Thực hư về việc “100% mì tôm chứa chất gây sỏi thận”
Việc “100% mì tôm chứa chất acid oxalic có thể gây sỏi thận” được đính chính từ rất lâu nhưng hôm nay trên Facebook lại rộ lên những thông tin cũ.
Chúng tôi xin đăng lại bài viết phỏng vấn GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, tác giả nghiên cứu trên.
Sau khi đưa ra kết luận “100% mì tôm chứa chất axit oxalic có thể gây sỏi thận” từ cuộc phân tích 62 mẫu mì tôm (trong nước lẫn nhập khẩu) kéo dài gần 6 tháng (cuối tháng 6 đến ngày 10/12/2013) gây nên sự hoang mang lớn trong người tiêu dùng, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng KHCN của Công ty Dịch vụ KHCN Sắc Ký Hải Đăng chính thức lên tiếng về thông tin này.
Theo đó, qua trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn khẳng định: “Đúng là 100% mẫu mì tôm (62/62 mẫu) kiểm tra acid oxalic tại Công ty Dịch vụ KHCN Sắc Ký Hải Đăng đều có axit oxalic với nồng độ khoảng 30,8 – 449 ppm, tập trung nhiều nhất trong khoảng 100-200 ppm”.
Tuy nhiên GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn khẳng định, ông không thêm cụm từ “mì tôm có acid oxalic cao dễ gây sỏi thận” như báo chí đưa tin.
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết, khởi nguồn của nghiên cứu này là do khách hàng, trong đó có cơ quan chức năng mang đến Công ty Dịch vụ KHCN Sắc Ký Hải Đăng đề nghị kiểm tra axit oxalic chứ không nằm trong một chương trình nghiên cứu nào của Sắc Ký Hải Đăng.
Khi PV hỏi về các nhãn hàng mì ăn liền mà Sắc Ký Hải Đăng lấy mẫu phân tích, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết: “Trên nguyên tắc, chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền công bố, còn phòng kiểm nghiệm không được phép công bố tên hãng sản xuất”.
Theo GS Sơn, trong tự nhiên mì làm từ bột mì, mà bột mì có sẵn acid oxalic tự nhiên. Số liệu khoa học cũng đã công bố, tùy theo lúa mì, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu nơi trồng, hàm lượng axit oxalic trong lúa mì có thể đến 700 ppm.
“Do đó đương nhiên, mì làm từ bột mì có axit oxalic và hàm lượng bao nhiêu còn tùy theo cách chế biến. Tôi cũng nhấn mạnh không phải chỉ có mì ở Việt Nam là có axit oxalic mà là khắp thế giới, nơi nào làm mì từ bột mì hay mở rộng ra thực phẩm nào làm từ bột mì đều có axit oxalic”, GS Sơn nói.
Hiện người ta chia ra 4 loại thực phẩm có axit oxalic: Thực phẩm có rất nhiều axit oxalic (vài ngàn đến vài chục ngàn ppm) như khế, rau dền,… Thưc phẩm có nhiều axit oxalic (đến vài ngàn ppm) như măng, nhiều loại hạt như hạt điều rang, hạt hạnh nhân rang…; Thực phẩm có axit oxalic trung bình (vài trăm ppm) như lúa mì và thực phẩm có rất ít axit oxalic (vài ppm đến vài chục ppm) như gạo…
Video đang HOT
Axit oxalic vào cơ thể có xu hướng kết tủa khi gặp dinh dưỡng có chứa canxi. Nếu sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa axit oxalic, sự kết tủa này sẽ có hại cho thận, gây sỏi thận hoặc đọng lại các khớp xương.
Tuy nhiên, GS Sơn cho rằng không phải cứ ăn thực phẩm giàu axit oxalic là bị sỏi thận vì còn phải tùy thuộc cơ địa của mỗi người.
“Từ xưa đến nay, ta ăn biết bao nhiêu rau củ quả có nhiều axit oxalic, nhưng số trường hợp bị sỏi thận theo tài liệu y học là rất ít, nghiên cứu in vivo trên người cũng còn khá ít để có thể kết luận. Tất nhiên, những người có yếu tố di truyền hay tiền sử sỏi thận và trẻ con không nên dùng rau củ quả có nhiều axit oxalic, chỉ là nguyên tắc phòng ngừa”, GS Sơn nhấn mạnh.
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn lí giải, vấn đề chính khi ông đưa ra thông tin axit oxalic là do theo quy định của Việt Nam, axit oxalic không nằm trong danh sách phụ gia thực phẩm cho phép, do đó người sản xuất không được cho thêm axit oxalic tổng hợp vào một số loại thực phẩm như bún, bánh phở nhằm tẩy trắng.
“Riêng với trường hợp mì tôm, không có vấn đề tẩy trắng, cho nên không có vấn đề người sản xuất thêm axit oxalic vào mì”, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết thêm.
Theo Giáo Dục
Nhớ lắm những món ăn tuổi thơ thời 8X
Có những món ăn tuổi thơ giống như mối tình đầu, trải qua rồi, khi thử lại ở một thời điểm khác sẽ mãi không tìm được vị xưa... chỉ vướng vất sự tiếc nuối.
Mì tôm
Mì ăn liền ngày xưa chỉ có một loại phổ biến, đó là mì gói giấy thương hiệu Miliket. Đối với người lớn, mì gói được đánh giá cao về sự tiện dụng, còn đối với 8X, đó là đồ ăn hấp dẫn mà hầu như đứa trẻ nào cũng thích.
Đây chính là lý do vì sao dù có bao loại mì ra đời cũng không so sánh được với hình ảnh mì giấy bốn con tôm ghi dấu đậm sâu trong ký ức tuổi thơ 8X đến nỗi người ta quen gọi mì ăn liền là mì tôm.
Tạm bỏ qua tất cả những cảnh báo vì sự nghèo giá trị dinh dưỡng nhưng lại giàu các chất phụ gia và chất bảo quản, dầu mỡ... của các chuyên gia, ngày ấy, mỗi sáng, mỗi buổi đi học về mà dân 8X được mẹ pha cho gói mì tôm ăn là râm ran vì sướng.
Vị mì tôm - món ăn thời 8x - lạ lẫm, thơm béo, từng sợi xoăn xoăn ngộ nghĩnh luôn có sức hút rất đặc biệt. Không chỉ nhanh chóng "đánh" hết tô, nhiều kẻ háu ăn còn ngửa mặt húp hết nước pha mì một cách ngon lành.
Người mang mì tôm sống đến lớp thường có thứ "quyền lực đặc biệt". Tự nhiên sẽ được các bạn quan tâm hơn, dễ được làm quen và nói chuyện hơn thường ngày, nhờ vả cũng thấy mọi người "tích cực" hơn... Không cần bát đũa, chẳng cần thìa muỗng, mì tôm để nguyên trong túi giấy được bẻ thành từng miếng nhỏ, chia đều rồi cứ thế đứa nào đứa ấy nhai rau ráu. Gói muối mì tôm sẽ được để để dành, biến thành đặc sản khi kết hợp với bói mít, ổi xanh, chuối xanh...
Hoặc cũng có khi mì tôm bóp vụn trộn đều với muối, sa tế để nguyên nhóm bạn thi nhau bốc ăn tì tì. Cái giòn giòn, mặn mặn, cay cay và béo béo của mì tôm sống khiến bất cứ đứa trẻ nào cũng mê mẩn. Ngay cả khi mì đã hết, chỉ còn dư chút muối dưới đáy thì cả bọn cũng không chịu đi rửa tay mà chấm chấm mút mút đến sạch bách.
Lớn lên, đủ tiền mua cả thùng mì cao cấp hơn nhiều lần so với gói mì ngày nào cũng khó có cái cảm giác thèm thuồng như thế. Tất nhiên, sau đó, sẽ lại thi nhau "uống nước cho mì nở ra".
Mì tôm vừa là món ăn no, vừa là món ăn vặt cực hút hàng (Ảnh internet).
Có đôi lần, muốn tìm lại cảm giác xưa, mua một đống mì tôm về tự trộn, tự ăn nhưng xung quanh chẳng có ai giành, chẳng còn tiếng cười lanh lảnh, chẳng còn ánh mắt giận dỗi khi bẻ chia cho chúng bạn không đều nhau.
Ngồi nhai mì tôm sống chỉ thấy khô khốc trong miệng, khát nước và nhớ lại kỷ niệm xưa mà không cách nào tìm lại vị ngon đến chảy nước miếng như ngày thơ dại.
Cơm với mỡ và nước mắm
Tuổi thơ 8X, đặc biệt là ở nhiều vùng nông thôn, chắc hẳn không ai không biết món tóp mỡ. Mỗi lần mẹ mua mỡ heo (mỡ lợn) về thái thành từng miếng nhỏ, đem rán trẻ con đứa nào cũng sẽ háo hức.
Lý do đơn giản là sau đó, thế nào mẹ cũng cho vài miếng tóp ăn chơi. Mà mẹ cũng dễ thương lắm, chọn toàn miếng tóp có dính tí teo thịt nạc ở đầu, nhai giòn rau ráu, beo béo, bùi bùi, thơm thơm. Mỗi món ăn dùng đến mỡ do mẹ nấu đều lấp ló miếng tóp mỡ ngon lành đầy gia vị, không quán ăn nào giống được. Nhưng cơm mỡ là món đặc biệt nhất.
Không phức tạp, cầu kỳ, chỉ cần cơm nóng, mỡ và nước mắm là đã có thể thưởng thức món ngon này (Ảnh internet).
Đầu tiên là chờ mẹ xới cơm, rồi xắn miếng mỡ trắng tinh cho vào bát cơm trắng dẻo, miếng mỡ đang đông sẽ tan từ từ rồi biến mất, để lại trên mình hạt cơm một lớp bóng hấp dẫn. Tiếp đến, trộn nước mắm thật đều và cứ thế xúc ăn. Ngon tuyệt! Cơm dẻo ngọt, béo thơm mùi gạo và mỡ cùng với hương mắm nguyên chất đậm đà thật khó quên.
Ăn cơm mỡ - món ăn thời 8x - những ngày trời lạnh thì chẳng gì bằng. Tuy nhiên, rất ít khi dân 8X được ăn món này vì các vị phụ huynh lo con thiếu chất. Vậy là lúc nào họ cũng thấy ăn cơm mỡ "chưa đã" nên càng khao khát, cho đến lớn lên vẫn thèm lắm lắm. Nhưng thử lại rồi sẽ thấy món "nhà nghèo" này chẳng còn quá xuất sắc như mình đã tưởng. Và rồi, bỗng thấy nhớ những tháng ngày thiếu thốn.
Bỏng gậy
Chiếc máy nổ bỏng như một phương tiện thần kỳ đem lại niềm vui cho thế hệ 8X. Những nguyên liệu và phụ liệu như gạo, đường, ngô, đậu phộng... được bác nổ bỏng đổ vào 1 đầu chiếc máy, chỉ sau một hồi sẽ cho ra thành phẩm ở đầu bên kia. Nó khiến nhiều đứa trẻ thời kỳ này thắc mắc tại sao ít gạo thế mà chiếc máy ấy có thể làm phồng ra thành cả bao bỏng bao người ăn không hết.
Bên cạnh việc tận hưởng bỏng gạo giòn tan, ngọt nhẹ, trẻ 8X còn bày ra đủ trò chơi. Ngay từ lúc chờ nổ bỏng, họ đã thay nhau kéo và cố ai là người kéo được bỏng dài hơn trước khi bẻ thành từng đoạn ngắn vừa phải cho vào bịch. Ngoài ra, thú vui yêu thích của thế hệ này là lấy bỏng làm vũ khí như gươm, súng, gậy để đánh trận giả.
Bỏng gậy giòn giòn, ngọt nhẹ là món ăn yêu thích của thế hệ 8X (Ảnh internet).
Mỗi lần vũ khí bị gãy, cả nhóm trẻ lại cười khanh khách. Hay khi có kẻ láu cá, thấy "súng" đối phương chĩa vào người liền nhanh miệng ngoạm cái rộp và nhai ngấu nghiến rồi chạy xa mặc cho khổ chủ vừa tức vừa tiếc. Nhiều lúc, chơi đã mệt, cũng không ai cầm bỏng ăn như bình thường mà đeo bỏng vào ngón tay và cắn dần.
Tất nhiên, khi lớn lên, người ta vẫn có thể tìm thấy bỏng gạo - món ăn thời 8x - nhưng cảm giác háo hức cũng như cười sảng khoái khi ăn như hồi bé thì khó giữ được. Bỏng vẫn giòn, vẫn bùi và thậm chí còn thơm ngon hơn nhưng không thể nào có đúng vị như ngày xưa ấy.
Tạ Ban
Theo Eva
Sự thật về thông tin "sinh vật lạ trong mì tôm" Chiều nay 10.10, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế xác định thông tin "nghi ngờ sinh vật lạ có trong mì tôm" tại Nghệ An là tin đồn thất thiệt. Sinh vật lạ trong gói mì Ba Miền mà chị Huyền phát hiện sau khi pha chín cho con ăn (trong khoanh đỏ) Vừa qua, một số trang thông tin...