Thực hư tin Trump điều Vệ binh Quốc gia vây bắt người nhập cư
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết thông tin về kế hoạch huy động 100.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia để vây bắt những người nhập cư trái phép là hoàn toàn sai sự thật.
Nhà Trắng bác bỏ thông tin Tổng thống Trump có kế hoạch điều Vệ binh Quốc gia trấn áp người nhập cư.
Nhà Trắng và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã bác bỏ thông tin có kế hoạch huy động tới 100.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia để vây bắt những người không phải công dân Mỹ đang cư trú trái phép.
Trước đó hãng tin AP đưa tin rằng đề nghị sử dụng đến 100.000 vệ binh quốc gia là một phần trong dự thảo bản ghi nhớ đang được truyền tay tại Bộ An ninh Nội địa.
Người Phát ngôn Nhà trắng Sean Spicer cực lực chỉ trích tin này. Ông nói “không có bất cứ nỗ lực nào…sử dụng Vệ binh Quốc gia để truy lùng di dân bất hợp pháp. Tin này sai sự thật 100%.”
Ông David Lapan, phát ngôn viên Bộ An ninh Nội địa, nói Bộ “không xem xét việc huy động Vệ binh Quốc gia để thi hành luật di trú.”
Hãng tin AP cho biết dự thảo ghi nhớ đề ngày 25.1 được luân lưu trong nhân viên Bộ An ninh Nội địa trong khoảng 2 tuần lễ và đưa lên cho người đứng đầu tạm thời của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ.
Video đang HOT
Theo tin AP, tài liệu 11 trang kêu gọi quân sự hóa việc thi hành luật di trú tại những tiểu bang giáp ranh Mexico như California, Arizona, New Mexico và Texas và còn bao gồm 5 tiểu bang nối lền 4 tiểu bang này là Oregon, Nevada, Utah, Colorado, Oklahoma, Arkansas và Louisana.
AP nói bản ghi nhớ dùng để hướng dẫn việc thi hành một loạt các lệnh hành pháp về di trú và an ninh biên giới mà Tổng thống Donald Trump đã ký vào ngày 25.1. Nếu được thực thi, biện pháp này sẽ có tác động rất lớn, bởi theo số liệu thống kê năm 2014, hiện có gần một nửa trong số 11,1 triệu người cư trú trái phép tại Mỹ đang sinh sống ở 11 bang kể trên.
Ngày 13.2, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly thông báo cơ quan phụ trách nhập cư nước này đã bắt giữ gần 700 người trong các chiến dịch trấn áp người nhập cư. Tổng thống Donald Trump coi siết chặt chính sách nhập cư và trục xuất người nhập cư trái phép là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình.
Theo Danviet
Tường biên giới biến Mỹ thành chiếc lồng vàng giam hãm người nhập cư
Bức tường biên giới mà Trump sẽ xây dựng có thể không ngăn được người Mexico vượt biên vào Mỹ, trong khi lại cản trở người nhập cư trở về quê hương.
Khi đặt bút ký sắc lệnh hành pháp về việc xây bức tường biên giới với Mexico, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã không để ý đến hiệu ứng "chiếc lồng vàng", khi các hàng rào biên giới trở thành những trở ngại ngăn người nhập cư bất hợp pháp rời khỏi Mỹ hơn là chặn họ xâm nhập, theo Atlantic.
Trước năm 1986, khu vực biên giới Mỹ - Mexico còn rất hoang sơ, lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ có ngân sách và nhân lực rất hạn chế trong việc ngăn chặn luồng người vượt biên trái phép vào nước này. Theo nhà xã hội học Thomas Espenshade của Đại học Princeton, tỷ lệ người vượt biên trái phép bị bắt giữ khi đó chỉ là 33%.
Sự kiểm soát biên giới lỏng lẻo khiến phần lớn người Mexico vượt biên vào Mỹ thực hiện cái gọi là "nhập cư tuần hoàn". Hầu hết họ đến Mỹ, làm việc trong một thời gian ngắn để kiếm tiền, rồi quay về Mexico với vợ con. Khi hết tiền, họ quay lại với vòng tuần hoàn đó.
Nhưng đến năm 1986, vòng tuần hoàn này bị phá vỡ với sự ra đời của Đạo luật Kiểm soát và Cải cách Nhập cư (IRCA) do Tổng thống Ronald Reagan ký ban hành. "Các thế hệ người Mỹ tương lai sẽ biết ơn vì những nỗ lực của chúng ta nhằm kiểm soát lại biên giới, qua đó bảo tồn giá trị của một trong những tài sản thiêng liêng nhất của người dân: Quốc tịch Mỹ", Tổng thống Reagan tuyên bố khi đặt bút ký IRCA.
Một trong những biện pháp chính của IRCA là tăng ngân sách cho Cơ quan Di trú và Nhập tịch để kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn. Hệ quả là việc vượt biên vào Mỹ ngày càng trở nên nguy hiểm và tốn kém. Để tránh bị biên phòng Mỹ phát hiện, người nhập cư phải trả rất nhiều tiền cho những tay buôn người để đưa họ vượt qua những khu vực biên giới hiểm trở ít có bóng dáng lực lượng tuần tra.
Thế nhưng những khó khăn này không cản trở người Mexico tìm cách vượt biên để tìm kế sinh nhai. Số lượng người nhập cảnh không có giấy tờ ngày càng tăng. Năm 2006, số người nhập cư bất hợp pháp sống ở Mỹ là 11 triệu, hơn gấp đôi con số này năm 1996 (5 triệu) và tăng gần 4 lần so với 20 năm trước (3,2 triệu).
Những hàng rào biên giới được dựng lên không làm thay đổi được mức thu nhập thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao ở Mexico, khiến dòng người lao động vẫn tìm mọi cách đổ về Mỹ. Nhưng nó lại khiến những người nhập cư bất hợp pháp chùn chân khi muốn trở về và buộc nhiều người trong số họ phải định cư lâu dài ở Mỹ, theo nhà xã hội học Douglas Massey.
Một chiếc ôtô mắc kẹt khi vượt qua hàng rào biên giới Mexico - Mỹ. Ảnh: Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ
Hàng rào biên giới được dựng lên từ năm 1986 cũng làm thay đổi mô hình nhân khẩu học của người nhập cư. Khi những người đàn ông nhận ra rằng họ có thể định cư ở Mỹ, họ sẽ khuyến khích vợ con vượt biên để gia đình đoàn tụ. Những phụ nữ Mexico trước đây thường không vượt biên vì lo sợ bị lạm dụng tình dục tại biên giới. Nhưng với tiếng gọi của gia đình, họ giờ đây sẵn sàng liều mình một phen để đoàn tụ cùng chồng. Phụ nữ và trẻ em góp một phần lớn trong làn sóng người vượt biên vào Mỹ tăng vọt sau năm 1986.
Lịch sử cho thấy chỉ có suy thoái kinh tế mới có thể ngăn chặn và đảo ngược dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, số người Mexico từ Mỹ về nước bắt đầu lớn hơn số người vượt biên vào Mỹ. Sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Mỹ và nhu cầu về công nhân Mexico tại các công trường xây dựng giảm bớt khiến Mỹ trở thành miền đất ít hứa hẹn hơn. Ngày càng ít người Mexico liều mạng vượt biên, trong khi ngày càng nhiều người đang sống ở Mỹ tìm cách quay về với gia đình ở Mexico.
Theo giáo sư Ana Raquel Minian thuộc Trung tâm Nghiên cứu So sánh về Sắc tộc và Dân tộc, Đại học Stanford, Tổng thống Trump cùng các cố vấn dường như không chịu thừa nhận rằng từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế, số người Mexico rời khỏi Mỹ lớn hơn số người nhập cảnh vào.
Chính quyền mới của ông Trump liên tục nhấn mạnh rằng bức tường biên giới là cần thiết để ngăn chặn dòng người Mexico nhập cư trái phép vào Mỹ. Thay vì giải thích việc bức tường sẽ giảm bớt lượng người vượt biên trái phép như thế nào, ông Trump chỉ tập trung vào khả năng xây dựng một tường rào "to lớn, đẹp đẽ" cùng ý tưởng rằng Mexico sẽ phải trang trải chi phí xây tường.
Người Mexico có bài hát "Jaula de Oro" (Chiếc lồng vàng) rất nổi tiếng, mô tả tâm trạng của một người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ nhớ nhung về cố hương nhưng không có cách nào trở lại. "Vợ con tôi đã quên đất nước Mexico yêu dấu, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên và tôi không thể trở lại. Tôi khóc khi nhận ra rằng, chiếc lồng dù làm bằng vàng, nó cũng chỉ là một nhà tù".
Minian cho rằng bức tường biên giới hàng chục tỷ USD mà Trump xây lên sẽ càng gia cố "chiếc lồng vàng" đó và càng làm nản chí những người nhập cư bất hợp pháp trở về cố hương như những gì họ đã làm sau thời kỳ suy thoái kinh tế.
Bức tường của Trump sẽ chỉ là biểu tượng cho trắc trở trong quan hệ giữa Mỹ và quốc gia láng giềng phía nam, làm gia tăng nỗi bất an về kinh tế ở Mexico, thúc đẩy nhiều người tìm cách vượt biên vào Mỹ hơn nữa, giáo sư này nhận định.
Ngay cả Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ cũng phải thừa nhận rằng bức tường biên giới sẽ không hiệu quả trong việc răn đe người vượt biên trái phép, đồng thời cản trở việc hợp tác giữa Mỹ với các quốc gia phía nam.
"Bức tường biên giới của Trump chỉ có thể biến nước Mỹ thành chiếc lồng vàng, nơi những người Mexico và người Mỹ gốc Mexico ngày càng bị phân biệt đối xử khi bị đánh đồng là người nhập cư bất hợp pháp", Minian nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Trump quyết "đấu", sắp ký sắc lệnh cấm nhập cư mới? Donald Trump đang xem xét việc ký một sắc lệnh "mới tinh" về nhập cư sau khi tòa án đã phán quyết chặn sắc lệnh đầu tiên của ông. Ông Trump vừa cho biết đang xem xét việc ký một sắc lệnh "mới tinh" về nhập cư Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên trên chiếc Không lực Một rằng ông tin...