Thực hư giếng thần xứ Mường và khúc gỗ “trấn” long mạch
Từ lâu lắm rồi, người bản Khộp xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn, Hòa Bình) đã thấy giếng thần ngự ngay đầu bản. Và dưới đáy của giếng thần là khúc gỗ kỳ lạ cũng không biết có tự bao giờ. Nếu vớt khúc gỗ ấy lên, cả bản Khộp sẽ không còn một giọt nước.
Giếng không bao giờ cạn
Ông Bùi Văn Chấn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu tự hào: “Xã miền núi chúng tôi có cái giếng thần nghìn tuổi. Dù trời có hạn thì đồng ruộng cũng không sợ hết nước”. Nói xong, ông dẫn chúng tôi đến bản Khộp cao chót vót trên đỉnh núi để mục sở thị giếng thần kỳ lạ này.
Quan sát kỹ, đó là một mó nước đã được xây dựng lại, bốn bên được đổ bằng bê tông vuông vức. Ông Bùi Văn Huy, Trưởng ban Văn hóa xã Ngọc Lâu cho hay: “Trước đây, giếng thần là một mó nước tự nhiên. Vì sợ bị mai một nên chúng tôi cho xây dựng tường bao để bảo vệ. Tuy nhiên, tính linh thiêng và mực nước trong giếng vẫn không hề thay đổi”. Lạ cái, trải qua nhiều mùa khô hạn, nhưng nước giếng chưa bao giờ vơi cạn dù cho cả làng có múc đổ đi hay dùng máy bơm ra ngoài.
Năm nay đã hơn 90 tuổi, cụ Bùi Văn Én là người được thấy và nghe nhiều câu chuyện thần kỳ quanh giếng nước này: “Sống gần hết đời người và ăn ở với giếng thần nên tôi biết nó thiêng lắm. Các anh có vứt chất bẩn gì xuống đó thì nước vẫn trong vắt và người làm bẩn giếng chắc chắn sẽ bị trừng phạt”. Cụ Én còn kể, từng có người bị méo mồm vì chửi thề ngay bên giếng. Gia đình đưa anh ta đi các thầy lang nhưng không ai chữa khỏi, cuối cùng phải về thắp hương xin lỗi thần giếng và múc nước cho uống thì bệnh tình mới thuyên giảm.
Không biết những câu chuyện ấy thực hư đến đâu nhưng tất cả người Mường ở bản Khộp nói riêng và người dân xã Ngọc Lâu nói chung đều rất kính cẩn trước giếng thần. Họ coi đó là biểu tượng linh thiêng nhất của người Mường bản địa và là nguồn sống của người dân vùng núi đá này.
Tục tắm tiên và lời đồn ma quái
Trẻ em uống nước giếng thần mà không cần đun sôi
Cũng không biết từ khi nào, người dân nơi đây có tục tắm tiên ngay bên miệng giếng. Theo ông Bùi Văn Huy, người bản Khộp ngày nào cũng tắm tiên. Họ tập trung vào khoảng 11h trưa và từ 5h chiều cho đến lúc tối mịt. Giờ cao điểm có đến hàng trăm người xếp hàng lũ lượt chờ đợi để được tắm. Tất cả già trẻ trai gái đều tắm trần với nhau mà không mảy may có một ý nghĩ xấu nào. Họ tắm tiên tại giếng với mong ước được gột rửa những tội lỗi trong bản thân để trở nên trong sạch hơn. Hầu hết con gái bản Khộp đều có làn da rất trắng và mịn màng. Họ bảo, đó là do tắm bằng nước giếng thần.
Về tục tắm tiên của người bản Khộp, theo lời cụ Én, có liên quan đến lời đồn ma quái cách đây hàng trăm năm: “Thời ấy, có con ma rừng hay đi bắt người mang về hang trên núi. Con ma rừng đã hại rất nhiều người bản Khộp mà không có cách nào ngăn chặn được. Thế rồi, có một pháp sư người Mường Bi từ dưới sông Mã đạp nước cưỡi mây dùng bùa phép trấn yểm con ma này. Pháp sư căn dặn dân làng phải tắm ở nước giếng thần thì con ma mới không dám bắt. Thế rồi, từ đó đến nay người bản Khộp có tục tắm tiên nổi tiếng khắp tỉnh Hòa Bình”.
Video đang HOT
Khúc gỗ lạ kỳ
Cụ Bùi Văn Én kể chuyện giếng thần
Tất cả những chuyện huyền bí quanh giếng thần Ngọc Lâu đều có mối liên hệ với khúc gỗ kỳ lạ dưới đáy giếng. Cụ Bùi Văn Beo, nhà ngay cạnh giếng thần cho biết: “Khúc gỗ ấy không hề bị mối mọt, nó cứng như thép và nằm dưới đáy giếng cả nghìn năm nay rồi”.
Chính cụ Beo cũng không hiểu tại sao khúc gỗ ấy lại nằm dưới đáy giếng và có liên quan gì đến mạch nước của giếng thần. Cụ chỉ nhớ câu chuyện mà cha ông hay kể lại: “Khúc gỗ dưới đáy giếng là cành của cây Nhội. Theo truyền thuyết thì gốc của nó ở cánh đồng Nà Cả trên xóm Điện xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình), cách bản Khộp gần chục kilômét về hướng tây bắc. Đó là một cây Nhội lớn, tán lá che phủ 3 xã vùng cao ở Lạc Sơn này. Trong vùng lại có hai anh em, người em ở bản Khộp làm ăn khấm khá, người anh ở xóm Điện ghen tức nên chặt cây Nhội đi. Cành cây Nhội đổ trúng nhà người em và tạo thành cái giếng và khúc gỗ dưới đó là phần còn lại của cây Nhội ấy”.
Nhưng kể cũng lạ, khúc gỗ ngâm dưới nước bao nhiêu đời nay mà vẫn không hề mục ruỗng. Theo ông Bùi Văn Huy: “Gỗ Lim mà ngâm xuống nước lâu ngày cũng sẽ bị ruỗng nhưng người bản Khộp đều biết khúc gỗ kỳ lạ kia đã nằm dưới đáy giếng cả bao nhiêu đời mà vẫn cứng như thép. Rìu và dao rựa chặt vào đều bị mẻ mà khúc gỗ vẫn không hề trầy xước”.
Tưởng nước giếng thần sẽ không bao giờ cạn nhưng một chuyện khiến cả bản Khộp phải hoảng hồn xảy ra vào năm 1996. Năm ấy, tổ chức UNICEF hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình nước sạch phục vụ cộng đồng ở các xã vùng cao, trong đó có xã Ngọc Lâu. Địa điểm giếng nước thần là một trong những điểm nằm trong bản quy hoạch nạo vét. Để thực hiện việc đó, người ta phải làm sạch tất cả bùn đất và mọi thứ nằm dưới đáy giếng. Chính ông Trưởng bản Bùi Văn Lơ là người được giao nhiệm vụ trục vớt khúc gỗ ấy lên.
Ông Lơ cùng mấy trai bản khỏe mạnh dùng dây thừng, đòn dài và phải vất vả cả ngày mới đưa khúc gỗ Nhội ấy lên được trên bờ. Thật kỳ lạ, chỉ một đêm mà dưới giếng không còn một giọt nước nào. Tất cả khu vực xung quanh biến thành “hoang mạc”. Đất đai quanh giếng trở nên khô nứt nẻ và nhiều hiện tượng kỳ lạ khác xảy ra ngay hôm ấy.
Theo trí nhớ của ông Lơ, đó là một ngày kỳ lạ. Bầu trời ở bản Khộp trở nên u ám khác thường, người dân trong bản đều cảm thấy nôn nao khó chịu trong người, trẻ em khóc thét cả ngày không ai dỗ được… Cả bản hoảng loạn, không ai dám nói với ai câu nào, họ chỉ biết đứng như mất hồn trước miệng giếng mà nhìn. Lo sợ có điều chẳng lành, các cao niên trong bản mới họp nhau lại và quyết định trả khúc gỗ ấy xuống giếng. Ngay lập tức, các tia nước bắn lên và chỉ một lúc sau mọi chuyện trở lại bình thường. Người bản Khộp thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, dự án cải tạo giếng thần vẫn phải thực hiện. Để tránh mọi chuyện bất trắc xảy ra, người dân bản đã mời thầy Mo Mường về làm lễ rất chu đáo và trai làng được lệnh vớt khúc gỗ ấy lên. Và một lần nữa, sau khi khúc gỗ được đặt trên bờ, nước giếng lại bắt đầu cạn không còn một giọt nhưng những chuyện gây hoang mang như lần trước không xảy ra nữa. Từ ngày đó đến nay, người dân bản địa càng tin vào sự linh thiêng kỳ lạ của giếng thần.
Lời nguyền nghìn tuổi
Lý giải về sự kỳ lạ của khúc gỗ, cụ Én cũng chỉ nhớ mang máng về một lời nguyền đã từ lâu lắm rồi. Đó là lời nguyền liên quan đến đến việc giữ rừng, giữ nước của người Mường thời xưa.
Tuy nhiên theo cụ Én, lại có một câu chuyện khác mang tính thần thoại nhưng được nhiều người tin hơn cả. Rằng khúc gỗ ấy là vật trấn yểm của thầy pháp sư sau khi đánh nhau với ma rừng. Đó là một phần của cây gậy thần mà vị pháp sư đã dùng để đánh đuổi ma rừng để cứu người bản Khộp. Khúc gỗ ấy được trấn yểm dưới đáy giếng cùng với một lời nguyền bí ẩn nhằm khơi long mạch cho người bản Khộp được tắm rửa tránh ma tà. “Chính vì thế mà cả nghìn năm nay, khúc gỗ ấy mới không bị mục ruỗng”, cụ Én lý giải.
Thực hư câu chuyện bí ẩn ở giếng thần Ngọc Lâu vẫn còn nhiều điều phải khám phá. Tuy nhiên, càng đi sâu vào câu chuyện dường như càng khó tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. Người bản Khộp cũng chỉ biết tin vào giếng thần như một vị thần bản mệnh cho dân làng và họ cố gắng bảo vệ khúc gỗ dưới giếng ấy như một báu vật mà thần linh đã ban tặng.
Theo ANTD
Bí ẩn giếng nước thần trên đỉnh núi
Giếng nước án ngữ trên một khu rừng thông ở độ cao hàng trăm mét nơi giáp ranh giữa ba xã liền kề nhau. Chỉ sâu khoảng 1m, nhưng điều kỳ lạ là nước của giếng không bao giờ cạn, quanh năm trong vắt. Từ lâu, người dân trong vùng đã xem đây như một báu vật, đồng thời truyền tai nhau không ít câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.
Truyền thuyết về giếng Ông Cụt
Gợi hỏi chuyện "giếng thần", ông Nguyễn Đông Thành (62 tuổi), nguyên là chủ tịch xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An những năm 1988-1993, kể cho chúng tôi nghe sự tích bấy lâu nay vẫn lưu truyền trong dân gian.
Chuyện kể rằng ngày xưa ở làng Phú Mỹ (xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu ngày nay) có vợ chồng một người nông dân họ Nhữ sinh ra một cái bọc, trong bọc là một đôi rắn. Người chồng rất buồn nhưng người vợ khuyên rằng trời cho con nào thì nuôi con đó, nên giữ lại.
Ông Nguyễn Đông Thành - Nguyên là chủ tịch xã Quỳnh Mỹ (bên phải)
kể chuyện về giếng Ông Cụt cho phóng viên
Hai con rắn lớn rất nhanh và thường xuyên đi theo người bố. Một lần sau cơn mưa, người chồng đi đắp bờ giữ nước, hai con rắn cũng đi theo. Chúng tinh nghịch lấy đuôi dùi thủng bờ để nước ruộng trên chảy xuống ruộng dưới, lấy thế làm thích thú. Thấy nước rò, người bố liền lấy xẻng xăm bờ lại. Chúng lại dùi, người bố lại xăm mà không hay biết. Một lần vô tình, lưỡi xẻng của người bố đã chặt đứt đuôi một con rắn.
Giận bố, hai con rắn cho là người bố cố ý hại con nên rủ nhau về phục trên cổng ngõ bằng tre chờ người bố về để mổ cho chết. Người bố biết liền xin rằng: "vì bố mải đắp bờ giữ nước nên vô tình làm con bị thương. Xin hai con hãy tha cho bố". Hai con rắn liền bỏ đi.
Sau này con rắn đứt đuôi được dân làng gọi là Ông Cụt, còn con rắn còn đuôi gọi là Ông Dài. Ông Cụt bị mất đuôi ra nhiều máu nên rất khát nước. Khi đi qua vùng này phát hiện thấy mạch nước liền ủi cho nước trào lên để uống và dưỡng thương nhiều ngày nên vũng nước sau có tên là giếng Ông Cụt.
Sau này, có người đi rừng tìm được giếng, thấy nước trong, ngọt lạ thường đã mách cho nhiều người khác. Kể từ đó, giếng nước trở thành tài sản quý cho những người đi rừng, nhất là trong những ngày hè nóng nực. Trải qua thăng trầm, giếng Ông Cụt trở thành chỗ... trâu bò thả trên rừng tìm đến uống nước, tắm mát. Hiểu được tầm quan trọng của giếng, năm 1993 sau khi có Nghị định giao đất giao rừng, những hộ dân ở xóm 11, Quỳnh Mỹ liền góp tiền mua xi măng, chở cát đá lên xây thành để bảo vệ giếng.
Những câu chuyện kỳ bí, linh thiêng
Đánh vật với con đường rừng dốc thăm thẳm, ngoằn ngoèo, băng qua mấy dãy rừng thông, cuối cùng sau gần nửa buổi tôi cũng tìm được giếng Ông Cụt, với sự giúp đỡ của ông là Lê Văn Sơn, một ông lão đi hái củi người xã Quỳnh Mỹ. Giếng có đường kính chừng hơn 1 mét, sâu chưa đầy 1 mét, phía trên mặt đất là một thành giếng xây bằng đá, dưới đáy là đá màu xanh trắng xen lẫn. Thành giếng chỉ cao khoảng 30 cm, có một bệ bê tông hình vuông làm chỗ để mọi người thắp hương.
Cận cảnh giếng Ông Cụt
Điều lạ là nước ở giếng này lại ngang bằng so với mặt đất và trong vắt một cách khó tin, nhìn thẳng xuống giếng lại có cảm giác như giếng này rất sâu vì mặt nước in hình bóng của rừng thông phía bên như một "bức tranh thủy mặc". Ông Sơn kể: "Thấy lạ vì giếng nông mà nước không bao giờ cạn nên một tốp 5-7 người rủ nhau thử đem mỗi người một cái gầu múc nước múc liên tục xem có cạn được nước giếng hay không. Nhưng kết quả là múc bao nhiêu nước giếng cũng vẫn giữ nguyên mức đó".
Càng tìm hiểu, tôi lại càng thấy nhiều điều bí ẩn. Địa điểm nơi giếng đóng là một bãi đất trống, nếu đứng đó có thể nhìn thấy được bao la bốn bề dân cư dưới chân núi. Ông Sơn cho biết, cách cái giếng này không xa phía dưới có một con suối, đến mùa khô thì cạn nhưng riêng mực nước ở giếng này lúc nào cũng giữ nguyên dù có hạn hán. Những lúc đó hàng trăm hộ dân ở vùng quê Quỳnh Lưu lại tìm đến giếng thần để lấy nước về sinh hoạt.
Không chỉ người dân ở xã Quỳnh Mỹ mà bà con ở nhiều xã khác ở huyện Quỳnh Lưu từ lâu cũng có thể kể vanh vách về những câu chuyện linh thiêng quanh giếng Ông Cụt: cứ vào ngày giỗ mẹ của Ông Cụt và Ông Dài ngày 20/4 (âm lịch) hàng năm thì Ông Cụt và Ông Dài thường về báo hiệu cho dân làng bằng những trận "cuồng phong".
Theo như các cụ cao niên tại xã Quỳnh Mỹ kể lại thì trận gió lốc này vào trung tuần tháng 4 âm lịch hàng năm đều có, và xê dịch trong vòng 10 ngày trước hoặc sau ngày 20/4. Biết được điều này mà vào những ngày sắp đến giỗ mẹ Ông Cụt và Ông Dài thì tại giếng Ông Cụt thường đông nghịt người làng người xã và những vùng lân cận tìm đến thắp hương.
Ông Nguyễn Đông Thành vẫn nhớ như in câu chuyện xảy ra cách đây đúng 30 năm về trước. "Nhớ năm 1982, đúng chiều 20/4 âm lịch, trời đang trong xanh nắng chói chang thì bỗng nhiên mây đen kéo về, rồi một lát sau một trận gió lốc nổi lên. Khi đó gió mạnh đã làm nhà xử án tại tòa án huyện Quỳnh Lưu sập ngói...", ông Thành kể, "Gần đây nhiều người còn đồn rằng nước giếng còn chữa được bệnh. Cái đó thì chưa ai kiểm chứng nên không dám khẳng định, nhưng giếng nước vẫn được coi là báu vật của người dân, thậm chí còn là cứu tinh của người dân trong những ngày hạn hán".
Theo 24h
Thực hư chuyện hóa điên vì mạo phạm thần rắn Không biết từ bao giờ, người dân xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) vẫn quen gọi một loại "rắn đỏ" thường xuyên xuất hiện tại đây là "thần rắn" - là "ngựa ngài". Thậm chí, họ còn lập miếu thờ cho "ngài" để cầu an và tuyệt nhiên không ai dám có hành vi bất kính với loài rắn kì lạ nơi đất...