Thực hiện chặt chẽ để Nghị quyết 68 thực sự là điểm tựa an sinh
Tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhằm kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp, người lao động.
Người dân thôn 2, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột theo dõi danh sách công khai đối tượng được thụ hưởng Nghị quyết 68. Ảnh: TTXVN phát
Tỉnh đặc biệt chú trọng đến khâu rà soát, tính công khai, dân chủ trong quá trình thực hiện nhằm hỗ trợ đúng đối tượng, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh khó khăn do dịch.
Rà soát kỹ đối tượng
Theo quy định của Nghị quyết 68, trong 12 nhóm chính sách, đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) sẽ do các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng và mức tiền hỗ trợ. Đây cũng là nhóm đối tượng khó xác định, dễ sai sót, đòi hỏi các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phải cẩn trọng, có quy trình rà soát và xác nhận chặt chẽ để hỗ trợ đúng đối tượng, không xảy ra khiếu nại. Tỉnh Đắk Lắk đã rà soát danh sách 4.808 lao động tự do, phê duyệt cho 2.462 người nhận hỗ trợ.
Bà Trần Thị Chuyên (sinh năm 1963, thôn 2, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột) làm nghề thu gom phế liệu nhiều năm nay, chồng bà bán vé số. Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, thu nhập của vợ chồng bà Chuyên khoảng 5 triệu đồng/tháng. Do dịch COVID-19, gần 3 tháng nay, cuộc sống của vợ chồng bà khó khăn vì không mua bán được gì. Nhận được số tiền hỗ trợ 2,6 triệu đồng từ Nghị quyết 68 cho hai người, bà Chuyên xúc động cho biết, số tiền sẽ giúp vợ chồng bà trang trải phần nào để vượt qua thời kỳ khó khăn do dịch.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1956, cùng trú xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ, vợ chồng bà không nghề nghiệp ổn định, không có nương rẫy, chi phí chi tiêu phụ thuộc vào nghề bán vé số của bà. Nhiều tháng nay, do dịch COVID-19 nên vợ chồng bà không có nguồn thu nhập, phải tằn tiện, chắt bóp chi tiêu qua ngày. Nhận được 1,1 triệu tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 68, đó là nguồn động viên giúp vợ chồng bà Hà nỗ lực khắc phục khó khăn ở thời điểm hiện tại.
Video đang HOT
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định 2063/QĐ-UBND ngày 31/7/2021 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo đó, lao động tự do trên địa bàn tỉnh nhận hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, căn cứ số ngày tạm dừng hoạt động theo quyết định của UBND tỉnh hoặc UBND cấp huyện để phòng, chống dịch; số ngày hỗ trợ không quá 30 ngày. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng quy định cụ thể đối tượng lao động tự do được hưởng như: bán hàng rong, thu gom rác, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, bán vé số, xe ôm, sửa xe, bán báo dạo, sửa quần áo nhỏ lẻ, thợ hồ, phụ hồ,…
Theo ông Lê Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh (thành phố Buôn Ma Thuột), trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68, việc xác định nhóm đối tượng lao động tự do là khó khăn nhất vì phải hiểu biết được công việc, hoàn cảnh của từng hộ dân. Do đó, xã đã chỉ đạo 22 thôn, buôn rà soát các nhóm đối tượng theo đúng quy định, tổ chức họp xét để thông qua danh sách rà soát rồi nộp về UBND xã. Hội đồng xét duyệt của xã tiếp tục họp, thông qua danh sách và niêm yết công khai. Trong quá trình niêm yết, nếu không có ý kiến phản ánh của người dân thì mới lập tờ trình lên cấp trên đề nghị phê duyệt, hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) cho biết, xã có diện tích rộng và đông lao động tự do. Để hỗ trợ đúng đối tượng và tránh khiếu kiện khiếu nại, quá trình thực hiện Nghị quyết 68 cần phát huy vai trò của cấp ủy, ban ngành, đoàn thể ở thôn, buôn vì đây là lực lượng hiểu địa bàn, nắm rõ từng hộ dân. Ngoài khâu tuyên truyền về Nghị quyết, danh sách được nhận hỗ trợ cần thông báo trên loa đài cho người dân biết. Sau khi người dân đăng ký, thôn, buôn đến xã phải họp 3 lần xét lại, sau đó thống nhất và niêm yết danh sách để đảm bảo tính dân chủ.
Ngoài vai trò “cầm cân nảy mực” của hệ thống chính trị ở thôn, buôn, để hỗ trợ đúng đối tượng, một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân; đồng thời cần phát huy vai trò giám sát của mặt trận, đoàn thể các cấp trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Lao động tự do ở Đắk Lắk nhận tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 68. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Đảm bảo an sinh
Tính đến hết ngày 27/9, tỉnh Đắk Lắk có 2.984 doanh nghiệp, gần 47.000 người lao động và 6.500 người dân được thụ hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đang xác nhận cho 179 doanh nghiệp với 1.844 lao động ngừng việc hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được thụ hưởng chính sách.
Thực hiện Nghị quyết 68, tỉnh Đắk Lắk gặp phải một số khó khăn như: việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã ảnh hưởng một phần đến việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ; số lượng lao động làm việc ở tỉnh, thành khác trở về địa phương đông song muốn đề nghị hỗ trợ thì phải nộp hồ sơ về Trung tâm dịch vụ việc làm ở các tỉnh, thành phố trước đây làm việc.
Ngoài ra, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa hoạt động lại nên chưa có đơn vị nào đề nghị hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, Sở đã ban hành 10 văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai Nghị quyết và thường xuyên đôn đốc nhằm thực hiện hiệu quả, kịp thời. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ, tư vấn, giải đáp thắc mắc về các nhóm chính sách. Đối với đối tượng lao động tự do, Sở đã tham mưu UBND tỉnh giao thẩm quyền cho UBND cấp huyện xác nhận và chi trả nhằm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Để đảm bảo an sinh xã hội cho các tầng lớp nhân dân, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 68, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành việc cấp phát hơn 534 tấn gạo cứu đói của Chính phủ cho 9.981 hộ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Ngoài ra, tỉnh đã dùng ngân sách địa phương cấp phát hơn 149 tấn gạo cứu đói cho 3.514 hộ dân. Mặt trận, đoàn thể, các địa phương đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 33,5 tấn gạo cho 1.803 hộ dân. Tỉnh Đắk Lắk đang kiến nghị Chính phủ cấp phát thêm gần 1.015 tấn gạo cứu đói cho 18.326 hộ dân với 67.639 nhân khẩu do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài trong thời gian qua.
Dịch COVID-19 khiến nhiều người lao động, doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk rơi vào cảnh chật vật, trong bối cảnh ấy, Nghị quyết 68 được ví như điểm tựa an sinh, giúp người lao động và doanh nghiệp giảm gánh nặng, vơi bớt khó khăn do dịch. Ngoài việc thực hiện chặt chẽ, quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, tỉnh Đắk Lắk đang đẩy nhanh khâu phê duyệt và chi trả nhằm phát huy hết ý nghĩa nhân văn của Nghị quyết, để “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Đã xác nhận danh sách lao động hưởng chính sách hỗ trợ cho 18.813 doanh nghiệp
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 19/8, cơ quan này đã thực hiện xác nhận danh sách lao động cho 346.871 lao động của 18.813 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 61/63 tỉnh, thành phố.
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa thông tin về kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của ngành BHXH Việt Nam tính đến hết ngày 19/8/2021.
Theo đó, đến 19/8, cơ quan BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 277 đơn vị với 46.407 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 323,9 tỷ đồng tại 38/63 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH đã thực hiện xác nhận danh sách 346.871 lao động của 18.813 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 61/63 tỉnh, thành phố.
Trong đó gồm: 237.368 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 17.332 đơn vị; 20.383 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 746 đơn vị; 895 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 5 đơn vị.
Về việc xác nhận danh sách lao động để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, cơ quan BHXH đã xác nhận danh sách 38.982 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 443 đơn vị, được doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc.
Đối với chính sách hỗ trợ vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất, tính đến 19/8, phía BHXH đã thực hiện xác nhận danh sách 32.786 người lao động được doanh nghiệp đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động) của 145 đơn vị.
Đồng thời, xác nhận danh sách 16.457 người lao động được doanh nghiệp đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 142 đơn vị.
Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long đang phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 12 nhóm chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp của tỉnh gặp ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao quà tượng trưng...