Thực hư tác dụng sừng tê giác chữa bách bệnh
Hiện nay, nhiều người tin rằng sừng tê giác là thần dược chữa được bách bệnh nên không ngần ngại bỏ tiền ra để săn lùng cho bằng được. Tuy nhiên, công dụng chưa thấy thì đã “ tiền mất, tật mang”
Sừng tê giác không phải là thần dược chữa bách bệnh
Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, sừng tê giác do chất keratin (chất sừng) tạo ra, tương tự như thành phần cấu tạo của móng tay. Không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư hay các bệnh khác như nhiều người vẫn lầm tưởng. Hơn thế nữa, theo các bác sĩ đông y, hầu hết sản phẩm được cho là sừng tê giác đang có mặt trên thị trường đều là “hàng giả”.
Sừng tê giác không phải là thần dược chữa bách bệnh
Tổ chức Bảo vệ các loài hoang dã quốc tế cũng cảnh báo, sừng tê giác chủ yếu được cấu tạo bởi chất sừng, cũng như thành phần của tóc và móng tay con người. Tuy nhiên, lâu nay nhiều người châu Á vẫn tin sừng tê giác dạng bột có thể chữa bất cứ bệnh gì từ đau đầu tới bệnh gút…
Thực tế, đã từng có người bị nhiễm độc da dị ứng do uống sừng tê giác. Đây là một bệnh nhân nữ 21 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, uống sừng tê giác để chữa nhiệt miệng lâu ngày. Sau khi uống 2 hôm, chị bắt đầu thấy xuất hiện các nốt mụn mủ và ban đỏ ở mặt, ngứa và đau rát, sau đó lan ra hai cánh tay, sốt nhẹ.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, ngoài tác dụng hạ sốt tương đối tốt, các công dụng chữa bệnh khác của sừng tê giác hiện chưa được chứng minh. Bên cạnh đó, nó có nhiều thành phần khá phức tạp với nhiều loại hoạt chất có nguồn gốc xa lạ với con người, nên sừng tê giác hoàn toàn có nguy cơ gây các phản ứng dị ứng và nhiễm độc. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi sử dụng.
Nghiên cứu thành phần hóa học của sừng tê giác người ta thấy chủ yếu là keratin, ngoài ra còn có canxi cacbonat, canxi photphat. Khi thủy phân, sừng sẽ cho các axit amin như tyrosin, axit tiolactic, xystein.
Theo thạc sĩ Toàn, cả trong và ngoài nước chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh sừng tê giác có thể điều trị ung thư hay làm tăng khả năng cương dương. Gần đây, người ta có dùng sừng tê giác để điều trị ung thư, xơ gan… Kết quả điều trị chỉ tốt một phần với thể ung thư huyết nhiệt, còn loại khác nhiều khi lợi bất cập hại.
Ông Toàn cũng khuyến cáo, tê giác đã được đưa vào sách đỏ để bảo vệ và do tin đồn là sừng tê giác quý nên bị làm giả rất nhiều. Từng có người mua phải sừng tê giác được làm bằng bột đá và nhựa tổng hợp. Việc làm giả sừng tê bằng sừng trâu, sừng bò… hiện nay cũng rất tinh vi nên không thể phân biệt được và cũng không có tiêu chí nào để đánh giá thật giả. Thực tế, ở Việt Nam, sừng tê giác rất hiếm và gần như không có, chủ yếu nhập lậu từ châu Phi và Myanma.
Không nên quá kỳ vọng vào công dụng của sừng tê giác
Video đang HOT
Theo Giáo sư Hoàng Bảo Châu, nguyên giảng viên Đại học Y Hà Nội cho biết, với y học cổ truyền, sừng tê giác có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, an thần. Theo thực nghiệm của y học hiện đại, sừng tê giác có tác dụng cường tim, làm giảm sau đó làm tăng bạch cầu, hạ nhiệt, an thần, tác dụng tốt đối với các trường hợp sốt cao, co giật, chữa sung huyết, chảy máu cam, sốt vàng da, ung nhọt, viêm não B, trẻ nhỏ sốt nóng trong mùa hè, ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, thần kinh phân liệt…
Tuy nhiên, mọi người thường dùng sừng tê giác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lưu truyền. Tác dụng của sừng tê giác là thật nhưng đó không phải là thuốc chữa bách bệnh. Người mua đừng thần tượng hóa và quá kỳ vọng vào nó.
Chữa bệnh bằng sừng tê giác gián tiếp làm tê giác tuyệt chủng
Chữa bệnh bằng sừng tê giác làm tăng nguy cơ tuyệt chủng ở tê giác
Theo PGS.TS Bình, sở dĩ giá sừng tê giác đắt, được tính bằng tiền vàng và đô la (khoảng 25.000 đô la Mỹ/kg, 130 triệu đồng/100 gram sừng tê giác – mức giá không ổn định mà liên tục thay đổi) cũng bởi tâm lý của người dân Việt Nam. Những lời đồn thổi sừng tê giác chữa được ung thư, nhất là khi tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam ngày càng cao, khiến cho những gia đình có điều kiện kinh tế một chút đều cố gắng tìm mua bằng được, với hi vọng “còn nước còn tát”.
Hoặc nếu không nhiều người tiêu dùng cũng mua về – tâm lý dự phòng – phòng hơn chữa bệnh: ung thư, viêm gan B, giúp tráng dương bổ thận… Đặc biệt là một số bộ phận có tiền của và địa vị trong xã hội, tìm mua để sở hữu sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp (ví dụ như khi khách quý đến nhà, lấy rượu có pha với sừng tê giác đã mài ra để mời khách…).
Chính vì những điều trên làm cho khá nhiều người tìm kiếm loại “thuốc tiên” này và gián tiếp khiến cho loài tê giác rơi vào nguy cơ tuyệt chủng, biến mất trên trái đất. PGS.TS Bình bày tỏ, việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm là điều hết sức cần thiết. Chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc Đông y, Tây y khác để thay thế dược phẩm có nguồn gốc từ động vật. Việc làm này vừa thể hiện nét văn minh của loài người, vừa góp phần bảo tồn thiên nhiên.
Theo VietQ
Thực hư về "huyền thoại" sừng tê giác chữa ung thư
Thời gian gần đây, "cơn sốt" săn tìm sừng tê giác để làm thuốc kích dục hoặc dùng để chữa khỏi bệnh ung thư đang rộ lên trong giới đại gia Việt. Liệu y học hiện đại có thể đưa ra những lý giải làm rõ thực hư xung quanh những đồn đoán này?
Từ những huyền thoại mang tính hoang đường ...
Từ hàng ngàn năm trước, người Trung Quốc đã tin và sử dụng sừng tê giác như một dược liệu quý hiếm. Kinh nghiệm dân gian này nhanh chóng được du nhập vào Nhật Bản, Hàn Quốc, và nhiều nước châu Á lân cận, trong đó có Việt Nam.
Trong dược liệu Trung Quốc cổ xưa, có gần 70 bài thuốc cổ có sử dụng thành phần từ sừng tê giác, chủ yếu chữa các bệnh như thanh nhiệt, an thần, giảm đau, hôn mê nói nhảm, co giật, các chứng xuất huyết do huyết nhiệt,... Được biết, vào thời kỳ đó, khi chưa có thuốc kháng sinh hiện đại, một số trường hợp nhiễm trùng yếm khí như cam tẩu mã, buộc phải dùng sừng tê giác mới giúp bệnh nhân phục hồi.
Theo thực nghiệm của y học hiện đại, sừng tê giác có tác dụng cường tim, hạ nhiệt, an thần, chữa sung huyết, chảy máu cam, sốt vàng da, mụn nhọt,...
Các bác sĩ, nhà nghiên cứu y học cổ truyền tại buổi hội thảo Y dược Cổ truyền chung tay bảo vệ loài Tê giác.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, "cơn sốt" sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam có chiều hướng tăng cao bởi những tin đồn sừng tê giác có thể chữa khỏi bệnh ung thư, đái tháo đường, làm thuốc kích dục và kéo dài cuộc sống trường thọ! Trước những tác dụng kỳ diệu được tung hô, các đại gia Việt chi tiền tỷ không tiếc tay để có được "thần dược" sừng tê giác. Được biết 1 lạng sừng tê giác có giá khoảng 6000 USD (xấp xỉ 127 triệu VNĐ).
Bên cạnh đó, còn có những câu chuyện mang tính hoang đường hơn như, bát đĩa làm từ sừng tê giác đựng đồ ăn không bị thiu, bị hỏng. Muốn giữ thức ăn ngon, quý hiếm lâu, ngay cả trong ngày hè nắng nóng, chỉ cần để trong bát, đĩa làm từ sừng tê giác, mà phải là loại sừng cắt từ con tê giác khi còn sống. Loại bát "kỳ diệu" này nếu để gạo, thóc,... vào trong, đặt ra giữa sân nhà thì chim chóc, động vật cũng tuyệt đối không dám đến phá, ăn. Thậm chí, có lời đồn, dùng bát đĩa làm từ sừng tê giác, có khả năng chống độc trong thực phẩm?!
"Huyền thoại" này cũng góp phần khiến thị trường mỹ nghệ, chạm khắc sừng tê giác tăng cao tại các quốc gia châu Á. Liên tiếp từ năm 2011, cơ quan tình báo Liên minh châu Âu báo cáo có 56 vụ trộm cắp sừng tê giác trọt lọt từ các bảo tàng, các bộ sưu tập tư nhân, các đồ cổ vật. Cùng với sự giàu có ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á, sừng tê giác trở thành một trong những thứ hàng hiệu xa hoa, thể hiện đẳng cấp đại gia và ngày càng được săn lùng ráo riết.
GS.TS Hoàng Bảo Châu khẳng định: "Không có bất cứ một tài liệu y học nào ghi chép về tác dụng chữa bệnh ung thư."
Các nhà khoa học lên tiếng: Đâu là sự thật?
Vừa qua, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực y dược Việt Nam đã cùng tham dự hội thảo "Y dược cổ truyền chung tay bảo vệ loài tê giác" tại Hà Nội, được phối hợp tổ chức giữa Bộ Y tế và Tổ chức Mạng lưới Giám sát buôn bán động vật, thực vật hoang dã (TRAFFIC tại vùng Đông Nam Á).
Cuộc hội thảo nhằm làm rõ những nghi vấn xung quanh tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác và đưa ra những biện pháp khắc phục tình trạng buôn bán, săn bắt sừng tê giác phi pháp ở Việt Nam hiện nay.
Cuộc hội thảo có sự tham gia của ThS.BS Phan Thị Thu Hiền, Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền, Bộ Y tế; PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền, Bộ Y tế; GS.TS Hoàng Bảo Châu, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương; PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền; ThS. Vương Tiến Mạnh, Đại diện cơ quan Quản lý CITES Việt Nam; TS.Naomi Doak, tổ chức TRAFFIC; và các đại diện đến từ các bệnh viện lớn trên cả nước.
Trong khuôn khổ cuộc hội đàm, các nhà nghiên cứu khẳng định sừng tê giác có tác dụng thanh nhiệt, do đó giảm sốt và trị mụn nhọt công hiệu. Có 6 trên tổng số 7 nghiên cứu về tác dụng của sừng tê giác giảm sốt được thử nghiệm trên động vật đã được y khoa hiện đại ghi nhận. Một thử nghiệm không cho kết quả. Trong 6 thử nghiệm trên, chất thay thế sừng tê giác đều cho kết quả tốt tương tự, thậm chí 2 trong số 3 thử nghiệm cho thấy kết quả thuốc chống viêm không steroid cho kết quả tốt hơn so với sừng tê giác. Nghiên cứu thực hiện trên thỏ còn cho thấy: đường uống không đạt hiệu quả hạ sốt, đường tiêm sừng tê giác dưới dạng thuốc nước mới làm giảm cơn sốt thực sự.
Các nghiên cứu hiện đại để kiểm chứng các tác dụng chữa bệnh khác từ sừng tê giác như: làm giảm đau, kháng khuẩn, an thần, chống xuất huyết, chống viêm cũng đã được tiến hành. Kết quả cho thấy 4 trên 5 bệnh trên đều có thể dùng dược liệu thay thế. Các nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng trong 4 trên 5 bệnh trên, dùng sừng tê giác không mang đến hiệu quả tốt hơn thuốc tây y.
Riêng về tác dụng giúp cơ thể dẻo dai, cường dương, kéo dài tuổi thọ, đến nay chưa có bất kì nghiên cứu khoa học nào chứng minh. Tổ chức TRAFFIC cùng phối hợp với các chuyên gia y dược học cổ truyền Việt Nam và thế giới đã dành nhiều năm tra cứu mọi tư liệu sách y dược uy tín liên quan và nhận thấy: Tác dụng kích dục cũng hoàn toàn không được ghi chép trong mọi sách dược liệu xưa của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như Việt Nam. Tin đồn này chỉ mới xuất hiện trong mấy năm trở lại đây và được lan truyền nhanh chóng. Cơ quan chức năng đã điều tra và phát hiện các thông tin về tác dụng trường thọ, giải rượu, kích dục xuất phát từ một số website của các công ty buôn bán và sản xuất dược liệu từ sừng tê giác trái phép tại Trung Quốc.
Những hiểm họa khôn lường
Hiện nay, trên các website không đảm bảo độ xác thực, ngày càng có thêm những tác dụng chữa bệnh mới không ngờ từ sừng tê giác như chữa đái tháo đường, đột quỵ, bệnh sởi,v.v... Tuy nhiên, vẫn có không ít người cả tin, dẫn đến nhiều trường hợp hao tốn tiền của dẫn đến chuyện tiền mất mà tật vẫn mang...
Gần đây, một nữ bệnh nhân, 21 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã phải nhập viện vì tự ý sử dụng sừng tê giác theo lời truyền miệng. Chị bị nổi mụn ở miệng đã lâu không khỏi, nghe sừng tê giác có thể chữa mọi ung nhọt, liền chi một số tiền lớn mua bột sừng tê giác tự chữa tại nhà. Sau khi sử dụng, chị bị sốt, mụn mọc lan ra toàn thân, có thêm các mẩm ban đỏ, buộc phải đến bệnh viện Bạch Mai điều trị. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tường, công tác tại Trung tâm Miễn dịch Dị ứng Lâm sàng kết luận: đây là trường hợp di ứng do ngộ độc sử dụng thuốc từ sừng tê giác. Đây là một lời cảnh báo chung cho tất cả những ai còn ảo tưởng về sừng tê giác trị bách bệnh, và tự ý chữa bệnh theo các bài thuốc truyền miệng dân gian, không có sự giám sát của y bác sĩ.
Từ năm 1994, Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước về Buôn bán quốc tế những loài động vật hoang dã nguy cấp (CITES). Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP để bảo tồn động vật hoang dã. Theo đó, tham gia mua bán sừng tê giác, hoặc sử dụng sừng tê giác đều là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử phạt theo đúng quy định luật pháp.
Lý giải về tin đồn sừng tê giác có thể chữa khỏi bệnh ung thư, GS.TS Hoàng Bảo Châu khẳng định: "Không có bất cứ một tài liệu y học nào ghi chép về tác dụng này. Trong dược liệu cổ xưa của người Trung Quốc có ghi: sừng tê giác trị ung thư, nhưng từ "ung thư" trong sách cổ thời ấy có nghĩa là: mụn nhọt, hoàn toàn không liên hệ tới căn bệnh ung thư (cancer) mà y học phương Tây cũng đang phải bó tay hiện nay. Việc nhầm lẫn khi đọc văn thư cổ có thể là nguồn gốc của những tin đồn thất thiệt, gây ra ảo tưởng và việc hao tiền tốn của cho những bệnh nhân thiếu hiểu biết."
Theo Thúy Nga
Sức khỏe & Đời sống
Mách bạn các thực phẩm "đánh bay" cái nóng mùa hè Ăn uống cũng là một giải pháp hiệu quả giúp bạn giảm nhiệt, "đánh bại" cái nóng mùa hè, lại tăng cường năng lượng cho cơ thể. Nhưng ăn gì để "mát"? Một vài gợi ý dưới đây giúp bạn giải nhiệt và "đánh bay" cái nóng mùa hè. 1. Dưa hấu, dưa chuột, cà chua... Có một lý do dưa hấu, dưa...