Thực hư chuyện con gái “tâm thần” giết cha
Người thân đang đốt nhang bên di ảnh ông Đẹp
Theo chính quyền địa phương, Kim Yến, cô gái có hành vi giết cha ruột ở Tân Trụ, Long Anh đã nhiều lần nộp đơn lên UBND xã xin làm… công an nhưng bị từ chối.
Công an huyện Tân Trụ đã khởi tố vụ án và bắt khẩn cấp Trần Thị Kim Yến, tạm giữ hình sự 4 ngày để điều tra hành vi giết cha ruột là ông Trần Văn Đẹp.
Từ thị trấn Tân Trụ tới nhà ông Đẹp khoảng 10km nhưng ai cũng có thể chỉ đường tường tận vì vụ án này gây chấn động quê nghèo. Chỉ đường xong, nhiều người còn khẳng định “cái cô này bị tâm thần đó”. Vừa xong đám tang, cả nhà ông Đẹp ai cũng mệt mỏi nên chỉ có các anh rể và em trai của Yến tiếp phóng viên.
Theo lời kể của gia đình, Yến tuy không có giấy chứng nhận tâm thần nhưng hành vi và cư xử giống người bệnh từ mấy năm nay. Lúc còn đi học, Yến học khá và đạo đức tốt. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học xong cấp 2 thì Yến đi TP. HCM làm công nhân may cùng chị ruột.
Năm 2004, Yến bị tai nạn giao thông, ngã đập đầu xuống đất, phải nằm viện khoảng 10 ngày. Xuất viện, Yến vẫn bình thường nhưng khoảng vài năm trở lại đây thì tâm tính có sự thay đổi, thỉnh thoảng có biểu hiện giống con trai như hút thuốc, uống rượu.
Video đang HOT
Em ruột của Yến là Trần Văn Lợi (20 tuổi) kể lại: Yến làm công nhân tách hạt điều cho một cơ sở gia công gần nhà. Tuy nhiên, do tâm tính Yến khá bất thường nên thích thì làm không thích thì nghỉ. Thỉnh thoảng Yến lại bỏ nhà đi lang thang ngoài đường từ sáng tới chiều mới chịu về nhà. “Chị Yến nhiều khi đang nói chuyện bình thường với mọi người bỗng dưng nổi nóng vô cớ, chửi mắng người xung quanh. Có khi chị còn dùng dao dọa, đòi đâm làm ai nấy đều bỏ chạy tán loạn.
Theo anh Nguyễn Hùng Tiến, anh rể của Yến thì Yến đi làm thường thủ dao trong người, có khi dao lớn, có khi dao nhỏ nhưng chưa gây thương tích cho ai. Trước khi xảy ra vụ việc đau lòng này, trong túi xách của Yến có con dao Thái Lan cán vàng – chính là hung khí gây án.
Theo chính quyền địa phương, Yến còn nhiều lần nộp đơn lên UBND xã xin làm… công an nhưng bị từ chối. Chính vì vậy, ngày 15-11 Cơ quan điều tra đã có yêu cầu giám định tâm thần đối với Trần Thị Kim Yến.
Theo Dân Việt
Làm điều ác là bất hiếu
Phạm Minh Mẫn (giữa) sau phiên phúc thẩm
Bạo hành gia đình dẫn đến những vụ án bi thảm luôn gây bức xúc trong dư luận. Ngoài các biện pháp tích cực để ngăn chặn, điều quan trọng là dạy cho các bạn trẻ biết dùng tình yêu thương, sự kính trọng, lòng biết ơn cha mẹ để có cách xử sự đúng.
Tòa tuyên án. Bà nội của bị cáo sụp xuống lạy HĐXX. Mẹ, em gái, bà con và bạn bè của Phan Minh Mẫn (SN 1990, sinh viên một trường cao đẳng nghề), nước mắt chảy tràn trên gương mặt bừng sáng hy vọng. "Mẫn đã thoát án tử hình, được sống rồi" - ai đó reo khẽ.
Tôi cũng thấy nhẹ người, thoát khỏi cảm giác nghẹt thở khi nghe Mẫn bị tuyên án tử hình ở phiên tòa sơ thẩm. Dù sao, Mẫn vẫn còn quá trẻ và gia đình Mẫn chịu đau đớn, mất mát cũng quá đủ rồi. Nhưng sau giây phút ấy, lòng tôi lại thấy bất an...
Tội ác từ bạo hành gia đình
Cũng như ở phiên tòa sơ thẩm cách đây hơn hai tháng, hoàn cảnh khổ đau của một gia đình có người cha nghiện rượu, bạo hành được tái hiện trước mắt người dự khán qua lời kể của những người trong cuộc khiến cho không khí phòng xử trở nên ngột ngạt. Ở đó, có người cha khi bình thường cũng biết lo cho gia đình, quan tâm đến nghề nghiệp, tương lai của con (dù có hơi cực đoan "nếu học cơ khí, cha cho tiền học, nếu học ngành khác thì thôi"). Nhưng khi rượu vào, ông biến thành hung thần, chửi mắng liên tu bất tận, sẵn sàng đánh đập vợ con, phá phách đồ đạc, thậm chí đuổi vợ con ra khỏi nhà giữa đêm khuya.
Ở đó, có người vợ suốt 20 năm dù bị chồng đối xử "không ra gì" vẫn ráng chịu đựng, không dám nghĩ đến chuyện ly hôn vì "không dứt tình được", sợ ảnh hưởng cha mẹ hai bên, sợ con không có cha... Và ở đó, có hai đứa trẻ từ khi biết nhận thức đã cảm nhận được sự quá quắt của cha, nỗi đau khổ triền miên của mẹ nhưng chỉ biết nuốt vào trong sự bất mãn, đắng cay. Một cuộc sống gia đình ngột ngạt, lắm muộn phiền. Dẫu vậy, không ai nghĩ Mẫn dám làm chuyện tày đình đối với cha. Nỗi đau sau khi vụ án xảy ra vì thế càng tột cùng.
Suốt hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ngoài nước mắt không ngừng tuôn rơi của mẹ và em gái Mẫn, người ta còn chứng kiến nỗi đau như đứt từng khúc ruột của bà nội Mẫn. Phải "chấp nhận" kể tội, lên án một cách không công bằng với đứa con mình rứt ruột sinh ra để có thể giữ lấy mạng sống cho đứa cháu trai duy nhất của dòng họ - nghịch tử giết cha, quả thật đau lắm. "Tội lỗi đều do con tôi gây ra, nó sống quá tồi tệ... Cháu tôi bức xúc quá mà làm vậy... Xin tòa thương tình..."- bà nghẹn ngào.
Còn Mẫn, ít khi dám ngước mặt nhìn lên, trong suốt phiên xử chỉ cúi đầu, lễ phép và run rẩy thừa nhận tội ác của mình: "Nghĩ đến những lần cha say xỉn về nhà đánh đập mẹ con bị cáo, đập phá đồ đạc trong nhà; lúc ngủ cha cũng quơ tay quơ chân... bị cáo không kiềm chế được, chỉ muốn giải thoát cho mẹ... bị cáo không vì mục đích nào khác".
Cả phòng xử lặng ngắt.
Đội ơn chín chữ cù lao
Trong phần nhận định của mình, vị công tố nói vụ án xảy ra có phần lỗi rất lớn của người cha và nguyên nhân gián tiếp của người mẹ khi chỉ biết chịu đựng mà không có biện pháp xử lý tích cực. Bạo hành gia đình kéo dài trong nhiều năm tháng khiến cho bị cáo bị ức chế, dồn nén tâm lý dẫn đến hành vi phạm tội. Hai luật sư bào chữa cho bị cáo cùng chung quan điểm này và rất may, HĐXX cũng xem xét thấu đáo nguyên nhân, động cơ phạm tội của bị cáo, cho Mẫn được cơ hội sống và chuộc lại lỗi lầm.
Tuy nhiên, tôi rất tâm đắc với vị nữ thẩm phán khi bà nói như một lời khuyên chân tình dành cho Mẫn: "Bạo hành gia đình dẫn đến bi kịch con giết cha, tòa cũng đã thấy nhiều. Nhưng lạnh lùng, tàn nhẫn giết trong lúc cha đang ngủ như thế thì chưa thấy bao giờ. Con người ta được sinh ra nhờ có cha và mẹ. Bị cáo thương mẹ cực khổ cả đời, sao lại nỡ đối xử với cha như vậy? Chỉ tính công sinh thành thôi thì việc bị cáo chọn giải pháp như thế có quá đáng không? Nếu không thể sống chung nhà với cha thì khuyên mẹ chia tay hoặc chọn giải pháp khác. Bị cáo chỉ im lặng để rồi làm một việc khủng khiếp, không thể dung thứ được. Cha bị cáo làm mẹ bị cáo đau khổ một, tội ác của bị cáo làm mẹ đau khổ gấp bội phần".
Xuất phát từ nguyên nhân bạo hành gia đình dẫn đến những vụ án bi thảm luôn gây bức xúc trong dư luận. Vụ án của Mẫn cũng không ngoại lệ. Rất nhiều sự cảm thông, chia sẻ dành cho Mẫn. Nhưng tôi lại nghĩ nếu chỉ dừng lại ở đó thôi chưa đủ. Ngoài việc xã hội và những người trong cuộc cần có những biện pháp tích cực hơn để ngăn chặn nạn bạo hành gia đình, điều quan trọng để không xảy ra những vụ án đau lòng chính là dạy cho các bạn trẻ tình yêu thương, sự kính trọng, lòng biết ơn đối với bậc sinh thành. "Đội ơn chín chữ cù lao, sinh thành kể mấy non cao cho vừa". Cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, sinh thành, nuôi dưỡng, giới thiệu con vào đời này, đặc biệt tình thương con là thuộc tính, bản chất của cha mẹ. Vì thế, dẫu không phải lúc nào cha mẹ cũng hoàn toàn đúng, nhưng trong hoàn cảnh đó phải xử sự như thế nào để giải quyết được vấn đề mà không ảnh hưởng đến đạo làm con là điều cần cân nhắc, suy ngẫm. Không tự nhiên mà kinh Phật dạy rằng điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu; tội lỗi giết cha, giết mẹ được xếp vào 5 tội cực trọng gọi là ngũ nghịch tội.
Theo truyền thống người VN, đối với đấng sinh thành, trong chừng mực nào đó, có thể xem như trời đất, bất khả xâm phạm. Còn theo luật pháp, tội giết cha, giết mẹ được xem là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Quá lạnh lùng! Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 9-11-2009, Phan Minh Mẫn đi học về, thấy cha đang nằm ngủ dưới nền nhà. Nghĩ đến việc cha say rượu thường đánh đập, chửi mắng, Mẫn nảy sinh ý định giết cha. Sau khi mua ổ cắm, dây điện, phích cắm, Mẫn tuốt vỏ dây điện, xoắn dây đồng thành cục tròn, rồi cầm hai đầu dây điện chích vào vùng giữa nách phải của cha. Thấy ông co giật nằm ngửa, Mẫn tiếp tục dùng dây điện chích vào bụng và ngực cho đến chết. Xét hành vi giết cha quá lạnh lùng, độc ác, TAND TPHCM đã tuyên phạt Mẫn mức án tử hình. Bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại (mẹ và bà nội của Mẫn) làm đơn kháng cáo xin tha tội chết cho Mẫn.
Theo Người lao động
Tội ác kinh hoàng trong xã hội hiện đại Liên tục trong vài năm gần đây, xã hội phải bàng hoàng trước những tội ác ghê rợn mà kẻ thủ ác gây ra cho đồng loại. Có những tội ác đã gieo vào lòng người dân nỗi hoang mang. Không ít vụ trọng án mà các chuyên gia tội phạm học dày công nghiên cứu cũng không thể tìm ra được đâu...