Thực hư mảnh đất “ma ám” khiến cả làng đập phá nhà cửa
Chỉ trong một thời gian ngắn trong làng có đến 5 người chết. Trong đó có 1 người chết không rõ nguyên nhân, còn 4 người còn lại đang khỏe mạnh tự nhiên bệnh tật rồi treo cổ tự tử.
Những cái chết bất ngờ khiến tất cả 16 hộ dân ở trong tổ dân cư số 2 thôn Bút Tưa ( xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) tự ý đập phá nhà cửa của mình về ở nhờ trong nhà người thân. Dù được chính quyền nhiều lần vận động thế nhưng họ thà ở trong chuồng bò nhà anh em, chứ không chịu quay lại nhà cũ vì cho rằng làng cũ có ma.
Anh A Lăng Cam, người thôn Bút Sơn chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà mà anh giúp gia chủ tháo dỡ.
Những người “thi gan” với nỗi sợ mơ hồ
Anh A Lăng Điều, Trưởng thôn Bút Tưa đã đưa chúng tôi đến ngọn đồi heo hút, nằm cheo leo trên dãy Trường Sơn, nơi trước đây được gần hai mươi hộ dân với gần 100 nhân khẩu tổ dân cư số 2, thôn Bút Tưa chọn làm nơi sinh sống. Chúng tôi bàng hoàng khi phải chứng kiến những ngôi nhà xây kiên cố đang bị đập phá tan hoang, nền nhà ngổn ngang gạch ngói và những thứ bị người dân bỏ lại. Mọi thứ xung quanh lạnh tanh chẳng một bóng người khiến cảm giác thật rờn rợn, da gà nổi lên hàng loạt.
Anh A Lăng Điều cho biết: “Vào năm 2005, thay vì đưa trực tiếp tiền đền bù đất nông nghiệp, hoa màu trên đất cho bà con đồng bào Cơ Tu sinh sống ở thôn Bút Tưa thì Ban quản lý dự án Thủy điện Sông Côn 2 quyết định xây nhà tái định cư cho 19 hộ dân còn khó khăn về nhà ở, ở một ngọn đồi nằm cạnh ngay con đường dẫn vào Thủy điện Sông Côn 2, cách chỗ ở cũ chưa đầy 500m. Ngay sau đó không lâu, 19 hộ hân hoan làm lễ mừng nhà mới, chia tay cha mẹ, anh em để đến sinh sống ở những ngôi nhà mới trị giá hàng trăm triệu đồng, được bê tông hóa đến tận hiên nhà.
Tuy nhiên, kể từ khi mọi người chuyển về nhà mới sinh sống, mà sau này được đặt là tổ dân cư số 2, thôn Bút Tưa trên mảnh đất mà họ vừa bỏ đi khi chỉ trong thời gian ngắn có đến 5 người chết. Vào năm 2005, chồng của chị A Lăng Thị Cứu (SN 1970) chết không rõ nguyên nhân. Từ đó đến nay, trong thôn còn có 4 người đàn ông treo cổ tự tử chết. Trước đây, mỗi lần trong thôn Bút Tưa có người tự tử, nhờ sự kịp thời của chính quyền địa phương nên những người dân ở đây đều đồng ý ở lại sinh sống trong làng cũ.
Thế nhưng lần này, tất cả 16 hộ dân đã quyết định đập phá nhà cửa của mình, mang theo tất cả đồ đạc của gia đình về nơi ở nhờ trong các nhà người quen, anh em của mình chứ nhất định không chịu quay lại nhà cũ. Chỉ còn ba hộ dân “bình tĩnh” ở lại nhờ lập trường vững vàng cũng như “may mắn” khi những căn nhà của họ nằm tách biệt với nơi sinh sống của 16 hộ dân trên. Khi chỉ trong vòng hơn một tháng trong thôn có hai người treo cổ tự tử. Gần đây nhất là ngày 3/2/2014, A Lăng Nghĩa (SN 1982) treo cổ tự tử trên xà nhà. Trước đó, vào cuối tháng 12/2013, A Lăng Tròn (SN 1977) treo cổ tự tử. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến chính quyền địa phương không kịp trở tay, chỉ còn biết lắc đầu ngao ngắn tiếc rẻ những ngôi nhà hàng trăm triệu đồng bị phá bỏ.
Tìm về tổ dân cư số 1 (thôn Bút Tưa), nơi 16 hộ dân đang sinh sống trong nhà người quen, anh em. Dọc con đường vào thôn, ngổn ngang những xà cột, tôn lợp mà người dân vừa tháo dỡ, nay chất đống chờ dựng nhà mới. Nhiều căn nhà nay là nơi sinh sống cũng như để đồ dùng sinh hoạt của ba, bốn thậm chí là năm hộ gia đình. Hộ chị A Lăng Thị Liếc do nhà em trai không còn chỗ ở trong nhà nên phải chui rúc trong chiếc chuồng bò trước nay bỏ hoang. Năm hộ gia đình không có nhà ở phải dựng tạm lều trên bãi bồi của thôn Bút Tưa ở tạm. Tất cả họ đều nhất định không chịu quay lại những căn nhà cũ trị giá cả trăm triệu đồng vì… sợ ma.
Họ bảo trước khi chuyển về làng mới không có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng, từ khi họ chuyển về làng mới thì trong làng có 16 hộ dân thì có đến 5 người tự tử, không sợ sao được. Nhất là đối với A Lăng Tròn, A Lăng Nghĩa trước khi chuyển về nhà mới họ đều là những thanh niên khỏe mạnh. Sau khi chuyển về nhà mới, họ đều mắc bệnh thần kinh. A Lăng Nghĩa trước khi treo cổ tự vẫn còn nhiều lần dùng dao truy đuổi mẹ ruột nhưng bà đều may mắn thoát được, không tự chủ được hành vi bản thân. Thậm chí, hàng xóm của anh Nghĩa còn cho biết thay vì ngủ dưới giường như người bình thường thì anh thường treo mình lên xà nhà mỗi khi đi ngủ.
Giải mã những câu chuyện rùng rợn
Sau cái chết của A Lăng Tròn, rồi A Lăng Nghĩa, rất nhiều đồng bào Cơ Tu sinh sống trong tổ dân cư số 2 luôn tỏ ra lo lắng, sợ sệt. Để củng cố niềm tin của mình, họ đã đi xem rất nhiều thầy cúng uy tín ở trong vùng, tất cả các thầy cúng đều nói rằng mảnh đất mà họ đang sinh sống có ma ám, không ở được nữa, phải chuyển đi nơi khác ở mới có thế yên ổn làm ăn được. Chính vì vậy, sau khi ăn xong Tết Nguyên đán, tất cả những ngôi nhà đồng loạt được họ nhờ bạn bè anh em ở các thôn xung quanh đến tháo dỡ chứ không dám tự mình phá bỏ vì sợ ma ám.
Video đang HOT
Tìm về tổ dân cư số 1, thôn Bút Tưa nơi 16 hộ dân đang ở nhờ trong nhà người thân anh em, chúng tôi gặp chị A Lăng Thị Liếc đang sắp xếp lại đống bát đĩa mà chị vừa chuyển từ nhà cũ về. Khi hỏi chị đã gặp ma ở nhà cũ bao giờ chưa thì chị luôn tỏ ra sợ sệt, chỉ đến khi mẹ chồng chị đứng bên cạnh trấn an, thì chị nói chưa gặp. Thế nhưng khi ở trong nhà cũ thì chồng con chị luôn bất an, nhiều đêm thức trắng không ngủ được. Kể từ khi chuyển về ở nhờ nhà em chồng dù phải ở tạm trong chuồng bò thế nhưng chồng và các con tôi có thể ngủ ngon yên tâm làm ăn.
Rất nhiều người khi được hỏi thăm có biết vì sao làng cũ có ma ám thì họ đều lảng tránh câu hỏi bằng những cuộc trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ riêng của đồng bào Cơ Tu. Phải rất vất vả lắm mới trò chuyện được với A Lăng Đan, già làng thôn Bút Tưa, người đang nắm “quyển sử làng” của mảnh đất này. Lý giải về lịch sử mảnh đất mà được ban quản lý Dự án thủy điện Sông Côn 2 dùng để dựng nhà cho 16 hộ dân ở tổ dân cư số 2, thôn Bút Tưa, già làng A Lăng Đan cho biết: “Lúc ông còn bé, mảnh đất này từng diễn ra cuộc giao tranh giữa thanh niên làng Bút Tưa cùng với trai làng bên khiến nhiều người chết”.
“Lúc đó do điều kiện còn nhiều khó khăn khi chiến tranh xảy ra liên miên, dân làng phải chạy giặc thường xuyên nên không có điều kiện chôn cất những người chết cho tử tế, cũng như làm lễ thờ cúng đàng hoàng. Mà theo phong tục thờ cúng tổ tiên, tâm linh của người Cơ Tu thì những người chết không được dân làng thờ cúng đàng hoàng sẽ về ám, trừng phạt những người đang sinh sống trên mảnh đất mà họ chết trước đây. Trong phong tục của đồng bào Cơ Tu thì những mảnh đất có người chết do đánh nhau được coi là những mảnh đất xấu, đất không sạch. Khi chọn nơi để dựng nhà thì cũng không chọn những mảnh đất như vậy”, già làng A Lăng Đan giải thích.
Theo Phunutoday
Dân đốt sạch nhà cửa... đuổi "ma"
Xã Trà Tập, huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) những ngày đầu năm xôn xao về câu chuyện chồng say xỉn giết vợ rồi treo cổ tự tử, để lại 4 đứa trẻ mồ côi. Cho rằng hai vợ chồng bị "ma ám, ma bắt", dân làng đốt sạch nhà cửa để đuổi ma ra khỏi làng.
Đốt nhà đuổi ma
Thôn 3 Trà Tập là nơi cư trú của người đồng bào Ca Dong. Từ trung tâm xã, đến thôn 3 phải cuốc bộ gần nửa ngày đường. Câu chuyện đau lòng về cái chết của cặp vợ chồng Nguyễn Ngọc Sơn (39 tuổi) và chị Hồ Thị Xoa (34 tuổi) khiến người dân trong thôn vừa thương xót vừa hoang mang. Căn nhà và tài sản hai vợ chồng nay chỉ là đống tro tàn sau án mạng.
Không còn bố mẹ và nhà cửa, bé Nguyễn Thị Nhơn (11 tuổi) phải tá túc ngay tại trường tiểu học Trà Tập
Ông Hồ Văn Vinh, trưởng thôn 3, kể lại: Ngày mồng 4 Tết, anh Sơn đi rừng, bắt được một con khỉ nhỏ và làm thịt. Có mồi ngon, lạ, Sơn gọi thêm mấy chiến hữu đến nhà uống rượu đầu năm.
Cuộc nhậu bắt đầu từ chiều cho tới tối hôm đó. Thấy chồng và bạn bè say xỉn nhưng vẫn nhậu tiếp, Xoa có khuyên ngăn. Sơn cho rằng vợ cằn nhằn khó chịu, làm mất mặt chồng. Cả hai lời qua tiếng lại.
Bạn nhậu bỏ về, Sơn liền kéo Xoa ra sau nhà dùng dao đâm chết ngay tại chỗ. Dân làng phát hiện, Sơn bỏ trốn vào rừng. Cơ quan chức năng địa phương cùng dân làng tìm kiếm và phát hiện Sơn đã treo cổ tự tử tại bìa rừng.
Khám nghiệm hiện trường xong xuôi, cơ quan chức năng bàn giao thi thể, cả làng họp lại chọn ngày mai táng cho vợ chồng xấu số. Tuy nhiên, vì sợ ma nên dân làng quyết định đốt sạch nhà cửa và tài sản của hai vợ chồng cũng như vật dụng của con cái để... "đuổi ma"!
"Thằng Sơn nó bị con ma ám chứ không phải say rượu đâu. Nó bị ma ám nên mới giết vợ. Nó treo cổ tự tử là chết xấu đó. Phong tục của người Ca Dong một khi chết xấu thì không nên để lại ngôi nhà và đồ đạc của con ma xấu. Nếu không đốt con ma sẽ làm hại dân làng"- một người dân thôn 3 nói, ánh mắt sợ hãi.
Nhà cửa kiên cố ở Bút Tưa đã bị dân làng đập bỏ không thương tiếc. Ảnh: Nguyễn Thành
Dân làng giết gà heo của hai vợ chồng làm lễ cúng tế trước khi đốt nhà. Ngọn lửa bùng cao, chốc lát đốt sạch tất cả, bốn đứa trẻ mồ côi, còn duy nhất bộ áo quần trên người chỉ biết đứng khóc trong tiếng reo hò của dân làng. Người dân tin rằng đốt nhà là đã đuổi được con "ma rừng".
Sau khi đốt sạch nhà, dân làng tổ chức ăn uống linh đình. Khu vườn của hai vợ chồng trở thành nỗi ám ảnh với dân làng, không ai dám bén mảng tới.
Già làng Hồ Văn Chung nói: "Vợ chồng Sơn chết là do ma làm, làng phải đuổi con ma để trừ hậu họa".
Sau cái chết hai vợ chồng xấu số, ông Hồ Văn Quyên (em của chị Xoa) trú cùng thôn đón nhận các cháu về nuôi. Nhìn cảnh bốn đứa trẻ lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi sớm chịu cảnh mồ côi, nheo nhóc nhiều người không cầm được nước mắt. Ma men đã lấy đi tính mạng của bố mẹ các em. Còn hủ tục của dân làng đã đẩy các em vào cảnh không nhà để nương thân, tương lai mịt mùng.
Trưởng thôn Vinh chia sẻ: "Phong tục người Ca Dong là thế. Dù chính quyền có khuyên nhủ nhưng lời già làng đưa ra thì người dân phải tuân theo thực hiện".
Bỏ làng vì sợ
Câu chuyện làng Bút Tưa (Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam) xôn xao cả huyện miền núi Đông Giang những ngày sau Tết. Bút Tưa không cách trở hẻo lánh, đường bê tông phẳng lỳ dẫn đến đầu làng.
Cuộc sống người dân nơi đây ổn định, nhà cửa khang trang nhờ nhiều hộ trước đó dự án thủy điện Sông Kôn thực hiện được đền bù một khoản tiền tương đối.
Tất cả được người dân dùng xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng. Thế nhưng nay khu dân cư tổ số 2, thôn Bút Tưa tan hoang, tiêu điều khi tất cả bị phá bỏ và tháo gỡ. Trên những đống hoang tàn không có một bóng người dân xuất hiện.
Câu chuyện bắt đầu từ khi trong làng có 4 người thắt cổ tự tử. Cụ thể hơn, vào đầu tháng 12/2013, anh Alăng Tròn (SN 1974) thắt cổ tự tử tại nhà. Sau hơn 1 tháng, hôm mùng 4 Tết không hiểu vì chuyện gì, đến lượt anh Alăng Nghĩa (SN 1981) thắt cổ tại nhà mình giống với những người trước đó.
Liên tiếp 2 cái chết giống nhau, người dân khiếp đảm. Một đồn lên mười, khiến họ hoang mang, lo lắng. Rồi ngày 9/2 vừa qua khi nỗi sợ hãi đã lên cao, 13 hộ dân tổ 2 tiến hành tháo dỡ, phá nhà rồng rắn kéo nhau tìm nơi ở mới.
Những căn nhà trị giá hàng chục triệu đồng được dân làng đập đi không thương tiếc. Vùng đất nhộn nhịp bỗng chốc thành bãi đất hoang bí ẩn với dân trong vùng.
Cụ A Lăng Kiên sống trong căn lều tạm bợ sau khi quyết định bỏ làng ra đi
Khu dân cư tổ 2 có 16 hộ, 244 nhân khẩu nhưng nay có 13 hộ đã bỏ làng đi, còn lại 3 hộ bám trụ lại. Với dân trong vùng, mảnh đất này là đất xấu. Bởi thế, từ ngày nơi đây có người chết vì treo cổ dân làng chặt cây gai, cây xương rồng rào chắn lối vào để chặn ma không cho vào làng.
Quan niệm về "con ma" và những cái chết xấu vốn ám ảnh người dân mấy chục năm qua. Dân làng Bút Tưa kể lại rằng: Trước đây dân làng sinh sống ở ngọn đồi cách khu dân cư tổ chừng 1km.
Năm 1980, có ông Alăng Dhuốc thắt cổ tự tử, dân làng cho là chết xấu. Quan niệm truyền đời của người Cơ Tu rằng phải di dời nơi ở mới, nên năm đó mọi người trong làng giết sạch vật nuôi trong gia đình, đốt hết tài sản cúng cho "ma xấu" rồi về vùng đất này (nay có khu dân cư tổ 1 và tổ 2, thôn Bút Tưa).
"Dân bỏ làng thì chuyện đã lỡ rồi. Có nói mấy họ cũng không quay lại. Mong sao sớm nhận được sự hỗ trợ kịp thời để bà con sớm ổn định cuộc sống, làm lại từ đầu". Ông Điều nói
Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ yên ổn, nhưng đến năm 2007, ông Alăng Nhất (ở tổ 2) không biết buồn vì chuyện gì thắt cổ tự tử trong đêm tại nhà. Dân làng năm ấy điêu đứng, họ bỏ tiền của, giết thịt nhiều lợn gà, chó... để xua đuổi tà ma.
Cụ Alăng Kiên (73 tuổi), là một trong 13 hộ dân phá nhà, bỏ làng ra đi. Hỏi về nhà cũ, chần chừ một hồi cụ mới lên tiếng.
"Đất xấu, có ma thì phải đi. Làng có mấy cái nhà xây to đùng, có cái cả trăm triệu cũng đập mà đi. Không đi, ở lại để con "ma" nó bắt à. Đã bỏ đi thì không bao giờ quay lại nữa", cụ Kiên nói trong nỗi sợ hãi.
Bỏ làng ra đi, để có chỗ sinh hoạt, cất giữ đồ đạc, cụ Kiên cùng gia đình của 2 người con trai và một gia đình của đứa cháu dựng một cái lều trên khoảnh đất cạnh khu dân cư tổ 1 của thôn Bút Tưa. Căn lều rộng chừng 30m2, tổng cộng có 4 hộ gia đình hơn 10 người cùng một khối tài sản mang theo.
Gia đình Alăng Thừa, một hộ dân bỏ làng ra đi cùng cảnh ngộ. Hiện hai vợ chồng anh Thừa cùng 2 người con đang xin tá túc với người em trai ở khu dân cư tổ 1, thôn Bút Tưa. Giống cụ Kiên và người dân trong làng, khi hỏi về chuyện làng cũ Thừa đều tỏ vẻ khiếp sợ: "Ở lại là con ma nó bắt chết xấu, là mất tất cả. Mình còn sống thì sẽ làm được nhà mới, lo gì".
Ông Alăng Điều, trưởng thôn Bút Tưa, cho biết: Hai ngày trước cuộc tháo chạy khỏi làng của 13 hộ dân, chính quyền xã đã có mặt tại làng để thuyết phục bà con. Thế nhưng quan niệm của người dân bao đời nay đã vậy, nên họ không nghe, chính quyền đành bất lực. Sau đó, lãnh đạo huyện có mặt tại làng, họp dân khuyên bảo bà con nhưng họ cũng bỏ làng ra đi tìm nơi ở mới. Quan niệm của người Cơ Tu là vậy, đã đi thì không ai ngăn nổi".
Theo Nguyễn Thành (Tiền Phong)
Những cái 'chết xấu' khiến cả làng run sợ vì bị ma hành Nghe tin dữ về một làng người dân tộc Cơ Tu bỏ làng vì bị con ma xấu làm chết người, chúng tôi đã lên vùng núi huyện Đông Giang, Quảng Nam để đi tìm sự thật. Tin đồn ma làng khiến cả làng lo sợ Từ quốc lộ 14G, theo con đường bê tông rộng 3m, phẳng lỳ dẫn vào Nhà máy...