ùa về làm con tim bồi hồi? Hãnh diện và tự hào khi mình đã chập chững những bước đầu tiên của con đường đầy vinh quang của nghiệp giáo? Khó ai biết được...
Và rồi cũng đến lúc hai bên gặp mặt. Theo chân những thầy cô chính thức bước vào lớp, chắc hẳn dù các thầy cô giáo sinh của chúng ta có cố giữ vẻ nghiêm túc và trang trọng đến nhường nào thì họ cũng phải đối diện với sự thật: "lũ quỷ nhỏ" kia chỉ coi mình là các bậc anh chị lớn tuổi hơn, hoặc tệ hơn là... bằng vai phải lứa!
Nhưng... một nụ cười toả nắng của một thầy giáo thực tập, một ánh mắt dịu dàng của cô giáo sinh tự dưng khiến cho không ít lũ học trò ngẩn ngơ, ngơ ngẩn cả buổi. Thì cũng phải thôi, cả ngày trên trường, con gái thì toàn gặp phải lũ "con trai choai choai", con trai toàn gặp phải "mấy bà chằn", "mấy bà tám". Bỗng dưng có một ngày đoàn người hơn mình tầm 5-6 tuổi, ăn mặc chỉn chu, gương mặt rạng ngời như mặt trời bước đến trong cuộc đời, họa hoằng chăng là sắt đá mới không "rung rinh"...
Rồi những tiết học thao giảng đầu tiên cũng bắt đầu. Chắc hẳn khi học chung với các thầy cô giáo sinh, bọn học sinh chúng mình còn lâu mới dành toàn tâm toàn ý cho bài học trên bảng. Ừ, thì cũng có chút tập trung cho có, còn ngoài ra mọi sự tập trung có lẽ để dành cho...ai-kia mất rồi đúng không? May là các buổi thao giảng chỉ chiếm một phần trong thời lượng thôi đấy, chứ nếu chiếm toàn thời gian, các cô cậu học trò có nguy cơ ở lại lớp mất! Thế rồi diễn ra cái cảnh trớ trêu: trên bục người cứ thao thao bất tuyệt, dưới các băng ghế có kẻ giả bộ tập trung, có kẻ tập trung nửa vời và cũng có kẻ lợi dụng sự dễ dãi, hiền lành của các bậc thầy cô tương lai mà "âm mưu chuyện mờ ám". Nhưng mà có như thế mới là tuổi học trò chứ, đúng không?
Thế rồi, bỗng một ngày kia, mắt lỡ chạm mắt, rồi có hai trái tim cùng lỡ nhịp...
Bạn bè là cái lũ tếu táo và kinh khủng nhất khi phát hiện ra "sự thật động trời" ấy trong một phút ba mươi giây. Làm sao mà thoát khỏi việc chọc ghẹo và ghép đôi từ lũ quỷ yêu đó chứ! Mà không hiểu sao, nghe những câu gán ghép bâng quơ ấy, ngoài mặt thì la hét om sòm phản đối, một mình "khiêu vũ giữa bầy sói" chống lại một đám mồm mép xuyên tạc; nhưng tự dưng mặt cứ đỏ ửng hết lên như muốn phản bội chủ nhân - đã thế trái tim còn hân hoan như mở hội!
Còn các bậc chuẩn-bị-làm-thầy-cô ấy, đa phần sẽ cười trừ hoặc dùng vẻ lạnh lùng dập tắt đi sự bông đùa ấy. Mấy trò con nít này mình đã quá rành và mới trải qua được vài năm chứ mấy! Nhưng mà, cũng sẽ có một người bỗng dưng thấy bầu trời hôm ấy như xanh hơn, cao hơn. Thấy đôi mắt và chiếc răng khểnh của cô nữ sinh sao bỗng dưng duyên đến lạ, thân hình cao lêu nghêu, dài sọc của thằng nhóc kia sao trở nên đáng yêu thế...
Rồi lại có những lá thư tay viết vội vàng bằng giấy tập học sinh...
Một hộp thức ăn tự tay nấu, tự tay chuẩn bị, tự tay gói ghém...
Hay chỉ là một món quà nhỏ xinh nào đó nhưng chứa chan biết bao tâm sự...
Rồi chuyện sau đó? Tất nhiên không có câu chuyện nào có kết cục giống nhau, là hạnh phúc hay tiếc nuối chỉ người trong cuộc mới biết. Mà Em gái mưa có lẽ sẽ vẽ nên một câu chuyện gay cấn nhất nhưng cũng bình yên nhất cho bạn...
Em gái mưa của đạo diễn Kawaii Tuấn Anh là bức tranh thanh xuân vườn trường, khắc họa bối cảnh học đường vào khoảng những năm 2000 - một giai đoạn đã cũ nhưng cũng chả quá xưa, dễ dàng gợi cho chúng ta sự đồng điệu. Câu chuyện bắt đầu với Hà Vy (Thùy Linh) - cô lớp phó văn thể mỹ lớp 12A1 của trường Trung học Thanh Xuân. Có niềm đam mê đặc biệt với khinh khí cầu, học giỏi Văn và hay mơ mộng, Hà Vy luôn ấp ủ giấc mơ trở thành nhà văn trong tương lai.
Duyên nợ đưa đẩy cô học trò nhỏ gặp gỡ và "cảm nắng" thầy giáo thực tập Minh Vũ (Mai Tài Phến). Song câu chuyện dần phức tạp hơn khi hai tam giác tình cảm được xây dựng và lồng ghép đan xen vào nhau. Trong khi cô Thảo Ly (Phương Anh Đào) hết mực quan tâm và chăm sóc thầy Vũ thì thầy giáo Thái Bảo (Tiến Vũ) lại đem lòng yêu thương cô. Tất cả góp phần tạo nên những tình huống "đắc" và nút thắt cao trào cho phim...
Trailer phim "Em gái mưa".
Phim khởi chiếu trên tất cả các rạp toàn quốc kể từ ngày 1/6/2018!
Theo Saostar
"Em Gái Mưa" phiên bản điện ảnh: Ổn nhưng chưa trọn vẹn! Chuyển thể từ MV cùng tên, phim điện ảnh "Em Gái Mưa" của đạo diễn Kawaii Tuấn Anh từng bị xem như một sản phẩm liều mạng. Kết quả, phim ổn và có cảm xúc. Tuy nhiên, vẫn chưa trọn vẹn. Em Gái Mưa từng là một hiện tượng Vpop vào năm ngoái, một bài hát buồn cùng với câu chuyện MV về...