Thúc đẩy kinh tế biển
Để trở thành quốc gia mạnh về biển, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển…
Đoàn viên, thanh niên xã Xuân Thanh, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vệ sinh môi trường biển. Ảnh: MINH HÀ
Việt Nam là quốc gia nằm ven Biển Đông, với bờ biển dài 3.260 km trải dài từ bắc xuống nam và hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Biển Việt Nam tương đối giàu tài nguyên, các giá trị văn hóa – lịch sử; là nơi tập trung nhiều ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia; vùng ven biển có mật độ tập trung đông dân cư nhất cả nước. Trong xu thế phát triển của đất nước và mở cửa, nhất là đẩy mạnh khai thác các tiềm năng, lợi thế của biển mang lại, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đây là chủ trương lớn, có tầm nhìn xa, phù hợp xu thế chung của thế giới và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau hơn mười năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng từ tư duy đến nhận thức; từ kinh tế đến bảo đảm quốc phòng – an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế… Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn cho sự phát triển, tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, thời gian qua mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) chưa được gắn kết chặt chẽ, còn xung đột; chưa bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển với công tác bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển; ô nhiễm môi trường biển có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra nghiêm trọng. Đáng chú ý, tình trạng xả các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn đang diễn biến ngày càng phức tạp ngay tại các tỉnh ven biển, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức, đa dạng sinh học suy giảm; công tác ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, biển xâm thực còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ về biển chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu; trình độ và năng lực khoa học, công nghệ và điều tra cơ bản về biển còn hạn chế, thua kém các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, chưa thật sự là nhân tố then chốt trong phát triển bền vững biển. Cơ chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về biển, trong việc tổ chức thực hiện tại không ít địa phương có biển còn hạn chế, chồng chéo, thiếu hiệu quả…
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, hạn chế, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tổng quát là: Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với BĐKH, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng… Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển… Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ngày 5-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 647/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030…
Theo các chuyên gia, các nhà khoa học lĩnh vực biển và hải đảo, để thực hiện được các mục tiêu mà Đảng, Chính phủ đã đề ra, Việt Nam cần tiếp tục rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật về biển, hải đảo theo hướng hoàn thiện hành lang pháp lý; đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, BVMT, phát huy văn minh sinh thái biển, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế. Khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển bền vững kinh tế biển, phù hợp chuẩn mực quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo; đẩy mạnh đầu tư nguồn nhân lực cho các lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, làm công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Đồng thời, sớm xây dựng và đưa vào vận hành ổn định, thông suốt cơ chế phối hợp, liên thông trong cấp phép nhận chìm ở biển, xả nước thải vào môi trường biển, giao khu vực biển cho các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, BVMT hiệu quả…
Hưởng ứng Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến ngày 8-6), với chủ đề “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”; Ngày Đại dương thế giới (8-6) có chủ đề “Đổi mới vì một đại dương bền vững”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các đảo; khuyến khích nghiên cứu về biển, đảo, hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường biển. Tổ chức chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, không thải rác nhựa ra môi trường; phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp có những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT biển và hải đảo…
Tăng cường thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP về chiến luợc phát triển bền vững kinh tế biển
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn về việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5-3-2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung uơng Đảng khóa XII về Chiến luợc phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi truờng là cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến luợc phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5-3-2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh; Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh là nguời đứng đầu; Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan đề xuất tăng cuờng cơ sở vật chất, năng lực quản lý nhà nuớc tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo cho Sở Tài nguyên và Môi truờng, Chi cục Biển và Hải đảo Thanh Hóa.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tập trung và ưu tiên nguồn lực triển khai ngay các nhiệm vụ có tính đột phá chiến lược đến năm 2025; lồng ghép các nội dung của Nghị quyết vào trong văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, nhiệm vụ liên quan đến biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý được nhà nước giao, phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP, báo cáo UBND tỉnh.
các Sở ban, ngành, UBND các huyện, thành phố ven biển phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung này.
Quảng Trị có huyện nông thôn mới đầu tiên Ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định công nhận huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019. Theo đó, Cam Lộ đã trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh này. Ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định công nhận huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đạt...