Thực hư thông tin hàng trăm container thanh long bị TQ cấm cửa?
Tất cả container ùn ứ tại cửa khẩu trong tuần qua đã được giải quyết thông quan, mỗi ngày có gần 100 xe container chở thanh long ra cửa khẩu.
Trước thông tin hiện nay có hàng trăm xe container chở thanh long của Việt Nam xuất qua cửa khẩu Lào Cai bị cơ quan chức năng phía Trung Quốc cấm cửa không cho qua biên giới, phóng viên VOV đã liên hệ với ông Trần Anh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu tỉnh Lào Cai để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Theo ông Trần Anh Tú, nguyên nhân do doanh nghiệp đầu mối từ phía Trung Quốc trong quá trình làm thủ tục thông quan cho xe thanh long của Việt Nam đã xảy ra vi phạm nên vô hình trung một số lô đầu kéo liên quan đến doanh nghiệp vi phạm kia bị liệt vào danh sách “hạn chế” không được qua biên giới.
“Có khoảng 500 đầu kéo nằm trong danh sách bị hạn chế. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ kiểm soát phần đầu kéo, còn rơ moóc theo sau không ảnh hưởng, do đó doanh nghiệp đã khắc phục bằng cách đổi đầu kéo khác”, ông Tú nói.
Xe chở thanh long vẫn tấp nập xuất qua cửa khẩu Lào Cai mỗi ngày.
Ông Tú cho hay, hiện tất cả container ùn ứ tại cửa khẩu trong tuần qua đã được giải quyết thông quan. Từ hôm qua đến nay, mỗi ngày có gần 100 xe container chở thanh long từ các tỉnh miền trong ra cửa khẩu, mọi thủ tục xuất khẩu đều diễn ra thuận lợi.
“Đúng thời điểm thanh long chín rộ nên số xe vận tải loại quả này từ các tỉnh miền trong đổ về nhiều đột biến khiến cửa khẩu trở nên quá tải chứ không phải do phía Trung Quốc siết chặt kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hay nguyên nhân gì khác”, ông Tú khẳng định.
Hiện nay, phía Trung Quốc vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho thanh long Việt xuất khẩu qua biên giới. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã có hơn 400.000 tấn thanh long được xuất khẩu sang Trung Quốc, đạt kim ngạch trên 300 triệu USD.
Video đang HOT
“Điểm khác biệt duy nhất giữa hai bên là thanh long phía Việt Nam xuất khẩu theo diện chính ngạch, còn đối với Trung Quốc, thanh long xếp vào hàng nhập khẩu biên mậu của cư dân biên giới. Nếu để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì còn khó khăn hơn, vì hàng rào kỹ thuật của họ rất khắt khe”, ông Tú nhấn mạnh.
Ông Tú cho biết thêm, các lực lượng tại cửa khẩu trong đó có Hải quan luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan thuận lợi nhất trên cơ sở quy định của pháp luật. Riêng đối với mặt hàng quả thanh long, thực chất doanh nghiệp Trung Quốc đã thu mua tận vườn, toàn bộ vốn liếng do họ bỏ ra, họ chỉ thuê doanh nghiệp vận tải của ta vận chuyển tới cửa khẩu qua biên giới. Do đó, trong trường hợp xuất khẩu thanh long gặp khó thì doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Theo An Kiên (VOV)
Các nước đua trồng thanh long, VN phải làm bản quyền giống gấp
Các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm phải đạt đến sự hoàn hảo, trong đó bản quyền giống là điều kiện tiên quyết cho thành công lâu dài trong kinh doanh trái cây, đơn cử như với trái thanh long hiện nay.
Bà Wendy Matthews - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam nhấn mạnh như thế bên lề hội thảo quốc gia về mô hình phát triển và thương mại hóa các giống trái cây cao cấp, tổ chức ngày 5.6, tại TP.HCM.
Đánh giá thanh long là một sản phẩm cao cấp, bà Wendy Matthews cho rằng ngành này vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đó là lý do New Zealand chọn thanh long làm trái cây đầu tiên để thực hiện Dự án phát triển giống trái cây cao cấp từ 6 năm trước.
Thanh long Việt Nam được New Zealand đánh giá là loại trái cây cao cấp, còn nhiều tiềm năng phát triển.
Dự án nhằm phát triển kinh doanh bền vững thông qua việc tạo ra, sản xuất và thương mại hóa giống thanh long cao cấp, với khoản viện trợ không hoàn lại 8,1 triệu đô New Zealand.
New Zealand vốn là đất nước nổi tiếng về khâu bản quyền giống. Ngược lại bản quyền giống cây trồng vốn là điểm yếu lâu nay ở Việt Nam.
Trao đổi với PV Dân Việt về lo ngại này, bà Wendy Matthews khẳng định chỉ khi nào bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng hơn.
Phải đẩy mạnh đầu tư vào giống cây trồng mới có thể giúp ngành cây ăn quả phát triển thành công trong bối cảnh thị trường quốc tế cạnh tranh cao độ. "Tuy nhiên, để thành công, các tài sản trí tuệ liên quan đến sự đầu tư đó cần phải được bảo vệ và khai thác hiệu quả", bà Wendy Matthews nói.
Phát triển giống cây thanh long
Bà Đại sứ kể lại bài học từ nước mình, trước đây, giống kiwi Hayward vốn được phát triển ở New Zealand. Nhưng nông dân đã trồng thương phẩm giống này trước khi thực hiện các biện pháp bảo vệ giống.
Khi giống này được nhân lên và tham gia thương mại tự do trên toàn cầu thì quay trở lại cạnh tranh với chính kiwi của New Zealand. Bên tạo giống ban đầu đã không nhận lại được bất kỳ lợi nhuận nào từ sự phát triển và cạnh tranh này.
Ngày nay, thông qua Quyền của Cơ sở tạo giống cây và hành lang pháp lý về nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn cầu, ngành kiwi của New Zealand có thể bảo vệ được các khoản đầu tư và quyền hợp pháp của mình trên các giống kiwi chất lượng mới.
Phải bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng hơn
Những cơ chế này giúp bên sở hữu giống cây được bảo hộ có thể kiểm soát quy trình sản xuất (thông qua việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất), tự tin triển khai và điều phối các chương trình marketing quốc tế toàn diện cho các giống cây trồng mới.
Trở lại với dự án đang triển khai tại Việt Nam, một chương trình tạo giống thanh long toàn diện đang được xây dựng để phát triển các loại giống mới với màu sắc và hương vị khác lạ, khả năng chống chịu bệnh và năng suất cao, và thời gian bảo quản lâu hơn.
Hiện đã có một số giống được lựa chọn cho giai đoạn cuối, đang thử nghiệm trong quá trình sản xuất và sau thu hoạch. Các giống cao cấp này sẽ được bảo hộ bằng Quyền Giống cây (Plant Variety Rights - PVR) và thương mại hóa tại Việt Nam và thế giới theo mô hình thương mại sản xuất có kiểm soát.
Khi có bản quyền và thương mại hóa theo mô hình thương mại sản xuất có kiểm soát, giá trị trái cây sẽ tăng cao hơn.
Thực tế đã chứng minh sự thành công của việc sản xuất có kiểm soát được hỗ trợ bởi chương trình marketing điều phối nhịp nhàng, thông qua các điển hình là ngành táo và kiwi của New Zealand.
Bà Wendy Matthews dẫn chứng, năm 2018, lợi nhuận cho nông dân trên mỗi khay kiwi ZESPRIGold, giống của Viện nghiên cứu Thực phẩm và Cây trồng New Zealand đã cao hơn kiwi Hayward khoảng 27%. Còn lợi nhuận theo diện tích cho nông dân trồng kiwi ZESPRI Gold cao hơn kiwi Hayward đến 90%. Tương tự, tại những thị trường trọng điểm như Mỹ và Châu Á, giá bán táo Envy có thể cao hơn các giống táo thông thường đến 80 - 90%.
"Chúng tôi đã phát triển ra 20 loại giống thanh long khác nhau. Hi vọng đến 2021 sẽ giới thiệu được các loại thanh long mới này ra thị trường ở Việt Nam cũng như thế giới", bà Đại sứ chia sẻ.
Theo Danviet
Xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải vượt qua 5 tiêu chuẩn này Thông tin trên fanpage của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giới thiệu về quả thanh long với những ưu điểm như giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng xứ cờ hoa. Việc một loại trái cây nhiệt đới được ca ngợi trên đất Mỹ có thể là một tín hiệu tốt cho nhiều...