Thực hư Gia Cát Lượng “mượn gió đông” đánh trận Xích Bích
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng được khắc họa người có thể “hô phong hoán vũ”, được thiên địa thần linh giúp đỡ khiến cho quân Tào Ngụy thảm bại trong trận Xích Bích.
Ảnh minh họa đại chiến Xích Bích.
Gia Cát Lượng (181-234) là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc thời Tam quốc. Ông là người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt 60 năm. Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Loạt bài này sẽ đi sâu lý giải những bí ẩn trong cuộc đời nhà quân sự tài ba Trung Quốc, trong đó có nhiều chi tiết không được đề cập trong tiểu thuyết.
Trận Xích Bích là một trong những trận đánh nổi bật nhất thời Tam quốc, là cơ sở để tạo ra thế chân vạc, giúp Lưu Bị thành lập nhà Thục Hán. Kế “mượn gió đông” để dụng hỏa công trong trận Xích Bích của Gia Cát Lượng, vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.
Các học giả Trung Quốc ngày nay nhận định, đại chiến Xích Bích là chiến dịch quân sự “có tổ chức, có chuẩn bị, được hoạch định trong một thời gian dài”, với sự tham chiến của Tào Ngụy do Tào Tháo lãnh đạo đối đầu với liên minh Tôn Quyền – Lưu Bị.
Ngay từ năm năm 207, Tào Tháo đã huấn luyện thủy quân tại Hà Bắc, chuẩn bị cho kế hoạch xua quân Nam tiến.
Vì muốn bảo toàn thế lực, từ tháng 9/208, Tôn Quyền và Lưu Bị đã thành lập liên minh để đối phó Tào Tháo.
Chiến trường lý tưởng để quyết đấu với Tào Ngụy không đâu khác ngoài Trường Giang – địa điểm cho phép liên quân “dùng sở trường đánh sở đoản của Tào Tháo”.
Xét về lực lượng tham chiến, Tào Tháo ước tính quân đội tham gia Nam tiến có 200.000 người. Sau khi chiếm Kinh Châu, Tào Tháo thu nhận hàng binh từ Lưu Biểu, khiến quân số tăng lên gần 300.000. Tuy vậy, các nhà sử học cho rằng, quân số thực sự có thể chiến đấu của Tào Ngụy chỉ khoảng 150.000 người (trong Tam Quốc diễn nghĩa, Tào Tháo tự nhận mình có 800.000 quân).
Phác họa hình ảnh Gia Cát Lượng.
Ở phía bên kia chiến tuyến, Tôn Quyền có 30.000 thủy quân. Lưu Bị có 10.000 thủy quân và “gần 10.000 bộ binh”. Liên minh Thục-Ngô về cơ bản có khoảng 50.000 – 60.000 lính.
Tháng 10.208, hai phe đụng độ nhau trong trận chiến quyết địch ở Xích Bích. Do quân Tào Tháo là người phương Bắc, không giỏi thủy chiến nên binh sĩ bị bệnh tật, tinh thần xuống thấp.
Vì đánh giá thấp đối phương cùng với năng lực thủy chiến thấp, Tào Tháo liên tiếp phải chuốc lấy thất bại. Tào Tháo rút quân về bờ Bắc sông Trường Giang để ổn định lực lượng.
Để giảm thiểu việc thuyền rung lắc do sóng đánh, khiến quân sĩ nôn mửa, Tào Tháo dùng kế “liên hoàn chiến thuyền”, lệnh cho binh sĩ nối các thuyền chiến lại với nhau, cứ 30-50 chiếc cột làm một, ở phía bên trái mạn thuyền. Như vậy, các binh sĩ trên thuyền có thể đi lại như trên đất bằng, thậm chí cưỡi ngựa được.
Nhược điểm của “Liên hoàn chiến thuyền” là biến lực lượng Tào Tháo trở thành mục tiêu lớn, khó di chuyển và dễ bị trúng hỏa công. Thời điểm diễn ra trận Xích Bích là vào lúc thời tiết mùa đông rõ rệt, khi đó chỉ có gió Tây Bắc nên Tào Tháo hết sức yên tâm. “Thời điểm rét nhất chỉ có gió Tây Bắc chứ làm gì có gió Đông Nam? Quân ta ở hướng Tây Bắc, quân địch ở bờ Nam, nếu chúng châm lửa chẳng phải tự đốt quân mình hay sao, ta sợ gì?”.
Để chuẩn bị cho kế hoạch dùng hỏa công, Đại đô đốc phe Đông Ngô, Chu Du đã lén dùng kế ly gián khiến Tào Tháo giết chết tướng giỏi. Một mặt dùng mưu sĩ tìm cách khiến Tào Tháo tin tưởng vào kế “Liên hoàn chiến thuyền”, mặt khác vừa dùng “khổ nhục kế”, để lão tướng Hoàng Cái xin hàng Tào Tháo để trong ngoài ứng hợp.
Video đang HOT
Mọi sự chuẩn bị sẵn sàng nhưng chỉ thiếu gió đông. Một hôm, Chu Du đứng quan sát động tĩnh quân Tào thì gió Tây Nam nổi lên, đập cả cờ phướn vào mặt.
Phác họa hình ảnh Tào Tháo.
Chu Du vì quá lo lắng nên thổ huyết mà ngã xuống bất tỉnh. Nghe tin, Gia Cát Lượng mượn cớ đến thăm và viết mật thư 16 chữ: “Dục phá Tào công, nghi dụng hỏa công; Vạn sự cụ bị, chỉ kiếm đông phong”. Câu này có nghĩa là muốn đánh bại Tào tháo thì nên dùng hỏa công, mọi sự chuẩn bị đã xong, chỉ chờ gió đông.
Vui mừng vì Gia Cát Lượng hiểu được nỗi lo lắng của mình, Chu Du hỏi xem Lượng có kế gì hay. Gia Cát Lượng tự tin nói mình có tài “hô phong hoán vũ”, mượn gió đông 3 ngày 3 đêm để giúp Đông Ngô đánh Tào Ngụy.
Theo yêu cầu của Gia Cát Lượng, Chu du cho người lập Thất tinh đàn ở phía nam Tịnh sơn, tạo điều kiện để Lượng hàng ngày cầu khấn.
Mặt khác, Chu Du cũng ra lệnh cho Hoàng Cái chuẩn bị sẵn 20 thuyền nhẹ chất đầy vật dễ cháy để chuẩn bị đánh Tào. Nhiều ngày trôi qua mà thời tiết chưa có dấu hiệu biến chuyển khiến Chu du lo lắng.
Nhưng đến một ngày, gió Đông Nam bỗng nhiên thổi mạnh. Chu Du chỉ chờ có vậy phất cờ tấn công. Hoàng Cái soái lĩnh đội thuyền hỏa công, vờ ra hàng Tào Tháo để tìm cách đến gần rồi bất ngờ phóng hỏa, thiêu cháy chiến thuyền Tào Ngụy.
Gió đông càng thổi mạnh khiến lửa bén nhanh, chỉ trong chốc lát, hàng trăm chiến thuyền chìm trong biển lửa.
Thừa thế xông lên, Liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền truy đuổi tàn binh Tào Tháo. Trên đường rút chạy gặp mưa lớn, quân Tào Ngụy chết rất nhiều. Tào Tháo sau đó phải giữ lại một phần binh sĩ trấn giữ Giang Lăng và Tương Dương, còn mình rút quân về phương bắc.
Ảnh minh họa.
Trên thực tế, Gia Cát Lượng không phải là người giỏi trong việc dự báo thời tiết, ông chỉ có thể đoán ngày nào có gió đông chứ không “mượn” được gió.
Gia Cát Lượng là người am hiểu về Kinh Dịch, nên lợi dụng sự biến đổi định kỳ của thời tiết để giúp quân sĩ có sức chiến đấu tốt nhất.
Theo cách lý giải khoa học, Xích Bích là khu vực nằm ở phía đông, gần khu vực sông Trường Giang. Vào mùa đông, vùng đất này hạ nhiệt độ nhanh hơn ở trên sông, tạo thành các khối khí áp cao, giúp cho xuất hiện gió Đông Nam trong từng khoảng thời gian nhất định.
Theo các học giả Trung Quốc, Gia Cát Lượng có thể dự đoán sự xuất hiện của gió Đông Nam nhờ khả năng tinh thông địa lý và thiên văn, ông có thể nhận ra những hiện tượng bất thường để biết được dấu hiệu thời tiết thay đổi.
Cũng có thể gió đông giúp thiêu cháy chiến thuyền Tào Tháo trong trận Xích Bích chỉ là lời thêu dệt. Nếu không có gió, liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền vẫn có thể sử dụng các yếu tố về địa hình để dùng hỏa công.
Sau này, khi đọc Kinh Dịch, Tào Tháo đã ngộ ra nguyên nhân thất bại của mình là bởi yếu tố thời tiết và chỉ còn biết cười lớn.
_________________
Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng 6 lần mở chiến dịch chinh phạt phương Bắc, diệt Tào Ngụy. Bài viết xuất bản sáng sớm ngày 23.12 sẽ làm rõ thêm về vấn đề này.
Theo Đăng Nguyễn – Tổng hợp (Dân Việt)
Bí ẩn về nơi chôn kì nhân Khổng Minh Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng cả đời tận trung, phò tá Lưu Bị vì sự nghiệp chấn hưng nhà Thục Hán, cho đến lúc ông qua đời, nơi an táng thật sự của Gia Cát Lượng ở đâu thì người đời sau cho đến nay vẫn chưa thể xác định được.
Phác họa hình tượng Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng (181-234) là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc thời Tam quốc. Ông là người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt 60 năm. Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Loạt bài này sẽ đi sâu lý giải những bí ẩn trong cuộc đời nhà quân sự tài ba Trung Quốc, trong đó có nhiều chi tiết không được đề cập trong tiểu thuyết.
Sự xuất hiện cuốn tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa nổi tiếng của tác giả La Quán Trung trong giai đoạn thế kỷ 14 đã đưa tên tuổi của Gia Cát Lượng, nhà chính trị, quân sự, chiến lược, ngoại giao kiệt xuất, trở thành không thể thay thế trong trái tim mỗi người Trung Quốc.
Tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa dựa trên sự kiện có thật trong lịch sử Trung Quốc thời Tam quốc. Tuy nhiên, tác giả La Quán Trung có bổ sung những yếu tố truyền thuyết và văn hóa dân gian lẫn gửi gắm tình cảm yêu mến của mình vào nhân vật, nên chân dung Gia Cát Lượng ở ngoài đời thực - cũng như nhiều nhân vật khác - có thể không hoàn toàn như trong tiểu thuyết.
Nhân vật kiệt xuất thời Tam quốc
Gia Cát Lượng sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả ở Dương Đô, quận Lang Nha (nay là Huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông), trong giai đoạn cuối thời Đông Hán.
Tổ tiên Gia Cát Lượng từng giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Gia Cát Lượng mồ côi cha mẹ ở tuổi 12. Ông có 3 anh em và người chú hỗ trợ chu cấp về tài chính .
Gia Cát Lượng cùng anh em trai chuyển đến Nam Dương, vùng quê yên bình vào năm 197. Sử sách ghi lại Gia Cát Lượng cao hơn 1,8 mét.
Gia Cát Lượng khi ra trận.
Ở tuổi 27, Gia Cát Lượng được Lưu Bị mời về phò tá. Lưu Bị là người dòng dõi hoàng tộc, muốn phục hưng triều đình nhà Hán. Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng chính là việc giúp hình thành thế chân vạc tam quốc, liên minh Thục Hán-Đông Ngô chống Tào Ngụy ở phương bắc.
Năm 234, Gia Cát Lượng lần thứ 6 dẫn quân Bắc phạt, đóng quân ở Ngũ Trượng Nguyên. Đó là thời điểm vào giữa mùa hạ, trời nóng bức, chiến cuộc lại không có nhiều tiến triển khiến Gia Cát Lượng rất lo lắng, ưu phiền, cứ mở miệng nói là cáu gắt, một ngày chỉ ăn được chút cơm.
Chẳng bao lâu sau, cơ thể suy kiệt nhanh chóng cuối cùng thành bệnh, nằm liệt giường trong doanh trại. Đến tháng 8, vị quân sự lỗi lạc của nhà Thục Hán nôn ra máu mà chết. Khi đó, Gia Cát Lượng mới chỉ 54 tuổi.
Tinh thông thiên văn, địa lý, Gia Cát Lượng đã dự tính trước nơi chôn cất cho chính bản thân. Theo di nguyện, Gia Cát Lượng muốn được chôn cất ở núi Định Quân. Vì trên đỉnh núi rất bằng phẳng, có thể đóng được cả vạn quân nên mới có tên là núi Định Quân.
Bí ẩn ngôi mộ Gia Cát Lượng
Người đời sau cho đến nay vẫn bàn luận sôi nổi về việc Gia Cát Lượng chọn nơi chôn cất cho mình ở núi Định Quân. Có ý kiến nói Gia Cát Lượng một đời cống hiến cho nhà Thục Hán, khi chết cũng muốn bảo vệ nước Thục.
Pho tượng Gia Cát Lượng.
Ý kiến khác nói, 6 lần bắc phạt thất bại khiến cho Gia Cát Lượng không muốn binh sĩ đưa xác về kinh đô. Nhưng núi Định Quân cũng không chắc chắn là nơi thực sự chôn cất Gia Cát Lượng.
Trang mạng Timetw.com đưa ra giả thiết cho vấn đề này. Trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng dặn dò Lưu Thiện sau khi cho thi thể ông nhập quan thì nhờ 4 binh sĩ khiêng đi về phía nam, đến chỗ nào mà gậy bị gãy hoặc dây bị đứt thì chôn ở đấy.
Gia Cát Lượng là người có công lớn giúp lập nên nhà Thục Hán. Vì vậy, di nguyện cuối cùng của ông là điều mà hậu chủ Lưu Thiện không dám làm trái. Lưu Thiện ra lệnh cho 4 binh sĩ khỏe mạnh khiêng quan tài Gia Cát Lượng về phía nam.
4 người khiêng một ngày một đêm, cuối cùng sức lực cạn kiệt nhưng đòn vẫn chưa gãy, thừng cũng không đứt. Họ liền bí mật bàn với nhau: "Thừa tướng đã chết, triều đình phái chúng ta khiêng quan tài vào nơi rừng hoang núi sâu, đến người đi hộ tống cũng không có ai, chúng ta vì ai mà phải vất vả thế này, hãy cứ cho chôn ở đây cho xong", theo Timetw.com.
Đền thờ Gia Cát Lượng ngày nay.
Bàn xong họ liền đào hố chôn Gia Cát Lượng. Sau khi trở về họ bẩm báo lại rằng đã chôn Thừa tướng như dặn dò xong rồi. Lưu Thiện nghe bẩm báo thì cảm thấy không hợp lý, băn khoăn tại sao cây đòn gãy và thừng đứt sớm như vậy?
Lưu Thiện liền cho bắt giữ cả 4 tên lính thẩm vấn. 4 tên lính không chịu nổi hành hạ thể xác đành khai nhận. Lưu Thiện nghe xong thì phẫn nộ, phán tội khi quân rồi cho chém đầu. Nhưng cũng vì thế mà không còn ai có thể biết mộ Gia Cát Lượng thực sự chôn ở đâu.
Một số ý kiến cho rằng, Gia Cát Lượng sớm đã sớm có dự tính. Sau khi ông chết thì nước Thục cũng sẽ bị diệt trong tay họ Tư Mã và chúng sẽ tìm cách đào mộ ông lên. Vì thế mà Gia Cát Lượng phải tự đạo diễn vở kịch chôn cất với hy vọng giữ được bình yên ở nơi ông an nghỉ.
Nguồn gốc lời đồn đại ngôi mộ Gia Cát Lượng ở núi Định Quân ngày nay có thể lý giải bởi, khu vực này là nơi Hoàng đế Lưu Thiện hạ chiếu cho xây dựng miếu thờ. Đây là miếu thờ Gia Cát Lượng sớm nhất, sớm hơn miếu Vũ Hầu ở Thành Đô 500 năm.
Sau này, nhiều nơi trên đất Trung Quốc cũng lập đền thờ Vũ Hầu để tưởng nhớ công lao của Gia Cát Lượng.
_______________
Đón đọc kỳ sau vào sáng 20.12.2016: Vì sao Gia Cát Lượng phò Lưu Bị mà không phải Tào Tháo?
Theo Danviet
Sự thật về quan hệ "cá nước" giữa Lưu Bị, Gia Cát Lượng Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa khắc họa mối quan hệ khăng khít giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng, như "cá với nước" nhưng các nhà sử học đã chỉ ra những dấu hiệu trái ngược. Phác họa Lưu Bị và Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng (181-234) là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc thời Tam quốc. Ông...