‘Thực phẩm bẩn tràn lan có lỗi của người tiêu dùng’
Nhiều người tiêu dùng có tâm lý thích chọn thực phẩm giá rẻ, ngon mà lại bổ; trong khi nhà sản xuất khó đáp ứng cả 3 tiêu chuẩn này nên xu hướng dùng hóa chất là tất yếu; thạc sĩ Trần Trọng Vũ phân tích.
Dưới đây là bài viết của thạc sĩ Trần Trọng Vũ dành riêng cho VnExpress.net, phân tích những nguyên nhân gây nên tình trạng mất an toàn thực phẩm hiện nay. Thạc sĩ Vũ đang là giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm Đại học công nghệ Sài Gòn.
Mất an toàn thực phẩm không phải hoàn toàn chỉ do phụ gia thực phẩm và thậm chí phụ gia thực phẩm không phải đáng sợ như những gì chúng ta đang nghĩ. Các nguyên nhân gây nên sự mất an toàn trong thực phẩm có thể đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau: hóa học, sinh học và cả vật lý.
Trên thực tế, thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho người ăn bởi những nguyên nhân vật lý như mảnh kim loại hay mảnh thủy tinh còn sót lại trong sản phẩm, hoặc rơi vào trong quá trình sản xuất do khu vực sản xuất không được kiểm soát tốt. Khi chúng ta ăn phải nó có thể gây nguy hiểm ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên mức độ tổn thương thường là tức thời, không quá nghiêm trọng và khách quan nên thường ít được nhắc đến.
Nguyên nhân sinh học gây mất an toàn thực phầm chủ yếu là do các vi sinh vật gây bệnh, như virus cúm gia cầm, vi khuẩn tả, thương hàn… Đây chủ yếu do sự yếu kém trong kiểm soát vệ sinh công nghiệp, vệ sinh nhà xưởng, sức khỏe công nhân sản xuất… Chúng có mức độ nguy hiểm cao và là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm tập thể nhưng người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đúng mức.
Video đang HOT
Nguyên nhân hóa học nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua vì có nhiều vụ việc liên quan được phát hiện. Hóa chất có trong thực phẩm có thể từ nhiều nguồn khác nhau: thuốc bảo vệ thực vật từ trồng trọt, thuốc kích thích tăng trưởng hay kháng sinh từ chăn nuôi, chất tẩy rửa từ vệ sinh công nghiệp; chất phụ gia sử dụng trong chế biến, chất độc do vi sinh vật tự sinh ra khi nhiễm vào sản phẩm; chất phụ gia bảo quản, chất độc từ trong thành phần vật liệu bao bì, mực in và hóa chất bảo vệ bao bì…
Thịt thối bị công an bắt giữ tại cửa ngõ Sài Gòn. Ảnh: An Hội.
Chất phụ gia trong chế biến thực phẩm là những nguyên nhân dễ kiểm soát nhất vì thực tế chúng được sử dụng trực tiếp trong quá trình chế biến. Ngoài ra trên thế giới hiện nay có hơn 3.000 loại chất được phép sử dụng trong thực phẩm. Có những loại phụ gia còn có thể giúp tạo ra các tính chất vượt trội cho sản phẩm như gia tăng giá trị dinh dưỡng: DHA, calcium, các loại prebiotic…
Nhìn chung mỗi tính chất mà thực phẩm yêu cầu đều có những phụ gia an toàn phù hợp. Một vài loại có giá thành rất cao nhưng do sử dụng với liều lượng thấp nên chi phí sản xuất cũng tăng không nhiều. Vì vậy, nếu người tiêu dùng chấp nhận trả một mức giá phù hợp cho chất lượng của những sản phẩm sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn, được sản xuất bởi nhà sản xuất có thương hiệu, thì có thể yên tâm về phụ gia chế biến thực phẩm.
Ngoài ra, chất nhiễm từ bao bì hay hóa chất vệ sinh công nghiệp cũng hoàn toàn có thể kiểm soát bằng các hệ thống quản lý chất lượng và an toàn trong sản xuất thực phẩm, nên không phải là vấn đề khó kiểm soát.
Các chất hóa học đi gián tiếp từ quá trình trồng trọt, chăn nuôi thì khó quản lý hơn rất nhiều. Chúng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp do nông dân sản xuất. Rất nhiều người trong số đó có trình độ nhận thức thấp và có tâm lý hám lợi nên sử dụng nhiều chất cấm.
Muốn giải quyết được vấn đề này, cần phải làm cho người nông dân nhận thấy lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp an toàn, thể hiện thông qua sản phẩm bán ra có giá cao hơn hàng không an toàn.
Để giải quyết vấn đề một cách triệt để, đòi hỏi phải có một sự phối hợp từ nhiều phía: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và đặc biệt quan trọng là người tiêu dùng.
Cơ quan quản lý nhà nước cơ bản hiện đã có đầy đủ các công cụ để quản lý an toàn thực phẩm, việc còn lại là làm sao cho hệ thống kiểm soát vận hành một cách hiệu quả. Còn doanh nghiệp, thực sự để sản xuất thực phẩm an toàn không khó. Cái khó nhất ở đây là nếu muốn sản xuất thực phẩm đảm bảo an toàn sẽ cần phải đầu tư một nguồn vốn nhất định, thu mua nguyên liệu nông nghiệp an toàn. Như vậy chi phí sản xuất sẽ tăng lên, kết quả là giá của thực phẩm an toàn sẽ luôn cao hơn một ít so với hàng kém an toàn.
Mặt khác, hiện nay phần đông người tiêu dùng, đặc biệt ở các vùng ngoại thành, luôn có tâm lý thích thực phẩm giá rẻ và ngon, thậm chí không cần nhãn hiệu hay địa chỉ của nhà sản xuất rồi hy vọng rằng nó “bổ”.
Đây chính là khó khăn lớn nhất trong cuộc đấu tranh với thực phẩm không an toàn. Lý do, muốn sản xuất thực phẩm “ngon mà bổ” thì phải có mức giá hợp lý; còn muốn sản xuất thực phẩm “bổ mà rẻ” thì thường sẽ khó ngon; và như vậy sản xuất thực phẩm “ngon mà rẻ” thì rất khó “bổ”.
Một khi người tiêu dùng còn chuộng sản phẩm giá rẻ thì các cơ sở sản xuất phải tìm mọi cách để cạnh tranh. Việc sản xuất thực phẩm có chứa phụ gia độc hại và rẻ tiền sẽ là xu hướng tất yếu.
Ngược lại, nếu người tiêu dùng kiên quyết nói không với thực phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ, đặc biệt từ bỏ tâm lý thích sản phẩm giá rẻ và tập dần thói quen chọn hàng có nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng với mức giá hợp lý; thì các cơ sở sản xuất thực phẩm không an toàn sẽ không còn chỗ để tồn tại.
Tóm lại, vấn đề an toàn thực phẩm đòi hỏi phải có sự góp sức từ nhiều phía, mà đặc biệt quan trọng là chính người tiêu dùng thông qua quyền chọn lựa sản phẩm an toàn của mình.
Theo VNExpress