Thực phẩm trong vòng vây chất độc hại
Trong khi câu hỏi hoa quả nhập khẩu sử dụng hóa chất bảo quản gì để đến 9 tháng không hỏng còn chưa được giải đáp thỏa đáng, người tiêu dùng lại tiếp tục phải lo lắng về tình trạng chất cấm trong thịt lợn, gà.
Thịt gia súc, gia cầm nhiễm chất cấm “ nóng” trở lại
Trên 40% mẫu thịt nhiễm kháng sinh cấm
Đầu tháng 8-2014, khi lấy ngẫu nhiên 60 mẫu thịt (30 mẫu thịt lợn, 30 mẫu thịt gia cầm) từ TP.HCM và các tỉnh đem về giết mổ tại 2 cơ sở giết mổ lớn trên địa bàn TP.HCM, cơ quan chức năng đã phát hiện 13/30 mẫu thịt lợn, chiếm tỷ lệ trên 43% có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt giới hạn cho phép. Các loại kháng sinh như sulfadimidin được chống chỉ định với người suy gan, suy thận. Hậu quả dư thừa kháng sinh trong các thịt gia súc, gia cầm sẽ làm gia tăng các loại vi khuẩn kháng lại kháng sinh, tức là khi có bệnh uống thuốc kháng sinh không hiệu quả. Theo cơ quan chức năng, phần lớn số thịt lợn nhiễm kháng sinh có nguồn gốc từ Bình Dương, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trước thông tin gây chấn động này, tháng 8-2014, Cục Thú y đã phối hợp với các địa phương lấy tiếp 14 mẫu thịt gà, 28 mẫu thịt lợn ở các tỉnh miền Nam (Long An, Bến Tre, Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ) và Lâm Đồng để phân tích chỉ tiêu dư lượng kháng sinh và chất cấm. Kết quả, phát hiện 2 tường hợp tại Long An nhiễm chất kháng sinh cấm; 1 mẫu thịt gà nhiễm chloramphenicol, 1 mẫu thịt lợn nhiễm salbutamol. Tiếp đó, Cục Thú y lấy 40 mẫu thịt gà, 80 mẫu thịt lợn ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung (Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa) để phân tích 5 chỉ tiêu dư lượng kháng sinh và chất cấm. Tuy nhiên, đại diện Cục Thú y cho biết, hiện chưa có kết quả phân tích đối với các mẫu ở khu vực này.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định: “Tại TP.HCM, tình trạng thịt có dư lượng kháng sinh sulfadimidin vượt ngưỡng cho phép có thể do người dân đã tự ý trộn thêm vào thức ăn trong quá trình chăn nuôi”.
Trộn chất cấm vào thức ăn gia súc
Trước thực trạng nói trên, Cục Thú y đã chỉ đạo Cơ quan thú y vùng trực tiếp làm việc với các bên liên quan để xác minh thông tin, tổ chức họp bàn với Sở NN&PTNT TP.HCM và 5 tỉnh liên quan nhằm tăng cường kiểm soát sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, hiện Cục Chăn nuôi đang xây dựng dự thảo Thông tư về quản lý sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. “Nếu kiểm tra trong thành phẩm thức ăn thì ít phát hiện chất cấm và kháng sinh. Phần lớn người dân sử dụng khi phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm hoặc trộn trực tiếp vào thức ăn cho vật nuôi. Tại TP.HCM, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y đã vào cuộc, phối hợp với Sở NN&PTNT TP.HCM để làm rõ về sự việc trên”, ông Dương cho hay.
Cũng theo ông Dương, kháng sinh sulfadimidin không nằm trong danh mục kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi nhưng lại được phép sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. “Trong tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ NN&PTNT, danh sách 18 loại kháng sinh được phép sử dụng trong chăn nuôi không có loại này. Điều này chứng tỏ người dân đã sử dụng trong quá trình chăn nuôi, chứ không phải được trộn trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi”.
Bên cạnh thịt nhiễm kháng sinh cấm, nhiễm chất cấm thì thức ăn chăn nuôi bị “trộn” hóa chất cấm cũng làm “nóng” dư luận thời gian qua. Cục Chăn nuôi đã có văn bản chỉ đạo 6 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Hưng Yên, TP Hà Nội, Vĩnh Long, Đồng Nai và TP. HCM tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các cơ sở chăn nuôi tự trộn thức ăn và cơ sở tận dụng nguồn thức ăn từ bếp ăn tập thể, nhà hàng, khu công nghiệp. Kết quả, tại Thanh Hóa, phát hiện 8,1 tấn thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm sanbutamol. Lực lượng chức năng đã xử lý phạt hành chính 80 triệu đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh 1,5 tháng và tiêu hủy toàn bộ lô hàng 8,1 tấn thức ăn chăn nuôi vi phạm. Đáng lo ngại, chất cấm đã tràn vào các trang trại chăn nuôi lớn tại một số tỉnh khu vực phía Nam.
THEO ANTD