Thực hiện tốt lời hứa, tín nhiệm sẽ cao
Trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết:
- Câu hỏi chất vấn của các ĐBQH ngày một sắc nét và mạnh mẽ hơn. Điều này thể hiện không khí nghị trường thẳng thắn, minh chứng sự dân chủ trong xã hội chúng ta ngày càng được nâng lên. Kiến nghị của các ĐBQH đều mang tính chất xây dựng, với mong muốn việc điều hành của Chính phủ ngày càng tốt hơn, thông qua tay chèo vững vàng của các “tư lệnh ngành”.
- PV: Trước đây chúng ta chưa làm rõ trách nhiệm cũng như thời hạn thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, việc này sẽ được giám sát ra sao trong thời gian tới?
- Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Chính Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ là cơ sở để xem xét. Vào kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII (đầu năm 2013), lần đầu tiên sẽ tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy đương nhiên các bộ trưởng sẽ phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội và với cử tri. Bộ trưởng nào thực hiện tốt lời hứa thì tín nhiệm sẽ cao và ngược lại, tín nhiệm sẽ xuống thấp nếu bộ trưởng thực hiện không tốt lời hứa của mình. Liên quan đến lời hứa của các bộ trưởng, có một nét rất mới được thể hiện ngay tại kỳ họp thứ 4 này. Đó là ngay sau khi các bộ trưởng trả lời chất vấn xong, thì Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt cho Chính phủ báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại hai kỳ họp trước (thứ 2 và thứ 3), trong đó Phó Thủ tướng nói rõ những việc đã và chưa làm được để ĐBQH cũng như cử tri nắm được. Đó cũng chính là kết quả thực hiện lời hứa của các bộ trưởng – thông điệp là rất rõ ràng.
- Văn phòng Quốc hội có thống kê số lượng ý kiến phát biểu, cũng như những ĐBQH không có ý kiến gì tại kỳ họp không? Liệu có thể lấy đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xem xét lấy phiếu tín nhiệm của đại biểu?
- Việc phát biểu hay không là quyền của ĐBQH, nên không thể lấy làm căn cứ xét lấy phiếu tín nhiệm. Văn phòng Quốc hội có bản bóc băng ghi âm để đưa vào kỷ yếu hàng năm, ghi lại đầy đủ số lượng và ý kiến phát biểu cụ thể của đại biểu.
Video đang HOT
- Xin cảm ơn ông!
Theo ANTD
"Tín nhiệm thấp" nên từ chức
Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 21.11 với 474/478 phiếu thuận, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2013.
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết - Ảnh: Ngọc Thắng
So với dự thảo, nghị quyết đã thu gọn đối tượng, chỉ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt. Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội (QH) chỉ tập trung ở 49 chức danh, gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ QH Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Tổng kiểm toán Nhà nước. Tổng số chức danh QH lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là 49.
Ở cấp địa phương, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành đối với hầu hết các chức danh của HĐND, bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực, trưởng ban và các chức danh phía UBND từ chủ tịch đến các thành viên khác.
QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013. Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm sẽ dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đối tượng lấy phiếu, bỏ phiếu.
Liên quan đến quy định này, trước khi QH biểu quyết thông qua nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý giải trình thêm: Qua thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung một số tài liệu như báo cáo đánh giá của cơ quan trực tiếp quản lý người được lấy phiếu tín nhiệm, nhận xét, đánh giá của cử tri... để bảo đảm thông tin cho các ĐB làm cơ sở cho việc lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, qua cân nhắc, Ủy ban TVQH đề nghị giữ quy định như dự thảo, đồng thời bổ sung thêm quy định ĐB có quyền yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm giải trình thêm về những vấn đề liên quan mà ĐB quan tâm, cần được làm rõ thu thập thêm thông tin từ những nguồn đã được kiểm chứng khác.
3 mức độ tín nhiệm
Việc lấy phiếu tín nhiệm theo nghị quyết chỉ còn 3 mức độ tín nhiệm thay vì 4 mức như dự kiến, đó là "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", và "tín nhiệm thấp" (bỏ mức "không có ý kiến").
Về hệ quả đối với người được đánh giá "tín nhiệm thấp", theo nghị quyết, người có quá nửa tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban TVQH, Thường trực HĐND trình QH, HĐND để bỏ phiếu tín nhiệm.
Về các trường hợp đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, QH quyết nghị Ủy ban TVQH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ đã nêu trên trong các trường hợp: Ủy ban TVQH đề nghị có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số ĐBQH có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của QH người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số ĐBQH đánh giá "tín nhiệm thấp" và người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá "tín nhiệm thấp" 2 năm liên tiếp.
Tương tự, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu (các chức danh đã nêu trên) trong các trường hợp: Có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 1/3 tổng số ĐB HĐND có kiến nghị của Ủy ban MTTQ VN cùng cấp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số ĐB HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" và người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐB HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" 2 năm liên tiếp.
Theo TNO
Bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm từ năm 2013 Sáng qua (21-11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với tổng số 474 đại biểu tán thành (đạt 95,18%). Theo đó, sẽ bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp Quốc hội đầu năm...