Thực hư chuyện ông Ban-Ki-Moon mang dòng dõi Việt
Ông Phan Văn Đính – Tông thư ký Hôi đông Phan tộc Viêt Nam cho biết ông Ban Ki Moon đúng là người họ Phan nhưng thông tin ông Ban Ki Moon có nguồn gốc Việt Nam thì chưa chính xác, cần phải tìm hiểu thêm.
Chuyến thăm thầm lặng
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Huy Thanh – Trưởng chi 2, dòng họ Phan Huy ở Hà Nội xác nhận, vào ngày 23/5, ông Ban Ki-moon (Tổng thư ký Liên Hợp Quốc) có đến thăm và dâng hương lên nhà thờ họ Phan Huy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai – Hà Nội). Chuyến thăm mang tính chất cá nhân nên diễn ra khá thầm lặng. Trước chuyến thăm hai tuần, có một nữ phiên dịch đến thông báo ngắn gọn với nội dung: “Sắp tới có một đoàn khách quốc tế đến thăm dòng họ Phan Huy nhưng không tiết lộ thời gian cụ thể”. Sau đó, vào ngày 21 – 22/5, nhiều cán bộ thuộc lực lượng công an, bảo vệ đến đặt vấn đề khảo sát địa thế nhà thờ họ.
Cuộc viếng thăm bắt đầu từ 16h đến khoảng 16h45 phút ngày 23/5. Ông Thanh nhớ lại, lúc đó có khoảng 3 – 4 ô tô đến trước nhà thờ họ: “Khi các vị khách đặc biệt bước xuống xe, chúng tôi mới nhận ra đó là ông Ban Ki Moon và phu nhân. Tất cả mọi người có mặt đều rất xúc động và bất ngờ…”. Theo lời ông Thanh, vị Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc rất thân thiện, dễ gần, ông đến bắt tay từng người một trong dòng họ và nói được 2 tiếng “cảm ơn” bằng tiếng Việt, sau đó viết lưu bút.
Theo đó, bút tích mà ông Ban Ki Moon viết được dịch ra có nội dung như sau: “Tôi rất xúc động khi viếng thăm và tỏ lòng thành kính sâu sắc trước ngôi nhà thờ Phan Huy Chú và các thành viên khác của dòng họ Phan.
Ông Ban Ki Moon và phu nhân chụp ảnh lưu niệm với dòng họ Phan Huy ở Quốc Oai – Hà Nội
Cảm ơn dòng họ đã giữ gìn và bảo quản nhà thờ dòng họ này. Là một người con của dòng họ Phan, giờ đây giữ chức Tổng Thư ký của Liên Hợp Quốc, tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng làm theo những lời dạy của tổ tiên”.
Ông Thanh cho biết thêm, vị Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc sau đó còn chụp ảnh lưu niệm với dòng họ Phan Huy cũng như dừng lại khá lâu trước gia phả và sơ đồ của dòng họ. Sau khoảng 45 phút thì đoàn công tác lên xe về Hà Nội. Tại nhà ông Thanh, hiện còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh chuyến thăm của ông Ban Ki Moon với dòng họ Phan Huy, một số bức ảnh khác còn có những người hàng xóm chứng kiến.
“Chúng tôi rất vui và tự hào khi được đón tiếp vị Tổng thư ký liên Hợp Quốc sang thăm nhà thờ họ Phan Huy tuy nhiên thông tin về việc ông Ban Ki Moon có phải là người gốc Việt và thuộc dòng họ chúng tôi hay không thì còn phải nghiên cứu thêm, chúng tôi cũng chưa có đủ thông tin để khẳng định”.
Video đang HOT
Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc ghi sổ lưu niệm
“Cả Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc đều có dòng họ Phan”
Trong khi đó trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Văn Đính – Tông thư ký Hôi đông Phan tộc Viêt Nam cho biết ông Ban Ki Moon đúng là người họ Phan nhưng thông tin ông Ban Ki Moon có nguồn gốc Việt Nam thì chưa chính xác: “Ông Ban Ki Moon họ Phan nhưng họ Phan ở Hàn Quốc chứ không phải họ Phan ở Việt Nam. Cả Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc đều có họ Phan”. Ông Đính từ chối trả lời thêm về vấn đề này.
Chuyến thăm diễn ra trong khoảng 45 phút và được bảo vệ khá nghiêm ngặt
Nhà sử Học Dương Trung Quốc cũng cho biết, ông có biết thông tin ông Ban Ki Moon sang thăm nhà thờ họ Phan Huy ở Quốc Oai và được họ Phan ở Hà Nội tặng một quyển sách do GS, nhà giáo nhân dân Phan Hữu Dật – nguyên Hiệu Trưởng trường Đại học Tổng hợp biên soạn.
Theo lời ông Thanh, ông Ban Ki Moon dừng lại rất lâu trước gia phả dòng họ Phan Huy
Ông Quốc cũng cho biết thêm, nếu giả sử ông Ban Ki Moon là người gốc Việt và thuộc dòng họ Phan thì cũng không có gì là lạ. Bởi Việt Nam có mối quan hệ khá thân thiết với các nước xung quanh. Trong lịch sử, nhiều người Việt di cư và xây dựng dòng họ mình sang các nước láng giềng: “Trước đây, cụ Lý Long Tường, hoàng tử triều Lý nước Đại Việt cũng từng sang Hàn Quốc, sau này trở thành một nhân vật anh hùng và xây dựng dòng họ Lý khá lớn mạnh ở đó. Một số hậu duệ đời sau cũng tìm về quê quán cũ để tìm lại gốc gác của mình…”.
Về thông tin ông Ban Ki Moon có phải là người gốc Việt hay không, ông Quốc cho rằng cần phải nghiên cứu và tìm hiểu thêm: “Dù chưa rõ thực hư ra sao nhưng đây cũng là một hành động đẹp, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, làm gắn kết thêm tình cảm hữu nghị giữa hai nước. Đó là điều rất đáng trân trọng”, ông Quốc nhấn mạnh.
Theo Dantri
"Không dựa vào lưu bút của ông Ban Ki-moon để nhận họ hàng"
Đại diện dòng họ Phan Huy cho hay, thông tin chuyến thăm của ông Ban Ki-moon đến nhà thờ được ghi thêm vào gia phả để tiếp tục "xem xét".
Ngày 23.5, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã tới thăm nhà thờ dòng họ Phan Huy (thôn Thụy Khuê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) và viết lưu bút. Thông tin này đã được chính quyền địa phương và đại diện dòng họ xác nhận.
Ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thăm nhà thờ dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội ngày 23.5 và viêt lưu bút
Theo bản dịch của dòng họ Phan Huy, lưu bút có nội dung: "Tôi rất xúc động khi viếng thăm và tỏ lòng thành kính sâu sắc trước nhà thờ Phan Huy Chú và các thành viên khác của dòng họ Phan. Cám ơn dòng họ đã giữ gìn và bảo quản nhà thờ này. Là một người con của dòng họ Phan, giờ đây giữ chức Tổng thư ký của Liên Hợp Quốc. Tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng làm theo những lời dạy của tổ tiên".
Bút tích của ông Ban Ki-moon tại nhà thờ dòng họ Phan Huy
Bản dịch lưu bút ông Ban Ki-moon của dòng họ Phan Huy
Nội dung những dòng lưu bút trên đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Tuy nhiên, ông Phan Huy Giám, 70 tuổi, người đồng biên soạn Gia phả họ Phan cho hay, dòng họ không coi đây là căn cứ để nhận họ hàng.
"Chúng tôi thực sự vui mừng, vinh dự khi đón một vị khách đặc biệt là ông Ban Ki-moon đến thăm nhà thờ dòng họ. Thời gian tiếp xúc ngắn ngủi, bất đồng ngôn ngữ nhưng ông đã để lại ấn tượng thân thiện, gần gũi. Qua phiên dịch, tôi chưa nghe thấy ông ấy nhận là con cháu dòng họ Phan Huy mà chỉ dâng hương và để lại lưu bút. Chúng tôi rất trân trọng những dòng lưu bút này nhưng sẽ không dựa vào đó để nhận họ hàng", đại diện dòng họ Phan Huy chia sẻ.
Ông Giám cho biết, bản dịch lưu bút của ông Ban Ki-moon cũng khiến ông băn khoăn lật giở lại toàn bộ gia phả. Lịch sử của dòng họ Phan Huy trải qua nhiều biến động thăng trầm, từng có một vài nhánh bị thất lạc tìm về nhận lại họ. Cách đây vài năm, ông Giám cũng tìm ra một nhánh họ Phan Huy ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Trong cuốn gia phả dày gần 300 trang, ông không tìm thấy có nhánh nào của dòng họ ở Hàn Quốc. Ông Giám vẫn cẩn thận ghi thêm vào gia phả: "Ngày 23.5.2015, ông bà Ban Ki-moon (Phan Cơ Văn), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về lễ Tổ tiên tại nhà thờ Đại Tôn ở Thụy Khuê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Hiện chưa có thông tin để xem xét ông ở đời nào, con cháu Cụ nào!".
Đại diện dòng họ Phan Huy cho hay, trường hợp một chi, nhánh, hậu duệ của dòng họ bị thật lạc muốn về bái tổ nhận lại họ hàng phải có đầy đủ căn cứ. Có thể đối chiếu gia phả của chi, nhánh với gia phả dòng họ hoặc khớp với lời dăn dò truyền miệng từ đời trước. Hội đồng dòng tộc sẽ họp bàn xem xét kỹ lưỡng rồi quyết định. Thủ tục nhập lại họ phải làm mấy mâm cơm bái tổ, mời họ hàng để phân chia vai vế.
"Nếu ông Ban Ki-moon có gốc tích họ Phan Huy thì đó là niềm tự hào của dòng tộc chúng tôi. Nhưng hiện chưa có thông tin đầy đủ để xem xét, chúng tôi không thể nói ông ấy là họ hàng được", ông Giám khẳng định.
Được biết, sau chuyến thăm ngắn ngủi hồi tháng 5 của ông Ban Ki-moon, dòng họ Phan Huy chưa nhận thêm thông tin gì về việc này.
Theo gia phả dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội có gốc tích ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Cụ tổ của dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn là Phan Huy Cẩn thuộc đời thứ 7. Đây là một dòng họ sản sinh ra nhiều danh sĩ tài năng cho đất nước trong nhiều lĩnh vực văn chương và khảo cứu như TS Phan Huy Ôn, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Phan Huy Sảng đều là nhà thơ, nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam. Đặc biệt là Phan Huy Chú, người cùng với Lê Quý Đôn được gọi là hai nhà bác học trong lịch sử Trung đại Việt Nam.
Nhà thờ dòng họ Phan Huy tại thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn được Nhà nước cấp bằng công nhận là Di dích lịch sử Văn hóa năm 2004.
Ông Ban Ki-moon sinh ngày 13-6-1944, tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), chuyên ngành quan hệ quốc tế, sau đó ông có bằng thạc sĩ về quản trị công tại Trường đại học Harvard (Mỹ). Ông Ban Ki-moon có vợ và 3 con. Ngoài tiếng Hàn Quốc, ông nói tiếng Anh và Pháp Ông trở thành Tổng thư ký Liên hợp quốc từ 1-1-2007. Trước đó, ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc. Ông đã có nhiều nỗ lực và đóng góp trong việc thúc đẩy vai trò của Liên hợp quốc trên cả ba trụ cột là hòa bình-an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người.
Theo Tất Định - Xuân Lực (danviet.vn)
Tổng thư ký LHQ từng thăm nhà thờ họ Phan Huy ở Việt Nam? Chủ tịch xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) xác nhận, lực lượng công an xã từng phối hợp cùng lực lượng công an huyện đảm bảo an ninh cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon về thăm nhà thờ họ Phan Huy trên địa bàn xã. Trước đó, vào sáng ngày 30.10, một trang báo nước ngoài đăng tải bài...