Thúc đẩy nỗ lực ứng phó dịch bệnh trong cộng đồng ASEAN
Ngày 9-4, tại buổi họp báo quốc tế về Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN 3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng thông tin, hiện dịch Covid-19 đã lan đến toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN với hơn 14.000 ca mắc và 493 ca tử vong.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN 3
Dịch cũng tác động đến nền kinh tế các nước ASEAN, nhất là các ngành dịch vụ, vốn chiếm 30% tổng GDP của ASEAN, gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhiều người dân đứng trước nguy cơ mất việc làm, an sinh xã hội bị thách thức. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó dịch bệnh.
Ngày 9-4, Hội đồng Điều phối ASEAN gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tổ chức phiên họp trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các đối tác nhằm ứng phó dịch bệnh.
Trên cơ sở các khuyến nghị của nhóm công tác liên ngành, các Bộ trưởng Hội đồng Điều phối ASEAN nhất trí với khuyến nghị tập trung vào 3 khía cạnh: kiểm soát, ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh; hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN sinh sống, làm việc và học tập ở các quốc gia thành viên và ở các nước thứ ba; giảm thiểu các tác động kinh tế- xã hội của dịch bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực đã được xem xét như khả năng lập Quỹ Hợp tác chung của ASEAN ứng phó Covid-19; lập kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh; lập mạng lưới các chuyên gia y tế công cộng của ASEAN lẫn các đối tác để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát và điều trị bệnh; ngăn chặn tin tức giả mạo, sai lệnh; hợp tác duy trì chuỗi cung ứng khu vực; đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ các nhu yếu phẩm và vật tư y tế cần thiết cho người dân; hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch bệnh; xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh…
Các nước ASEAN cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ các nỗ lực và nâng cao khả năng tự cường, thích ứng hiệu quả trước các thách thức của dịch bệnh, giữ vững đà hợp tác ASEAN và vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách này.
Các bộ trưởng cũng nhất trí kế hoạch tổ chức các Hội nghị Cấp cao đặc biệt của ASEAN và Cấp cao đặc biệt giữa ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN 3) về Ứng phó dịch bệnh Covid-19 (theo hình thức trực tuyến) vào ngày 14-4-2020. Hội nghị sẽ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch ASEAN 3 chủ trì. Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua 2 văn kiện quan trọng là Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN 3 về Ứng phó dịch bệnh Covid-19.
THÀNH NAM
Toàn văn Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó dịch Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sau khi trao đổi với các nước thành viên ASEAN, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN trước sự bùng phát của dịch bệnh. Báo Nhân Dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn tuyên bố:
Video đang HOT
Thực hiện lau, khử khuẩn tại Trường tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. (Ảnh: ĐĂNG ANH)
1. Những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ của các Quốc gia thành viên ASEAN bày tỏ quan ngại về sự bùng phát của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19). Dịch bệnh này thách thức nghiêm trọng đời sống của người dân và sự phát triển của các quốc gia thành viên ASEAN, cả khu vực và toàn thế giới;
2. Chúng tôi ghi nhận Tuyên bố về "tình trạng y tế công cộng khẩn cấp quốc tế đáng quan ngại" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30 tháng 1 năm 2020;
3. Chúng tôi tái khẳng định cam kết và quyết tâm bảo đảm môi trường sống hòa bình, an toàn cho người dân và sự phát triển bền vững của các quốc gia thành viên ASEAN và khu vực;
4. Chúng tôi nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của đoàn kết ASEAN và tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng của Cộng đồng ASEAN trước sự bùng phát của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra và những thách thức tương tự;
5. Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ với nỗ lực to lớn của Chính phủ và người dân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19;
6. Chúng tôi hài lòng ghi nhận nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN, đánh giá cao vai trò tích cực và hành động kịp thời của kênh hợp tác Y tế ASEAN trong phối hợp với các Đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (các nước Cộng 3) nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của virus corona chúng mới; đồng thời hoan nghênh kết quả tích cực của Hội nghị trực tuyến đặc biệt các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế (SOMHD) ASEAN 3 về Covid-19, diễn ra vào ngày 3 tháng 2 năm 2020;
7. Chúng tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong chiến dịch toàn cầu nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19;
8. Chúng tôi nhận thức tầm quan trọng của sự phối hợp nhịp nhàng và ứng phó chung của ASEAN trong việc kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh;
9. Từ các biện pháp mà các quốc gia thành viên ASEAN và các cơ chế y tế khu vực đang triển khai, chúng tôi nhất trí:
- Tái khẳng định cam kết của ASEAN ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19;
- Tăng cường hơn nữa phối hợp cấp quốc gia và khu vực để đảm bảo rằng ASEAN chủ động và sẵn sàng thích ứng nhằm giảm thiểu và dần loại bỏ các mối đe dọa của dịch bệnh Covid-19;
- Đẩy mạnh chia sẻ kịp thời thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn xử lý giữa các quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc và với các đối tác của ASEAN, WHO và các tổ chức quốc tế, trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị các ca nhiễm Covid-19;
- Khuyến khích tiếp tục tận dụng và tăng cường hợp tác trong các cơ chế khu vực nhằm phối hợp ứng phó với dịch bệnh;
- Giao cơ quan hợp tác chuyên ngành Y tế ASEAN hình thành mạng lưới phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành có liên quan của ASEAN trong các lĩnh vực lãnh sự, xuất nhập cảnh và giao thông vận tải,.. nhằm đảm bảo cách tiếp cận có hệ thống và đồng bộ của Cộng đồng ASEAN ứng phó với dịch bệnh;
- Giao Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) theo dõi chung và báo cáo, khuyến nghị lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36;
- Trong khi khẳng định chính sách nhất quán duy trì nền kinh tế và đường biên giới mở, chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phối hợp và chuẩn hóa các biện pháp kiểm tra y tế tại biên giới và cửa khẩu tại các quốc gia thành viên ASEAN;
- Yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước thành viên ASEAN ở các nước thứ ba tiến hành hỗ trợ lãnh sự cho công dân các nước thành viên ASEAN khi cần trợ giúp;
- Tăng cường hợp tác để đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tin tức và thông tin sai lệch về dịch bệnh Covid-19;
10. Chúng tôi quyết tâm phối hợp chặt chẽ và tích cực với các Đối tác của ASEAN và cộng đồng quốc tế nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch Covid-19;
11. Chúng tôi cam kết dành ưu tiên cao của ASEAN ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này và kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay hỗ trợ ASEAN./.
Theo NDĐT
ASEAN - Liên Hợp Quốc đối thoại về hợp tác chính trị - an ninh Liên Hợp Quốc không chỉ hợp tác đóng góp vì hòa bình, an ninh quốc tế mà còn phối hợp chặt chẽ trong ứng phó với các thách thức toàn cầu. Trong khuôn khổ Hội thảo ASEAN - Liên Hợp Quốc (AURED) lần thứ 7, Đối thoại khu vực lần thứ 5 về hợp tác chính trị - an ninh với chủ đề...