Thúc đẩy hành động vì bình đẳng giới
Sáng 27/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội trao tặng học bổng cho 36 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Tham dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội thành phố và trên 500 cán bộ, hội viên phụ nữ…
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, là tổ chức chính trị – xã hội đại diện cho giới nữ, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và nhân dân về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em. Nhiều mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực, vận động nam giới chia sẻ với phụ nữ, đề xuất giải quyết kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em… đã được triển khai và có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả.
Video đang HOT
Bà Lê Kim Anh đề nghị các cấp Hội phụ nữ thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng chủ đề, thông điệp truyền thông Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, các cấp Hội cần gắn hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em với thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, mô hình “5 có 3 sạch”, trong đó chú trọng tiêu chí gia đình không có bạo lực, có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững; Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô trung hậu – sáng tạo – đảm đang – thanh lịch”…
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong ba năm 2019 – 2021, toàn thành phố có 387 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Theo báo cáo hàng năm của Tòa án nhân dân thành phố, trong ba năm 2019 – 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tòa án đã thụ lý 283 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 305 bị cáo, năm sau số vụ tăng hơn năm trước.
Trao tặng học bổng cho 36 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Tại chương trình, Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã phát động, chỉ đạo các cấp Hội triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động. Trên 300 cán bộ, hội viên, phụ nữ huyện Gia Lâm đại diện cho hội viên, phụ nữ thành phố có màn đồng diễn dân vũ sắc cam. Các đại biểu tham dự chương trình cũng viết lên thông điệp cam kết chung tay phòng ngừa bạo lực, xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em…
Nhân dịp này, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã phối hợp với Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em của Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ việc xâm hại phụ nữ nhằm truyền thông, cảnh báo răn đe đối với các hành vi vi phạm. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội cũng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố, Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trao tặng học bổng cho 36 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Đoàn kết và hành động không khoan nhượng để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái
Ngày 25/11 là mở màn cho chiến dịch trọng điểm 16 ngày đoàn kết cùng hành động để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, được Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phát động, trong bối cảnh LHQ cảnh báo những nguy cơ gây ra vấn nạn này đang trở nên trầm trọng hơn và các hình thức bạo lực đang ngày càng đa dạng.
Những bức ảnh phụ nữ bị sát hại trong các vụ bạo lực gia đình trưng bày tại một triển lãm ảnh tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo mới nhất của UN Women dựa trên dữ liệu từ 13 quốc gia (Kenya, Thái Lan, Ukraine, Cameroon, Albania, Bangladesh, Colombia, Paraguay, Nigeria, Côte d'Ivoire, Maroc, Jordan và Kyrgyzstan), kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cứ 3 phụ nữ thì có 2 người cho biết họ hoặc một phụ nữ mà họ biết từng bị bạo hành. Gần 70% số phụ nữ được khảo sát cũng cho rằng bạo lực gia đình gia tăng trong thời gian đại dịch và 60% nghĩ rằng hành vi quấy rối tình dục tại nơi công cộng gia tăng. Hơn 30%, tương đương khoảng 736 triệu phụ nữ trên toàn thế giới, từng hứng chịu bạo hành về thể xác và tâm lý. Cứ 11 phút trôi qua lại có 1 phụ nữ hoặc trẻ em gái bị bạn tình, chồng hoặc người thân sát hại.
Những số liệu này cho thấy vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, một trong những hành vi vi phạm quyền con người nghiêm trọng nhất, vẫn đang tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng do nhiều yếu tố như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu... Những hình thức bạo lực phụ nữ và trẻ em gái phổ biến nhất là bạo hành tinh thần (50%), sau đó là quấy rối tình dục (40%) và bạo hành về thể xác (36%), xảy ra trong gia đình, ở nơi làm việc, học tập, nơi công cộng và trên mạng. Cứ 10 phụ nữ được hỏi thì có 7 người nói rằng hành vi bạo hành đối với phụ nữ là phổ biến trong cộng đồng của họ. Đặc biệt trong những trường hợp bạo lực gia đình, phụ nữ thường không tìm sự trợ giúp bên ngoài. Chỉ có một trong số 10 phụ nữ cho biết các nạn nhân đến trình báo cảnh sát để được giúp đỡ. Theo Khảo sát quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) thực hiện, trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực.
Bạo lực đối với phụ nữ và bé gái để lại những hậu quả tiêu cực trên nhiều phương diện: sức khỏe thể chất, sức khỏe sinh sản, tổn thương về tinh thần, tổn thất về kinh tế. Đó là chưa kể đến khía cạnh "liên thế hệ" của bạo lực gia đình khi trẻ em phải chứng kiến, thậm chí là chịu đựng những hành vi bạo lực. Hơn nữa, thực trạng này còn hạn chế sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong mọi tầng lớp xã hội, phủ nhận các quyền cơ bản của họ, đồng thời ngăn cản đà phục hồi kinh tế đồng đều và tăng trưởng bền vững mà thế giới đang cần hiện nay.
LHQ đã chọn "Đoàn kết: Tích cực tuyên truyền nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" làm chủ đề của Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11 năm nay. Theo đó, các sự kiện cũng như chiến dịch được tổ chức nhằm huy động mọi tầng lớp xã hội trở thành những nhà hoạt động nhằm ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, cũng như đoàn kết với các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, hỗ trợ các phong trào nữ quyền trên khắp thế giới chống lại sự thụt lùi về quyền phụ nữ và kêu gọi vì một thế giới không có bạo lực giới.
Trong thông điệp đưa ra nhân ngày này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh hiện là lúc cần đoàn kết và cùng hành động để thay đổi nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Các chính phủ cần xây dựng, tài trợ và thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia, đồng thời đảm bảo luật pháp được thực thi một cách nghiêm minh. Bên cạnh đó, chiến dịch cũng cần sự tham gia tích cực của các cá nhân và tổ chức đấu tranh chống lại nạn bạo lực gia đình và hỗ trợ những nạn nhân bị bạo hành. Ông Guterres kêu gọi các chính phủ từ nay đến năm 2026 tăng 50% khoản tài trợ cho các tổ chức và phong trào vì quyền của phụ nữ.
Trên thực tế, các chính phủ và tổ chức quốc tế đã và đang triển khai nhiều sáng kiến nhằm ngăn chặn vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đến nay, ít nhất 144 nước trên thế giới đã thông qua luật về chống bạo lực gia đình và 154 nước đã có luật về chống hành vi quấy rối tình dục. LHQ và Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động Sáng kiến Spotlight với ngân sách ban đầu trị giá 500 triệu euro ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Ecuador, Argentina, Mexico, Uganda... Đây là chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái như một điều kiện tiên quyết để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Với nhiều dịch vụ giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực giới, sáng kiến đã hỗ trợ 1,6 triệu phụ nữ và bé gái tại hơn 25 quốc gia và khoảng 2,5 triệu thanh niên đã tham gia các chương trình thúc đẩy bình đẳng giới. Thông qua các chiến dịch, sáng kiến cũng tiếp cận khoảng 130 triệu người để thay đổi hành vi và nhận thức.
Tại Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Luật bình đẳng giới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Mới đây nhất, ngày 14/11, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Chiến dịch nâng cao nhận thức "Trái tim Xanh 2022" cùng thông điệp mạnh mẽ là không khoan nhượng với tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã được phát động
LHQ khẳng định bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái cũng là nội dung chủ chốt của Mục tiêu số 5 "Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái" trong 17 mục tiêu phát triển bền vững được LHQ đề ra cho năm 2030. Tuy nhiên, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang diễn ra và cộng đồng quốc tế chỉ có thể giải quyết được khi có sự chung sức, đồng lòng của tất cả mọi người. Với thông điệp đoàn kết, LHQ khẳng định những nỗ lực và hành động của cộng đồng quốc tế không chỉ được thực hiện trong 16 ngày (từ 25/11 đến 10/12), mà sẽ còn tiếp nối trọn 365 ngày hay lâu hơn nữa, cho tới khi thế giới đạt mục tiêu xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Thay đổi hành vi để thúc đẩy giá trị phụ nữ, chấm dứt lựa chọn giới tính Chiều 17/10, trên 300 sinh viên của trường Đại học Lao động -Xã hội đã tham gia chương trình Tọa đàm với thanh niên có chủ đề "Là con gái để tỏa sáng" nhằm thảo luận về giá trị đích thực của người phụ nữ trong bối cảnh Việt Nam tăng cường bình đẳng giới, hướng tới chấm dứt lựa chọn giới tính...