Thực hiện bảo hộ cần thiết với 33 ngư dân bị Brunei bắt giữ
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã và đang thực hiện những biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với 33 ngư dân Quảng Ngãi bị bắt giữ tại Brunei. Hiện nay, sức khỏe của các ngư dân này vẫn ổn định.
Một chiếc tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi (Ảnh: quangngai.gov.vn)
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ việc 33 ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 95924-TS bị bắt giữ tại Brunei, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: Đại sứ quán Việt Nam tại nước này đã đến thăm hỏi và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với 33 ngư dân của Việt Nam.
“Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei cũng cho biết, hiện sức khỏe của 33 ngư dân này ổn định và đã thông báo tình hình đến thân nhân của họ. ĐSQ vẫn đang làm việc với các cơ quan chức năng nước sở tại để đảm bảo quyền và lợi ích của công dân Việt Nam”, ông Bình cho hay.
Video đang HOT
Phía Brunei cáo buộc những ngư dân của tàu QNg 95924-T đánh bắt trái phép trên vùng biển nước này và đã xét xử họ trong ngày hôm nay (28/5).
Về thông tin đảo quốc Palau đang giữ 5 thuyền đánh cá và 60 ngư dân của Việt Nam bị cáo buộc đánh bắt trái phép hải sâm ở vùng biển của Palau và việc chính phủ Palau sẽ cho đốt cháy, phá hủy 3 tàu cá và trong tuần tới sẽ đưa 60 ngư dân trên 2 tàu còn lại trả về Việt Nam, Người phát ngôn cho biết, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp làm việc để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân VN cũng như là tàu thuyền của ngư dân VN.
“Tuy nhiên, Việt Nam một lần nữa yêu cầu các nước đối xử nhân đạo đối với tàu thuyền và ngư dân trên cơ sở luật pháp quốc tế và tinh thần nhân đạo đối với các ngư dân gặp nạn”, ông Bình nhấn mạnh.
Người Phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định: “Đối với các công dân Việt Nam gặp khó khăn ở nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam luôn kịp thời xác minh thông tin và triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các công dân”.
Nam Hằng
Theo Dantri
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Đừng đổ lỗi cho bà con nông dân!
"Bài toán nông nghiệp cần có đánh giá, phân tích kỹ hơn và định hướng giải pháp phải căn cơ hơn. Đừng đổ lỗi cho bà con nông dân", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ Quốc hội phân tích câu chuyện đang "nóng" trong lĩnh vực nông nghiệp chiều 25/5.
Nói có bằng chứng rõ ràng, ông Vương Đình Huệ đã kể câu chuyện đoàn của Ban Kinh tế T.Ư đã đi lên tận cửa khẩu Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn để mục sở thị hàng nông sản bị ách tắc ở cửa khẩu, thấu rõ hơn câu chuyện xuất khẩu nông sản sụt giảm, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Câu chuyện mục sở thị được Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ kể cho thấy những nghịch lý. Vải thiều, nhãn Hưng Yên được mua hết từ lúc mới ra hoa, khi thu hoạch được phân loại tại vườn, đóng gói và lên xe chở sang Trung Quốc rất ngon lành. Thanh Long cũng được thu hoạch, phân loại tại vườn nên không ách tắc lắm. Chúng ta gặp ngay tại cửa khẩu biên giới ba mặt hàng nông sản với ba hình ảnh khác nhau. Trong khi vải, nhãn không hề có chuyện tồn đọng thì dưa hấu, hành tím lại phải nhờ đến sự ủng hộ của các bộ ngành và người dân.
Chính vì vậy ông Huệ cho rằng, "việc tồn đọng một số mặt hàng nông sản vừa qua không hẳn là do không có quy hoạch mà vấn đề ách tắc là do tổ chức tiêu thụ chưa tốt".
Ông Vương Đình Huệ nhận định, trong quá trình đi tìm lời giải cho bài toán đầu ra nông sản, đừng đổ lỗi cho bà con nông dân.
Đề xuất các giải pháp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mà quan trọng nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nơi nào nông dân có doanh nghiệp chống lưng thì vấn đề tiêu thụ ổn. Ví dụ như những cánh đồng mẫu lớn của bà con nông dân gắn với Công ty bảo vệ thực vật An Giang, hoặc sữa gắn với Vinamilk thì sản xuất rất ổn định, thị trường bền vững.
Theo ông Vương Đình Huệ, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gắn với các hợp đồng nông sản. "Tuy gặp khó khăn, nhưng lĩnh vực nông nghiệp cũng đang có những tín hiệu mừng khi gần đây nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp như Vincom, Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn TH...", ông Huệ nhấn mạnh.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, chúng ta cần tăng cường thành lập các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp. Hiện nay có tới 93% hợp tác xã đầu vào mà chỉ có 7% hợp tác xã đầu ra. Phải hỗ trợ để hình thành hợp tác xã đầu ra và phải có chính sách giải quyết các tồn đọng về tài chính, sửa đổi chính sách về tín dụng cho hợp tác xã, gắn quy hoạch đất đai với việc phát triển các hợp tác xã... để phát triển nhanh các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp. Xây dựng một chính sách về thương mại biên giới mà trong đó tinh thần là phải tạo ra sự bình đẳng thương mại biên giới. Có chính sách đầu tư cho hạ tầng cửa khẩu (chợ, bãi đỗ, hệ thống dịch vụ...) để hàng nông sản của chúng ta phải được mua bán trên đất chúng ta. Thương mại biên giới phải gắn với tổ chức thương mại trong nước, phải thành một hệ thống căn cơ.
Cuối cùng, ông Vương Đình Huệ đề nghị cần có đánh giá tổng thể việc vừa qua chúng ta đã ký kết được hàng loạt hiệp định thương mại. Điều này do tác động của luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư sửa đổi..., thể chế hóa quyền tự do kinh doanh và có tác động tích cực, tạo ra dư địa lớn cho xuất khẩu. "Bên cạnh đó cũng phải thấy được những thách thức khắc nghiệt. Hàng hóa của nước ngoài sẽ tràn vào lấn át hàng nội địa của ta", ông Huệ nhấn mạnh.
Thanh Liêm
Theo Dantri
Nước mắt người vợ, người mẹ ngóng 33 ngư dân Việt Nam bị Brunei bắt giữ Hơn 10 ngày qua, gia đình, người thân của 33 ngư dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) luôn sống cảnh thấp thỏm, lo âu sau khi nhận tin: chồng con và tàu câu mực bị Brunei bắt giữ khi hành nghề trên biển. Ngày nào, người thân của 33 ngư dân cũng đến nhà thuyền trưởng Nguyễn Quang Xuân (ở xã Bình Chánh)...