Thức đêm làm 30.000 ‘tai giả’ đeo khẩu trang tặng người tuyến đầu chống dịch
“Tôi quyết định làm ‘tai giả’ đeo khẩu trang tặng bác sĩ, những người tuyến đầu chống dịch. Tôi nghĩ, đó là trách nhiệm của tôi, một công dân Việt Nam cần làm lúc cả nước đang chống dịch Covid-19″, Hoàng Huy Anh nói.
Anh Huy Anh và những chiếc ‘tai giả’ do anh làm tặng những người đang chống dịch Covid-19 – NVCC
Mỗi ngày làm 1.000 ‘tai giả’ đeo khẩu trang
Một ngày tháng 4, một lần lên mạng vô tình nhìn thấy hình ảnh chiếc ‘tai giả’ đeo khẩu trang hình xương cá của một bạn trẻ nước ngoài chia sẻ giúp bác sĩ không bị đau tai khi phải đeo thường xuyên, anh Hoàng Huy Anh (trú đường Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) nảy ra ý tưởng, phải làm điều tương tự ở Việt Nam.
Là nhà khởi nghiệp trẻ với một công xưởng nhỏ chuyên sản xuất những mô hình tiểu cảnh, sa bàn và đồ trưng bày bằng nhựa xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nên anh Huy Anh đã suy nghĩ và làm ra chiếc ‘tai giả’ đeo khẩu trang bằng nhựa nguyên sinh, ép phun từ máy nhựa công nghiệp.
Chiếc “tai giả” giúp đeo khẩu trang lâu không bị đau tai
Video đang HOT
Nhờ sự tiếp sức của một đồng nghiệp, anh Huy Anh cải tiến chiếc “tai giả” bằng nhựa dẻo hơn, có thể uốn cong, đeo có cảm giác thoải mái – Ảnh Huy Anh
“Đối với những người phải đeo khẩu trang lâu như các bác sĩ, chiến sĩ, người làm ở tuyến đầu chống dịch thì cảm giác quanh vành tai thật kinh khủng. Chiếc ‘tai giả’ đeo khẩu trang này sẽ giúp mọi người đỡ đau hơn. Đồng thời, nó cũng giúp đeo khẩu trang chặt hơn, ôm mặt hơn, chống lây nhiễm tốt hơn. Vì làm từ nhựa nhiệt dẻo rất bền, có thể uốn cong nên người đeo có cảm giác rất thoải mái”, anh Huy Anh nói.
Ban đầu, anh Huy Anh dự định làm 10.000 ‘tai giả’ đeo khẩu trang để tặng các bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện, điểm cách ly, các cơ quan quân đội, công an, sân bay, khu cách ly, nơi đang trực tiếp chống dịch. Tuy nhiên, sau một vài ngày đăng tải thông tin trên trang cá nhân để các bác sĩ, nhân viên y tế, cơ quan đơn vị đăng ký nhận hàng, số lượng sản phẩm đăng ký đã vượt hơn 30.000 chiếc.
Khó khăn lớn nhất của anh Huy Anh là nhân lực, hiện tại ủng hộ chỉ thị cách ly xã hội của Chính phủ, trong xưởng nhỏ của anh Huy Anh chỉ có một nhân viên làm việc. Là một xưởng nhỏ, anh Huy Anh sản xuất được 1.000 chiếc ‘tai giả’ đeo khẩu trang một ngày, nên những ngày qua, để gấp rút hoàn thiện số sản phẩm tặng cho các bác sĩ, những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, anh Huy Anh cho hay mọi người làm việc từ sáng sớm tới khuya muộn.
Anh Huy Anh nói, sẽ không dừng lại nếu nhu cầu mọi người còn cần “tai giả” đeo khẩu trang – Ảnh NVCC
Việc làm của anh Huy Anh đã nhận được sự ủng hộ của bạn bè, người thân… Có người ủng hộ nguyên vật liệu cũng như hiến kế để cho vật liệu làm ra chiếc ‘tai giả’ mềm mại hơn, dễ chịu hơn, người ủng hộ tiền để mọi người có thể sản xuất nhiều hơn. “Tôi chỉ nhận ủng hộ từ những người thân của mình, những anh em thân cận trong nhà, vì rất lo sợ những điều tiếng không đáng có. Tiền được quyên góp sẽ dùng để thuê 1 xưởng lớn hơn, cung ứng 30.000 sản phẩm cho đợt giao ngày 20.4 này. Tôi cũng sẽ không dừng lại nếu đâu đó còn cần”, Huy Anh nói.
“Mọi người là anh em, cô dì, chú bác của tôi”
Điều xúc động, khi chúng tôi hỏi anh Huy Anh có người thân, bạn bè nào đang làm nhiệm vụ trực tiếp chống dịch không, như bác sĩ, hay các chiến sĩ ở các đơn vị, anh Huy Anh cho hay: “Tôi không có. Nhưng với tôi, tất cả những người đang làm nhiệm vụ đều là anh, em, cô, dì, chú bác của tôi. Bảo vệ mọi người và mọi người bảo vệ mình, tôi coi đó là đạo lý, nói lên sự đoàn kết, yêu thương của mọi người với nhau. Chúng ta đoàn kết sẽ tất thắng”.
30.000 chiếc sẽ được giao tới tận tay bác sĩ, chiến sĩ, những người đang chống dịch – Ảnh Huy Anh
Trong dịch Covid-19, có nhiều ý tưởng sáng tạo làm ‘tai giả’ đeo khẩu trang để tránh đau tai. Trước đây, các bạn đoàn viên thanh niên xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội cũng cùng nhau làm ‘tai giả’ bằng bìa các tông, giấy bìa cứng. Hay tiến sĩ y khoa Trần Ngọc Đăng (Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Y dược TP.HCM) cũng chia sẻ video hướng dẫn cách mọi người có thể tự làm ‘tai giả’ đơn giản bằng miếng nhựa trong (có thể tận dùng bìa bọc sách cũ)…
Nói về việc làm hơn 30.000 chiếc ‘tai giả’ đeo khẩu trang bằng nhựa tặng những người đang chống dịch Covid-19 của bạn trẻ, bác sĩ Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc phòng khám đa khoa Tâm An, huyện Nhà Bè, TP.HCM, người hướng dẫn cách làm kính bảo hộ chống giọt bắn bằng miếng nhựa 5.000 đồng chia sẻ: “Đó thật sự là việc làm ý nghĩa. Đúng là với chúng tôi, những người thường xuyên phải đeo khẩu trang cảm thấy rất đau tai. Những bác sĩ tuyến đầu chống dịch sẽ dễ chịu hơn rất nhiều với chiếc “tai giả” này. Nếu mỗi người góp một chút sức, mọi việc sẽ ổn và tốt đẹp hơn”.
Bảo Vy
Những cây ATM gạo
Chị Võ Ngọc Anh cho hay ý tưởng làm máy ATM gạo để tặng cộng đồng xuất phát từ bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người lao động nghèo gặp khó khăn hơn trong mưu sinh.
Cây ATM gạo đầu tiên đã được nhà khởi nghiệp trẻ hoàn thành - Ngọc Anh
Khi mà cây ATM gạo đầu tiên ở TP.HCM phát gạo tự động, miễn phí cho người nghèo ở khu Vườn Lài (Q.Tân Phú) khiến nhiều người cảm phục, thì ở một công xưởng nhỏ khác tại Q.2 (TP.HCM), có một nhà khởi nghiệp trẻ cùng các nhân viên cũng đang lặng lẽ sản xuất nhiều cây ATM gạo mới.
"Chúng tôi không bán những cây ATM gạo này. Chúng tôi sẽ tặng cho các nhà hảo tâm và sẽ cùng họ vận động gạo để phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi sẽ kết nối với những tấm lòng ở khắp nơi, người có gạo ủng hộ gạo, người có địa điểm ủng hộ địa điểm lắp đặt. Chúng tôi sẽ mang máy tới để tặng miễn phí cho bà con khó khăn trong dịch Covid-19 này", chị Võ Ngọc Anh, 37 tuổi, Giám đốc điều hành Vinalinks Group, người cùng chồng đang động viên anh em trong công ty mau chóng hoàn thành 11 máy ATM gạo để kịp thời phục vụ người dân trong mấy ngày tới, nói.
Chị Võ Ngọc Anh cho hay ý tưởng làm máy ATM gạo để tặng cộng đồng xuất phát từ bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người lao động nghèo gặp khó khăn hơn trong mưu sinh. Những chiếc máy phát gạo tự động này sẽ giải quyết khó khăn ngắn hạn, giúp bà con có những bữa cơm no.
"Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều nhà hảo tâm muốn ủng hộ người nghèo nhưng chưa biết làm sao, bởi làm thiện nguyện không phải dễ dàng, nên với ATM gạo, chúng tôi có thể kết nối nhiều tấm lòng lại. Chi phí làm máy được lấy từ quỹ dành cho công tác thiện nguyện. Khi thấy giúp được cộng đồng, được mọi người ủng hộ, chúng tôi cảm thấy mình có ý nghĩa hơn", chị Ngọc Anh nói.
Anh Nguyễn Trương Tuyến (37 tuổi), chồng chị Ngọc Anh, cho hay hiện máy ATM gạo mẫu đầu tiên đã hoàn thiện xong, 10 chiếc máy nữa đang được gấp rút hoàn thiện. Những chiếc máy này có đặc điểm là đặt ở mặt đất, không cần phải vận chuyển lên cao, khi người dân xếp hàng và tiến tới nhận gạo, máy sẽ nhận diện được người tới, khi đó chỉ cần lấy chân đạp lên một chiếc cần là gạo sẽ chảy ra.
"Vì để trên mặt đất, gọn nhẹ, sẽ không mất công sức đưa gạo lên cao, không cần thao tác dùng tay bấm nút nhận gạo, sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm. Lượng gạo phát ra của máy mỗi lần 3 kg, 5 kg... có thể tùy chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh khó khăn của bà con từng khu vực. Chúng tôi đặt tên máy là ANLODA, nghĩa là "an lòng dân", mong bà con an lòng vì đã có cộng đồng hỗ trợ", anh Tuyến cho biết.
Anh Tuyến cũng chia sẻ trong vài ngày tới sẽ có 11 điểm được đặt máy ATM gạo tại TP.HCM, sẽ được công bố rộng rãi để bà con biết. Các địa điểm đang được xin phép, gạo cũng đã có bạn bè, người quen của anh Tuyến xin được chung tay cùng vợ chồng anh.
"Nếu tiếp tục có mạnh thường quân ủng hộ việc sản xuất máy phát gạo tự động này, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất cây ATM gạo để tặng cho các địa điểm cần hỗ trợ", anh Tuyến nói.
Trong ngày 11.4, tại Hà Nội đã có cây ATM gạo đầu tiên phát gạo cho bà con miễn phí trước Nhà văn hóa P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy. Tại TP.HCM, những cây ATM gạo đang được "trổ hoa" - nhân rộng thêm ở khắp nơi, mong sớm san sẻ khó khăn với những người còn nặng gánh mưu sinh trong dịch. Nói như thầy giáo Phùng Ân Hưng, giáo viên vật lý Trường THPT An Đông (Q.5, TP.HCM), người những ngày qua vận động mạnh thường quân tặng gạo cho bà con Đồng Nai, tặng 2 tấn chuối cho người nghèo ở TP.HCM, thì trong khó khăn mới càng hiểu thấm thía tình người. Trong biến cố, dịch bệnh càng cảm nhận được hết tấm lòng bao la bác ái của người Việt.
Thúy Hằng
Chuyện xúc động về điều trị COVID-19 cho Việt kiều Mỹ Bệnh nhân về nước ăn tết một mình nhưng bất ngờ bị cách ly hai tuần trong căn phòng riêng biệt. Các điều dưỡng thay phiên vào phòng trò chuyện cho ông quên nỗi bất an. Ngày 17-2, tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho hay bệnh nhân Việt kiều Mỹ THK (73 tuổi) đã đủ điều kiện xuất viện...